Nhảy đến nội dung

Chết trong Giáo Hội Công Giáo La-mã

Chúa Nhật Lễ Lá   Chết trong Giáo Hội Công Giáo La-mã

 

“Hoan hô Con vua Đa-vit ! Chúc tụng Đấng nhân Danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời”(Mt 21,9). Hôm nay, Chúa Nhật lễ lá, kỷ niệm việc Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem. Tại sao Đức Giê-su lại lên Giê-ru-sa-sem; việc đó có ý nghĩa gì?

   “Khi đã tới ngày Đức Giê-su được đưa ra khỏi thế gian, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Khi nhất quyết như thế, Đức Giê-su muốn nói là Người lên Giê-ru-sa-lem để sẵn sàng chịu chết ở đó. Trong khi rao giảng, Đức Giê-su đã ba lần loan báo cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Khi tiến về Giê-ru-sa-lem, Người nói: Chẳng lẽ một vị Ngôn Sứ lại chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem?”(x. GLCG, số 557).

   Qua lời dạy của Giáo Hội, chúng ta biết Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem là để chịu chết, nhằm hoàn thành kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giê-su là một Vị Ngôn Sứ, nên không thể chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem được. Vì Giê-ru-sa-lem là trung tâm về tôn giáo cũng như về chính trị. Nơi mà mọi người Do-thái sẽ tập trung về để dự lễ Vượt Qua. Hơn nữa, cái chết của Đức Giê-su chính là cuộc Vượt Qua mà lễ Vượt Qua của người Do-thái là hình ảnh.

   Chúng ta, những người tín hữu Ki-tô, chúng ta đã được rửa tội, chúng ta được tham dự vào chức vụ Ngôn Sứ của Chúa. Nói các khác, chúng ta cùng là một Ngôn Sứ. Bởi đó, chúng ta cũng không thể chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Giê-ru-sa-lem của chúng ta, không ở nước Ít-ra-en, mà là ở Rô-ma, nước Ý. Tức là Giáo Hội Công Giáo La-mã. Có nghĩa là chúng ta không thể chết ngoài Giáo Hội Công Giáo được. Muốn được vậy, chúng ta phải sống theo những lời dạy bảo và hướng dẫn của Giáo Hội. “Trong ngôn ngữ Ki-tô giáo, thuật ngữ “Hội Thánh” hay Giáo Hội, chỉ cộng đoàn phụng vụ, nhưng cũng chỉ cộng đoàn địa phương hay cộng đoàn tín  hữu trên toàn thế giới. Thực ra ba nghĩa này không thể tách rời nhau. Hội Thánh là dân Thiên Chúa qui tụ từ khắp cả hoàn cầu. Hội Thánh hiện diện nơi cộng đoàn địa phương và thể hiện như một cộng đoàn phụng vụ, đặc biệt là cộng đoàn Thánh Lễ. Hội Thánh sống nhờ Lời và Mình Thánh Chúa Ki-tô và nhờ đó, Hội Thánh trở thành Thân Thể Chúa Ki-tô”(x. GLCG, số 752).

   Hội Thánh này là do chính Đức Ki-tô thiết lập. “Chúa Giê-su thiết lập một cộng đoàn có cơ cấu và cộng đoàn này sẽ tồn tại cho đến lúc Nước Trời được hoàn thành. Trước hết Người tuyển chọn nhóm Mười Hai với Phê-rô là thủ lãnh. Đại diện cho 12 chi tộc Ít-ra-en, nhóm 12 là nền tảng của Giê-ru-sa-lem mới. Nhóm Mười Hai và các môn đệ khác tham dự vào sứ mạng của Đức Ki-tô; vào quyền năng và cả số phận của Người. Qua những hành động trên, Đức Ki-tô chuẩn bị và xây dựng Hội Thánh của Người”(x. GLCG, số 765).

   Qua đó, chúng ta thấy chỉ có một Hội Thánh hay chỉ có một Giáo Hội Công Giáo mà thôi. Giáo Hội đó, “hiện diện nơi cộng đoàn địa phương”. Theo tôi, chúng ta nên thay đổi cách nói: Giáo Hội Công Giáo Đức; Giáo Hội Công Giáo Việt Nam; Giáo Hội Công Giáo Nhật ,.... Vì nói như vậy sẽ dễ lầm lẫn là có nhiều Giáo Hội Công Giáo. Mà nên nói: Giáo Hội Công Giáo TẠI Đức; Giáo Hội Công Giáo TẠI Việt Nam; Giáo Hội Công Giáo TẠI Nhật,... Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến Giáo Hội Công Giáo tại Đức đang tiến hành “Con đường công nghị”, bàn về những vấn đề quan trọng trong Giáo Hội, như truyền chức cho phụ nữ; cho phép Linh mục lập gia đình; chấp nhận hôn phối đồng tính, ... Những vấn đề này không được Tòa Thánh Va-ti-can chấp nhận, nên dễ dẫn tới sai lầm và có nguy cơ tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo La-mã mà lập thành Giáo Hội riêng. Khi đó sẽ gọi là “Giáo Hội Công Giáo Đức” thì thật là chính xác; chứ không là Giáo Hội Công Giáo tại Đức nữa.

   Như ở Trung Quốc, hiện nay có hai Giáo Hội Công Giáo. Một được gọi là Giáo Hội Công Giáo thầm lặng, trung thành với Va-ti-can; hai là Giáo Hội Công Giáo do Nhà Nước, trung thành với Đảng cộng sản Trung Quốc. Để khỏi lầm lẫn, ta nên gọi Giáo Hội Công Giáo thầm lặng là Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc và Giáo Hội kia là Giáo Hội công giáo Trung Quốc. Tôi không hiểu tại sao, Nhà cầm quyền Trung Quốc lại không lập riêng cho mình một tôn giáo, mà lại đi lấy Giáo Hội Công Giáo La-mã làm giáo hội của mình? Tại sao họ lại phải dựa vào Giáo Hội Công Giáo mới được? Chẳng lẽ họ không có năng lực? Có lẽ là vậy.

   Như lời Đức Giê-su đã nói: “Chẳng lẽ một vị Ngôn Sứ lại chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem”(x. Lc, 13,33). Cũng vậy, những người tín hữu Công Giáo chúng ta cũng sẽ không chết ngoài Giáo Hội Công Giáo La-mã. Nếu chúng ta không sống theo Huấn Quyền của Giáo Hội Công Giáo La-mã; mà sống theo những lời của dạy bảo và hướng dẫn của giáo hội khác hoặc có là giáo hội công giáo, nhưng không phải là của Giáo Hội Công Giáo La-mã, chúng ta sẽ chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem; chết ở ngoài Giáo Hội Công Giáo La-mã. Như vậy là chúng ta chết ngoài Giáo Hội do Chúa Ki-tô thiết lập, thì liệu chúng ta có được cứu độ không; có được lên thiên đàng không?

   Như Đức Giê-su chết trong thành Giê-ru-sa-lem mới mang lại ơn cứu độ cho con người chúng ta thế nào, thì chúng ta mà chết trong Giáo Hội Công Giáo La-mã mới nhận được ơn cứu độ của Đức Giê-su. Ở đây, chúng ta nghe vang vọng một câu nói thời danh: “Ngoài Hội Thánh không có ơn cứu độ”. Chúng phải hiểu thế nào?

   “Lời khẳng định này được các Giáo Phụ nhắc đi nhắc lại. Lời khẳng định này có nghĩa tích cực là, Mọi ơn cứu độ đều phát xuất từ Đức Ki-tô là Đầu, chảy tràn qua Hội Thánh là Thân Thể Người: Dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền, Công Đồng dạy rằng: Hội Thánh lữ hành này cần thiết cho ơn cứu độ. Quả thế, chỉ một mình Đức Ki-tô là trung gian và là con đường cứu độ; và Người hiện diện giữa chúng ta trong Thân Thể Người là Hội Thánh. Chính Người đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và phép rửa, nên đồng thời Người đã xác nhận sự cần thiết của Hội Thánh, mà mọi người phải bước vào qua phép rửa. Vì thế, những ai biết rằng Hội Thánh Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Đức Giê-su Ki-tô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết mà vẫn không muốn tham gia hoặc không muốn kiên trì trong Hội Thánh này thì không thể được ơn cứu độ”(x. GLCG, số 846).

   “Lời khẳng định này không nhằm tới những người, không vì lỗi mình mà không biết Đức Ki-tô và Hội Thánh Người. Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Tin Mừng của Chúa Ki-tô và Hội Thánh Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể đạt tới ơn cứu độ muôn đời”(x. GLCG, số 847).

  Đức Giê-su khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem. “Người không chinh phục bằng mưu mẹo hay bằng bạo lực, nhưng bằng sự khiêm nhường và chứng từ của chân lý”. “Tất cả cuộc đời Đức Ki-tô là một giáo huấn liên tục: Người thing lặng, hành động, cầu nguyện, yêu thương con người; chấp nhận hiến tế trọn vẹn trên thập giá”. Chúng ta hãy nên đồng hình đồng dạng với Người, biết can đảm chấp nhận những lời dạy của Người qua Giáo Hội, để chúng ta cùng chết với Người trong Giáo Hội Công Giáo La-mã để cùng với Người sống lại trong vinh quang Nước Trời.

                                                                             
Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: