Nhảy đến nội dung

Của ăn, của uống cho linh hồn chúng ta

CN Lễ Kính Mình và Máu Đức Ki-tô

 Của ăn, của uống cho linh hồn chúng ta

“Mọi người đều ăn và ai nấy được no nê”(Lc 9,17).

  Trong bài Phúc Âm hôm nay, nói về việc Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Người cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ; các môn đệ đem phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn và được no nê.

   Theo sách Giáo Lý công Giáo thì: “Hội Thánh nhận ra các phép lạ hóa bánh ra nhiều khi “Chúa Giê-su đọc lời chúc tụng bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát để nuôi đám đông” tiên báo sự phong phú của tấm bánh duy nhất là Thánh Thể”(x. GLCG, số 1335).

  Trong Thánh Lễ và chỉ trong Thánh Lễ mà thôi, khi truyền phép bánh và rượu, thì Bánh trở nên Mình Thánh Chúa và rượu trở nên Máu Thánh Chúa: “Cho dù nhu cầu khẩn thiết tột độ, tuyệt đối cấm chỉ truyền phép một chất thể này mà không có chất thể kia, hoặc truyền phép cả hai ngoài Thánh Lễ”(x. Giáo luật, điều 927).

Khi truyền phép, Linh Mục đọc chính Lời của Đức Giê-su đã đọc trong bữa tiệc ly: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con” và “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: Vì này là Chén Máu Thầy”.

   Sau lời truyền phép, “Đức Giê-su hiện diện nhờ sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Người. Các Giáo Phụ khẳng định Hội Thánh tin rằng sự biến đổi này có được là nhờ hiệu quả của Lời Đức Ki-tô và tác động của Thánh Thần”; chứ không nhờ hiệu quả của Lời vị Linh Mục(x. GLCG, số 1375).

    Lời của Đức Giê-su nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn”, là “Chúa khẩn thiết kêu mời chúng ta đón rước Người trong bí tích Thánh Thể : “Thật Tôi bảo thật các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông sẽ không có sự sống nơi mình”(x. GLCG, số 1384).

   Thật vậy, “Chúa Ki-tô hiện diện dưới mỗi hình bánh, hình rượu, vì thế rước lễ dưới hình Bánh mà thôi vẫn đem lại cho ta trọn vẹn hiệu quả ân sủng của bí tích Thánh Thể”(x. GLCG, số 1390).

   Tại sao Đức Giê-su lại kêu mời người tín hữu chúng ta rước Mình và Máu Người? Để cho dễ hiểu, chúng ta cứ xem thân xác chúng ta. Mỗi ngày chúng ta ăn 3 bữa; mỗi bữa ăn cơm, ăn bánh mì; ăn thịt, cá, trứng; ăn rau củ và trái cây; rồi uống nước, uống sữa; uống cà phê, uống rượu, uống bia.

   Nếu mỗi ngày chúng ta chỉ ăn một bữa; hay cả tuần; cả tháng chỉ ăn một bữa, thử hỏi chúng ta có sống được không? Chắc chắn là không rồi.

   Con người của chúng ta có hai phần, phần xác và phần hồn. Nhiều khi chúng ta chỉ lo về phần xác mà không lo về phần hồn. Xác cần của ăn, của uống thế nào thì hồn chúng ta cũng cần của ăn, của uống như vậy. Có thể vì phần hồn của chúng ta thiêng liêng, chúng ta không thấy, nên chúng ta không lo. Nếu chúng ta mà thấy phần hồn của chúng ta chắc chúng ta phải sửng sốt, sững sờ thôi.

   Cả tuần mới ăn được một bữa; thậm chỉ cả tháng hay cả năm chỉ tham dự Thánh Lễ và rước lễ một lần, thử hỏi linh hồn chúng ta có ốm o gầy mòn như cây tăm không; chỉ còn “da bọc xương” thôi. Mặc dù, linh hồn của chúng ta thiêng liêng, nhưng chúng cũng cần của ăn và của uống chứ.

    Của ăn của linh hồn chúng ta là Thánh Thể và Lời Chúa. Của uống của linh hồn của chúng ta là ân sủng. “Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thân xác thế nào, việc rước lễ cũng đem lại sự sống kỳ diệu cho đời sống thiêng liêng như vậy. Khi các tín hữu rước lấy Mình của Đấng Phục Sinh, “Mình đã được sống động nhờ Thánh Thần và làm cho người ta được sống”, đời sống ân sủng đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy được giữ gìn, phát triển và canh tân. Để đời sống ân sủng tăng triển, người tín hữu phải được bí tích Thánh Thể là Bánh dành cho kẻ lữ hành trần thế, dưỡng nuôi cho đến giờ lâm tử, lúc ấy, họ sẽ đón nhận như Của Ăn Đàng”(x.GLCG, số 1392).

    Nếu chúng ta không lo cho linh hồn của chúng ta được ăn và được uống đầy đủ, thì làm sao linh hồn của chúng ta khỏe mạnh mà leo lên trời được?

   Vậy, chúng ta phải cho linh hồn của chúng ta ăn uống đầy đủ. Nếu có thì giờ, mỗi ngày chúng ta nên tham dự Thánh Lễ; nếu không được thì ít nhất mỗi tuần một lần vào ngày Chúa Nhật cũng được. Mỗi ngày không tham dự Thánh Lễ được, chúng ta cũng dành ít phút để cầu nguyện sáng tối và có thể đọc và suy gẫm Lời Chúa.

   Chẳng lẽ một ngày 24 tiếng, mà chúng ta không dành ra 15 phút để cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa được sao? Đương nhiên là làm được, chỉ sợ chúng ta không muốn thôi. Nhiều khi chúng ta dành hàng giờ để coi phim; để tán dóc; để “sợt Aiphon” được mà.

   Chắc chắn, khi chúng ta biết được linh hồn của chúng ta cần ăn Thánh Thể; cần nghe Lời Chúa; cần ân sủng để sống và mạnh khỏe, chúng ta sẽ dành nhiều thì giờ để lo cho linh hồn của chúng ta hơn; không chỉ 15 phút mà cả tiếng đồng hồ cũng không có vấn đề chi. Vì chúng ta làm như thế là chúng ta làm cho mình chứ cho ai; mình hưởng chứ ai hưởng vào đây.

   Vả lại, nếu chúng ta có một đời sống thiêng liêng vững chắc; một đời sống nội tâm sâu sắc, thì thử hỏi có khó khăn chi trong đời mà chúng ta không giải quyết và vượt qua; chúng ta sẽ luôn sống trong niềm vui, bình an và hạnh phúc.

   Có thể ví con người của chúng ta có hồn và xác như bánh xe trước và sau của xe đạp hay xe máy hoặc như hai bánh trước và hai bánh sau của xe ô-tô. Hồn và xác của chúng ta mà được ăn uống no nê đầy đủ, thì cuộc đời của chúng ta sẽ chạy bon bon về Thiên đàng cách dễ dàng; nếu chúng ta chỉ lo cho phần xác của chúng ta thôi, thì chẳng khác nào xe đạp hay xe máy chỉ còn một bánh; bánh kia bị xịt lốp; hay như xe con chỉ còn hai bánh; còn hai bánh kia bị pan; di chuyển sẽ khó khăn, cứ cà xịch cà đụi, thì biết bao giờ mới về đến thiên đàng?

    Xác của chúng ta mà được ăn uống no nê; còn linh hồn thì không có gì ăn, không có gì uống, thì khi chết, thân xác chỉ còn bộ xương; còn linh hồn thì ốm o gầy mòn, leo lên thiên đàng, không khéo lại rơi xuống vực thẳm; rơi xuống địa ngục thì khốn.

    Vậy, qua ngày lễ Kính Mình và Máu Đức Ki-tô, chúng ta hiểu biết thêm về của ăn, của uống cho linh hồn chúng ta. Chúng ta hãy cho linh hồn của chúng ta ăn Bánh Thánh Thể; được nghe và suy gẫm Lời Chúa cũng như lãnh nhận ân sủng Chúa mỗi ngày, để linh hồn và thân xác của chúng ta cùng khỏe mạnh mà chạy bon bon về thiên đàng, trong niềm vui, bình an và hạnh phúc.

 Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: