Lễ dâng trên Bàn Thờ Cuộc Đời
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 22 QN
Lễ dâng trên Bàn Thờ Cuộc Đời
“Vì thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em” (Rm 12,1).
Sự khuyên nhủ của thánh Phao-lô là gì ?
Thánh Phao-lô chỉ ra cách sống của người tín hữu ki-tô, đó là thái độ cơ bản của cuộc sống con người hướng về Thiên Chúa. Sự khuyên nhủ đó là “Hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”. “Thân mình” đây không chỉ là thân xác không mà thôi, nhưng còn cả tâm hồn nữa. Nghĩa là toàn bộ con người, hay nói cách khác là toàn bộ cuộc sống của con người chúng ta.
Chúng hiến dâng toàn bộ cuộc sống mình cho Thiên Chúa để làm gì cơ chứ? Để thờ phượng Thiên Chúa hằng sống. Theo thánh Phao-lô, đó là cách thức xứng hợp để chúng ta thờ phượng Thiên Chúa đấy. Những người tín hữu công giáo chúng ta thờ phượng Thiên Chúa không như những người khác thờ phượng “chúa” của họ.
Theo sách Giáo lý công giáo thì : “Hành vi đầu đầu tiên của nhân đức thờ phượng là THỜ LẠY Thiên Chúa. Nghĩa là nhận biết Người là Thiên Chúa; là Đấng Sáng Tạo và Cứu Chuộc; là Chúa và là Thầy của muôn loài; là tình yêu vô biên và giàu lòng thương xót. Dựa và sách Đệ nhị luật, Đức Giê-su nói “Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi và thờ phượng một mình Người mà thôi” (x. Đnl 6,13). (GLCG , số 2096).
Theo đó, chúng ta thấy, cách chúng ta thờ phượng Thiên Chúa không chỉ là vái vái, lạy lạy mấy cái là xong; cũng không phải khấn vái, cầu xin những gì mình muốn là ổn; hoặc cúng vài nải chuối hay mấy đồng bạc là rồi. Không. Sự thờ lạy Thiên Chúa của chúng ta là sự NHẬN BIẾT cơ. Có 4 điều chúng ta phải nhận biết đó là:
- Nhận biết Người là Thiên Chúa.
- Nhận biết Người là Đấng Sáng Tạo và Cứu Chuộc.
- Nhận biết Người là Chúa và là Thầy của muôn loài.
- Nhận biết Người là tình yêu vô biên và giàu lòng thương xót.
Và một điều chúng ta phải ghi nhớ đó là chúng ta chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa mà thôi.
Sách Giáo lý công giáo giải thích thêm như sau : “Thờ lạy Thiên Chúa là tôn kính và tuyệt đối thần phục Người, vì nhận biết “tính hư không của thụ tạo”; biết sự hiện hữu của chúng hoàn toàn nằm trong tay Người. Việc thờ lạy Thiên Chúa duy nhất, giải thoát con người chúng ta khỏi thái độ khép kín; khỏi nô lệ tội lỗi và sự sùng bái thế giới như ngẫu tượng” (x. GLCG, số 2097).
Thiên Chúa dựng nên con người chúng ta giống hình ảnh Người, có lý trí và có trí khôn, nên chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa trong “Thần Khí và Sự Thật” (x. Ga 4,23). Nghĩa là trong sự hiểu biết và nhận biết. Chính Thần Khí là Thánh Thần sẽ giúp chúng ta hiểu biết Thiên Chúa và nhận biết sự thật về Thiên Chúa chúng ta.
Thiên Chúa đó là Đấng Sáng Tạo và Cứu Chuộc; là Chúa và là Thầy của muôn loài; là tình yêu vô biên và giàu lòng xót thương. Khi tôn thờ Thiên Chúa duy nhất, con người chúng ta thống nhất được đời sống, không khép kín tôn thờ cái tôi của mình cũng như không tôn thờ một thụ tạo nào khác, nhất là tiền của, để chúng ta không lao vào vòng nô lệ của tội lỗi. Tội lỗi đó là tội kiêu ngạo, nếu chúng ta tự cho mình là chúa; đó là tội bất hiếu, bất nghĩa và bất nhân đối với Thiên Chúa khi tôn thờ ngẫu tượng.
Khi đã Nhận Biết Thiên Chúa rồi, thì “con người phải dâng lên Thiên Chúa những lễ tế để tỏ lòng thờ phượng, tạ ơn, khẩn cầu và sự hiệp thông với Người” (x. GLCG, số 2099). Vậy của lễ của chúng ta là gì? Thánh Phao-lô nói rõ là : “Anh em hãy hiến dâng thân mình anh em làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”.
Của lễ chúng ta dâng phải sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa; mà của lễ đó lại là “Thân mình” của chúng ta. Thế nghĩa là gì? Rõ ràng là của lễ “Thân mình” đây không chỉ là thân xác, linh hồn mà còn là toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Cuộc sống của chúng ta phải một cuộc sống sống động; phải là một cuộc sống thánh thiện và phải là một cuộc sống đẹp lòng Thiên Chúa.
Dó đó, để có một của lễ như thế chúng ta phải : “Đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em, bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa; cái gì tốt, cái gì đẹp lòng Chúa; cái gì hoàn hảo” (x.Rm 12,2).
Một cuộc sống sống động là phải có sự đổi mới; có sự cải biến; chứ không ì ạch một chỗ; không tiến cũng không lùi. Không tiến cũng không lùi; ì ạch một chỗ là một cuộc sống “chết”; không phát triển, không đổi mới, không cải biến.
Một cuộc sống, sống theo ý Thiên Chúa là một cuộc sống thánh thiện.
Một cuộc sống đầy những điều tốt, đầy những gì đẹp lòng Thiên Chúa; đầy những gì hoàn hảo thì đẹp lòng Thiên Chúa biết bao !!!!
Đấy là của lễ Chúa muốn đấy. “Mọi hành vi con người thực hiện để được kết hợp với Thiên Chúa và được vinh phúc, đều là lễ tế đích thực” (x. GLCG, số 2099).
Đức Giê-su đã nói : “Ta muốn lòng nhân (hậu), chứ không cần hy lễ”(x. Mt 12,7). Mà “Người có lòng nhân hậu là người luôn mong muốn và thực hành những điều tốt, hoàn toàn vì ích lợi của người khác”(x. Tự điển công giáo, trang 211). Vậy thì cuộc sống của người có lòng nhân hậu, là của lễ đích thực mà Thiên Chúa muốn.
Theo nghĩa này thì : “Chỉ có một lễ tế hoàn hảo duy nhất là lễ tế Đức Ki-tô dâng trên bàn thờ thập giá, để tận hiến cho tình yêu của Thiên Chúa Cha và để cứu chuộc chúng ta. Kết hợp với lễ tế này, chúng ta biến cuộc đời mình thành lễ tế dâng lên Thiên Chúa” (x. GLCG, số 2100).
Vậy, mỗi ngày hay mỗi Chúa Nhật, khi đi tham dự Thánh Lễ trực tiếp hay trực tuyến, chúng ta hãy kết hợp “của lễ cuộc sống” của chúng ta với lễ tế của Đức Ki-tô trên bàn thờ thập giá, để tận hiến cho tình yêu của Thiên Chúa Cha và để cứu chuộc con người chúng ta. Để rồi, sau khi đã dâng lễ trên Bàn Thờ Thập Giá, chúng ta tiếp tục dâng lễ trên Bàn Thờ Cuộc Đời của mình; một cuộc đời sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa, mà tôi gọi là Lễ dâng trên Bàn Thờ Cuộc Đời.
Lm. Bosco Dương Trung Tín