Nhảy đến nội dung

Màu hồng giữa rừng tím lam - Đôi mắt - cách nhìn - lối nghĩ suy

MÀU HỒNG GIỮA RỪNG TÍM LAM

Hẳn không ít người Công Giáo rất đỗi ngạc nhiên vì sao Chúa Nhật hôm nay (Chúa Nhật IV Mùa Chay), vị chủ tế lại được mặc áo lễ màu hồng? Sắc phục Phụng vụ biểu trưng cho niềm vui, phấn khởi và hân hoan, nhưng rất hiếm hoi được thấy! Thế nên, lòng hoan hỷ giữa Mùa Chay Thánh được ví von như sắc hồng giữa rừng chàm tím lam vậy!

Thật ra, theo truyền thống Giáo Hội, hôm nay được gọi là “Chúa Nhật Laetare” (theo nguyên ngữ La-tin: Chúa Nhật ‘Hãy mừng vui’) và đây cũng chính là lời ca nhập lễ trích từ sách Ngôn sứ I-sai-a 66, 10: “Laetáre, Ierúsalem, et convéntum fácite, omnes qui dilígitis eam” (nghĩa là: y vui mừng với Giêrusalem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ, hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô!) như thể Giáo Hội mời gọi con cái mình đang hăng say sống tinh thần Mùa Chay qua các việc cầu nguyện, ăn chay hãm mình, làm việc bác ái, cũng đừng quên vui mừng, hân hoan, hướng lòng về biến cố Chúa chúng ta vinh thắng sự chết, khải hoàn Phục Sinh!

Tuy nhiên, Mẹ Giáo Hội cũng muốn nhắc nhở mỗi chúng ta sự thật hiển nhiên là chính Chúa, Đấng trao ban cho mỗi người khả năng nhìn bằng con mắt thể lý cũng như đôi mắt tâm hồn, ngõ hầu chúng ta luôn tỉnh thức trước mọi tình trạng mù loà: mù loà thể xác, mùa loà tâm linh, mù loà tâm hồn, mù loà về bản thân, mù loà về tha nhân, mù loà về Thiên Chúa, v.v…

Anh chàng khiếm thị trong trình thuật Tin Mừng hôm nay (Ga 9) mặc dù bị mù về mặt thể lý, nhưng tâm hồn anh luôn biết mở rộng, đơn thành và đặt niềm tin tưởng vào Đức Ki-tô vì chỉ mình Ngài mới chữa lành tình trạng mù loà cho anh. Cũng nên biết rằng: không phải do tội lỗi của anh hay của cha mẹ anh, mà anh ta bị mù loà từ bẩm sinh; nhưng “chuyện này xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (x. Ga 9, 2-3). Quả thật, sống trong cảnh mù loà từ thuở mới sinh có thể khiến anh dễ gắt gỏng, tự ti, tủi hổ, không muốn chấp nhận bản thân và cũng không cần giúp đỡ từ người khác. Ngược lại, tuy mù về thể lý, nhưng tấm lòng anh đơn sơ, chân thành, chấp nhận để Đức Giê-su “nhổ nước miếng, trộn thành bùn và xức vào mắt anh” (x. Ga 9, 6), rồi vâng phục làm theo lời Ngài dặn: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (x. Ga 9, 7); thế nên anh được chữa lành về mặt thể xác, cũng như được thăng tiến về mặt tâm linh: “Họ hỏi anh: 'Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?’ Anh đáp: ‘Ngài là một vị ngôn sứ!’” (Ga 9, 17), và đức tin của anh ngày càng vững mạnh: “Anh nói: ‘Thưa Ngài, tôi tin’. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Ngài” (Ga 9, 35).

Liên tưởng đến bản thân, tuy có đôi mắt sáng, trong vắt, đẹp xinh, không chút mù loà (có thể bị cận, hoặc bị viễn, hay bị bệnh về mắt, nhưng vẫn nhìn thấy, không đến nỗi bị mù), nhưng chúng ta thường thích soi mói anh chị em như cha ông ta vẫn hay nói:

                    ‘Chân mình còn lấm bê bê,

                    Lại cầm bó đuốc mà rê chân người’.

Và đôi khi chúng ta sống sai với lương tri, bị mù quáng ‘các thể loại’ do tham lam, ghen tương, dục tình phát sinh. Như vậy, đây được xem là những triệu chứng của căn bệnh mù loà tâm hồn, mù loà tâm linh, mù loà về bản thân, mù loà về tha nhân, mù loà về Thiên Chúa. Có thể nói hai tai hại chính yếu từ hội chứng mù loà mà ra: một là chúng ta không biết tình trạng mù quáng của bản thân, nên chẳng cảm thấy cần được cứu chữa. Thế nên bị mù quáng cho đến mãn đời, dẫn tới lầm lỗi suốt đời; hai là không xem tình trạng mù loà nghiêm trọng, dù có nhận biết bản thân mù quáng đi nữa, nhưng vẫn không cần được cứu chữa. Tuy nhiên, đối với chúng ta - Ki-tô hữu - trong Mùa Chay Thánh này, điều quan yếu hơn cả là không chỉ dừng lại ở việc nhìn nhận khuyết tật mù loà của mình để sám hối canh tân, để được chữa lành, mà còn phải mặc lấy tinh thần tín thác, cậy trông, sống đức tin trong niềm vui tươi, hân hoan như anh chàng khiếm thị trong đoạn Tin Mừng hôm nay sau khi được sáng mắt sáng lòng. Cụ thể, đó là một đức tin chan chứa niềm hoan lạc, reo vui, cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao ơn thánh được trao ban. Đó là một đức tin thấm đượm lòng can đảm, gan dạ, sẵn sàng trực diện với vô vàn cạm bẫy nơi dương gian này. Và đó cũng là một đức tin vững vàng, không lung lay hay đổi dời, chấp nhận thiệt thòi để sống chứng tá cho ánh sáng Tin Mừng giữa bóng đêm tội lỗi, giữa muôn vàn sa đoạ trần đời hôm nay.

Sau cùng, chúng ta cùng mượn lời Thánh Phao-lô Tông Đồ trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô (x. Ep 5, 8-14) mà thinh lặng nguyện cầu: “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng, bởi vì hoa trái của sự sáng ở tại tất cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật. Anh em hãy nhận biết điều gì làm đẹp lòng Chúa, và đừng thông phần vào những việc con cái tối tăm không sinh lợi ích gì, nhưng phải tố cáo thì hơn. Vì chưng, việc chúng làm cách thầm kín, du có nói ra cũng phải hổ thẹn. Nhưng tất cả những việc người ta tố cáo, thì nhờ sự sáng mà được tỏ bày ra; vì mọi việc được tỏ bày, đều là sự sáng”. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

ĐÔI MT - CÁCH NHÌN - LỐI NGHĨ SUY

Kính thưa quý cộng đoàn Phụng Vụ! Không ít trong chúng ta được khen có đôi mắt đẹp, đôi mắt sáng, đôi mắt tinh tuyền, đôi mắt sành đời…Nhưng không mấy ai khen tặng những lời tốt đẹp cho người mù thể lý cũng như người mù về mặt thiêng liêng lại có đôi mắt sáng! Các bài đọc Phụng Vụ hôm nay ít nhiều đều nói tới đôi mắt và cách nhìn của Chúa, cũng như ánh mắt, lối nhìn - nghĩ suy của con người nói chung.

Khi Thiên Chúa mời gọi và chọn ai trong dân Is-ra-el thay mặt Ngài lãnh đạo, thì Ngài luôn nhắc nhở các tiên tri, đặc biệt tiên tri Sa-mu-el nơi bài đọc I “đừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi. Ta không xem xét theo kiểu của con người, vì chưng con người chỉ thấy điều mắt thấy, còn Thiên Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 1, 7). Quả thật ‘đôi mắt là cửa sổ tâm hồn’ như chúng ta đã từng nghe, nhưng khi xem xét, nhìn nhận sự việc hoặc người khác, thì đôi mắt của chúng ta thường chỉ dừng lại bên ngoài cánh cửa ấy, và dường như bị hấp dẫn, bị tác động bởi dáng vẻ bên ngoài, quên đi việc bước vào tâm hồn ấy! Chính vì lối nhìn ấy nên ảnh hưởng đến cách nghĩ suy của chúng ta, và trông rất giống như các luật sỹ, biệt phái đã nói: “mày sinh ra trong tội mà mà dám dạy chúng ta ư?” (x. Ga 9, 34). Họ gán ghép và mặc định những ai bị khuyết tật, bị bệnh hoạn, bị tai nạn là do tội của họ hoặc tội của cha mẹ họ. Và đây cũng chính là vấn đề mà các môn đệ hỏi Chúa Giê-su ở đoạn đầu Phúc Âm hôm nay. Một cách khẳng khái, Ngài đã phá vỡ cách nhìn mặc định, chụp mũ của họ mà trả lời rõ ràng rằng: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha manh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (x. Ga 9, 3). Câu trả lời của Chúa Giê-su khiến chúng ta thật sự xem lại cách nhìn, lối suy nghĩ về những gì không may mắn, rủi ro, thậm chí những tai nạn xảy đến với chúng ta, với người thân trong cuộc đời này. Chẳng phải vì chúng ta bị phạm tội, hay ông bà tổ tiên cha mẹ chúng ta phạm tội sinh ra hậu quả chúng ta bị khuyết tật bẩm sinh, bị tai nạn…Một phần nào đó, nói theo khoa học, những gì bố mẹ làm (như lúc thời trai trẻ, họ dùng quá nhiều thức uống có cồn, dùng thuốc tránh thai, có lối sống không lành mạnh…) có thể ảnh hưởng đến hình hài con cái sau này, nhưng đó không phải là lí do để mặc định, quy chụp cho ai bị tật nguyền, thiểu năng bẩm sinh!

“…Nhưng chuyện đó xảy ra là để việc của Thiên Chúa được tỏ hiện” cụ thể khi Chúa Giê-su khẳng định “chính vì để luận xét mà Ta đã đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy, sẽ trở nên mù” (x. Ga 9, 39). Dường như có một điều nghịch lý ở đây! Chẳng phải cộng trạng hay vẻ bề ngoài ‘nam thanh nữ tú’ của anh chàng mù bẩm sinh này mà mắt anh được mở ra và trông thấy tường tận mọi vật, nhưng đúng hơn là nhờ vào lòng thương xót của Chúa Giê-su và đôi mắt đức tin của anh khi được diện đối diện với Đấng chữa lành, nên anh được trông thấy thật sự. Ngược lại, các người luật sỹ, biệt phái hằng ngày được chứng kiến, xem thấy tận mắt Chúa Giê-su là Đấng giàu lòng xót thương, chữa lành bệnh tật, giảng dạy cho dân chúng, nhưng giờ đây họ lại trở nên ‘mù’ (không xem thấy, không nhận biết) khi nghe lời chứng thật của anh mù bẩm sinh. Họ không chỉ mù về thể lý, mặc dù mắt họ to tròn, sáng tỏ, nhìn rõ mọi vật, mà còn mù về mặt tâm linh vì đôi mắt tâm hồn họ khép kín, đức tin họ đóng băng. Do đó, họ không tin nhận kể cả khi được đối diện với Chúa Giê-su, khi được chứng kiến tận mắt phép lạ mà Ngài chữa lành cho anh mù thời bình sinh. Vì thế, lời Chúa Giê-su đáp lại cho họ: “Nếu các ngươi mù, thì các ngươi đã không mắc tội; nhưng các ngươi nói chúng tôi xem thấy”, nên tội các ngươi vẫn còn” (Ga 9, 41).

Thật vậy, nếu chúng ta có được đôi mắt sáng về mặt thể lý thì xin cho cách nhìn, lối suy nghĩ của chúng ta cũng được sáng suốt qua những việc tốt lành, công chính và chân thật như Thánh Phao-lô nhắn gửi giáo đoàn Ê-phê-sô: “Anh em hãy ăn ở như con cái của sự sáng, bởi vì hoa trái của sự sáng ở lại tất cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật” (Ep 5, 8 - 9). Hơn nữa, nếu chúng ta được phúc có đôi mắt sáng về mặt thể lý, thì xin cho con mắt đức tin của chúng ta ngày càng sáng tỏ hầu nhận ra thánh ý, nhận biết Chúa qua các biến cố cuộc sống, nhìn thấy Chúa nơi anh chị em không chút thiên vị hay phân biệt hoặc định kiến, “anh em hãy nhận biết điều gì làm đẹp lòng Chúa, và đừng thông phần vào những việc con cái tối tăm không sinh lợi ích gì…” (x. Ep 5, 10 - 11). Và sau cùng, nếu đôi mắt thể lý hay con mắt đức tin chúng ta đang trong tình trạng ‘mù loà’ hay ‘ngủ mê’ hay ‘khép kín’, ảnh hưởng đến tầm nhìn, cách nhìn, lối nghĩ suy thì như lời răn bảo của Thánh Phao-lô, xin cho chúng ta can đảm trỗi dậy: “Tỉnh giấc đi hỡi người còn đang ngủ, từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào, Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Ep 5, 14).

Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ, giờ đây chúng ta cùng thành tâm dâng lên Chúa lời cầu nguyện:

          Cảm tạ Chúa ban cho con đôi mắt

          Để nhìn đời không một chút bợn nhơ

          Để nhận biết Thánh ý qua thời đại

          Hầu sẻ chia vui buồn trong cuộc đời.

          Xin gìn giữ ánh mắt con trong sáng

          Và lối nhìn, cách suy nghĩ của con

          Được tinh tuyền, chẳng vướng bận tăm tối

          Tỉnh cơn mê chìm trong ngày tháng qua. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng                 

Tác giả: