Đời này chúng ta sống trong niềm vui; Đời sau chúng ta sống trong hạnh phúc.
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 15 QN
Đời này chúng ta sống trong niềm vui; Đời sau chúng ta sống trong hạnh phúc.
“Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”(Lc 10,25).
Đây là một câu hỏi khá hay và khá hy hữu. Hy hữu, vì có mấy ai ngoài người tín hữu ki-tô ra, lại quan tâm đến sự sống đời đời. Khá hay, vì người ta cần đến tiền bạc, của cải, châu báu, đất đai làm gia nghiệp; chứ người ta đâu để ý gì đến sự sống đời đời đâu.
Chúng ta cùng tìm hiểu về sự sống đời đời là cài gì? Sự sống đời đời là sự sống sau cái chết. Nó có thể là sự sống đời đời trên thiên đàng hay sự sống đời đời trong hỏa ngục.
Sự sống đời đời trên thiên đàng là cuộc sống hạnh phúc.
Sách Giáo Lý công Giáo nói về sự sống đời đời trên thiên đàng như sau: “Chúng ta không đủ khả năng hiểu biết và trình bày mầu nhiệm hiệp thông vinh phúc với Thiên Chúa và với tất cả mọi người ở trong Đức Ki-tô. Khi nói về mầu nhiệm này, Thánh Kinh dùng những hình ảnh như Sự Sống, Ánh Sáng, Bình An, Tiệc Cưới, Rượu Mới trong Nước Trời, Nhà Cha; thành Giê-ru-sa-lem thiên quốc, Thiên Đàng: “Điều mắt chẳng hề thấy; tai chẳng hề nghe; lòng người không hề nghĩ tới. Đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người”(x. GLCG, số 1027).
Hiểu nôm na là Thiên Đàng, nơi đó, chúng ta sống trong ánh sáng; sống trong bình an; sống trong niềm vui; sống trong sự say mê; sống trong Nhà Cha của chúng ta. Thiên đàng thế nào thì chúng ta không biết được, nhưng nơi đó chúng ta chưa hề thấy, chưa hề nghe, cũng không hề nghĩ tới, thế mới hấp dẫn, mới đặc biệt, mới đáng cho chúng ta mong ước và hy vọng chứ !!!!!!!!!!!
Còn sự sống đời đời nơi hỏa ngục là cuộc sống đau khổ, thì sách Giáo Lý Công Giáo nói như sau: “Chúa Giê-su thường nói về “hỏa ngục”, về “lửa không hề tắt” dành cho những ai đến chết vẫn không chịu tin và không chịu hoán cải. Họ sẽ mất cả xác lẫn hồn trong hỏa ngục. Chúa Giê-su đã nghiêm khắc cảnh cáo: “Con Người sẽ sai Sứ Thần của mình tập trung mọi kẻ gian ác,...mà quăng vào lò lửa”. Người tuyên án: “Quân bị nguyền rủa kia, hãy đi khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời” (x. GLCG, số 1034).
Nói đến lửa là nói đến cái nóng. Nhiệt độ mà nóng đến 40 hay 45 độ là chúng ta thấy mệt rồi. Nóng như lửa thiêu mà !!! Lửa thiêu nếu chúng ta chết rồi thì chẳng thấy đau gì cả; nếu còn sống thì cũng chết thôi, chết rồi thì cũng chẳng thấy khổ gì hết. Đàng này, lửa thiêu mà chúng ta không chết; đời đời bị lửa thiêu như vậy thì chúng ta sẽ khốn khó và đau khổ biết chừng nào!!!!!!!! Nghĩ đến đó mà chúng ta không rùng mình, không sợ hết hồn, hết vía sao?
Sự sống đời đời mà người Thông Luật hỏi Chúa chắc là sự sống đời đời trên thiên đàng, vì đâu có ai muốn xuống hỏa ngục bao giờ; chẳng ai muốn hỏa ngục làm gia nghiệp hết. Cái hay là muốn có được sự sống đời đời này thì “phải làm gì” chứ không tự nhiên mà có; không cứ chết là được lên thiên đàng. Chúng ta phải làm gì; chúng phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, chứ không phải chuyện đùa, chuyện chơi. Vậy, chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải Mến Chúa và Yêu người.
Mến Chúa thì phải “hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn”. Chúng ta phải mến Chúa HẾT những gì mình có, vì con người của chúng ta giới hạn; còn Thiên Chúa thì vô hạn; Thiên Chúa thì cao cả; con người của chúng ta thì hèn mọn, yếu đuối. Chúng ta không thể mến Chúa cho cân xứng được. Nên việc chúng ta yêu mến Chúa là hết khả năng của con người chúng ta mà thôi. Chúa cũng không đòi hỏi những gì vượt quá sức chúng ta đâu.
Do đó, chúng ta hãy tự hỏi mình, chúng ta đã mến Chúa hết lòng chưa; hết linh hồn chưa; hết sức lực chưa; hết trí khôn chưa? Hay chỉ mới có một tí thôi; một chút thôi. Đi lễ thì đi trễ về sớm; đọc kinh thì không chịu há miệng, chỉ đọc nhí nhí trong miệng, sợ mệt; đi thờ phượng Chúa mà cứ như bị bắt buộc, xìu xìu ển ển, chứ không vui tươi phấn khởi; cầu nguyện thì khô khan nguội lạnh chứ không nhiệt thành, nhiệt tình. Người ta có làm gì cho mình hay giúp mình cái gì mà nhiệt tình thì mình thích lắm; còn đối với Chúa thì mình chẳng để ý gì cả; được chăng hay chớ; không để tâm, không để ý gì hết; xác ở đó, mà hồn ở đâu; đọc thì vấp lên vấp xuống; cử chỉ thì vụng va vụng về; không có chuẩn bị; không có xác tín.
Nói tóm là chúng ta mến Chúa chưa hết lòng, chưa hết linh hồn; chưa hết sức, chưa hết trí khôn. Chúng ta phải coi lại việc mến Chúa của mình.
Còn yêu người? Yêu người thì phải “Yêu người thân cận như chính mình”. Yêu người như chính mình nghĩa là mình yêu mình thế nào thì mình yêu người khác như vậy. Vấn đề là người “thân cận”. Người “thân cận” là người thân thiết và gần gũi ta. Vậy thì người ở xa; người không thân thiết chúng ta không yêu à?
“Người thân cận” trong bài Phúc Âm Chúa nói là ai? Đó không phải là người thân thiết hay gần gũi mà là người “đã ra tay giúp đỡ”. Như vậy, những ai mà chúng ta ra tay giúp đỡ; những ai mà ta tỏ lòng thương; những ai ta quan tâm, dù xa hay gần; dù thân thiết hay không đều là người “thân cận” của ta hết. Nếu ta không giúp đỡ; nếu ta không tỏ lòng thương; nếu ta không quan tâm thì dù có ở ngay bên cạnh; có là người thân thiết đi chăng nữa, cũng không là người “thân cận” của ta.
Do đó, có giúp đỡ ai thì chúng ta cũng phải giúp cho hết lòng, hết sức; có tỏ lòng thương ai thì cũng tỏ cho thật tình, thật lòng; có quan tâm ai thì cũng nhiệt tình, nhiệt thành; không vì bản thân mình, mà vì niềm vui và hạnh phúc của người khác.
Yêu mình thế nào thì chúng ta hãy yêu người khác như vậy. Mình muốn người ta giúp đỡ mình hết lòng, hết sức mà; thì chúng ta cũng hãy giúp người ta cho hết lòng, hết sức đi. Mình muốn ai thương mình cũng phải thật tình, thật lòng mà; thì chúng ta cũng hãy thương người khác thật tình, thật lòng đi. Mình muốn người ta quan tâm cách nhiệt tình và nhiệt thành mà, thì chúng ta cũng hãy quan tâm người khác với lòng nhiệt tình và nhiệt thành như vậy. Mình muốn họ làm không vì bản thân họ nhưng vì niềm vui và hạnh phúc của ta, thì chúng ta cũng hãy vì niềm vui và hạnh phúc của người khác nhé!
Thực vậy, nếu chúng ta mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn và yêu người thân cận như chính mình như vậy, thì chắc chắn chúng ta sẽ được sự sống đời đời trên thiên đàng làm gia nghiệp; chứ không có chuyện được sự sống đời đời trong hỏa ngục đâu. Mến Chúa và Yêu người như thế, đời này chúng ta sống trong niềm vui; đời sau chúng ta sống trong hạnh phúc đấy.
Lm Bosco Dương Trung Tín