Hàng giám mục Phi Luật Tân: “Việc bắt giữ Duterte là bước tiến tới trách nhiệm giải trình”
- T7, 15/03/2025 - 14:53
- Nguyễn Minh Sơn
Hàng giám mục Phi Luật Tân: “Việc bắt giữ Duterte là bước tiến tới trách nhiệm giải trình”
Hàng giám mục Phi Luật Tân hoan nghênh vụ bắt giữ cựu Tổng thống Rodrigo Duterte vào đầu tuần này với cáo buộc phạm tội ác chống nhân loại, cho biết đây là bước tiến tới trách nhiệm giải trình và tạo tiền lệ để giải quyết những vi phạm nhân quyền tại quốc gia này.
‘Người đàn ông cơ bắp’ của Phi Luật Tân, người mà đã cai trị đất nước từ năm 2016 đến năm 2022, đã bị chính quyền Phi Luật Tân bắt giữ tại sân bay Manila vào ngày 11 tháng Ba khi lệnh của ICC được ban hành sau cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về “cuộc chiến chống ma túy” khét tiếng gây chết chóc của ông. Một phi cơ phản lực chở Duterte đã đến Hoà Lan vào thứ Tư, ngày 12 tháng Ba.
‘Cuộc chiến chống ma túy’ gây tử vong của Duterte
Duterte từ lâu đã bị cáo buộc giết người ngoài vòng pháp luật, với hàng nghìn nghi phạm ma túy bị cáo buộc, chủ yếu là những thanh niên đến từ những cộng đồng nghèo đói, được cho là đã bị hành quyết trong nhiệm kỳ của ông, thường là do các cảnh sát bất hảo và tay súng được thuê thực hiện. Trong khi hồ sơ cảnh sát chính thức báo cáo hơn 6.200 vụ giết người ngoài vòng pháp luật, các tổ chức giám sát độc lập ước tính con số thực tế cao hơn đáng kể (từ 12.000 đến 30.000) với nhiều người sử dụng ma túy ở thành thị và nghèo bị giết trong những hoàn cảnh bí ẩn.
Cuộc điều tra của ICC gồm giai đoạn 2011-2019, bao gồm cả giai đoạn Duterte làm thị trưởng Davao, nơi gia đình ông nắm quyền trong nhiều thập kỷ.
Phản ứng
Việc ông bị dẫn độ cưỡng bức đến The Hague đã nhận được sự đồng tình rộng rãi từ Giáo hội Công giáo, các tổ chức nhân quyền và gia đình các nạn nhân, mặc dù những người ủng hộ ông coi vụ bắt giữ là một cuộc đàn áp bất công đối với một nhà lãnh đạo, người mà theo quan điểm của họ, đã khiến đất nước an toàn hơn.
Đức Giám mục Gerardo Alminaza thuộc Caritas Philippines nhấn mạnh rằng những vụ giết người dưới chế độ của Duterte không phải là hành vi bạo lực ngẫu nhiên mà là một chính sách có hệ thống làm suy yếu quyền sống cơ bản. Khiếu nại đệ trình chống lại Duterte tại ICC cáo buộc rằng ông đã thành lập một “biệt đội tử thần” để truy bắt những nghi phạm ma túy ở Davao, và sau đó sao chép mô hình này trên phạm vi toàn quốc khi ông được bầu làm tổng thống.
Đức Giám mục Jose Colin Bagaforo của Kidapawan nhận xét rằng việc bắt giữ Duterte là một động thái quan trọng hướng tới công lý cho các nạn nhân. “Công lý đích thực ... là về trách nhiệm giải trình, minh bạch và bảo vệ nhân phẩm,” ngài nói.
Đức Giám mục, cũng là chủ tịch của Caritas Phi Luật Tân, đã thách thức cựu Tổng thống giữ vững tuyên bố trước đây của mình rằng ông đã chuẩn bị đối mặt với hậu quả của hành động của mình: “Trong nhiều năm, Duterte đã tuyên bố rằng ông đã sẵn sàng đối mặt với hậu quả của hành động của mình. Bây giờ là lúc ông phải chứng minh điều đó,” ngài nói.
Cần có sự thật, bồi thường và công lý cho các nạn nhân
Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 11 tháng Ba, nhánh nhân đạo của Giáo hội Công giáo đã nhấn mạnh đến nhu cầu về sự thật, bồi thường và công lý cho các nạn nhân. Tuyên bố gọi vụ bắt giữ Duterte là thời điểm then chốt đối với đất nước, kêu gọi người dân Phi Luật Tân bảo đảm rằng những tội ác như vậy không bao giờ tái diễn và pháp quyền được tôn trọng
Trong nhiệm kỳ tổng thống của Duterte, Giáo hội Phi Luật Tân đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ về sự tàn bạo trong cuộc đàn áp ma túy của ông.
Việc bắt giữ ông không có nghĩa là ông có tội, nhưng Đức Giám mục Broderick Pabillo của Taytay cho biết những tội ác xảy ra dưới sự giám sát của cựu lãnh đạo phải được điều tra.
“Đó là bản chất của nền dân chủ - không ai đứng trên luật pháp và mọi người đều phải chịu trách nhiệm về hành động của mình,” ngài nói với Đài phát thanh Veritas do Tổng giáo phận Manila điều hành.
Một bước quan trọng hướng tới trách nhiệm giải trình tại Phi Luật Tân
Các nhóm nhân quyền, bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã đồng tình với những quan điểm này, mô tả vụ bắt giữ là một bước quan trọng hướng tới trách nhiệm giải trình tại Phi Luật Tân.
Trước đây, Duterte đã nhấn mạnh rằng Tòa án Hình sự Quốc tế không có thẩm quyền đối với Phi Luật Tân, kể từ khi ông rút quốc gia này khỏi tòa án vào năm 2019, ba năm sau khi tòa án này ghi nhận số người chết ngày càng tăng trong cuộc chiến chống ma túy. Tuy nhiên, như luật sư hoạt động Aaron Pedrosa giải thích, được Uca News trích dẫn, theo Quy chế Rome là cơ sở cho ICC, tòa án này duy trì quyền tài phán đối với những tội ác bị cáo buộc xảy ra trước khi một quốc gia rời khỏi tòa án.
Jos. Nguyễn Minh Sơn