Ơn Gọi Hôn Nhân- Niềm Tự Hào
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Pio X Lê Hồng Bảo
SUY NIỆM TIN MỪNG CHỦ NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN NĂM B
(Mc 10, 2-16)
ƠN GỌI HÔN NHÂN: NIỀM TỰ HÀO
Chuyện vợ chồng cứ tưởng nhỏ mà hóa ra không nhỏ! Còn nhớ ngày xưa, thỉnh thoảng tôi lại được nghe một vài tin… “không vui” từ các bậc trưởng thượng:
- Chị X. nhà tôi chắc không kham nổi! Bề trên đã gợi ý cho chị về lấy chồng cho rồi. Nghĩ mà buồn!
- Thầy Y. nhà tôi không hiểu sao cũng bị Đức Cha cho về. Thôi, tu không được thì đành về lấy vợ cho xong!
Cái tư duy “tu không được đành về lấy vợ” đã ám ảnh tôi vài thập kỷ và đời sống gia đình khiến tôi liên tưởng đến “công dân hạng 2”. Hình ảnh những anh chị rón rén, rụt rè xin học giáo lý hôn nhân, xin làm tờ rao, xin làm phép cưới… càng khiến tôi thấy đời sống gia đình tầm thường, bạc bẽo hơn. Tôi cho rằng làm trai phải có một lý tưởng to tát, lớn lao nào đó chứ không thể quanh quẩn bên mái gia đình. Vậy mà, Thánh Giuse được chọn làm Bổn Mạng cả và Hội Thánh lại chỉ nhờ sống thầm lặng chăm chút cho mái gia đình đơn sơ nhỏ bé của mình: Không dọc ngang trời đất, không tung hoành phỉ chí bình sinh, không thâu tóm giang sơn, không mang gươm mở cõi, không xoay chuyển càn khôn, không đổi thay thế giới…
Thì ra, bấy lâu tôi đã lầm!
Ơn gọi Hôn Nhân đã có từ thuở khai thiên lập địa khi chính Thiên Chúa tác hợp cho hai ông bà nguyên tổ: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St. 2, 24).
Tình yêu vợ chồng còn được dùng để diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu và Hội Thánh: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep. 5, 25).
Và Cựu Ước còn có hẳn một bộ Diễm Tình Ca để diễn tả tình yêu của Chúa dành cho con người đồng thời cũng ca ngợi tình yêu đôi lứa. Suốt một thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã mang bộ mặt ghen tương, giận dữ chỉ vì sự phản bội của dân tộc Người đã chọn:
- “Vậy ngươi không được phủ phục trước một thần nào khác, vì ĐỨC CHÚA mang danh là Đấng ghen tương, Người là một Vị Thần ghen tương” (Xh. 34, 14).
- “Ta sẽ xét xử ngươi như xét xử những phụ nữ ngoại tình và những kẻ mắc tội đổ máu. Ta sẽ làm cho máu ngươi phải đổ ra vì Ta phẫn nộ và ghen tương” (Ed. 16, 38).
Chữ “ghen tương” còn hàm ý được tình yêu nấp đàng sau nó. Thật là một sự phóng chiếu tuyệt vời! Thiên Chúa đã nâng tình yêu vợ chồng lên một tầm cao vượt hẳn trí hiểu của loài người. Ai còn mong dùng lý trí để phân tích tình yêu này hẳn sẽ thất bại! Ta hãy nghe thi sỹ công giáo Hàn Mạc Tử cảm nhận:
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hò reo,
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để nghe Trời giải nghĩa yêu.
Thật thế, muốn giải nghĩa “yêu” thì chỉ có… Trời.
Vì thế, giao ước hôn nhân cũng được sánh ví với giao ước giữa con người và Thiên Chúa, một loại giao ước mang tính huyết nhục: “Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục.” Phải chăng Chúa Giêsu muốn đề cập đến giá máu của Người trong giao ước mới, trong đó, chúng ta được nên một huyết nhục với Chúa Giêsu qua Bí tích Thánh Thể? Và, vẫn theo cách nói của Hàn thi sỹ:
Ngọc Như-Ý vô-tri còn biết cả,
Huống chi tôi là Thánh-thể kết tinh…
Tuyệt vời thay, vinh diệu thay giao ước hôn nhân! Giá trị của giao ước hôn nhân là ở yếu tố đơn nhất và tận cùng (chung thủy trọn đời), nhờ đó, hôn nhân trở nên thăng hoa và kỳ vĩ. Thật lạ là nhiều người sẵn sàng tiêu tốn khối tiền để làm cho chiếc điện thoại của mình trở nên độc nhất (không đụng hàng), nhưng lại khó chấp nhận tính đơn nhất của hôn nhân. Chỉ bởi vì họ còn xem hôn nhân như một khẩu phần hoặc một công việc được phân chia cho mọi người, chỉ bởi vì họ chưa nhận thức được rằng hôn nhân còn là một sứ mạng, một vinh dự, một tự hào…
Đức Chân Phước Gioan 23 được bầu làm Giáo Hoàng, ngài trở về nhà và khoe với mẹ của mình về chiếc nhẫn Giáo Hoàng của mình. Mẹ của ngài liền đưa tay của bà lên và nói: “Không có chiếc nhẫn này làm sao có chiếc nhẫn đó.”
Ngày tôi chuẩn bị hôn sự, ông thầy dạy giáo lý phán một câu: “Muốn chết cho tình yêu thì chỉ cần một nắp thuốc sâu cộng với một giây nông nổi, nhưng muốn sống cho tình yêu thì đòi phải có một Đức Tin kiên vững, một Tình Yêu son sắt, một ý chí bền bỉ để… vác bình thuốc sâu từ mùa này sang mùa khác.” Chả là vì khi ấy chúng tôi đều làm ruộng nên hình ảnh bình thuốc sâu vô cùng gần gũi. Từ đó, mỗi khi vợ chồng tôi có chuyện giận nhau, một trong hai muốn làm lành chỉ cần viết vào giấy mấy chữ đưa cho người kia: “Bình thuốc sâu bữa nay… nặng quá!” Tuy nhiên, hình ảnh mộc mạc đó đủ khiến chúng tôi liên tưởng đến Thánh giá mỗi ngày: Thánh giá của từ bỏ bản thân, Thánh giá của hy sinh quên mình, Thánh giá của yêu thương và trách nhiệm, Thánh giá mà chúng tôi có vinh dự được chung chia phần gánh vác... Sự ràng buộc trong hôn ước không phải là sự trói buộc nặng nề vào một gánh nặng mà chính là sự ràng buộc danh dự vào một phẩm giá, một tước vị.
Vấn đề còn lại chỉ là sống sao cho xứng đáng với phẩm giá ấy, tước vị ấy.
“Hãy sống xứng đáng cho người anh (em) yêu hôm nay trong tình yêu thương tha nhân suốt cuộc đời.”
Thưa quý vị sống bậc gia đình, quý vị hãy tự hào vì mình đang sở hữu một Ơn Gọi vô cùng quý giá, giao ước quý vị đã ký kết thật vô cùng mầu nhiệm. Lựa chọn của quý vị đã khiến quý vị trở nên công chính và tôn quý. Vì thế, đừng bao giờ có ý nghĩ xa rời nó hoặc bỏ cuộc giữa dòng. Nếu ai đó trao cho quý vị một món quà vô cùng quý giá, tôi tin chắc rằng quý vị sẽ chấp nhận mọi khó khăn gian khổ để giữ cho bằng được món quà ấy.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho những người đi theo Ơn Gọi Hôn Nhân luôn biết tự hào và hiên ngang trong bậc sống mình đã chọn, nhờ đó, họ sẽ trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong giao ước hôn nhân mà họ đã có vinh dự được ký kết. Amen.
Pio X Lê Hồng Bảo