Nhảy đến nội dung

Cuộc điện đàm giữa TT Zelensky và ĐHY Parolin Cầu nguyện cho ĐGH Phanxicô và kêu gọi hòa bình

Cuộc điện đàm giữa TT Zelensky và ĐHY Parolin Cầu nguyện cho ĐGH Phanxicô và kêu gọi hòa bình

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã điện đàm với Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin hôm thứ Sáu, ngày 14 tháng Ba.

Trong cuộc điện đàm, ông đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến Đức Thánh Cha Phanxicô, bày tỏ lòng biết ơn đối với sự ủng hộ về mặt tinh thần của Tòa Thánh đối với người dân Ukraine và thừa nhận những nỗ lực của Tòa Thánh trong việc tạo điều kiện cho những trẻ em “bị trục xuất và di dời bất hợp pháp bởi Nga” trở về.

Cuộc điện đàm diễn ra sau đề xuất do Hoa Kỳ làm trung gian về lệnh ngừng bắn trong 30 ngày giữa Kyiv và Mặc Tư Khoa. Điện Cẩm Linh đang nghiên cứu đề xuất này.

Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Zelensky đã chia sẻ tin tức với Đức Hồng y Parolin—người mà ông đã gặp trước đó trong chuyến thăm Ukraine vào tháng Bảy—bằng một bài đăng trên tài khoản X của mình. Cuộc trò chuyện sau đó đã được Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, xác nhận trong cuộc họp báo hàng ngày với các nhà báo.

“Tôi đã nói chuyện với Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin. Tôi chúc Đức Giáo hoàng Phanxicô mau bình phục và cảm ơn ngài vì những lời cầu nguyện và sự ủng hộ về mặt tinh thần của ngài dành cho người dân chúng tôi, cũng như những nỗ lực của ngài trong việc tạo điều kiện cho trẻ em Ukraine bị trục xuất và di dời bất hợp pháp bởi Nga trở về,” Tổng thồng Zelensky viết trong bài đăng của mình.

“Tòa Thánh đã nhận được danh sách những người Ukraine bị giam giữ tại các nhà tù và trại tị nạn của Nga. Chúng tôi trông cậy vào sự hỗ trợ của Tòa Thánh để họ được phóng thích,” ông nói thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng việc trao đổi tù nhân và lệnh ngừng bắn trong 30 ngày sẽ là “những bước đi cụ thể đầu tiên” hướng tới mục tiêu đạt được “một nền hòa bình công bằng và lâu dài.” Ông khẳng định rằng “Ukraine sẵn sàng thực hiện những bước đi này vì người dân Ukraine mong muốn hòa bình hơn bất kỳ ai khác.” Tổng thống Zelensky còn nhấn mạnh rằng “tiếng nói của Tòa Thánh rất quan trọng trên con đường hướng tới hòa bình.”

Đối với những nỗ lực vì trẻ vị thành niên và tù nhân, đây không phải là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Ukraine công khai cảm ơn Tòa Thánh vì những nỗ lực của Tòa Thánh trong việc bảo đảm trả tự do cho hơn 19.000 trẻ vị thành niên Ukraine bị bắt cóc sang Nga và tạo điều kiện cho việc trao đổi tù nhân. Kể từ khi xung đột nổ ra, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi ngoại giao Vatican can thiệp vào những vấn đề nhân đạo quan trọng này. Ông đã nhắc lại những yêu cầu này trong buổi tiếp kiến đầu tiên thời chiến với Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2023 và một lần nữa trong cuộc diện kiến gần đây nhất của họ vào ngày 11 tháng Mười năm 2024. Tổng thống Zelensky đã diện kiến Đức Thánh Cha bốn lần, ba lần tại Vatican và một lần trong cuộc họp song phương tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Puglia, miền nam nước Ý.

Sứ mệnh của Đức Hồng y Zuppi

Năm 2024, Tổng thống Zelensky cũng đã sử dụng X để bày tỏ lòng biết ơn đối với Tòa Thánh vì những nỗ lực của Tòa Thánh trong việc bảo đảm trả tự do cho hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, Ivan Levytskyi và Bohdan Heleta, những người đã bị bắt vào tháng Mười Một năm 2022 và sau đó được trả tự do trong một cuộc trao đổi tù nhân vào ngày 29 tháng Sáu năm 2024. Tổng thống Ukraine cũng ca ngợi phái đoàn ngoại giao do Đức Hồng y Matteo Maria Zuppi dẫn đầu, nhằm mục đích xoa dịu căng thẳng trong cuộc xung đột. Nhiệm vụ của Đức Hồng y Zuppi gồm những chuyến thăm không chỉ đến Kyiv mà còn đến Mặc Tư Khoa, Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh, những nơi mà ngài tham gia đối thoại với cả đại diện chính trị và tôn giáo.

Như Đức Hồng y Parolin đã nhắc lại nhiều lần, nhiệm vụ của Đức Hồng y Zuppi đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập cơ chế trao đổi tù nhân và hồi hương trẻ em Ukraine. Điều này cũng đã được Đức Tổng giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế của Vatican, xác nhận trong Hội nghị Công thức Hòa bình tại Montreal, một sáng kiến do Tổng thống Zelensky đề xuất vào tháng Mười năm 2024. Một chủ đề thảo luận chính là đề xuất thứ tư trong Công thức Hòa bình gồm mười điểm: “trả tự do cho tất cả tù nhân và người bị trục xuất”.

Đức Tổng Giám mục Gallagher nhấn mạnh rằng viện trợ nhân đạo là trọng tâm chính trong nhiệm vụ của Đức Hồng y Zuppi tại Kyiv và Mặc Tư Khoa. Những nỗ lực của ngài đã dẫn đến việc thiết lập một khuôn khổ cho việc hồi hương trẻ em và trao đổi thông tin thường xuyên giữa hai bên, gồm những cuộc họp trực tuyến có sự tham gia của các sứ thần tòa thánh tại Ukraine và Nga—Tổng giám mục Visvaldas Kulbokas và Tổng giám mục Giovanni d’Aniello.

“Sự hiện diện của hai sứ thần tòa thánh có giá trị trong việc thúc đẩy đối thoại,” Đức Tổng giám mục Gallagher giải thích. Ngài lưu ý rằng Kulbokas, nói riêng, đã xác định các tổ chức Công giáo sẵn sàng tiếp nhận những gia đình có trẻ em hồi hương. Trong khi đó, Tòa Thánh tiếp tục yêu cầu cập nhật danh sách trẻ em bị trục xuất, đã gửi danh sách hàng nghìn tù nhân trong những cuộc kêu gọi trả tự do cho họ và đã thúc giục chính quyền Nga trả lại thi thể của những quân nhân Ukraine tử trận.

Nguyễn Minh Sơn

Tác giả: