Đức Gioan Phaolô II là mẫu gương cho người Công giáo trong cuộc chiến chống chủ nghĩa bài Do Thái
- T6, 14/03/2025 - 17:43
- Nguyễn Minh Sơn
Người viết tiểu sử của Đức Gioan Phaolô II cho biết cố giáo hoàng là mẫu gương cho người Công giáo trong cuộc chiến chống chủ nghĩa bài Do Thái
Theo người viết tiểu sử chính thức của Thánh Gioan Phaolô II, George Weigel, cuộc sống ở Ba Lan do Đức Quốc xã chiếm đóng là “trải nghiệm hình thành nhất trong cuộc đời của Karol Wojtyla,” định hình cam kết trọn đời của vị giáo hoàng tương lai trong việc bảo vệ phẩm giá con người.
Phát biểu tại một hội nghị có tên “Người Công giáo và chủ nghĩa bài Do Thái — Đối mặt với quá khứ, định hình tương lai” hôm thứ Hai, Weigel đã suy ngẫm về mối quan hệ “rõ ràng là cá nhân” của Đức Gioan Phaolô II với người Do Thái.
Được tài trợ bởi Philos Catholic, sự kiện diễn ra tại Trung tâm thông tin Công giáo ở Hoa Thịnh Đốn. Philos Catholic là một chi nhánh của Dự án Philos, một tổ chức phi lợi nhuận của Kitô giáo đại kết ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên và sự tồn tại hòa bình của Israel ở Trung Đông.
Bài phát biểu quan trọng của Weigel diễn ra sau các cuộc thảo luận của hội thảo về cách tiếp cận của Công giáo đối với chủ nghĩa bài Do Thái trong suốt lịch sử và kể từ những cuộc tấn công ngày 7 tháng Mười năm 2023. Những tham dự viên thảo luận gồm nhà sáng lập Catholic Answers Trent Horn, tác giả Công giáo Mary Eberstadt, Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tikvah Jonathan Silver và giáo sư lịch sử của Cao đẳng Benedictine Richard Crane.
Lớn lên ở một thị trấn nhỏ ngoại ô Kraków, Karol Wojtyla có nhiều bạn Do Thái và sống trong một căn hộ do một gia đình Do Thái sở hữu. Ngài vẫn giữ tình bạn với một số người trong số họ cho đến hết đời, Weigel kể lại. Nhiều người đã chết vụ thảm sát Holocaust. Thân phụ của Gioan Phaolô II, Karol, đã truyền đạt niềm tin của mình vào một Ba Lan tự do, nơi chào đón các cộng đồng thiểu số trong khi vẫn giữ được bản sắc và tính toàn vẹn văn hóa của mình.
Weigel nói rằng “Tôi tin rằng cái lò lửa hận thù và bạo lực đó là trải nghiệm hình thành chính trong cuộc đời của Karol Wojtyla,” ám chỉ đến Ba Lan trong những năm chiến tranh. “Vì trải nghiệm đó, ngài đã cống hiến hết mình để bảo vệ phẩm giá và tự do của con người thông qua chức linh mục của Giáo hội Công giáo.”
“Những năm từ 1939 đến 1945 đã biến Karol Wojtyła thành một viên kim cương nhân tạo, có lưỡi cắt có thể xuyên thủng những thứ tưởng chừng như không thể, như Bức tường Bá Linh,” ông nói thêm.
Thật vậy, trong suốt triều đại của mình, Weigel mô tả Đức Gioan Phaolô II là người “quyết tâm” chính thức hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và Tòa Thánh và khuyến khích các nước láng giềng của Israel công nhận “thực tế vĩnh viễn” của nhà nước Do Thái. Ngài đã đến thăm Bức tường phía Tây và Trung tâm tưởng niệm Holocaust, Yad Vashem, tại Jerusalem vào tháng Ba năm 2000.
“Là một kẻ thù kiên quyết của chủ nghĩa bài Do Thái,” ông tuyên bố, “Đức Gioan Phaolô sẽ kinh hoàng, buồn bã, đau lòng và rất tức giận trước sự tái phát của bệnh dịch cổ xưa mà chúng ta đã thảo luận ngày hôm nay dưới hình thức chủ nghĩa bài Do Thái diệt chủng mà thế giới đã chứng kiến kể từ ngày 7 tháng Mười năm 2023. Và ngài muốn gọi tên cái ác đó theo đúng bản chất của nó.”
Cuối cùng, Weigel lưu ý, “mong muốn” của Đức Gioan Phaolô II là “người Do Thái và người Kitô giáo sẽ là hạnh phúc cho nhau,” không chỉ tập trung vào “nỗi đau của quá khứ” mà còn tập trung vào “những khả năng của tương lai.”
“Nếu chúng ta muốn tôn vinh ký ức của ngài, hãy dành trọn tâm trí, tâm hồn và linh hồn để thúc đẩy sự hợp tác đó,” ông kết luận.
Nguyễn Minh Sơn