Tình cho không biếu không
- T5, 27/03/2025 - 14:54
- Jorathe Nắng Tím
”TÌNH CHO KHÔNG BIẾU KHÔNG”
Suy niệm Tin Mừng CN IV MC năm C
TMĐP – Cha mãi mãi yêu con bằng một tình yêu vô điều kiện, thương con bằng tình cho không, biếu không … là bảo đảm đời đời vững chắc cho đường về của con.
Con đường khó đi nhất, thử thách khó vượt qua hơn cả, chính là Hoà Giải. Và con đường Hoà Giải ấy không chỉ khó khi trở về với Chúa, đến với anh em, mà còn khó cả khi tìm gặp chính mình.
Kinh nghiệm bản thân làm chứng điều ấy với bao lần ta sợ ra khỏi tình trạng bê bết hiện tại chỉ vì không muốn thay đổi một tập quán, một đường nếp, một lối xưa, một ngõ cũ tuy đã mòn, nhưng sẵn có; biết bao phen ta ngần ngại, lười biếng đứng dậy, cất bước ra khỏi chỗ mình đã quen ăn, quen ở, quen chơi; và biết bao năm tháng ta đã chần chừ,lưỡng lự, không đủ dứt khoát, quyết liệt trước những chọn lựa khẩn cấp vì sự sống còn của chính ta.
Những kinh nghiệm trên, người con hoang đàng trong Tin Mừng Luca đã nếm đủ, bởi sau những ngày tháng ăn chơi xả ga, vung tay quá trán, anh đã tiêu sạch hết tiền. Nhưng không vì nhẵn túi và lâm cảnh khó khăn, mà anh đã nghĩ đến chuyện trở về nhà với cha; không vì mất hết lính lác, đàn em và chung quanh không còn các “em gái mưa” tươi mát, xinh đẹp bay lượn chiều chuộng, mà anh quyết định đổi đời bằng từ giã chốn ăn chơi, từ bỏ kiếp ngao du, giang hồ để trở về mái ấm tình cha. Trái lại, anh tìm mọi cách bám trụ, cố gồng mình để yên vị, cậy cục, cầy đào để không phải đứng dậy, lên đường trở về.
Sở dĩ anh không muốn ra khỏi tình cảnh dù rất thê thảm, tồi tệ của hiện tại, vì mang nhiều mặc cảm: mặc cảm thất bại trước mọi người, nếu trở về với thân xác tiều tuỵ, và tinh thần băng hoại; mặc cảm vô tài, bất tướng trước dân làng, nếu trở về không danh phận, không sự nghiệp như anh đã vênh vang cá cược trước khi ra đi; mặc cảm ngu đần, khờ khạo, dại gái trước bạn bè thân thiết năm xưa; mặc cảm bất hiếu đối với cha già; mặc cảm vô tích sự trước anh trai chăm chỉ làm ăn, được cha tin tưởng; và sau cùng là mặc cảm tội lỗi đối với chính lương tâm và với Trời (x. Lc 15,18).Tất cả những mặc cảm nặng nề có tính phá hoại, huỷ diệt đó đều phát sinh và được nuôi dưỡng bởi tâm hồn đặc quánh kiêu căng.
Vì kiêu căng, anh không nhận mình bất lực trước hoàn cảnh bế tắc; vì kiêu căng, anh mất khả năng đánh giá sức mình có hạn trước nạn đói khủng khiếp xảy ra trong vùng; vì kiêu căng, anh không nghĩ mình sẽ phải đi làm thuê, chăn heo, đói rã họng đến nỗi “ao ước lấy cám heo mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho” (Lc 15,16); vì kiêu căng, anh không ngờ có ngày kinh khủng, hãi hùng như hôm nay khi phải giáp mặt với cái chết vì đói ….
Nhưng chính nỗi sợ trước cái chết đói hãi hùng, khinh khủng đang lù lù đến đã bẻ cong cái kiêu căng cứng cỏi trong anh, và cho phép anh “hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!” (Lc 15,17). Nhờ hồi tâm, anh khám phá ra hiện trạng và sự thật của mình, khi so sánh giữa mình vốn là con, và những người làm công trong nhà cha anh.
Quả thực, khi lòng dạ bốc lửa kiêu căng, người con thứ hầu như mù loà, không thấy gì, biết gì: không thấy mình cần trở về, không biết cha ngày đêm trông ngóng anh trở về; và càng kiêu căng, mặc cảm càng hoành hành làm cho trái tim anh không còn cảm được tình thương bao la, vô điều kiện của cha, và nhìn thấy ánh lửa leo lét niềm hy vọng hoà giải đang toả sáng từ trong trái tim mình.
Và nhờ sợ chết đói, anh đã đứng dậy, lên đường trở về!
Thực ra, nỗi sợ chết chỉ đẩy lui một phần kiêu căng và xóa một phần mặc cảm trong anh. Bằng chứng là tuy lên đường trở về, nhưng tâm hồn anh vẫn nặng nề nhiểu mặc cảm, trong số đó mặc cảm bất xứng, bị cha từ bỏ là nguy hại nhất, nên anh đã không dám nhận mình là con, mà chỉ xin được coi như người làm công của cha mình (x. Lc 15,19).
Thái độ tự đặt mình ra khỏi điạ vị làm con, và tự đánh giá mình chỉ đáng là người làm công trong nhà cha mình tưởng là thái độ phát xuất từ lòng khiêm nhường, nhưng thực ra, đó là hệ quả của khối mặc cảm còn rất dày, rất nặng phát sinh từ tự ái, kiêu căng, bởi tâm hồn khiêm nhường đích thực là tâm hồn mang niềm tín thác chan chứa, dạt dào .
Chẳng thế mà chỉ đến khi “anh còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”. Ông không để anh ta nói gì … “Nhưng liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 154,20-24), người con thứ hoang đàng mới thực sự thấy mình vẫn mãi bé nhỏ, yếu đuối và luôn cần lòng thương xót của cha; mới nhận ra mình vẫn mãi là con của cha, vẫn ở trong trái tim từ bi nhân hậu của cha; và mới thấm thía suốt đời lời cha âu yếm: “Con ơi, lúc nào con cũng ở với cha, và tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15,31), bởi cha mãi mãi yêu con bằng một tình yêu vô điều kiện, thương con bằng tình cho không, biếu không …., là bảo đảm đời đời vững chắc cho đường về của con.
Jorathe Nắng Tím