Nhảy đến nội dung

Thiên Chúa là Chủ duy nhất

Thiên Chúa là Chủ duy nhất

 

Có câu chuyện được đăng tải trên Internet vào tháng 1/2013. Chuyện kể hai chị em tuổi 25 &19 nơi một thành phố nhỏ tiểu bang Oregon. Người chị mất việc đã 5 tháng nay, đứa em trai đang chuẩn bị thi vào đại học, vừa bị mất cắp cái laptop computer cách đó mấy hôm. Ngày kia, hai chị em ngồi chung xe về nhà, nhìn thấy cái túi vải ai làm rớt trên đường. Chị dừng xe, em chạy xuống nhặt cái túi lên và bắt gặp một xấp tiền toàn giấy 100 & 50 dollars với một biên lai liệt kê tổng số tiền là 25K…Ngồi im lặng một hồi trên xe, chị bàn nên trả cho người đánh rơi. Nhưng em trai nói với chị: “Đàng nào ta cũng trên đường về nhà. Ta sẽ hỏi cha mình xem ông tính thế nào”… Sau khi xem biên lai người cha nhận ra chữ ký giám đốc của ngân hàng nơi xuất xứ số tiền. Và ông đã lái xe ra ngân hàng trả lại số tiền 25 ngàn dollars đó để họ tìm cách liên lạc với người đã đánh rơi túi tiền… Mấy ngày sau, người ta gửi cho 2 chị em mỗi người một bao thư trong đó mỗi bao thư đựng $200 dollars để cám ơn cả hai chị em. Báo chí đăng tin và dư luận nhiều người trong thành phố đã cho hai chị em là không khôn ngoan vì đã không dùng số tiền bắt gặp để mua lại cái computer bị kẻ khác lấy cắp và người chị có thể dùng tiền đó để có thể sinh sống trong thời gian kiếm việc. Nhưng cả hai chị em đều nói chúng tôi cũng đã bị dằn vặt khi chiến đấu với lương tâm và đức công bằng trước khi quyết định trả lại số tiền không phải của chúng tôi cho người chủ. Nhờ cuộc phỏng vấn với báo chí và truyền hình, một người tốt bụng đã gửi cho cậu em trai một laptop mới hiệu Apple và một chủ hãng thương mại trong thành phố đã thâu nhận người chị vào chức vụ thích hợp với số lương hằng năm gấp 3 lần số tiền mà cô ta và người em đã trả lại.

            Kinh nghiệm về đồng tiền, cha ông ta có câu: “Đồng tiền liền khúc ruột!” Chúa Giê-su nói một câu tương tự: “Kho tàng của con ở đâu thì lòng con ở đó” (Mt 6:19). Đồng tiền quả thật rất quan trọng trong đời sống con người. Tuy nhiên, câu chuyện vừa kể ở trên, tuy không phải ai cũng may mắn được đền bù hậu hỹ như hai chị em nhà kia, nhưng để nhắc nhở chúng ta: việc hoàn trả những gì thuộc người khác là một việc làm của đức công bình (“của Caesa trả cho Caesa, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”). Đạo Chúa dạy Bác ái với tha nhân, nhưng không thể có Bác ái nếu không có Công bình!

            Bài đọc I nói tới đức công bình. Ngôn sứ A-mốt cảnh cáo những người giầu có và quyền thế đối xử tàn ác, bất công với những người nghèo khó và cô thế trong xã hội.

            Bài đọc II Thư gửi Ti-mô-thê, một cộng sự thân cận của mình, Thánh Phao-lô cho chúng ta biết tất cả mọi người dù giầu hay nghèo đều có phẩm giá và ơn gọi như nhau trước mặt Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài.

            Bài Tin Mừng Thánh Lu-ca có vài điểm khó hiểu về mặt chú giải như tại sao ông chủ lại khen người quản gia ‘bất lương’ và Chúa Giê-su lại nói đồng tiền là ‘bất chính.’ Thật ra ông chủ (tượng trưng cho Thiên Chúa) chỉ khen hành động của người quản gia là khôn khéo, tháo vát, ứng phó kịp thời với hoàn cảnh bất lợi, chứ không hề khen cách sống ‘bất lương’ của anh ta. Còn đồng tiền bị Chúa Giê-su xem là ‘bất chính’ thì phải hiểu là đồng tiền chỉ có giá trị chóng qua trong cuộc sống trần gian này mà thôi, so sánh được với giá trị vĩnh viễn liên quan tới Ơn Cứu Độ, tới Nước Thiên Chúa.

            Chúa Giêsu muốn nói: Người Ki-tô hữu phải biết khôn ngoan và thích ứng để ứng phó với mọi hoàn cảnh; đồng thời phải khôn khéo biết dùng của cải trần gian là thứ chóng qua mà mưu tìm phần rỗi đời đời cho mình và phải biết chọn làm tôi Thiên Chúa chứ không để mình làm nô lệ cho đồng tiền.        

            Đồng tiền mà chúng ta kiếm được mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm là do công lao khó nhọc, mồ hôi nước mắt thì chúng ta vẫn chỉ là người quản lý chứ không phải là ‘chủ nhân ông’ của đồng tiền ấy. Chính Thiên Chúa mới là chủ đồng tiền và tài sản của chúng ta có. (Thiên Chúa là Chúa Tể vạn vật, Chúa đã giao phó cho loài người trách nhiệm bảo vệ và quản lý công trình tạo dựng của Chúa. Nhưng con người đã không chu toàn trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, sự sống cũng như tài sản nên mới xảy ra sự bất công trong xã hội hiện nay). Chúng ta có bổn phận quản lý tốt và xử dụng đồng tiền theo ý của Thiên Chúa.

            Chúng ta đang sống trong một thời đại của kỹ thuật tân tiến, của mỹ phẩm, của thẩm mỹ và sức ép của thị trường quảng cáo. Người người chạy theo IPhone, IPad, IPod… sửa sắc đẹp để thay hình đổi dạng thường xuyên. Tranh đua và bon chen để làm giàu bằng mọi cách bất chấp công bình và bác ái! Xã hội mà Chân phước Giáo Hoàng JPII gọi là “Văn Hóa của sự chết!”

            Chúa Kitô phán: “Được lời lãi cả thế gian mà chết mất linh hồn thì được ích gì!” Không ai mang theo mình được gì khi nhắm mắt xuôi tay, ngoại trừ tình yêu, công phúc và tội lỗi. Đó là một sự thật. Chúng ta nên xử dụng đồng tiền cách khôn ngoan. Tiêu xài chừng mực, hợp lý. Không hoang phí mà có lỗi với những kẻ nghèo. Hãy sống công bình, bác ái, vị tha và đừng ích kỷ, chỉ biết sống cho mình. Đừng như người quản gia bất lương đã lạm dụng chức vụ rồi làm tiêu hao tài sản của Chúa là ơn thánh, thời gian, sức khoẻ, tài năng, của cải mà Chúa giao cho chúng ta. Nhưng hãy biết dùng những quà tặng đó để làm vinh danh Chúa và sinh ích cho những thành phần túng thiếu trong xã hội.

            Và đó cũng là điều mà tôi nghĩ Chúa Kitô sẽ căn cứ vào đó để thưởng, phạt chúng ta khi diện kiến Ngài vào ngày cuối cùng của đời mình.

      Phó Tế Phêrô Đặng Phi Hùng

Tác giả: