Nhảy đến nội dung

Ăn sạch thì khỏe mạnh, nghĩ tốt thì thánh thiện

CN 22 QN

Ăn sạch thì khỏe mạnh, nghĩ tốt thì thánh thiện

  Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người có thể làm cho con người ra ô uế được. Chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho người ta ra ô uế (x. Mc 7,15).

   “Cái từ bên ngoài” nói đây là của ăn thức uống.

   Trong sách Lê-vi có qui định những loài vật không thanh sạch như: lạc đà, ngân thử, thỏ rừng; loài sống dưới nước như loài không có vây, không có vẩy như lươn, ếch nhái; rồi các loài chim như đại bàng, diều hâu, ó biển, kền kền, quạ, đà điểu, cú, mòng, cắt, cú vọ, cú mèo, bồ nông, ó, cò, diệc, dơi,...Những thứ này, được coi là loài ô uế. Thịt của chúng, các ngươi không được ăn; xác của chúng không được đụng đến. Vì khi đụng đến, các ngươi sẽ ra ô uế (x. Lv 11, 1-28).

   Chắc dựa vào những khoản luật này, mà những người Pha-ri-siêu và Kinh Sư ra thêm luật là phải rửa tay; rửa chén, rửa bình,.....

    Chúng ta cũng hiểu tại sao Chúa lại ra các luật đó. Con người hồi đó, chưa có như chúng ta bây giờ; họ được ví như con trẻ, chưa có phát triển trí tuệ, khi còn là thời sơ khai, nên Chúa dặn như vậy. Những gì là mắt thấy, những thứ được cho là không thanh sạch, thì khi ăn hay đụng vào có thể làm cho con người ô uế. Chứ người trưởng thành đâu cần dặn như vậy.

   Có thể nói thời đại của Đức Giê-su là thời đại con người trưởng thành, nên Chúa nói: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người có thể làm cho con người ra ô uế được. Chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho người ta ra ô uế”.

   Như việc rửa tay trước khi ăn chẳng hạn. Đó chỉ là phép vệ sinh thôi. Nếu để tay bẩn mà cầm cái này, cái kia ăn thì có thể gây đau bụng hay mắc bệnh thôi chứ đâu có làm cho con người ta ra xấu hay tốt được. Điều này bây giờ là rõ ràng, ai cũng hiểu được. Còn những việc rửa tay kia coi như là nghi thức. Như trong thánh lễ, Linh mục có rửa tay; rồi trong các đền của Thần Đạo bên Nhật, người ta vẫn giữ nghi thức rửa tay trước khi vào đền cầu khẩn.

Cũng rõ ràng là từ bên trong con người xuất ra mới làm cho người ta ra ô uế. Từ bên trong, nói chính xác là từ cái đầu; từ sự suy nghĩ của ta mới quyết định làm cho nên xấu hay tốt; nên tốt lành hay xấu xa; nên thánh thiện hay gian ác.

   “Thiên Chúa đã sáng tạo con người có lý trí và ban cho họ một phẩm giá của một nhân vị để hành động có sáng kiến và biết làm chủ các hành vi của mình. Con người có lý trí, nên giống Thiên Chúa; con người được dựng nên có tự do và làm chủ các hành vi của mình”(x.GLCG, số 1730).

   “Tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí để hành động hay không hành động; làm việc này hay làm việc nọ; nhờ đó, con người có thể thực hiện những hành vi có ý thức. Nhờ có ý chí tự do, con người phát triển và trưởng thành trong chân lý và sự thiện”(x.GLCG, số 1731).

   “Có tự do, con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình theo mức độ chủ ý. Người càng đức hạnh, hiểu biết về sự thiện và sống khổ hạnh, ý chí càng làm chủ các hành vi”(x.GLCG, số 1734).

   Qua những điều mà Giáo Lý Công Giáo dạy trên, càng cho chúng ta xác tín điều Đức Giê-su đã nói: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người có thể làm cho con người ra ô uế được”. Điều này không chỉ dừng lại ở đồ ăn thức uống mà còn đúng trong những điều khác nữa. Ví dụ như tiền tài, của cải, danh vọng, sắc đẹp,...

    Những thứ này có thể cám dỗ chúng ta thôi, chứ không làm cho chúng nên xấu được. Vì chúng ta còn có lý trí để suy nghĩ, có nên theo hay không và chúng ta còn có tự do để lựa chọn, có tốt cho chúng ta không. Chúng ta có toàn quyền để quyết định. Nếu chúng ta biết suy nghĩ cho chín chắc; chọn lựa cho kỹ càng và chính xác thì sẽ đem lại ích lợi cho mình cũng như người khác. Nếu chúng ta hồ đồ và chọn sai thì chúng ta và người khác sẽ lãnh hậu quả.

   Quả thật, “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người có thể làm cho con người ra ô uế được” là một chân lý mà chúng ta phải xác tín và chân nhận. Và “Chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho người ta ra ô uế” cũng là một chân lý mà chúng ta phải xác tín và chấp nhận nữa.

   Vì từ bên trong, từ cái đầu, từ cái suy nghĩ; nói chung là từ lòng người mới xuất ra những ý định xấu như : tà dâm, trộm cắp, giết người; ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế (x. Mc 7, 21-23). Có đúng không bạn? Đúng quá đi chứ lị ! Lời Chúa nói đâu có sai.

    Đương nhiên, từ bên trong lòng người cũng xuất ra những ý định tốt nữa, chứ không chỉ xuất ra những điều xấu không mà thôi. Như bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (x. Gal 5,22).

   Như vậy, rõ ràng ràng là con người của ta nên tốt hay xấu; nên tốt lành hay xấu xa; nên thánh thiện hay gian ác là do bản thân ta chứ không do những gì từ bên ngoài. Chính xác là do cái đầu của ta mà thôi. Đó là trung tâm chỉ huy, nơi đó ta suy nghĩ, chọn lựa và quyết định.

   Một câu chuyện ngụ ngôn: một người kia không biết ăn phải cái gì đó mà đau bụng. Anh ta được đưa đến bác sĩ khám. Thế nhưng vị bác sĩ lại không khám bụng mà lại khám mắt. Anh ta mới cự lại bác sĩ “Tại sao tôi đau bụng mà bác sĩ lại khám mắt”. Vị bác sĩ ung dung trả lời : “Tôi khám mắt anh xem mắt anh còn sáng không; có nhìn thấy rõ không mà lại ăn thứ đó vào làm cho đau bụng”.

    Theo tôi, bác sĩ nên khám đầu của anh ta nữa, xem có bệnh tâm thần không; có suy nghĩ được không nữa. Không phải tại đồ ăn mà do cái đầu, do mắt của anh ta có vấn đề. Ăn bẩn thì làm ta đau bụng mà nghĩ bẩn sẽ làm ta ra xấu xa thôi. Cũng có những thứ ăn bẩn làm cho ta nên xấu xa nữa đó là ăn của hối lộ, đút lót; ăn của bất chính, bất công; ăn hớt, ăn bớt, ăn chận của người khác. Còn ăn sạch thì ta khỏe mạnh mà nghĩ tốt thì ta nên thánh thiện. Cũng có những thứ ăn sạch làm cho ta nên tốt lành nữa như ăn những gì do chính bàn tay và khối óc mình làm ra; do mồ hôi và nước mắt mình tạo dựng; do công sức của mình cố gắng.

    Vậy, chúng ta hãy xác tín thêm một lần nữa rằng “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người có thể làm cho con người ra ô uế được”. Từ chân lý này, chúng ta hãy áp dụng vào cuộc sống của mình cách tích cực. Làm sao mình càng đức hạnh, càng hiểu biết về sự thiện thì ý chí của mình sẽ càng làm chủ được các hành vi. Điều đó sẽ góp phần làm cho mình nên thánh nên thiện mỗi ngày một hơn. Ăn sạch thì ta khỏe mạnh mà nghĩ tốt thì ta nên thánh thiện.

 Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: