Mình nghèo mà mình biết mến thương nhau - Nhanh và chậm
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Anmai, CSsR
MÌNH NGHÈO MÀ LÒNG BIẾT MẾN THƯƠNG NHAU CÒN HƠN GIÀU CÓ ĐỔI THAY MAU ...
Như mọi ngày, cứ chiều đến là chim đến tìm mồi vì “đất lành thì chim đậu” mà.
Chiều nay bầy chim non lại vào. Sáng biết chiều chim vào nên luộc cho 1 ký trứng cút (Ở cái vùng này trứng gà vịt hay cút đều bán ký).
Vừa vào, nhìn thấy trứng cút là la toáng lên vì vui. Thế là chim bắt đầu “bắt mồi”.
Ăn xong, tưởng các bạn về như mọi ngày nhưng không. Một trong bọn nhóc hỏi :
- Cha ! Cha ăn vú sữa không ?
Nghĩ bụng cái món thèm mà còn hỏi nên trả lời ngay
- Cha ăn ! Nhưng ở đâu tụi con có ?
- Dạ đi hái !
- Hái ở đâu ?
- Dạ đi xin.
Thế là bầy chim bay đi tìm vú sữa.
1 tiếng đồng hồ bay về, con bé con túm ngay cái vạt áo. Nhìn thương lắm kìa. Đếm tới đếm lui đâu được 8 trái.
Trao cho Cha còn dặn :
- Này Cha để mấy bữa nữa chín ăn mới ngon nha Cha !
Thấy sao mà thương quá đi thôi !
Bánh ít đi, bánh quy lại chứ ! Ở đời : Có qua có lại mới toại lòng nhau chứ !
Thế là tìm thấy 1 gói kẹo. Cắt ra và chia cho sắp nhỏ. Chúng nhìn thấy m&m thích lắm. Có lẽ chưa bao giờ được ăn. Chỉ nghe đến chocolate là khoái thôi. Có biết đâu. Nên nói “socola m”.
Nghĩ thấy thương lắm.
Nhận kẹo xong là đàn chim bay mất để lại mảnh “đất lành” cô đơn. Cũng như cánh cổng Nhà Thờ sau khi khép lại thì còn mình ta với Chúa mà thôi.
Từ lúc sắp nhỏ nói đi hái vú sữa là trong đầu buồn cười rồi. Cả giờ kinh chiều cứ suy nghĩ không biết đào đâu ra vú sữa đây. Mà nếu có thì thấp tũn làm sao mà hái được. Ấy vậy mà cũng moi đâu ra được 8 quả như đã nói.
Ở đời, mỗi người có những niềm vui và chọn cho mình niềm vui. Ở cái Tu Viện này, “đất lành” tìm niềm vui nơi những chú chim nho nhỏ.
Chuyện có mấy trái vú sữa thôi mà làm cho cha già này nghĩ mãi. Bọn trẻ mới lớp 3 lớp 4 chứ mấy nhưng lòng biết ơn và tình thương xem chừng ra lai láng.
Trong đầu, trong người chả có gì ngoài mấy trái vú sữa của hàng xóm. Thế là cả đám kéo nhau đi hái thôi.
Nhìn mấy trái vú sữa, nhìn những nụ cười của trẻ thơ thấy sao mà thương quá ! Chúng dạy cho mình bài học lòng biết ơn và nhớ đến người khác đó chứ ! Người lớn hay những người giàu có có khi không nghĩ ra như những người nghèo hay lũ chim nho nhỏ chiều chiều bay vào chơi với “đất”.
Đời là vậy đó ! Mình nghèo mà lòng biết mến thương nhau còn hơn giàu có đổi thay mau thật là đúng ! Mình nghèo, bọn nhỏ cũng nghèo nhưng vẫn cứ biết mến thương nhau và nhớ đến nhau. Bấy nhiêu có lẽ là đủ cho cuộc đời rồi.
Niềm vui của “đất” không là gì lớn ! Chỉ là được chơi với lũ trẻ, được nhìn thấy chúng vui và niềm vui hôm nay gói ghém nơi những quả vú sữa con con.
Trong lòng, chả nghĩ gì to tát cả. Mình cứ gieo và gieo. Biết đâu được trong cái đám nhóc này thành tu sĩ hay linh mục thì sao ? Chắc chắn mình già và chết trước chúng nó nhưng ít ra trong đầu của chúng là chiều chiều vào Tu Viện là có chút gì đó để chung chia với nhau. Nơi đây không có tiếng chửi thề, nơi đây không có gian tham và giành giật.
Có lẽ niềm vui và niềm hy vọng của Cha già này có nhiêu đó thôi. Nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi. Hy vọng đám trẻ này lớn lên trong tình Chúa – tình người và không thành công cũng sẽ thành nhân.
Lm. Anmai, CSsR
************
NHANH VÀ CHẬM
Rảnh rảnh ngồi suy nghĩ về chuyện nhanh và chậm trong cuộc đời. So sánh chút chút về sự nhanh và sự chậm của Thiên Chúa và con người.
Con người đang sống trong thời đại mà cái gì cũng nhanh. Đi nhanh, ăn nhanh, làm nhanh, yêu nhanh và cũng bỏ nhau một cách nhanh không thể tưởng.
Lạ nhỉ ? Làm cái gì cũng nhanh cả. Ngay cả tương quan giữa người với người, yêu nhau cũng nhanh mà giận nhau cũng nhanh và có điều là giận lâu và giận dai lắm cơ !
Từ trong gia đình đến tương quan ngoài xã hội, người ta nhanh giận nhau lắm và giận thì giận dai có có khi là truyền kiếp nữa : “Cha ơi ! Người đó làm con giận và con không bao giờ tha thứ được”.
Ơ hay ! Thì cứ giận đi ! Ai cấm nào ! Tự do mà ! Cứ giận và giận thật lâu vào. Xem ai sướng ai khổ.
Và, có một chuyện nữa con người cạnh cái chuyện giận thật chậm đó là khi giúp người khác cái gì đó là rất chậm. Có khi là ráng giúp, cố giúp cho xong trong khi khả năng của mình có đó. Người khác nhờ mình cái gì đó thì cũng giúp nhưng có khi là câu giờ để xem ra cái sự giúp của mình có giá trị.
Còn với Thiên Chúa, ta thấy trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu khi cần giúp cho ai đó, khi cần làm điều thiện nào đó thì Chúa làm thật nhanh, Chúa đến thật nhanh và không do dự. Cứ ở đâu thấy người đau yếu bệnh tật là Chúa giúp mau và giúp nhanh nữa.
Trong mọi sự, Chúa đều nhanh. Thế nhưng có một cái Chúa chậm mà nhờ cái chậm ấy lại là điều may mắn cho con người đó là chậm giận và mau tha thứ.
Bản tính của Thiên Chúa là như vậy đó. Thánh Kinh giới thiệu Thiên Chúa như Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận, giầu tình yêu và thành tín, luôn luôn sẵn sàng tiếp đón, thông cảm và thứ tha.
Trong Thánh Kinh Chúa được giới thiệu như là "Thiên Chúa xót thương". Ðó là tên của Ngài, qua đó Ngài vén mở cho chúng ta gương mặt và con tim của Ngài. Khi tự vén mở cho ông Môshê như kể trong sách Xuất Hành, chính Ngài tự định nghĩa như thế này: "Chúa, Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận, giầu tình yêu và thành tín" (Xh 34,6). Cả trong các văn bản khác chúng ta cũng tìm thấy công thức này, với vài thay đổi, nhưng luôn luôn nhấn mạnh trên lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa, là Ðấng không mệt mỏi tha thứ (x. St 4,2; Ge 2,13; Tv 86,15; 103,8; 145,8; Nkm 9,17). Chúng ta hãy cùng nhau duyệt xét một lần các từ này của Thánh Kinh nói với chúng ta về Thiên Chúa.
Chúa "thương xót": lời này khơi dậy một thái độ của sự hiền dịu như thái độ của một bà mẹ đối với con minh. Thật thế, từ do thái được Thánh Kinh dùng khiến nghĩ tới ruột hay cung lòng mẹ. Vì thế hình ảnh gợi lên là hình ảnh của một Thiên Chúa xúc động và hiền dịu với chúng ta như một bà mẹ, khi ôm lấy đức con nhỏ vào vòng tay, chỉ ước mong yêu thương, che chở, giúp đỡ và sẵn sàng trao ban tất cả, cả chính mình. Ðó là hình ảnh mà từ này gợi lên. Như thế đó là một tình yêu có thể định nghĩa trong nghĩa tốt lành là "nội tạng".
Ta thấy Thiên Chúa “trắc ẩn” trong nghĩa ân xá, cảm thương, và trong sự cao cả của Ngài Ngài cúi xuống trên kẻ yếu đuối và nghèo túng, luôn luôn sẵn sàng tiếp đón, cảm thông và tha thứ. Ngài như người cha của dụ ngôn thánh Luca kể trong Phúc Âm (x. Lc 15,11-32): một người cha không khép kín trong giận dữ vì đứa con út bỏ đi, nhưng trái lại tiếp tục chờ đợi nó – ông đã sinh ra nó - rồi ông chạy ra gặp nó và ôm hôn nó, không để cho nó kết thúc sự xưng thú của nó – làm như thể ông bịt miệng nó lại - tình yêu và niềm vui của ông to biết chừng nào vì đã tìm lại được con. Và rồi ông cũng đi gọi người anh cả giận dữ và không muốn vào mừng lễ; anh là đứa con luôn luôn ở trong nhà nhưng sống như là một đầy tớ hơn là một người con, thế mà người cha cũng cúi xuống trên anh, mời anh vào nhà, tìm mở rộng trái tim anh cho tình yêu, để không có ai bị loại trừ khỏi lễ mừng của lòng thương xót. Lòng thương xót là một lễ mừng.
Về Thiên Chúa thương xót này người ta cũng nói rằng Ngài “chậm giận” dịch sát chữ là “có hơi thở dài”, có nghĩa là với hơi thở rộng rãi của lòng quảng đại và có khả năng chịu đựng. Thiên Chúa biết chờ đợi, các thời gian của Ngài không phải là các thời gian của sự không kiên nhẫn của con người. Ngài như người nông phu khôn ngoan biết chờ đợi, để cho hạt giống có thời gian lớn lên, cho dù có cỏ lùng (x. Mt 13,24-30).
Và vì Thiên Chúa thương xót này trung thành trong lòng từ bi của Ngài, và thánh Phaolô nói lên một điều hay đẹp: nếu bạn không trung thánh với Ngài, Ngài sẽ vẫn trung thành, bởi vì Ngài không thể tự chối bỏ chính mình. Lòng trung thành trong sự thương xót chính là bản chất của Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa luôn luôn và hoàn toàn đáng tin cậy. Một sự hiện diện vững vàng và ổn định. Đó là sự chắc chắn của đức tin chúng ta. Và như vậy chúng ta hãy hoàn toàn phó thác mình cho Ngài, và hãy sống kinh nghiệm được yêu bởi vì “Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và cao cả trong tình yêu và lòng trung thành này”.
Bản tính của Thiên Chúa là như vậy và chúng ta cũng nên chăng nhìn lại chính mình trong thực tại của cuộc sống. Nên chăng bắt chước Chúa Giêsu là mau mắn thực thi bác ái, nhanh chân chia sẻ tình yêu thương cho người đồng loại và chậm giận hay chậm bất bình với anh chị em chúng ta vì lẽ với chúng ta Chúa chậm giận và giàu tình thương.
Trong cuộc sống, có những cái cần nhanh nhưng chưa chắc những cái nhanh mà lại tốt như thức ăn nhanh. Vì tranh thủ thời gian nên người ta ăn thức ăn nhanh và ăn cũng nhanh. Dần dần với cái chuyện ăn nhanh đó nó sẽ làm tổn hại đến con người của chúng ta.
Thiên Chúa không bao giờ chấp tội chúng ta, nhưng mong chúng ta sớm nhận ra tình thương của Ngài để hồi tâm trở về. Sự chờ đợi và tình thương của Chúa là vô tận. Ngài vẫn kiên nhẫn chờ đợi và rộng lòng tha thứ hết mọi lỗi lầm của chúng ta. Thế nên, chúng ta hãy cùng nhau quyết tâm trở về với lòng thương xót của Chúa, đồng thời hãy noi gương Chúa để xót thương người khác và lấy lòng nhân hậu mà đối xử tốt với nhau.
Lm. Anmai, CSsR