Nhảy đến nội dung

Những gì của cha ....là của con

NHỮNG GÌ CỦA CHA… LÀ CỦA CON

 

Tài sản – là một trong những vấn nạn muôn thuở của thời đại. Ở mọi nơi, mọi thời, mọi gia đình, xã hội,… bất kể nơi nào cũng có thể xảy ra tranh chấp, chém giết vì tiền bạc, tài sản bất chấp luân thường đạo lý, ngay cả huyết thống. Chỉ bởi vì cái tài sản, tiền bạc ấy mà gây ra biết bao nhiêu chuyện bạo hành trong xã hội.

         Tiền bạc, tài sản quan trọng thật. Vì không có nó, con người không thể sống. Nhưng tiền bạc không phải là cứu cánh, là tất cả. Nếu chỉ dựa vào đồng tiền, con người sẽ trở thành nô lệ. Nếu biết làm chủ đồng tiền, nó thật ra chỉ là phương tiện của chúng ta mà thôi, không thể là ông chủ được. Khi quá coi trọng tiền bạc vật chất, lúc đó con người đã tự thân hoán đổi vị trí quí báu của mình.

         Vì có tiền là có tất cả, nên con người giành giựt chém giết, sát hại lẫn nhau. Cũng chỉ vì cần phải có tiền nên con người cứ phải mải miết chạy đua trong vòng xoáy bạc tiền. Người con thứ trong Tin mừng hôm nay, dường như đã quá chán ghét, quá mệt mỏi với cuộc sống cần lao vất vả, những hoạt động nhàm chán, buồn tẻ được lặp đi lặp lại hằng ngày, nhắm mắt thì thôi, mở mắt ra là phải tất bật bôn ba lao động kiếm sống… nên anh đã nài xin cha, chia gia tài cho anh: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.” (Lc 15.12). Giã từ cuộc sống nhàm chán vì tiền, anh lên đường ra đi tìm chốn hưởng thụ nó.

         Người cha đáp ứng đòi hỏi của con mình, chia cho anh những gì mà ông đã ấn định và thế là anh lên đường. Chân trời hạnh phúc mới mở ra trước mắt anh với biết bao viễn tượng đẹp, hấp dẫn, kỳ thú. Và anh đã sống, đã thực sự nếm cảm hạnh phúc ấy trong những chuỗi ngày ngắn ngủi, ngụp lặn trong trụy lạc. Tiền có bao nhiêu cũng không thể đủ cho dục vọng đam mê khoái lạc của con người. Kết quả, anh đã trắng tay. Hết tiền đồng nghĩa với việc hết tất cả: bạn bè, của cải, địa vị, sắc đẹp… Anh đã lâm vào con đường khốn cùng không lối thoát.

         Từ một thiếu gia giàu có, bảnh bao, anh giờ đây đã trở thành kẻ bần cùng, thấp kém nhất trong xã hội, một kẻ chăn heo thuê, nhưng vẫn không có lấy hột cơm để ăn, đển cả cám heo cũng không được dùng. Xã hội và con người đã quay lưng lại với anh. Nhục nhã, tủi hờn quá, anh quyết tâm quay trở về, chỉ cần cầu xin sự tha thứ của cha mình, chỉ cần được làm người đày tớ, chỉ cần được trở thành người làm công của cha thôi, anh cũng cảm thấy hạnh phúc, ấm áp hơn nhiều: “Biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với trời và và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công của cha vậy.”(Lc 15,17-19). Đến lúc này, anh đã chân nhận ra cái hạnh phúc quí báu, cái giá trị vô cùng mà anh đã mù quáng vứt bỏ. Anh quyết tìm lại nó, tuy không còn được nguyên vẹn, nhưng vẫn tốt hơn những gì ngoài cha anh mà anh đang nhận được.

         Quả thật không phụ lòng tin tưởng hy vọng của anh, cha anh đã cho anh nhiều hơn nhiều anh dám tưởng tượng và nghĩ tới. Khi thấy anh trở về và cầu xin tha thứ, ông rất đỗi vui mừng, hoan hỉ: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15, 22-24)

         Tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại còn hơn thế nữa. Khi con người buông tay Ngài ra, muốn tự bước đi trên con đường của riêng mình, được tự do thoải mái, khỏi phải hãm mình, không phải hy sinh, chả phải giữ lề luật… cũng chính là lúc con người bỏ ngôi nhà tình thương của Thiên Chúa Cha mà đi vào cõi hủy diệt. Thế nhưng, Thiên Chúa luôn ở đó, yêu thương và đợi chờ con người hối cải, quay trở lại. Chỉ cần con người biết sám hối, ăn năn, nhận ra mình sai phạm là Thiên Chúa tha thứ tất cả.

         Vấn đề không hệ tại ở Thiên Chúa mà là chính ở con người. Giả như ai cũng có thể biết trở lại như người con thứ, giả như ai cũng chân nhận ra giá trị tình thương mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, thì có lẽ thế giới đã tốt hơn, xã hội bớt đau khổ và tội lỗi hơn. Thế nhưng, sự đam mê dục vọng với lối sống hưởng thụ ích kỉ cùng với thói ganh ghét, hận thù, tính toán của con người như hình ảnh của người con cả khi thấy đứa em hư hỏng của mình sau khi tiêu tán hết của cải trở về mà vẫn được cha yêu thương thì tức giận đã khiến cho sự dữ ngày một bành trướng. Chính sự ghen tức khiến người anh trở nên mụ mẫm, cho rằng cha mình đã quá bất công, thay vì phải hết sức mừng vui vì gặp lại đứa em khốn khổ của mình: “Cha coi, đã bao năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng.” (Lc 15, 29-30).

         Cũng vậy, con người thường hay đối xử khắt khe với nhau như thế. Nhìn thấy kẻ ác, người xấu mà được may mắn, được đối xử khoan nhân thì thường tỏ ra tức giận, ghen tỵ. Hỏi ai có được tấm lòng quảng đại như Thiên Chúa? Hỏi ai có được cái nhìn bao dung của Ngài và sống như Ngài?

         Lạy Chúa, hình ảnh hai người con trong Tin mừng hôm nay, nơi con có cả. Sự ích kỉ hưởng thụ, sự ngang bướng khó chịu khi phải sống trên con đường hẹp của Ngài cùng với lòng ghen tương tức giận mỗi khi thấy kẻ ác được may mắn, thành công khiến cho con bất an, hậm hực. Thế nhưng, dù con là ai, dù con có thế nào thì con biết rằng Ngài vẫn luôn yêu thương, tha thứ và chờ đợi con trở lại. Ước gì con có thể nghe và hiểu được lời Ngài trong thinh lặng: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con…” (Lc 15, 31) Xin cho con vững tin và dám sẵn sàng đánh đổi tất cả, để chỉ sống và giữ lấy tài sản là Thiên Chúa làm gia nghiệp trọn đời.

M. Hoàng Thị Thùy Trang.