Nhảy đến nội dung

Mùa Chay, Mùa Trở Về

Mùa Chay, Mùa Trở Về

(Suy niệm Chúa Nhật 4 Mùa Chay C)

Mùa Chay, khởi đầu từ Thứ Tư Lễ Tro, vang vọng lời mời gọi thiết tha: “Hãy hết lòng trở về cùng Chúa, hãy ăn chay, khóc lóc, than van” (Joel 2:12). Lời kêu gọi "trở về" này đặt ra những câu hỏi trọng tâm: Chúng ta đang ở đâu mà cần trở về? Tại sao cần trở về? Ai cần trở về? Phải chăng chỉ những ai lạc lối mới cần quay lại, hay ngay cả những người tưởng chừng như đang ở "nhà" cũng cần một cuộc trở về? Hình ảnh hai người con trong Tin Mừng gợi mở một sự thật sâu sắc: cả người con thứ hoang đàng và người con cả "ngoan đạo" đều cần một hành trình trở về.

Thực vậy, "trở về" hàm ý một sự xa cách, có thể là về không gian, thời gian, hoặc tình nghĩa. Trở về đồng nghĩa với đoạn tuyệt quá khứ tội lỗi, vượt qua sự cô độc khép kín. Khi nhắc đến "trở về," chúng ta nghĩ về quê hương, về ngôi nhà thân thương, quen thuộc. Với người Kitô hữu, đó là hành trình liên lỉ suốt đời để gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng là Cha nhân từ.

Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu, đã ban cho con người tự do. Khi sử dụng tự do theo ý Ngài, con người sẽ hưởng hạnh phúc. Ngược lại, khi đi ngược lại ý định của Ngài, con người sẽ gánh chịu đau khổ. Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn dõi theo con người bằng tình yêu thương vô bờ bến. Ngài chậm giận và giàu lòng xót thương, sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm nếu con người biết ăn năn và hoán cải. Như lời Ngài phán qua ngôn sứ Giô-suê: “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập” (Gs 5, 9a). Dù dân Israel lạc lối, thờ thần ngoại, nhưng khi họ hối cải, trở về với Ngài, Ngài vẫn đón nhận, tha thứ và giải thoát họ khỏi ách nô lệ. Hình ảnh đó mời gọi chúng ta, những Kitô hữu, hãy mau chóng trở về để được Thiên Chúa thứ tha. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định: "Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta. Ngài không bao giờ mệt mỏi với chuyện này. Chính chúng ta mới mệt mỏi trong việc xin tha thứ. Nhưng Ngài không mệt mỏi tha thứ."

Trong đoạn Tin Mừng (Lc 15, 1-3.11-32) hôm nay, chúng ta sẽ làm sáng tỏ tội lỗi của con người qua hình ảnh hai người con, đồng thời nhận ra tình thương và lòng nhân hậu vi diệu của Thiên Chúa nơi hình ảnh người cha. Câu chuyện được thuật lại vắn tắt như sau: Người cha có hai người con. Người con thứ, khao khát thể hiện bản thân, khám phá thế giới và tự lập, đã đòi chia gia tài. Người cha, vì thương yêu con, không ngần ngại đáp ứng nguyện vọng này. Sau khi nhận tài sản, người con thứ bắt đầu cuộc sống xa hoa, đắm mình trong những thú vui tội lỗi. Tuy nhiên, của cải nhanh chóng cạn kiệt trước những nhu cầu vô độ. Anh ta tiêu tán hết mọi thứ và rơi vào cảnh khốn cùng, đói khát. Anh phải đối mặt với những thử thách khắc nghiệt: đói khát, làm thuê chăn heo và thậm chí thèm thuồng những thức ăn của loài vật. Tác giả Luca đã khéo léo liên kết hình ảnh đói khổ, tội lỗi với hình ảnh “con heo”, tượng trưng cho ma quỷ, để diễn tả sự suy đồi tột cùng của con người sau khi phạm tội, đánh mất ân nghĩa với Thiên Chúa. Con người sau khi phạm tội sẽ lâm vào tình trạng khốn cùng, dày vò, khao khát hạnh phúc và bình an đích thực.

Dù vậy, một bài học vô giá được rút ra là, sau khi nhận thức được sự sai lầm trong lựa chọn của mình, người con thứ đã hồi tâm và quyết định trở về với cha để được no đủ và sống sót. Hơn cả những gì anh ta mong đợi, khi anh trở về từ xa, người cha đã trông thấy, chạy ra ôm chầm lấy và hôn lấy hôn để. Anh không chỉ được tha thứ mà còn được phục hồi nhân phẩm qua những cử chỉ yêu thương: được mặc áo mới, được xỏ dép, được đeo nhẫn. Đặc biệt, anh được người cha và mọi người tổ chức ăn mừng linh đình bằng con bê béo, vì ‘anh đã mất nay tìm thấy, đã chết nay sống lại’. Hình ảnh người cha đầy lòng nhân hậu này chính là hình ảnh của Thiên Chúa xót thương, luôn ngóng trông những người con tội lỗi trở về để được tha thứ và đón nhận ơn cứu độ. Quả thật, chính Chúa đã phán: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (x. Ed 33, 11). Là con người, không ai tránh khỏi sai lầm, tuy nhiên, Thiên Chúa mong muốn chúng ta luôn nhận thức được tội lỗi của mình, nhanh chóng trở về để được tha thứ và đón nhận tình yêu thương của Ngài.

Mặt khác, không chỉ người con thứ hối cải ăn năn mới cần trở về, mà người con cả, dù không hoang đàng, cũng cần quay về hơn ai hết. Anh ta sống cạnh cha nhưng chỉ như một người làm thuê, thiếu vắng tình cảm chân thành. Anh ta phủ nhận mối quan hệ với em trai khi gọi em là "thằng con của cha," bộc lộ sự ích kỷ và ghen tỵ trước lòng bao dung của cha. Thậm chí, anh ta còn từ chối lời mời gọi của cha. Những chi tiết này phải chăng phản ánh thực trạng của không ít người Kitô hữu? Chúng ta, dù đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, vẫn đi lễ và đọc kinh, nhưng đôi khi chỉ là hình thức bề ngoài, trong lòng còn chất chứa hận thù, ghen ghét, vô tâm, ác cảm, bất công và tội lỗi… Chúng ta tự xưng là Kitô hữu, sống gần Chúa, nhưng lại chưa thực sự sống tốt với tha nhân, với những người nghèo khổ, bệnh tật, già cả neo đơn. Đây là cơ hội để mỗi người hồi tâm, quay trở về hòa giải với Thiên Chúa và với mọi người.

Còn tôi, tôi đang ở trong tình trạng nào vậy? Tôi có phải trở về không?

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương