Ơn gọi và sứ mạng của ta là YÊU
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
Chúa Nhật IV MV ( C )
Ơn gọi và sứ mạng của ta là YÊU
“Bấy giờ Con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này đây, Con đến để thực thi ý Ngài như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,7).
Hôm nay đã là Chúa Nhật thứ IV Mùa vọng, tối mai là chúng ta đã long trọng mừng kỷ niệm việc Chúa Giáng Sinh rồi. Việc Chúa Giáng sinh là việc Chúa sinh ra là một con người như hết thảy chúng ta. Thế nhưng Chúa giáng sinh là người để làm chi vậy ? Thánh Phao-lô nói: “Khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Bấy giờ Con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này đây, Con đến để thực thi ý Ngài như Sách Thánh đã chép về con” (x. Dt 10,5;7).
“Khi vào trần gian”, nghĩa là Đức Giê-su nhập thế và nhập thể. Nhập thế là nhập vào thế giới này và nhập thể là làm một con người. Thiên Chúa đã tạo cho Đức Giê-su một thân thể. Vì trước khi vào trần gian, Đức Giê-su là Thiên Chúa, nên không có thân thể như ta. Nên “khi vào trần gian”, thì Thiên Chúa đã tạo cho Ngài một thân thể để làm một con người.
Hy lễ và hiến tế Chúa không ưa cho bằng việc thực thi ý Chúa. Có thể nói, việc thực thi ý Chúa chính là hy lễ và hiến tế Chúa ưa thích nhất. Chúa là THẦN mà, đâu có thân thể như ta đâu mà ưa thích những hy lễ hay những của hiến tế trâu bò hay chiên cừu đâu. Chúa cũng chẳng ham vàng bạc, tiền của gì hết. Chúa chỉ cần con người yêu mến và thực thi ý Chúa mà thôi.
Đức Giê-su đã làm gương cho con người chúng ta, dù Ngài có là Thiên Chúa như Chúa Cha đi nữa, nhưng Ngài đã vâng phục và xuống thế làm người để thực thi ý Chúa Cha. Quả thực, Đức Giê-su đã đến và đã thực thi ý Chúa, nhờ đó mà con người chúng ta được thánh hóa. Được thánh hóa nghĩa là ta được thứ tha tội lỗi và tâm hồn ta được trong trong sạch để có thể đến gần Thiên Chúa.
Mỗi người chúng ta cũng đã được sinh ra trên cõi đời này. Thiên Chúa đã cho cha mẹ ta được cộng tác để tạo cho ta một thân thể và một linh hồn; một con tim biết yêu và một cái đầu biết suy nghĩ. Chúng ta đến trần gian này để làm gì ? Chúng ta đến trần gian này là để thực thi ý Chúa. Mà ý của Chúa là ta phải nên thánh. Dù ta sống trong ơn gọi nào, thì ta phải nên thánh trong ơn gọi đó.
Muốn nên thánh ta phải lãnh nhận ơn tha tội và phải có một tâm hồn trong sạch.
Để lãnh nhận ơn tha tội thì ta phải có lòng ăn năn sám hối và đi xưng tội. Vậy, khi nhận thấy mình lầm lỗi gì thì ta phải ăn năn sám hối ngay, xin Chúa thứ tha; rồi khi có dịp hay cần kíp ta đi xưng tội. Ít ra, sau một ngày làm việc, trước khi nhắm mắt ngủ, ta hãy xin Chúa thứ tha những lỗi lầm ta phạm trong ngày, để tâm hồn ta bình an mà …….ngủ ngon. Như vậy là mỗi ngày ta đều lãnh nhận được ơn tha thứ của Chúa. Ta mà không ăn năn sám hối, ta không xin thì Chúa đâu có tha cho ta được. Khi ta xin thì Chúa tha ngay và tâm hồn sẽ nên trong sạch.
Để trừ khử tận gốc những lầm lỗi của ta, ta phải sống Lời Chúa. Khi ta sống Lời Chúa, ta sẽ dẹp bỏ bớt những việc xấu, những tính xấu và làm những việc tốt lành, thánh thiện. Càng sống Lời Chúa bao nhiêu thì ta càng nên thánh nên thiện bấy nhiêu; tâm hồn ta càng trong sạch bấy nhiêu. Nếu ta không sống Lời Chúa, mà cứ phạm đi tái lại, rồi xin Chúa tha thứ, ta chỉ sạch cái lớp vỏ bên ngoài còn cái lõi chưa sạch được. Phải sống Lời Chúa mới làm cho cái lõi của ta nên thánh nên thiện được.
Ăn năn sám hối và sống Lời Chúa, đó là hy lễ và hiến tế mà Chúa ưa thích nhất, vì điều đó làm cho ta nên thánh nên thiện. Không chỉ cái vỏ mà nhất là cái lõi của ta. Cái lõi đó chính là cái đầu và trái tim của ta. Chúa đã ban cho con người chúng ta lý trí và biết yêu.
Có lý trí để ta biết suy nghĩ, biết đâu là tốt đâu là xấu; biết đâu là ngay, đâu là gian; biết đâu là lành, đâu là dữ. Lành thì làm, dữ thì tránh; ngay thì theo, gian thì bỏ; tốt thì học, xấu thì thôi. Nhưng làm sao ta biết biết đâu là tốt đâu là xấu; biết đâu là ngay, đâu là gian; biết đâu là lành, đâu là dữ ? Chính nhờ Lời Chúa mà ta biết. Làm sao ta biết Lành thì làm, dữ thì tránh; ngay thì theo, gian thì bỏ; tốt thì học, xấu thì thôi ? Nhờ sống Lời Chúa. Chính nhờ việc nghe và thực hành Lời Chúa mà ta khôn ra. Cái khôn này mới làm cho ta nên thánh nên thiện.
Chúa ban cho con người chúng ta khả năng YÊU, để chúng ta biết YÊU. Ta yêu Chúa, ta yêu người; ta yêu cái đẹp, ta yêu chân lý; ta yêu người yêu ta, ta yêu người ta yêu. Tình yêu làm cho con người của ta hưng phấn và hạnh phúc. Là người mà không yêu hay không biết yêu thì thật là uổng phí. “Phí của Giời” !!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!
Có thể nói con người được sinh ra là để YÊU. Tình yêu đó bắt nguồn từ Thiên Chúa. Vì “Thiên Chúa là TÌNH YÊU” (x. 1Ga 4,8). Thiên Chúa mà không phải là “Thiên Chúa TÌNH YÊU” thì không phải là Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu nên mới ban cho con người chúng ta khả năng yêu như Ngài. Tình yêu của Thiên Chúa là Tình yêu CHO ĐI. Tình yêu đó khiến Thiên Chúa tạo dựng vạn vật; ban CON MỘT (x. Ga 3,16) và cứu độ con người. Vì YÊU mà Thiên Chúa muốn cho con người được hạnh phúc như Ngài; được tham dự vào hạnh phúc của Ngài.
Tình yêu của con người đối với Thiên Chúa là Tình Yêu TUÂN GIỮ. “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ Lời Thầy” (x. Ga 14,15). Nói cách khác là thực thi ý Chúa. Thiên Chúa không có hình hài, ta không thấy, nên việc tuân giữ Lời Chúa, việc thực thi ý Chúa, nói lên lòng ta yêu mến Chúa.
Tình yêu đối với người khác là “Yêu người như yêu chính mình”. (x. Mt 22,39). Nghĩa là mình yêu mình thế nào thì mình yêu người khác như thế. Mình muốn điều tốt lành cho mình, thì mình cũng hãy muốn điều tốt lành cho người khác. Như mình muốn được tha thứ, thì mình hãy tha thứ cho người khác; mình muốn làm theo ý mình, thì mình cũng phải để cho người khác làm theo ý của họ. Mình không muốn ai làm điều xấu cho mình, thì mình cũng đừng làm điều xấu cho người khác. Như mình không muốn ai xét đoán mình, thì mình đừng xét đoán người khác; Mình không muốn ai xía vô việc của mình, thì mình đừng có xía vô chuyện của người khác.
Tình yêu phu phụ là tình cảm, là tình yêu nam nữ; là tình yêu dâng hiến và nên một cả xác lẫn hồn; trung thành và chung thủy mãi mãi. Tình yêu này thật là đặc biệt, khi khổng khi không, hai người chẳng có liên hệ gì mà một ngày đẹp trời nào đó; bị “một tiếng sét ái tình” đánh trúng; không hẹn mà gặp; không mơ mà được. Nếu hỏi tại sao thì câu trả lời là “Không biết”. Gặp rồi thì “ra ngẩn vào ngơ”; “xa thì nhớ, gần thì thương”; càng xa càng nhớ; càng gần càng yêu.
Tình yêu này bất chấp tuổi tác; bất chấp tiền của, bất chấp sắc đẹp; bất chấp không gian và thời gian. Tình yêu này là một mầu nhiệm, không thể lý giải; không thể mua chuộc; cũng không thể ép buộc; hoàn toàn tự do và “tự nhiên”. Nói chính xác là tình yêu này đến từ Thiên Chúa, Chúa se duyên; Chúa ban cho. Ai mà có được tình yêu này, hãy trân trọng đón nhận và gìn giữ; hãy yêu cách thánh thiện, chân thành và chân tình.
Có Lời Đức Giê-su nói thế này: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho Tôi, đều sẽ đến với Tôi và ai đến với Tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (x. Ga 6,37). Có thể áp dụng câu này vào tình yêu nam nữ. Cả hai người đều có thể nói, người đến với tôi, người yêu tôi đó là do Chúa ban và tôi sẽ đón nhận người đó và yêu thương với tất cả tấm chân tình của tôi.
Tình yêu đối với vạn vật là yêu cái đẹp; yêu cái thật và yêu cái thiện. Cái gì đẹp thì mình yêu, mình thích. Như một cảnh đẹp thiên nhiên; một cảnh đẹp nhân tạo; một cách cư xử đẹp; một cử chỉ cao đẹp; một nét đẹp văn hóa; một lối chơi đẹp; một bàn thắng đẹp; một bông hoa đẹp. Ta yêu cái thật, sự thật; lời thật; nói thật; việc thật. Ta yêu cái thiện, như một cái tâm thiện; một việc làm thiện; một ý nghĩ thiện; một lối sống thiện; một tâm tình thiện; việc từ thiện,… Nói tóm, điều người ta thường nói đó là CHÂN – THIỆN – MỸ.
Vậy ta hãy noi gương Đức Giê-su, Đấng đã đến thế gian để thực thi ý Chúa, nhằm cứu độ mọi người; làm cho con người được hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau. Ta cũng hãy thực thi ý Chúa trong cuộc đời của ta, qua việc sống Lời Chúa, để ta lãnh được ơn tha thứ và có một tâm hồn trong sạch. Có thể nói ơn gọi và sứ mạng của ta là YÊU. Ta sống trên trần gian này là để YÊU. Một đời để YÊU là một đời HẠNH PHÚC. Ta hãy YÊU cách thánh thiện để ta nên thánh nên thiện mà tham dự vào hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Lm. Bosco Dương Trung Tín