Nhảy đến nội dung

Bảo vệ Sự Sống

CN V MC                                               

Bảo vệ Sự Sống

   Đức Giê-su nói : “Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25).

  Theo Tin mừng của thánh Gio-an, dấu lạ cuối cùng của Đức Giê-su, là loan báo và hướng về niềm hy vọng từ cõi chết đến cõi sống. Niềm tin vào Đức Giê-su là sự sống lại và là sự sống thúc đẩy người tín hữu chúng ta tin tưởng sâu xa hơn.

   Đức Giê-su là sự sống, vì Ngài là Thiên Chúa. Đức Giê-su là sự sống lại vì Ngài đã từ cõi chết sống lại. Bởi đó, “Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin vào Thầy sẽ không phải chết” (x. Ga 11,25-26).

   Cái sống và cái chết ở đây là cái sống và cái chết của linh hồn chứ không phải là của thân xác. Vì như chúng ta đã biết, là người ai cũng phải chết, chẳng có ai sống mãi ở trần gian này. Người tin vào Chúa cũng chết chứ không đâu. Qua cái chết tự nhiên như bao người khác của La-za-rô, Đức Giê-su đã loan báo về cái chết, cái sống của linh hồn và sự phục sinh.

   Người tin vào Chúa, dù có “chết” cũng sẽ được “sống”. Rõ ràng, cái chết đây là cái chết tự nhiên của thân xác và cái sống ở đây là cái sống của linh hồn. Người tin vào Chúa dù cho có chết của thân xác, nhưng sẽ được sống đời đời trên thiên đàng. Còn người nào tin vào Chúa đang sống mà tin vào Chúa thì sẽ không phải chết, nghĩa là ngay đời này người đó đã và đang sống sự sống đời đời rồi.

   Theo sách Giáo lý, thì “Sự sống của con người là điều linh thánh, vì từ ban đầu sự sống này nằm trong quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa và luôn liên kết với cứu cánh duy nhất của mình chính là Đấng Sáng Tạo. Từ khởi thủy cho đến cùng tận đời người, chỉ có Thiên Chúa là chủ sự sống,(nên) trong bất cứ hoàn cảnh nào, không ai được phép trực tiếp hủy hoại mạng sống người vô tội” (x. GLCG, số 2258).

    Qua đó, chúng ta biết và tin rằng sự sống là của Thiên Chúa và chính Thiên Chúa là chủ của sự sống, con người chúng ta chỉ nhận được sự sống đó từ Thiên Chúa mà thôi. Con người ngày nay, dù có phát triển kỹ thuật cao cách mấy, cũng không “chế tạo ra sự sống” được.  Dù có kỹ thuật thụ thai trong ống nghiệm, thì con người cũng lấy trứng và tinh trùng chứ không chế tạo ra trứng và tinh trùng. Hoặc có “sinh sản từ tế bào gốc” để có con cừu Doly, thì các nhà khoa học cũng không chế tạo được tế bào gốc này. Nói tóm, là con người chúng ta chỉ lấy những gì có sẵn thôi.

   Sự sống dù là của con người hay bất kỳ một vật nào đều là linh thánh và nằm trong quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa, luôn liên kết với chủ sự sống là Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn sự sống, nên sự sống của con người hay bất cứ vạn vật nào đều phải liên kết với Thiên Chúa để được sống. Sự sống đó không chỉ ở đời này mà còn tiếp tục trên thiên đàng nữa.

    Bởi đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chùng ta không được phép hủy hoại sự sống của ai, của người vô tội hay của chính mình. Nói người vô tội, vì có những người phạm tội nghiêm trọng, nhà chức trách có quyền tuyên án tử hình. Còn bổn phận của mỗi người chúng ta là “bảo vệ sự sống”. Chúng ta bảo vệ sự sống của chính mình, của mọi người cũng như của vạn vật.

    Chúng ta bảo vệ sự sống của mình, qua việc ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, thể dục thể thao cho có giờ có giấc, điều độ để chúng ta có sức khỏe dồi dào. Về mặt sự sống tinh thần và thiêng liêng, chúng ta lo học hỏi những điều hay lẽ phải; nhất là người tín hữu, chúng ta lo học hỏi Lời Chúa và cầu nguyện, để con người chúng ta có sự quân bình giữa sự sống thân xác và sự sống linh hồn. Chúng ta lo cho sự sống thân xác thế nào thì chúng cũng phải lo cho sự sống của linh hồn chúng ta như vậy. Đừng có “bên trọng bên khinh”, nghĩa là đừng chỉ lo cho sự sống của thân xác mà còn phải lo cho sự sống của linh hồn nữa.

   Chúng ta không được tự sát, vì : “Tự sát là lỗi phạm nặng nề đến sự công bình, đức cậy và đức mến” (x. GLCG, số 2325). Vì sự sống của chúng ta không phải là của chúng ta, mà là của Chúa. Hành động tự sát là tiếm quyền của Thiên Chúa, nên vi phạm sự công bình; đồng thời điều đó cho thấy chúng ta không có lòng trông cậy  vào Chúa, cũng như lòng mến Chúa.

  Chúng ta bảo vệ sự sống của mọi người, từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên; không được phá thai và an tử. Phá thai và an tử là hành động giết người. “Giết người là một tội trọng phạm đến phẩm giá con người và sự thánh thiện của Đấng Sáng Tạo” (x. GLCG, số 2320). Và “Ngay từ lúc thành thai, phôi thai phải được đối xử như một con người, nên phải được che chở cho được toàn vẹn, được chăm sóc và được chữa trị như mọi người khác” (x. GLCG, số 2323). Đồng thời “Cố ý giết người để tránh đau, dù dưới bất kỳ hình thức và lý do nào, vẫn là tội giết người” (x.GLCG, số 2324).

    Ngoài ra, việc làm gương mù gương xấu, cũng là một cách “giết người không dao”, nên chúng ta phải tránh hết sức. “Gương xấu là thái độ hoặc cách sống làm cho người khác bắt chước làm điều xấu. Kẻ làm điều xấu cám dỗ người thân cận, làm hại đến nhân đức và sự chính trực của họ và có thể đưa người anh em đến cái chết về phần linh hồn” (x. GLCG, số 2284).

   Chúng ta bảo vệ sự sống của vạn vật, trong đó có động vật và cây cối. Chúng ta bảo vệ chúng không có nghĩa là chúng ta không ăn thịt và rau quả. Vì đó là những thức ăn Chúa dựng nên cho con người chúng ta. Thế nhưng, chúng ta bảo vệ sự sống của vạn vật là chúng ta không bắn giết bừa bãi hay khai thác cách tận diệt, như phá rừng vô tội vạ; đánh bắt, tàn sát mọi sinh vật từ nhỏ đến lớn.

   Chúng ta bảo vệ vạn vật có nghĩa là khi cần phải ăn thì chúng ta ăn, cũng một vừa hai phải thôi, đừng có phung phí và lãng phí; có ăn một chúng ta phải trồng và nuôi thêm mười.

   Thiên Chúa là sự sống và là sự phục sinh. Thiên Chúa làm cho chúng ta sống và làm cho chúng ta phục sinh. Điều đó Thiên Chúa làm thế nào? Theo thánh Phao-lô thì Thiên Chúa làm qua Đức Giê-su Ki-tô: “Nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng làm cho anh em được sống, vì anh enh đã được nên công chính” (x. Rm 8,10). Phạm tội là đưa đến cái chết của linh hồn và nên công chính là được sống với Thiên Chúa. Nhờ cái chết của Đức Ki-tô, mà chúng ta được tha tội và nhờ Thánh Thần, chúng ta được nên công chính.

   “Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của mình, đang ngự trong anh em mà làm cho thân xác anh em được sự sống mới” (x. Rm 8,11). Nói nôm na là Thiên Chúa dùng Thánh Thần làm cho Đức Giê-su phục sinh thế nào thì cũng làm cho chúng ta phục sinh như vậy.

   Sự sống mới chính là sự sống khi phục sinh. Bởi đó, những ai tin vào Chúa ngay ở đời này, đã có sự sống mới, tức là sự phục sinh rồi vậy. Sự sống là một mầu nhiệm, chúng ta không hiểu thấu được. Như chúng ta không biết chúng ta từ đâu đến và sẽ đi đâu; tại sao chúng ta sống và tại sao chúng ta lại phải chết? Chỉ qua cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô, chúng ta mới hiểu được phần nào.

   Vậy chúng ta hãy tin vào Thiên Chúa, cũng như tin vào Đức Ki-tô; chúng ta trông cậy vào Đức Ki-tô cũng như hãy yêu mến Thiên Chúa; yêu mến sự sống của chúng ta cũng như của vạn vật. Đồng thời hãy cùng nhau bảo vệ mọi sự sống. Chúng ta bảo vệ mọi sự sống với sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa.

    Đặc biệt trong thời đại dịch Covit 19 này. Chúng ta bảo vệ sống của chính chúng ta và của mọi người. Đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho những người đã chết vì bệnh dịch được sống lại trong Thiên Chúa:

   “Lạy Chúa là Cha giàu lòng nhân ái, hiện giờ chúng con đang phải đối đầu với cơn đại dịch lây nhiễm chủng mới vi rút co-ro-na,

   Xin ban ơn và sức mạnh để chúng con qua khỏi cơn đại dịch này.

  Xin cho chúng con không sợ hãi, nhưng có những hành động thích hợp để ngăn ngừa và chữa trị.

   Trong mùa chay này, xin cho chúng ta biết hàng ngày ăn năn và hoán cải đời sống và qua đại dịch này, xin chúng con nhận ra cách sống thích hợp theo ý Chúa.

   Xin cho sự lây nhiễm được dừng lại và xin cho những người bị lây nhiễm có được sự cần thiết và giúp đỡ của các y - bác sĩ, cũng như sớm tìm ra phương thuốc để chữa trị” (phỏng dịch bản kinh cầu nguyện của Công Giáo Nhật Bản).

  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.

                                                                                            

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: