Nhảy đến nội dung

Con đường đầy thú vị và thi vị

CN II MV(C)

Con đường đầy thú vị và thi vị

  “Hết mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”(Lc 3.6).

   Ơn cứu độ là gì? Theo sách Tự điển công giáo, trang 81 thì:

   Cứu: là giúp; là chữa trị; là giải thoát khỏi cảnh đau thương.

   Độ: là cứu vớt; qua; từ bờ này sang bờ kia.

   Cứu độ là sự giải thoát, chữa lành của Thiên Chúa, để đưa chúng ta đến đời sống mới trong ân sủng nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Ki-tô.

   Như vậy, Sự Cứu Độ của Thiên Chúa là việc Thiên Chúa giải thoát và chữa lành và đưa chúng ta đến đời sống mới trong ân sủng nhờ Đức Giê-su Ki-tô.

  Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa là ơn làm cho chúng ta được giải thoát, được chữa lành và được sống một đời sống mới trong ân sủng nhờ Đức Giê-su Ki-tô.

   Vậy sự cứu độ có 3 việc. Một là giải thoát; hai là chữa trị và ba là đưa chúng ta đến đời sống mới.

    Thiên Chúa giải thoát gì? Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi tình trạng nô lệ của tội lỗi; giải thoát chúng ta khỏi sự cám dỗ của thế gian; của ma quỉ và của “con người xác thịt”, mà thung lũng là một hình ảnh.

   Thiên Chúa sẽ chữa trị gì? Ngài sẽ chữa trị những tính hư nết xấu trong con người của chúng ta, mà núi đồi, khúc quanh co và lồi lõm là hình ảnh.

   Thiên Chúa sẽ đưa con người chúng ta đến đời sống mới trong ân sủng nhờ Đức Giê-su Ki-tô qua các bí tích; Ngài sẽ đưa con người chúng ta từ “tự nhiên” đến “siêu nhiên”; từ “con người tự nhiên” đến “con Thiên Chúa”; và sẽ đưa chúng ta từ “đất” đến “trời”.

    Trong bài Phúc Âm hôm nay, có đoạn viết rằng: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa; sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng hãy lấp cho đầy; mọi núi đồi phải bạt cho thấp; khúc quanh co phải uốn cho ngay; đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”(Lc 3, 3-6).

    Qua đó, chúng ta muốn được thấy ơn cứu độ của Thiên; muốn lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta phải tích cực sắn tay áo lên và làm. Chúng ta phải dọn sẵn con đường cho Chúa; sửa lối cho thẳng để Người đến với chúng ta và đem ơn cứu độ đến cho chúng ta.

   Con đường này mang tên “Cứu Độ”; con đường dẫn ta đến ơn cứu độ; con đường cho chúng ta thấy và lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Cụ thể chúng ta phải làm gì?

    Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy.

    Mọi núi đồi, phải bạt cho thấp.

    Mọi khúc quanh co, phải uốn cho ngay.

 Mọi lồi lõm, phải san cho bằng.

   Con đường cứu độ là một con đường dài. Đó là hành trình cuộc đời của mỗi người chúng ta, từ lúc sinh ra cho đến lúc nhắm mắt. Hình ảnh một con đường băng qua những thung lũng trên những cây cầu; đi xuyên qua những núi đồi; lượn qua những khúc quanh co và đi trên những chỗ lồi lõm nữa. Được đi trên con đường này  thật là thú vị và thi vị.

    Hành trình cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng thú vị và thi vị lắm. Chúng ta sinh ra là một “con người”, nhưng chúng ta phải “làm người”, phải sống sao cho “ra người” và nhất là chúng ta phải nên một con người “tốt lành và thánh thiện”.

Vậy thung lũng của con người chúng ta là gì? Núi đồi, khúc quanh co và lồi lõm của con người chúng ta là gì?

   Thung lũng của con người chúng ta là những tự ti, mặc cảm; những khiếm khuyết, những giới hạn, những yếu đuối.

Chúng ta tự ti, mặc cảm về hình thể, không được như người ta; chúng ta có những khiếm khuyết các bộ phận, không được “mười phân vẹn mười”; không có 3 vòng chuẩn; chúng ta bị giới hạn các khả năng; chúng ta muốn làm điều tốt, chúng ta lại không làm; chúng ta không muốn điều xấu, chúng ta lại làm. Đó là thung lũng của con người của ta.

Chúng ta hãy biến thung lũng đó thành “thung lũng tình yêu” đi. Thay vì tự ti, chúng ta tự tin; thay vì mặc cảm chúng ta “mặc cả”, đâu có ai được như tôi. Dù không có 3 vòng chuẩn nhưng tôi vẫn đẹp như thường. Tôi biết tôi đẹp là được, không cần người khác đo hay khen tôi đẹp tôi mới đẹp. Vì trên đời này, có một mình tôi duy nhất, không có người thứ hai như tôi. Oai chưa !!!

   Có thể nói, chúng ta lấp đầy thung lũng của ta bằng sự tự tin; bằng sự chấp nhận những khả năng, những giới hạn và sự yếu đuối của mình. Có chấp nhận như thế, chúng ta mới thấy cần ơn Chúa, giúp chúng ta vượt trên tất cả.

Núi đồi, đó chính là sự kiêu căng, ngạo mạn của ta. Cho rằng ta đây hơn người; cho mình là nhất thiên hạ; không ai bằng ta; không ai khôn hơn ta; không ai giỏi hơn ta. Chúng ta phải bạt cho thấp những núi đồi này, vì nó chẳng đẹp chút nào, bằng cách tự hạ và sống khiêm tốn. Sống tự hạ và khiêm tốn mới đẹp. Không chỉ đẹp mà còn thánh thiện nữa. Đâu có ai thích người kiêu ngạo bao giờ; ai cũng yêu quí người khiêm nhường hết.

Khúc quanh co, đó chính là sự lươn lẹo, biện hộ và lý lẽ của ta. Ta khôn lỏi, ta lấp liếm; ta “ăn không nói có”; ta “ăn có nói không”; “có ta lại nói không”; “không ta lại nói có”; ta chống chế bằng cách nêu ra những lý lẽ để biện hộ những việc làm sai trái của mình. Ta phải uốn thật ngay bằng cách luôn sống ngay thẳng, có là có; không làm không, dứt khoát là như vậy.

Ta im lặng để đón nhận sự góp ý của người khác, dù đúng hay không đúng. Người ta góp ý chứ không phải người ta phê phán hay bắt ta phải thay đổi. Nếu đúng, tốt, ta cám ơn. Nếu không đúng, ta cũng .... cám ơn nhiều, vì chính bản thân ta nhận ra việc làm đúng của mình. Cũng không cần bào chữa những sai sót của mình làm chi. Sai thì ta sửa. Đâu có ai đưa ta ra tòa xét xử đâu mà lo. Như thế chúng ta sẽ có được nhiều kinh nghiệm sống.

Chỗ lồi lõm, đó chính là tính khí thất thường của ta, lúc mưa lúc nắng đó mà. Đó là những lúc ta hăng say quá; có lúc ta lại lười biếng quá; lúc thì ham ăn nhiều; lúc lại kiêng khem; có lúc ta ham học quá, mà cũng có lúc ta lại ham chơi quá; có lúc thì ta ngủ li bì, có lúc lại thức trắng đêm; có lúc thì “đồ ra, lúc thì lại 3 váy”. Phải lồi đúng chỗ và lõm đúng cách mới tạo ra những “đường cong” tuyệt diệu. Bằng cách sống quân bình. Làm việc, học hành; ăn uống, nghỉ ngơi phải có giờ có giấc và phải có một thời khóa biểu cho chính mình, để tránh thái quá và tránh bất cập. Ta phải trân quí từng giờ, từng phút khi được sống trên trần gian này, đừng lãng phí thời gian Chúa ban.

    Tóm lại, là chúng ta phải điều chỉnh lại lối sống và tư duy của mình. Có như thế, chúng ta sẽ có một sống công chính và thánh thiện. Chúa sẽ dẫn chúng ta đi trong hoan lạc, đến ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người(x. Br5,9). Mãi mãi Chúa sẽ gọi ta là “Bình an xây dựng trên công chính và vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Chúa”(x. Br 5,4). Đúng vậy, những ai sống công chính sẽ được bình an và những ai kính sợ Chúa sẽ được vinh quang.

   Vậy, chúng ta hãy dọn sẵn con người của ta cho Thiên Chúa; sửa lối sống cho ngay thẳng để Người đến với ta. Thiên Chúa sẽ giải thoát và chữa lành ta, Người sẽ đưa chúng ta từ bờ vực thẳm đến bờ vũ trụ; từ thung lũng nước mắt nên thung lũng tình yêu; từ núi đồi ngăn cách đến trân quí, suy phục; từ quanh co hiểm trở nên lượn vòng thú vị; từ lồi lõm khó đi, nên đường cong hấp dẫn; từ bờ đời này đến bến thiên đàng. Đó chính là con đường cứu độ của Thiên Chúa. Con đường đầy thú vị và thi vị.

 Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: