Nhảy đến nội dung

Tư Liệu Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu FABC Số 2

TƯ LIỆU FABC Số 2

Chuyển ngữ: Lm. Dominic Ngô & Lm. Xuân Hy Vọng

Giới thiệu tác giả: Lm. Pedro S. de Achútegui, S.J. là Viện Trưởng Viện Hồng y Bea tại Học Viện Ateneo de Manila, kiêm Thư ký điều hành Uỷ ban Thúc đẩy Sự hiệp nhất Kitô Giáo trực thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Phi-lập-tân. Bài tham luận này đã được trình bày tại Hội nghị Châu Á về Tôn giáo và Hòa bình, diễn ra tại Sin-ga-pore từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 11 năm 1976.

KITÔ GIÁO TIP CN HÀI HÒA VI CÁC TÍN NGƯỠNG KHÁC

Bài viết ca Lm. Pedro S. de Achútegui, S.J.

Mở đầu bài tham luận này chắc hẳn là một lời lượng tình thứ lỗi, vì lẽ các nhà chuyên môn ưu tuyển khác có thể trình bày tốt hơn đề tài này mà đã trót giao cho tôi: “Lối tiếp cận hài hòa của Kitô giáo với các Tín ngưỡng khác”. Việc này chẳng dễ dàng chút nào khi phải trình bày những tín lý và trào lưu thần học, trong khi thuyết trình viên không đóng vai trò cấu thành mà cũng chẳng chuyên sâu hoàn toàn về lĩnh vực ấy. Bởi lẽ, Kitô giáo vốn bao gồm tối thiểu các truyền thống từ Chính thống giáo, Thể phạn/Tin lành và Công giáo La Mã với từng đặc điểm riêng, sự phong phú đa dạng, thậm chí cả định kiến ​​nữa, nên rất khó diễn đạt trọn vẹn, nếu không muốn nói là "khách quan”.

Tôi dựa trên nhiều nguồn văn của các tác giả khác, mà một số cũng đang hiện diện tại hội nghị này. Do đó, những tư tưởng nổi trội chắc hẳn thuộc về sự cống hiến của họ; còn điều gì biến tướng nếu có, chỉ từ bản thân tôi là tác giả bài tham luận này mà thôi.1

Trong quá khứ, chúng ta có thể nhận định: ngay thời điểm đối diện với nguy cơ đơn giản hoá vấn đề, thì ít nhất hai thái cực đã tồn tại xoay quanh lối Ki-tô giáo tiếp cận với các tín ngưỡng hiện hữu khác (hoặc nói đúng hơn là tương quan giữa Ki-tô hữu với tín nhân các tín ngưỡng khác?) trong bối cảnh áp dụng phương thức hoạt động tông đồ truyền giáo, cụ thể: "đem Kitô giáo vào Châu Á" (chính xác là cách tiếp cận Tin lành) và "đem tính Á Châu vào Kitô giáo" (đặc biệt ngày nay, thường cho đây là lối tiếp cận Công giáo). Tôi hoàn toàn nhận thức được rằng mục tiêu hai mặt này không đơn giản chỉ nhắm tới mối liên hệ giữa Ki-tô giáo với các tôn giáo khác, mà còn là “sứ mạng” và "truyền giáo" nữa. Tuy nhiên, dựa trên nền tảng của nó, phương pháp nhị diện này được trình bày trong lĩnh vực truyền giáo lại là một quan niệm cấp tiến hơn theo lối “tiếp cận”. Quan niệm này đánh giá cao về “giá trị, hay các giá trị nơi các tôn giáo tại Á Châu”. Và đây chính là vấn đề căn bản trong đề tài này.

Vào tháng 6 năm 1975, Đại Hội Đại Kết Dòng Tên Á Châu đầu tiên (FACJE) được diễn ra tại Manila, nghiên cứu chủ đề “Đức Giêsu Kitô Giải thoát và Hiệp nhất chúng ta hầu trở nên Chứng nhân Phổ quát tại Châu Á”. Qua đó, một điểm chính lộ diện rõ là: quan niệm về “phong trào đại kết” từ trước tới nay cần được đổi mới. Hơn nữa, cuốn sách dài 350 trang tổng hợp các biên bản lưu với nhan đề: Hướng tới ‘Đối thoại đời sống’: Phong trào Đại kết trong Bối cảnh Châu Á. Và tôi xin trưng dẫn hai phân đoạn tương hợp với bản Tuyên bố Kết thúc và Khuyến nghị dưới đây:

2. Hội nghị này đã đưa chúng ta đến một nhận thức sâu sắc và rõ ràng hơn về tính đa dạng chủng tộc, văn hoá, truyền thống tôn giáo, trải nghiệm lịch sử và các vấn nạn cụ thể đang tồn tại giữa người dân Châu Á. Hơn nữa, nó cũng khiến chúng ta ý thức về cảm nghiệm chung mang tính Á Châu liên quan đến sự đổ vỡ, mất tự do và nền tăng trưởng bị kiềm hãm. Điều này dẫn đến nạn đói nghèo lan rộng, nhưng lại tồn tại song song với sự thịnh vượng khó tin, cùng với tình trạng thống trị, bất công và lệ thuộc cả trong nước và giữa các quốc gia với nhau. Như vậy, chúng ta đã chứng kiến trong cùng một lúc tính đa dạng và lối sống cộng đồng tại Châu Á nói chung, thì đây lại là một thực tế khác hẳn với Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ.

4. Chúng tôi tin rằng: mối quan tâm đến phong trào đại kết tại Á Châu mang ý nghĩa ở tầm cao mới, rộng lớn hơn Châu Âu. Nó vượt lên giới hạn cục bộ trong giáo phái Kitô giáo vốn bận tâm tư tưởng thần học và cơ cấu tổ chức (đức tin và trật tự), cũng như vươn tới với hết thảy truyền thống tôn giáo Á Châu. Vì thế, đối thoại với những tín đồ của các truyền thống tôn giáo và tâm linh này là mảng chính yếu của phong trào đại kết tại Á Châu. Điều xác quyết này dựa trên nhận thức về tính khác biệt trong trải nghiệm lịch sử Châu Á. Hơn thế, sự chia rẽ Kitô giáo không phát xuất từ cội rễ và bối cảnh lịch sử các dân tộc Châu Á. Chúng là những thực tại được du nhập và không có ý nghĩa nhiều đối với các tín đồ, nhất là mối hiềm thù xa xưa giữa các giáo hội chia rẽ đã tan biến. Do đó, phong trào đại kết Á Châu chủ yếu bao gồm quá trình đối thoại với hàng triệu tín nhân không kể đàn ông hay phụ nữ thuộc các truyền thống khác nhau tại Châu Á, mà họ đang sống giữa chúng ta.2

          Tiêu đề bài viết này bao hàm vấn đề quá rộng, nên tôi xin phép không đề cập tới bản khảo sát lịch sử chi tiết. Vì cho dù trình bày ngắn gọn đi nữa, nó cũng vượt ra ngoài phạm vi nội dung của bài viết này, đó là lịch sử mối liên hệ giữa Kitô giáo với các tôn giáo khác. Thật ra, đa nguyên tôn giáo sẽ được công nhân là một thực tại lịch sử và cảm nghiệm sống. Tuy nhiên, liên hệ giữa Kitô giáo và các tín ngưỡng có mặt khác biệt, ắt hẳn phải trở về nguồn gốc của chính Kitô giáo, vốn bắt đầu từ Do thái giáo và tồn tại suốt trong Đế chế La Mã thông qua văn hoá Hy-La cho đến truyền thống tôn giáo Bắc Phi, và theo dòng thời gian nhiều thế kỷ, vươn tới các tôn giáo lớn Á Châu cũng như những tôn giáo mang đậm nét truyền thống Phi Châu. Hơn hết, mối liên quan với tôn giáo khác được thành hình đặc biệt sau thế kỷ XVI; nhờ nỗ lực tiên phong của Xa-vi-ê tại xứ sở Nhật Bản, của đờ-Nô-bi-li ở Ấn Độ, và Ri-ci tại Trung Hoa mà tương quan giữa Ki-tô giáo với các tôn giáo lớn Châu Á nói riêng đã có mặt trên lược đồ thần học.

Cụm từ “cách tiếp cận/lối tiếp cận” trong tiêu đề này cần làm sáng tỏ hơn. Thông thường, “cách tiếp cận/lối tiếp cận” được dùng nhằm diễn tả thái độ của người ngoài cuộc. Hơn nữa, từ ngữ “giao tế” dường như thích hợp hơn với người đang đối diện, vì chưng giao tế/giao tiếp ngụ ý lột tả tính liên đới nhất định bằng cách đặt bản thân vào thế giới của người khác, và trở nên một phần của nó, chứ không vượt quá hay chống lại thế giới riêng mình. Nói cách khác, điều này cũng hàm chứa ý nghĩa cảm thông.3 Nhưng không thể nào tránh né thuật ngữ “cách tiếp cận” dù ở mặt nghĩa nào đó, bởi lẽ tôi đang nói đến tính thiết yếu của nó từ quan điểm truyền thống Ki-tô giáo, và do đó, nó nằm ngoài các “tôn giáo khác”.

Tuy nhiên, lối tiếp cận này cần thiết như lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI quả quyết: “nó thật sự cấp bách hơn hết trong đời sống Giáo hội ngày nay”. Ngài đề cập đến trí thức, sự hiểu biết, đối thoại, tinh thần cộng tác của Kitô hữu với các thành phần tôn giáo lớn khác “trong tinh thần trung thành và trung tín với các nguyên lý đức tin, đồng thời tôn trọng và đánh giá cao những giá trị luân lý cũng như thiêng liêng của họ”. Ngài nói tiếp, “ước gì mọi Ki-tô hữu tiếp tục học hỏi để hiểu biết và quý trọng đúng mực sự phong phú mà Thiên Chúa đã ban tặng cho mọi dân nước theo lòng đại lượng của Người”.4

Phải thừa nhận rằng: thái độ Kitô giáo đối với các tôn giáo này đã thay đổi. Vì hoàn cảnh lịch sử chiếm ưu thế cho đến thời gian gần đây, cho nên nó có xu hướng phòng thủ và phê phán. Tuy nhiên, trong lúc vẫn nắm giữ những phán quyết tín lý, thì Giáo hội ngày nay ý thức mạnh mẽ hơn về hoạt động của Chúa Thánh Thần vượt ra khỏi ranh giới hữu hình của chính mình.5

Mặc dù các diễn giả khác có cách giải thích riêng về thuật ngữ, nhưng tôi cho rằng: nó sẽ giúp phân định lĩnh vực, đồng thời mang lại những yếu tố cần thiết cho từ ngữ được sử dụng, nhằm hiểu đúng nghi vấn mà tôi sẽ đi tìm lời giải đáp.

Trong bài viết này, tôi không định trình bày chi tiết, cũng không đề cập các vấn đề liên quan đến chủ đề của chúng ta như thế thục hoá, và càng không tập trung vào những thuật ngữ như: ơn cứu rỗi, mạc khải, đức tin, ân sủng. Tuy vậy, thuật ngữ “tôn giáo” hoặc “tín ngưỡng” cần được giải thích ở một mức độ nào đó.6 Vì lẽ, chúng ta không gặp gỡ “các tôn giáo” hay “các tín ngưỡng” trong bản tóm lược; nhưng chúng ta gặp gỡ những tín nhân, cụ thể là người nhận thức đầy đủ việc thông phần tương quan đầy sáng tạo với Đấng Siêu Việt, với thực tại “thiêng liêng”, họ là người có đức tin tròn đầy. Như đã trình bày một cách cặn kẽ, tôn giáo của chính họ chẳng cứu được họ, nhưng chúng khiến họ ý thức về nhu cầu được cứu rỗi.7 Rah-ner nói về “tôn giáo hợp pháp”, qua đó ông hiểu được một “tôn giáo có cơ cấu” mà con người ‘thực hành’ tại thời điểm nhất định, và nói chung đó là phương thế trung gian tích cực trong mối tương quan với Thiên Chúa. Nhờ đó, họ tìm được ơn cứu rỗi, như vậy chắc chắn họ sẽ được liệt kê trong chương trình cứu độ của Người. 8

Tôn giáo chẳng phải là những khuôn đúc nguyên khối, nhưng ẩn chứa sự đa dạng vượt bậc nơi các tôn giáo đặc thù. Hơn nữa, ngoại trừ sách vở, chúng ta không gặp gỡ tôn giáo qua hệ thống của nó, nhưng thông qua thực tế đầy phức tạp mà con người đang sống. Tính mơ hồ của thuật ngữ “tôn giáo” hoặc “tín ngưỡng” đôi lúc đề cập tới hệ thống cũng như số đông, nhưng có lẽ thường xuyên hơn, chẳng phải từ hai yếu tố trên, mà nên nhắc tới tình trạng nhầm lẫn phức hợp với sự hiểu lầm.

Nét khác biệt thường được thấy giữa các tôn giáo lột tả cảm nghiệm con người (được gọi là tôn giáo tự nhiên mang tính “thần bí”) với những tôn giáo được ra đời từ việc đón nhận và lưu truyền mạc khải (được gọi là tôn giáo cơ cấu, đượm tính “tiên tri”). Trong số này, Ấn giáo, Phật giáo, Lão giáo thuộc loại thứ nhất, và Do thái, Kitô giáo, Hồi giáo thuộc loại thứ hai.

Ngoài ra, một điểm khác biệt hữu ích nữa khi nói về các tôn giáo tồn tại hiện nay, đó là: hệ thống tôn giáo, nơi đó chứa đựng nhiều giá trị, và đời sống tôn giáo trong tinh thần được hệ thống này quy định. Theo Amalorpavadass, tầm quan trọng của sự khác biệt giữa tôn giáo như thể một hệ thống trừu tượng với tôn giáo sở hữu hệ thống thi hành. 9 Tôn giáo không được xem như là một ý niệm trừu tượng, mà là đức tin sống động của tín nhân. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra bối cảnh cầu nguyện là một bằng chứng điển hình về đức tin sống động của tín đồ, và đây cũng là xu hướng trình bày của một số học giả phương Tây, thí dụ, Ấn giáo tương phản tiêu cực với Kitô giáo chắc hẳn là luận điểm lỗi thời. Thậm chí cách giải thích có lẽ tiêu cực, nhưng người sống đức tin tôn giáo vẫn tích cực (đây như là một bằng chứng nổi danh trong trường phái chiêm niệm chân thực).

Về mặt này, những nhận xét của Tiến sĩ Santosh Chandra Sengupta vô cùng quý giá, cụ thể: hành vi thừa nhận Đấng Vô hạn và Vô cùng/Vô song lại rất phổ biến đối với các tôn giáo khác nhau; mỗi tôn giáo đều có cam kết đạo đức; ngôn từ cầu nguyện và thờ phượng cũng là ngôn ngữ khẩn khoản nài xin Thượng Đế hướng dẫn cũng như trợ lực/nâng đỡ hầu nhận biết lý tưởng thánh thiêng mà có thể biến cuộc sống tốt đẹp hơn. Đồng thời, cũng nên khuyến khích việc “cam kết đức tin của bản thân, và mở lòng với các tín ngưỡng khác”. Chính thái độ tích cực cởi mở và sẵn sàng này dẫn đưa các tôn giáo khác nhau có thể đến với cuộc đối thoại.10

Cũng vậy, Tuyên ngôn Công đồng Vatican II về mối liên hệ của Giáo hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo đã giải thích ý nghĩa và nội dung của từ “tôn giáo”, cũng như chức năng của nó liên quan đến đời sống nhân sinh. “Con người mong đợi các tôn giáo đưa ra lời giải đáp về những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người, những điều xưa nay vẫn làm thâm tâm họ ưu tư trăn trở: Con người là gì? Cuộc sống chúng ta có ý nghĩa và mục đích gì?...”11 Tuy không may mắn, nhưng cho dẫu các tôn giáo đã không ít lần từng là một trong những nguyên nhân của bất hoà, xung đột và chiến tranh đi nữa, thì mục đích và ý nghĩa của nó chắc hẳn vẫn thắp lên tia sáng cho nền tảng hiệp nhất nơi gia đình toàn nhân loại. Như vậy, tôn giáo phải là nguồn hợp nhất giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau.

Một khi nghi vấn về mối liên hệ giữa Kitô giáo với các tôn giáo khác, thuật ngữ được sử dụng thường xuyên vẫn khiến nảy sinh sự phẫn nộ dễ hiểu nào đó, mặc dù theo lối hiểu đúng đắn thì tự nó chẳng làm ai phật lòng cả. Vì thế, để trình bày mối liên hệ giữa Kitô với các tôn giáo “ngoài Kitô giáo” mới nghe có vẻ xúc phạm đến một số người, nhưng thật ra không có ý xúc phạm nào cả. Bản thân các Kitô hữu cũng chẳng hài lòng với thuật ngữ này chút nào vì điểm tiêu cực, thậm chí tính nguỵ biện rõ ràng của nó. Chưa hết, nó có thể khiến người khác cảm tưởng các Kitô hữu đang kênh kiệu xem thường các tôn giáo khác. Mặc khác, có lẽ Kitô hữu không thích lối diễn tả “Phật giáo và các tôn giáo ngoài Phật giáo” hay “Tương quan giữa Phật giáo với các tôn giáo ngoài Phật giáo”. Nhưng mọi người sẽ hiểu ngay rằng thuật ngữ/từ ngữ vẫn đơn thuần chỉ mô tả những gì cần được mô tả mà không có ý định xúc phạm đến ai, kể cả khi nó chưa được chuẩn nhận cho lắm. Và hiện nay, lối diễn tả được dùng phổ biến nhất là “tín hữu các tôn giáo hiện hữu”.

Nếu không muốn định nghĩa “Kitô giáo”, thì đây lại là một thuật ngữ cần phải được trình bày. Tuy nhiên cần tránh hai lập trường thần học cực đoan khi mô tả về Kitô giáo như sau. Thứ nhất, Kitô giáo bên ngoài tôn giáo – dựa trên tính xác thực thì Ki-tô giáo được xem là “đức tin” chứ chẳng phải tôn giáo, cụ thể nó hướng tầm nhìn về con người và vận mệnh của họ trên trần gian này. Kế đến, Kitô giáo như là cái gì đó nhưng chẳng khác biệt gì mấy so với điều mà bất kỳ tín đồ nào cũng tin nhận. Ở đây, chúng ta phải hiểu Kitô giáo là “tôn giáo” mang tính lịch sử được mạc khải, có cội nguồn và có sự sống từ công trình Thiên Chúa cứu độ qua Ngôi lời xác phàm và giáo lý của Đức Giêsu Kitô. Trong đó biến cố Nhập thể và mầu nhiệm vượt qua của cuộc Tử nạn-Phục sinh của Người trở nên cốt lõi của lời cam kết nhân vị/cá vị nơi những ai bước theo Đức Kitô hầu sống giáo lý của Người trong gia đình mà chính Đức Ki-ô đã thiết lập, đó là Giáo hội.

 “Dù căn bản hay chính yếu chăng nữa, thì Kitô giáo chẳng phải là một triết lý, một bộ luật luân lý hoặc hệ thống tín điều/giáo lý. Nhưng tiên vàn (trước hết và trên hết), đây là mạng lưới tương quan sống động và hiệp thông giữa mọi người biết đón nhận Thiên Chúa và tha nhân. Lòng bác ái của các Kitô hữu dành cho anh chị em khác phải tuôn chảy từ tình yêu mà Người tuôn đổ vào tâm hồn họ qua Thánh Linh của Người nhằm kết hiệp họ với nhau”.12

Với mục tiêu bài tham luận này, thiết nghĩ Ki-tô giáo bao hàm nhiều “giáo hội” khác nhau cũng như các tín đồ trung thành. Mặc dù họ được "chia" thành các khu vực cử tri nhỏ lẽ và mức độ trung thành khác nhau, nhưng họ vẫn tự khẳng định nguồn gốc giáo hội của mình, cũng như quả quyết mối dây liên kết với Đức Ki-tô và Giáo hội mà Người lập nên. Tuy nói vậy, nhưng các nhóm chính truyền/chính chuyên vẫn là Chính thống giáo, Công giáo La Mã và Thể phạn/Tin lành (mặc dù hàng loạt giáo hội Tin lành “thuộc cấp độ quốc gia” hoặc giáo hội độc lập đang nhân rộng khắp nơi trên thế giới, nhưng các vụ bê bối đã tồn tại trong Kitô giáo bị chia rẽ vẫn không ngừng gia tăng).

QUAN ĐIỂM CHUNG QUY KI-TÔ GIÁO

Mặc dù Kitô hữu bị phân rẽ thành các giáo hội khác nhau, cụ thể ngay cả chỉ có ba thời điểm tách biệt được đề cập, nhưng đó vẫn là một vấn nạn về lập trường chung quy, cũng như mối bận tâm đến tương quan của Kitô giáo với các tôn giáo khác. Thật ra, chúng ta nhận thấy: đôi lúc các thần học gia cùng trường phái dù giai đoạn sống khác nhau, và lẽ dĩ nhiên từ nhiều nhà thần học thuộc trường phái tư tưởng khác nhau đôi lúc cũng đưa ra những công bố hoặc nhận định mâu thuẫn về các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Nhưng kỳ lạ thay, sự khác biệt này vượt qua biên lộ giáo phái; và chúng ta trông thấy những ai thuộc giáo hội khác vẫn giữ quan điểm đồng nhất, hoặc các thần học gia dù trong cùng một giáo hội vẫn có quan điểm khác nhau.

Tuy vậy, chúng ta vẫn tìm thấy yếu tố chung trong các vấn đề căn bản và những quy ước cơ bản nơi bản tuyên bố chính thức hoặc bán chính thức. Phần lớn các tuyên ngôn hội nghị đều được Hội đồng Giáo hội Quốc tế (WCC) hoặc những vị có thẩm quyền từ Giáo hội Công giáo La Mã ban hành, và qua đây chúng ta nhận ra một lập trường chung chân chính đang tồn tại.

Ở vấn đề này, các Giáo hội Chính thống giáo quan điểm chưa rõ ràng mấy. Nhưng từ khi trở thành một thành viên WCC, và WCC đã tham gia vào các cuộc nghiên cứu bàn về tương quan của Kitô giáo với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, thì những giáo hội thuộc Chính thống giáo đã đưa ra tuyên bố nhận định, và có thể lượm lặt được một “quan điểm bán chính thức” cho riêng mình. Dù vậy, phải thừa nhận rằng quan điểm của Thể phạn/Tin lành và Công giáo La Mã được xác định rõ ràng hơn nhiều so với Chính thống giáo.13

Khi nhìn vào tham dự viên trong một số cuộc họp chỉ toàn là Kitô hữu hoặc Kitô hữu tham gia với những tín đồ khác nhằm thảo luận rốt ráo vấn đề mối liên hệ giữa Kitô với các tôn giáo khác, thì chúng ta sẽ có ý tưởng ưu tiên hơn cho việc này. Và sau đây là bản liệt kê các cuộc họp điển hình nhất ở cấp độ quốc gia hay quốc tế mà chúng ta đã tham dự: Kottayam, Ấn Độ (1962), Hàn Quốc (1965), hội nghị SEDOS tại Rô-ma và Kandy, Ấn Độ (1967), Birmingham (1968), Tokyo (1969), Kyoto, Lugano, Zurich và đặc biệt tại Ajaltoun, Lebanon (1970), Bangkok (1973), Colombo và Lausanne (1974).

Trong một số cuộc họp, các tham dự viên đã tham gia với tư cách cá nhân cũng như đại diện khu vực cử tri tương ứng. Dù tại một số hội nghị, chỉ có Chính thống giáo, Thể phạn/Tin lành và Công giáo La Mã nhóm họp, còn những dịp khác thì đại diện các tín ngưỡng khác tham dự như: Phật giáo, Do thái giáo, Hồi giáo, Lão giáo và Ấn giáo.

Những cuộc họp này minh chứng tầm quan trọng ngày càng tăng trong lĩnh vực đối thoại giữa Kitô hữu với các tín nhân khác. Đối thoại đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu trong giới Kitô giáo, và nhờ nó thái độ giữa các Kitô hữu cũng thay đổi theo thời gian. Vì vậy, một cam kết chung với thực tại thánh thiêng/thiêng liêng được nhìn nhận công khai; và sự chú ý về chủ đề này chỉ mới bắt đầu đạt tới đỉnh điểm trong thập niên 50. Đến năm 1955, một đề án nghiên cứu về “Lời Chúa và Đức tin sống động của tín hữu” được khởi xướng như một chương trình hợp tác giữa Hội đồng Giáo hội Thế giới và Công đồng/Hội đồng Truyền giáo Quốc tế (chúng chỉ được hợp nhất vào năm 1961 tại New Delhi). Theo mặt nghĩa nào đó, đề án này là hệ quả của hội nghị Willingen năm 1952, khi nhận thức về chủ trương đại kết độc quyền tập trung vào Giáo hội và thần học cần phải được xem xét sửa đổi nghiêm túc.

Vì không thể nào thu nhặt hết qua các kỳ hội nghị khác nhau, nên tôi xin giới hạn trong một vài số đó mà thôi, cụ thể là: Ajaltoun, Lebanon năm 1970, Colombo, Sri Lanka năm 1974 và Nairobi năm 1975. Tầm quan trọng những hội nghị này vừa tuyệt đối và tương đối. Chúng được xem như đại diện cho xu hướng chung, cũng như sự đồng thuận giữa các Kitô hữu gần gũi đáng kể với nhau hơn. Nhờ đó, chúng ta có cơ hội đúc kết, làm sáng tỏ vị thế của Kitô giáo nói chung trước mọi tín đồ khác.14

Hội nghị Ajaltoun, năm 1970

Hội nghị tại Ajaltoun (từ ngày 16 đến 25 tháng 3 năm 1970) được diễn ra với mục đích giúp các thành viên thuộc Giáo hội Kitô giáo hiểu biết đầy đủ hơn về trách vụ truyền giáo ngày nay, và trang bị cho họ bản hướng dẫn thực thi lời cam kết hiện thời trong một thế giới đa nguyên.15 Tham dự viên tất cả có bốn tín đồ Phật giáo, ba Ấn giáo, bốn Hồi giáo và khoảng ba mươi Kitô giáo. Và nơi đây, một sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc hơn đã xuất hiện không chỉ ở cấp độ tư tưởng, mà còn cấp độ cảm nghiệm và lòng nhiệt tâm. Mỗi tham dự viên đều nhận ra về mặt nào đó họ cần đến người khác, và trên hết, tất cả đều cần đến Thượng Đế. Họ “đã cần” đến nhau hầu giúp nhau biết Người hơn và hiểu những phương thế mà Người tỏ mình ra cho con người.16

Samartha phân biệt ba loại đối thoại: a) thảo luận tra cứu giữa những người đối mặt với nhu cầu và vấn nạn chung, b) hội ngộ những ai can đảm và chân thành sống cam kết thực sự, và c) hơn cả điều thứ hai, cũng là tiêu đề bài nghiên cứu của ông, “Trên cả cuộc gặp gỡ những ai sống cam kết”. Theo ông, hội nghị tại Ajaltoun chuyển biến giữa loại hình đối thoại thứ hai và thứ ba. Hơn thế, ông cho rằng: sự cam kết “vừa là đồng thuận vừa là nghi vấn, vừa là chặng đường vừa là đích điểm, vừa là nơi đến vừa là nơi khởi hành”.17

Trong số tham dự viên nêu lên một số lợi ích từ cuộc đối thoại Ajaltoun mà Samartha chú ý đánh giá cao, đó là cơ sở lập luận của Giáo sư Masao Abe, một Phật tử từ Kyôtô. Ông giải thích: khi nói đến cảm thức “bất hoàn hảo” thì không ám chỉ tính thiếu sót thần học nào cả nếu đứng trên quan điểm của đương sự. Mặc khác, điều quan trọng hơn hết tại hội nghị này là rất ít nỗ lực tìm kiếm “tông phái chung” của tất cả các tôn giáo, mà thường được ví như “lõi củ hành thực ra không tồn tại”. 55 

Dù thực hiện ở hình thức cầu nguyện chung hay suy niệm/thiền cá nhân, qua ngôn từ hay biểu tượng, qua nghi lễ hay thậm chí cả thinh lặng, thì việc thờ phượng được nhấn mạnh thật sự thiết yếu trong bối cảnh đối thoại, nhằm nêu bật lên rằng tôn giáo chuyên chính vượt hẳn các khái niệm triết học hoặc ý tưởng thần học.

Một điểm quan trọng được đưa ra hầu làm rõ mục đích đối thoại và xoá tan những bán tín bán nghi có thể xảy ra về tính chân thành của Kitô giáo tiếp cận với hết thảy tín nhân khác như lập luận của tiến sĩ Peter Latuihamallo đến từ Inđônêsia: “cảm giác thúc giục mạnh mẽ cho rằng việc đối thoại giữa các tín nhân/tín đồ khác nhau diễn ra một cách ý thức hoặc vô thức, thì nó cũng sẽ không trở thành lợi khí/công cụ mới giúp Kitô hữu phát triễn sự nghiệp, nhưng đúng hơn là trở nên mô hình sống cho mối tương quan mới vốn chưa được nuôi dưỡng mà đã có ‘dấu hiệu’ trong các cuộc họp đương đại”.18

Tại hội nghị Ajaltoun, một giám mục Chính thống đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ thần học “Lịch sử Cứu độ” dẫn tới hiệu ứng “hoạt động của Chúa Thánh Thần ắt hẳn phải phá vỡ và đang phá dở các bức tường hẹp của hành lang dọc này, vì Người chính là thần khí tự do, không thể bị điều khiển bởi những nhà kỹ trị thần học”.

Từ toàn bộ nội dung chính của tài liệu bế mạc được ban hành tại Ajaltoun, chứng tỏ rõ rằng nếu bỏ qua tính đa dạng phong phú tâm linh nơi nhiều dân tộc và tôn giáo, thì Giáo hội tự đánh mất nguồn gia sản quý giá lớn lao. Trên chuyến hành trình trở về từ Ấn Độ, Đức Giáo hoàng nói: “Bổn phận của chúng ta là hiểu biết hơn những người đã tiếp xúc qua Tin Mừng và nhận ra họ đang có biết bao điều tốt đẹp, không đơn thuần chỉ cho nền văn minh, lịch sử của dân tộc, mà còn cho di sản của các giá trị luân lý-tôn giáo mà họ sở hữu và bảo tồn”.19

Bất kể học giả nghiêm túc nào cũng hiểu mục đích của đối thoại chẳng phải là biến các tôn giáo thành một. Vốn dĩ chúng ta cần giữ gìn đức tin nguyên vẹn, nhưng lòng trung thành hết mực và sự gắn bó trọn vẹn với chính đức tin ấy không được trở nên rào cản/không được ngăn trở cho việc đối thoại. Mặc khác, tinh thần sám hối cho mọi lỗi lầm trong quá khứ của chúng ta phải trở thành cuộc đối thoại của sự hoà giải, và hành động của niềm hiệp thông.

Trong bối cảnh các cuộc hội thoại/nói chuyện diễn ra thì điều quan trọng vẫn là làm rõ vấn đề về mối liên hệ giữa sứ mạng và đối thoại. Dù không trái ngược nhau, nhưng chúng riêng biệt. Đối với Kitô hữu, sứ mạng là hành vi vâng phục lệnh truyền từ Đức Kitô, nhưng nó bao hàm đối thoại và phải được thực thi trong bầu khí đối thoại. Tín nhân các tôn giáo khác là toà nhà to lớn, nơi đó Thần khí cư ngụ, hoạt động và kêu gọi chúng ta dưới dạng hình thức nào đó. Tương tự như sự thôi thúc, tín đồ của tôn giáo khác cảm nhận được “sứ mạng” của mình, để rồi chia sẻ với tha nhân trong đức tin và đời sống thiêng liêng mà họ vẫn thấy hài lòng với bản thân. Tuy nhiên, chẳng phải lúc nào việc gia nhập đạo cũng là vấn đề cần bàn luận.

Đối với tham dự viên Kitô giáo, có lẽ không gì tốt đẹp hơn lời nhận xét của Munshi Zaka Ullah, một người Hồi giáo từ Ấn Độ, đã nêu rõ thế nào là cuộc đối thoại liên tôn: “Hãy cho tôi biết Danh Thánh tốt đẹp của Chúa/Thượng Đế, và tôi sẽ cho bạn biết danh thần/danh tánh/danh tính của tôi”. Thật vậy, một cuộc đối thoại liên tôn phải tương tác qua lại như tự thân nó làm phung phú tâm hồn và dẫn đưa con người đến gần với Người mà họ tin thờ.

Hội nghị Colombo, năm 1974

Cuộc họp khác làm sáng tỏ vấn đề đang nghiên cứu không gì khác hơn hội nghị tại Colombo, Sri Lanka, từ ngày 17 đến ngày 26 tháng 4 năm 1974. Năm mươi tham dự viên thuộc năm truyền thống tôn giáo hiện thời (Ấn giáo, Phật giáo, Do thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo) đã ban hành một bản ghi nhớ như kết quả của hội nghị, với nhan đề “Hướng tới Cộng đồng Thế giới”.20 Một vài nét trong buổi nhóm họp này khiến nó thật sự khác với hội nghị Ajaltoun, đó là sự hiện diện của người Do thái và phần lớn đông đảo, chiếm đa số từ các tín đồ Hồi giáo, Ấn giáo và Phật giáo, trong khi đó tham dự viên chủ yếu trong hội nghị Ajaltoun lại là Kitô hữu. Mọi khuyến nghị hội họp khá chi tiết cũng đã đưa ra những bước tiến triển chân chính trên suốt chặng đường của các mối quan hệ liên tôn. Tương tự như hội nghị Ajaltoun, cuộc gặp gỡ/buổi nhóm họp cũng được WCC tài trợ; nhưng tại Colombo, đại diện các tín ngưỡng tham dự đã lên tiếng triệu tập cuộc họp và đưa ra chương trình nghị sự riêng.

Một số điểm đáng được đề cập cụ thể như sau: không một ai quan tâm đến chủ thuyết hỗn hợp/chủ nghĩa đồng bộ/thuyết hổ lốn/thuyết hỗn hợp; cả hai lối tiếp cận ‘thập tự chinh’ và ‘rau quả trộn lẫn’ đều bị ngầm phủ nhận. Hơn nữa, một ‘điều liên quan khác biệt’ nơi mà trách nhiệm chung sống trong cộng đồng có lẽ chấp nhận hết từng cá thể bằng mọi cách, chính là cách thể hiện hay hơn, được nhắc đi nhắc lại nhằm chống lại tiến trình tối giản hoá “những gì tương đồng thì đoàn kết, còn những gì khác biệt thì chia rẽ”. Ngoài nhiều điểm khác, bản ghi nhớ nêu rõ rằng không một khái niệm giáo điều hay tâm linh nào được cả năm truyền thống tôn giáo trên hoàn toàn chấp nhận, nhưng họ tìm ra các phương diện đồng thuận giữa hai hoặc nhiều truyền thống. “Chúng ta…chưa sẵn sàng nói rằng khái niệm phân chia còn là thần bí hợp nhất…Nhưng chúng ta đồng thuận với nhau: các giá trị thiêng liêng/tâm linh có thể được công nhận trong truyền thống tôn giáo khác, mà không nhất thiết dùng ngôn ngữ của truyền thống ấy để trình bày… Ngay cả khi hội thoại/trò chuyện liên tôn không dẫn đến thoả thuận toàn diện chăng nữa, thì nó vẫn mang lại sự hiểu biết lẫn nhau, và có thể thúc đẩy những ai có niềm tin khác nhau sống hoà hợp, hoà thuận với nhau... Vô tri về các truyền thống và đức tin khác làm gia tăng những suy nghĩ thành kiến, hành vi xuyên tạc và châm biếm lẫn nhau…”

Được nêu ra tại hội nghị Colombo, tầm quan trọng đối với ‘đời sống tâm linh’cũng đáng được đề cập. Một Rabbi/Thầy Do Thái chuyên chính/chính thống đã diễn tả: “Chắc hẳn ai đó sẽ nhận ra tính dễ bị tổn thương trong đời sống tâm linh một khi mở rộng chia san. Tâm linh/linh đạo tựa như chú chim non; nếu cố gắng hết sức vẫn có thể bắt được; nhưng nếu gắng quá mức, có lẽ sẽ làm nó ngạt thở”.21

Bản ghi nhớ bác bỏ cả hai thái cực chủ thuyết giáo điều (nghĩa là nhân danh lời cam kết tối hậu, mà trở nên vô cảm trước thực tế các tín ngưỡng khác), và thuyết hổ lốn/chủ thuyết hỗn hợp/chủ nghĩa đồng bộ (nghĩa là nhân danh thuyết phổ độ làm suy yếu chính bản sắc tôn giáo). Vì thế, chúng ta được khuyến khích tôn trọng và cung kính quan sát các hình thức thờ phượng, thiền/suy niệm và cầu nguyện đa dạng.

Tầm quan trọng của những suy tư này cũng như các hội nghị khác bàn về chủ đề “Lối tiếp cận hài hoà của Kitô giáo với các Tín ngưỡng khác” bao gồm thực tế mà Kitô hữu có quan điểm nhất định về vấn đề, nội dung và phương pháp của mối liên hệ này. Chúng nêu ra những gì được cảm nhận từ Kitô hữu nói chung và những ai đại diện bán chính thức WCC nói riêng. Mặt khác, sự tham dự từ phía Công giáo La Mã gợi cho chúng ta ý tưởng về một loại thoả thuận ẩn chứa điều đang đại diện cho cách tiếp cận của “Kitô giáo” với các tôn giáo khác.

Hội nghị Nairobi, năm 1975

Đại hội đồng WCC tại Nairobi (từ 23 tháng 11 đến 10  tháng 12 năm 1975) đã nêu rõ mối quan tâm của WCC trong vấn đề mối liên hệ giữa Kitô giáo với các tín ngưỡng hiện thời. Nói về chiều kích khác biệt của cộng đồng, “đó là cộng đồng với người có tín ngưỡng và niềm tin khác, và là cộng đồng nhân loại theo nghĩa rộng hoàn toàn”.22 Hai trong loạt khuyến nghị ấy được tóm lược cụ thể như sau: “b. Những nghiên cứu mang tính cảm thông và phê bình về các tín ngưỡng và ý thức hệ của những ai đan xen với số phận Kitô hữu tạm thời, bao gồm cả hiểu biết và nhầm lẫn của người khác về luận đề Kitô giáo. - c. Nhờ sự hỗ trợ từ các tín nhân khác, xem xét và sửa đổi bất kể lĩnh vực nào có thể trong loạt tài liệu giáo lý, phụng vụ cũng như thần học của chúng ta. Nhằm loại bỏ tất cả hành vi châm biếm, xuyên tạc tín ngưỡng, văn hoá và ý thức hệ của người khác, cũng như đưa việc giảng dạy các tôn giáo khác vào trong phân khoa thần học”.23

Bản báo cáo của Điều phối viên Uỷ ban Trung ương trước Hội đồng WCC nêu rõ chủ đề cũng như vạch ra tầm quan trọng của nó. “Liệu chúng ta có nên cố gắng hết sức hầu phân định Đức Kitô đã hoạt động ra sao trong các tín ngưỡng khác, nơi các mô hình truyền thống nói chung và phong trào canh tân nói riêng, mà chúng cảm thấy sự chi phối của Ngài hay không?”

Mọi thành phần Kitô giáo dấn thân vào cuộc đối thoại này có nghĩa là họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro cũng như bao hứa hẹn từ đó. Đồng thời, chúng ta có lẽ chú ý thấy sự ngờ vực từ các tín đồ khác, vốn cho rằng đối thoại từ phía Kitô hữu là một thứ vũ khí tinh vi duy trì liên tục “sứ mạng”; trong khi một số Kitô hữu lại e sợ đây là kiểu đối thoại phản bội lại lệnh truyền giảng Tin mừng của Đức Kitô. Và cả hai nhóm này thường nghĩ cuộc đối thoại như vậy sẽ tự đánh mất căn tính riêng, dù là Kitô hữu hay tín đồ của tôn giáo bất kỳ nào khác.24

Công đồng Vatican II

Dường như cần phải hoàn tất bức tranh đã được phát hoạ bên trên bằng cách xem xét vắn tắt văn kiện do Công đồng Vatican II ban hành với tựa đề “Tuyên ngôn về mối liên hệ giữa Kitô giáo với các tôn giáo ngoài Kitô giáo”. Dù là tài liệu Công giáo, nhưng nó chính là hiện thân của hầu hết các yếu tố phổ biến đối với tín hữu Kitô giáo khác, ngay cả khi nó vẫn được dành cho việc thảo luận thần học về vấn đề mà Công đồng chưa cảm thấy sẵn sàng công bố.25

Ngắn nhất trong mười sáu văn kiện Công đồng, Tuyên ngôn này được báo chí thế tục hết lời ca ngợi kỳ lạ như một cột mốc trong mối liên hệ giữa Giáo hội và người Do thái. Tuy nhiên, báo giới đã bỏ lỡ điểm nổi bật này. Tác động của nó vẫn còn lan rộng và sâu sắc nhiều hơn ngay cả mối tương quan với tôn giáo Do thái (không hẳn đề cập trực tiếp đến người Do thái!). Trên thực tế, vỏn vẹn hai dòng giản đơn của bản dự thảo đầu tiên về các tôn giáo ngoài Kitô giáo (không kể người Do thái) đã được triển khai thành một Tuyên Ngôn tròn đầy/trọn vẹn/đầy đủ, một văn kiện có tầm quan trọng không tương xứng với chiều dài của nó.26

Văn kiện trình bày những nguyên tắc/nguyên lý điều chỉnh thái độ của Giáo hội Công giáo La Mã đối với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Sau đoạn mô tả ngắn gọn về Ấn giáo và Phật giáo, các nguyên tắc được minh hoạ chi tiết hơn qua hai ví dụ, Hồi giáo và tôn giáo trong Cựu ước, vốn không có bất kỳ giả tạo nào về quá trình hoàn thành trọn vẹn, hay ngay cả thoả đáng. Tuyên ngôn kết thúc với lời gợi nhớ về tình phụ tử của Thiên Chúa cũng như tầm nhìn của nhân loại, mà trong đó mọi người có thể tự cảm nhận mình là con cái của Người, và do đó sẵn lòng cư xử với nhau như anh em.

Mục đích của Tuyên ngôn nhằm hợp nhất toàn thể gia đình nhân loại xuất hiện trong phần phát triễn vắn tắt ý tưởng cho rằng tất cả các dân tộc tạo nên/hình thành một cộng đồng, có chung một nguồn gốc và hướng tới một cùng đích tối hậu là chính Thiên Chúa. Đấng vẫn hằng trải rộng sự quan phòng, chứng tích lòng nhân hậu và ý định cứu độ trên tất cả mọi người.

Trọng tâm của Tuyên ngôn đề cập đến thái độ của người Công giáo đối với các tôn giáo khác được trình bày trong phân đoạn số 2, khẳng định “Giáo hội không hề phủ nhận những gì chân thật và thánh thiện” nơi các tôn giáo này – một thừa nhận rõ ràng về sự tồn tại của chân lý và sự thánh thiêng nơi họ. Tuy nhiên, Giáo hội thừa nhận điều này với sự quân bình tường tận, cụ thể: chúng tôi không có ý loan báo đức tin Đức Kitô theo cách thức xem thường và lên án mọi tôn giáo khác; nhưng chúng tôi cũng không hề thoả hiệp đức tin bản thân qua việc trân trọng sai lầm và tôn trọng thái quá các tôn giáo khác. Chúng ta phải thể hiện lòng tôn trọng ngay cả khi các tôn giáo này hết sức khác biệt với giáo huấn Công giáo. Sự tôn trọng này đến từ hai nguồn: phẩm giá con người và những gì đáng phải có (bởi lẽ tôn giáo là khía cạnh/chiều kích thiêng liêng/thánh thiêng nhất), cũng như nội dung của các tôn giáo này cần được xem xét riêng. Theo quan niệm Công giáo, những ai thuộc tôn giáo khác được đến từ Thiên Chúa, chứ chẳng bị bỏ bê với nguồn lực bản thân họ và cũng được cứu chuộc nhờ Bửu huyết của Đức Kitô.

Thái độ đổi thay mà văn kiện chính thức phản ánh cũng được lí giải theo lịch sử. Suốt thời kỳ cả tám công đồng đại kết đầu tiên diễn ra, Giáo hội đã mang dáng dấp Giáo hội “Địa trung hải”. Đến thời Trung cổ, Giáo hội chuyển mình thành Giáo hội “Âu châu” và trên thực tế vẫn là vậy, khi cơ cấu phẩm trật được quan tâm, cho tới Công đồng Vatican I. Trong giai đoạn Công đồng Vatican II, Giáo hội mang tính “hoàn vũ” hơn, và vì thế, chức vụ giám mục được bầu chọn đại diện kể cả về mặt địa lý cũng như sắc tộc hơn. Thực cho thấy, hiện diện tại công đồng Vatican II, một phần năm các giám mục đến từ Châu Mỹ Latinh, và một phần ba đến từ Châu Á, Châu Phi và Châu Đại Dương. Dĩ nhiên, quan điểm ắt hẳn khác nhau; nhưng sự khác biệt này chính là phần đông giám mục đại diện những lãnh thổ nơi mà Giáo hội liên hệ trực tiếp với các tín ngưỡng bề thế Á Châu, hay tôn giáo truyền thống Phi Châu. Do đó, vấn đề “tôn giáo khác” chắc hẳn là chương trình hàng đầu.

Sự việc Đức Giáo hoàng Phaolô VI thành lập Uỷ ban Thư ký Công đồng Vatican II dành cho những ai ngoài Kitô giáo giữa phiên họp thứ hai và ba (ngày 23 tháng 5 năm 1964) đã tăng thêm tầm quan trọng cho vấn đề này. Nghiên cứu về mối liên hệ Giáo hội với các tôn giáo khác phải được cất công miệt mài hơn, cân nhắc nhận thức: nhân loại “tiến lại gần với nhau hơn, và gắn kết đa phương giữa các dân tộc” (phân đoạn 1).

Theo đó, Tuyên ngôn trình bày Giáo hội gieo mình vào sự tôn kính Thiên Chúa đang hoạt đông ân ban giữa muôn người, mọi nơi và mọi lúc. Giáo hội không chỉ khoan dung, mà còn hết mực tôn trọng tất cả mọi người bên ngoài bức tường hữu hình của Giáo hội với việc “không hề phủ nhận những gì chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo” (phân đoạn 2), bởi lẽ “kho tàng quý báu mà một vị Thiên Chúa rộng rãi ban phát cho khắp mọi dân nước trên mặt đất này” hiện hữu.27 Giáo Hội khuyến khích con cái mình đối thoại và hợp tác với những tín đồ các tôn giáo khác hầu “nhìn nhận, gìn giữ và làm tăng triển những giá trị tâm linh, luân lý nơi họ”, trong khi đưa ra phương cách đối thoại tích cực dựa trên “những gì con người được ban chung và những gì đưa con người đến với nhau” (phân đoạn 1).

Chúng ta không thể không chú ý rằng chỉ duy nhất văn kiện công đồng này trình bày theo nguyên tắc tự bản chất tôn giáo, công khai nói về “những gì chân thật và thánh thiện”, “phương thức hành xử và lối sống”, “luật lệ và giáo huấn”, “giá trị tâm linh và luân lý…nơi các tôn giáo này”.

Ngoài ra, có bốn văn kiện khác đề cập rõ ràng vấn đề của các tôn giáo hoặc những người từ tín ngưỡng khác, và năm tài liệu khác ít nhất là phần tham khảo hàm chứa cho chủ đề này.28

Theo trọn tinh thần Công đồng Vatican II, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) trong Hội nghị Khoáng đại đầu tiên tại Đài Bắc, năm 1974, đã ban hành một Tuyên bố nêu bật lên vấn đề đối thoại với các tôn giáo của Châu Á:

Trong cuộc đối thoại này [với những truyền thống tôn giáo lớn nơi các dân tộc], chúng tôi chấp nhận chúng như yếu tố quan trọng và tích cực ẩn chứa nơi nhiệm cuộc/nhiệm cục chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nơi truyền thống tôn giáo ấy, chúng tôi nhìn nhận và tôn trọng các ý nghĩa cũng như giá trị tâm linh và đạo đức thâm thuý. Trải qua nhiều thế kỷ, chúng đã và đang là kho tàng đầy ắp những cảm nghiệm tôn giáo của tổ tiên chúng ta, từ đó các thế hệ đương thời không ngừng tiếp nhận ánh sáng và sức mạnh. Hơn nữa, chúng đã (và tiếp tục) là biểu lộ chân thực của bao khát vọng cao quý nhất nơi tâm hồn họ, và chính là ngôi nhà chiêm niệm, cầu nguyện của họ. Chúng trợ giúp định hình các nền lịch sử-văn hoá của những dân nước.

Chỉ khi đối thoại với các tôn giáo này, chúng ta mới khám phá được “hạt giống của Lời Chúa” nơi họ. Như thế, đối thoại sẽ cho phép chúng ta chạm tới cách biểu lộ cũng như thực tại của bản ngã sâu thẳm nhất, và giúp chúng ta tìm ra cách sống chân chính cũng như thể hiện đức tin Kitô giáo của chính mình. Tương tự, nó sẽ tiết lộ kho tàng phong phú của đức tin mà có lẽ chúng ta không thể nào hiểu thấu. Từ đó, nó có thể được chia san trong tình thân hữu tìm kiếm Thiên Chúa, và cho sự gắn kết huynh đệ giữa con cái Người. 29

Đối chiếu với các bản văn khác nhau của văn kiện Công đồng Vatican II, và được biết cốt lõi của nó chính là Tuyên ngôn về Mối liên hệ của Giáo hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo, thì các điểm nổi bật được nêu ra như sau: Thiên Chúa làm cho ơn cứu độ thành sự và sẵn sàng cho mọi người; ơn cứu rỗi của Người hiện diện, hoạt động trong mọi dân nước, nền văn hoá và tôn giáo; các tôn giáo này xứng đáng được trân trọng vì “những gì chân thật và thánh thiện”, “giá trị tâm linh và luân lý”, “phương thức hành xử và lối sống” nơi các tôn giáo này mà chúng tồn tại trong kế hoạch cứu độ nhân loại và ân sủng của Thiên Chúa.30

Công đồng tuyên bố rằng những ai “thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng hành động để chu toàn thánh ý của Người được biểu lộ qua mệnh lệnh của lương tâm” thì vẫn có thể đạt được ơn cứu độ! Hơn nữa, Công đồng tiến xa hơn bằng việc công bố: ơn cứu độ được thông ban cho cả những ai “chưa đạt tới sự hiểu biết Thiên Chúa tỏ tường, nhưng nỗ lực sống tốt”.31 Cụm từ thông tri “tỏ tường” mở rộng ý hướng hơn nhiều so với những gì được thừa nhận trước kia, ngay cả khoa thần học đều luôn biết sự thông tri Thiên Chúa “ẩn chứa” và mối liên hệ của nó với ơn cứu độ.

Giáo hội Công giáo La Mã rõ ràng đón nhận một vị thế chính thức, hết sức cởi mở trong mối tương quan với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, những giá trị tôn giáo và cứu rỗi. “Đường lối chính thức của Giáo hội luôn kêu gọi sự trung thành triệt để với lễ nghi Kitô giáo; những lễ nghi khác được chính thức khoan nhượng chỉ khi nhìn nhận chúng là sinh hoạt mang tính xã hội đơn thuần, chứ không mang tính tôn giáo. Do đó, việc Giáo hội Công giáo La Mã đương thời chấp nhận những lễ nghi ngoài Kitô giáo như thể các phương thế thông ơn là sự khởi đầu quan trọng từ truyền thống Công giáo”. 32

TỔNG QUAN LỊCH SỬ

Xin mạn phép cho tôi sắp xếp lại các thực tại của thái độ Kitô giáo đối với tín ngưỡng hiện hữu khác, cũng như những điểm tín lý chính yếu đã được đề cập ở phần trên vào bối cảnh lịch sử thích hợp.

Chắc chắn đã có sự tiến triễn và tiến bộ khi đánh giá cao các tôn giáo ngoài Kitô giáo trong bối cảnh Kitô giáo. Và đây là một thực tế không cần chứng minh;

Tuy vậy, tiến trình này chưa được thẳng tắp; đúng hơn, nó là một đường đứt đoạn tại nhiều thời điểm lịch sử khác nhau;

Có những tia sáng thông tri loé lên trong Giáo hội sơ khai bị tắt ngụm, chẳng phải nhờ Hoàng đế Constantinô mang lại tự do, cũng chẳng phải vì biến cố đồng hoá Kitô giáo của làn sóng di dân Bắc Âu trong văn hoá phương Tây;

Với sự xuất hiện của Hồi giáo, nét tương phản giữa hai tôn giáo trở nên kịch liệt, dù cả hai đều giới thiệu mình là tôn giáo được mạc khải. Vì thế, Kitô giáo Đông phương cũng như Tây phương đánh mất tầm nhìn nguyên thuỷ rộng mở, hướng tới các tôn giáo ngoài Kitô giáo đã chiếm lĩnh trước kia. Nó bắt đầu quy kết toàn bộ cho các tôn giáo khác những đặc điểm mà nó tưởng là đã nhận ra sức ép của cuộc chiến chống lại Hồi giáo;

Trong các Giáo hội Kitô giáo, tư thế đối đầu này tự nó không được xem vô can/vô tội, đã kéo dài dai dẳng mười hai thế kỷ cho tới thực tế vài thập niên trước đây;

Cũng phải thừa nhận biến cố những quốc gia Châu Á và Châu Phi độc lập, cùng với sự hồi sinh các tôn giáo thờ kính tổ tiên của họ (cảm giác bị chủ nghĩa thế tục cũng như tinh thần truyền giáo Kitô giáo đe doạ), đã buộc Kitô hữu phải quay lại thái độ mà liên tưởng dưới nhiều cách đến một thái độ đã từng chiếm lĩnh suốt những thế kỷ đầu của Giáo hội.

Những gì phương Tây quan tâm suốt tám thập niên qua đã chứng kiến sự nỗ lực mạnh liệt hầu tìm hiểu, cũng như đào sâu kiến thức về các tôn giáo hiện hữu tại Châu Á và Châu Phi. Vì thế, kết quả trong lĩnh vực ngôn ngữ, văn chương và tôn giáo đáng được chú ý. Trong đó, hai khía cạnh chi phối tầm nhận thức, đó là: tôn giáo tự nhìn nhận, và mối liên hệ với Kitô giáo.

Trong phạm trù tương quan của Kitô giáo với các tôn giáo khác đã xuất hiện những ý kiến mặc nhiên không thể hoà giải được. Họ nghiêng về những ai sẵn sàng đặt để Kitô giáo ngang hàng với các tôn giáo khác, hơn là những ai phủ nhận bất kỳ giá trị nào, ngoại trừ nỗ lực con người trong hành trình tìm đến Thượng Đế/Đấng Tuyệt Đối. Một trong số này trung lập, duy trì tính hiệp nhất của Đức Kitô và Giáo hội của Người, nhưng vẫn thừa nhận những yếu tố tâm linh đa dạng và có giá trị nơi các tôn giáo, mà thậm chí một số đó lại mang tính siêu nhiên. Giữa các tín hữu Công giáo La Mã nói riêng, quan điểm trung lập dường như được chấp nhận một cách phổ biến nhất, và theo sát yếu tố chính yếu của hệ thống liên quan, thì có vẻ là quan điểm chính thức hiện thân trong Tuyên ngôn của Công đồng Vatican II về Mối liên hệ giữa Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Ngày càng nhiều giáo hội Kitô giáo trong số thành viên WCC, và chính WCC, cũng như nhiều thần học gia Thể phạn/Tin lành trẻ, đặc biệt tại Á Châu dường như đang nắm giữ hoặc chuyển hướng tới quan điểm này.

Quan điểm này có vẻ cách đều giữa chủ thuyết Karl Barth cứng nhắc và chủ trương cực kỳ đề cao tự do. Tuy nhiên, một lối tiếp cận hai hướng vẫn tồn tại trong quan điểm chung này. Một số dựa rất nhiều vào ý định cứu độ hữu hiệu của Thiên Chúa, xem mọi người thiện chí như “Kitô hữu vô danh/khuyết danh”, mà nhờ ơn “đức tin” hàm chứa này, sẽ được cứu độ “ngay trong” tôn giáo của họ. Số khác chấp nhận xuất phát điểm của riêng họ thay vì từ cứ liệu lịch sử và Kinh thánh (cũng như những công bố Huấn quyền gần đây cho các tín hữu Công giáo La Mã) không thể tách rời khỏi mọi điều được xem là giáo thuyết và quan điểm mang tính truyền thống hơn.

Xét về mặt khoa học, tính trung thực buộc thần học gia thừa nhận rằng không có giải đáp nào thoả đáng cho vấn nạn nói chung. Thật sự, lập trường cổ xưa cứng nhắc cần được cải cách; và cả WCC cũng như Công đồng Vatican II đã quả quyết trình bày phương cách tiếp cận tích cực của họ, hầu vạch ra cho chúng ta một mô hình bước theo. Tuy nhiên, cũng phải thú nhận rằng những ai kiên định bảo vệ chủ trương “Kitô giáo khuyết danh/ẩn danh” giữa nhiều quan điểm khác, đã đưa ra một loạt câu hỏi nghiêm túc trong lĩnh vực thần học nghiên cứu mà vẫn đang chờ lời giải đáp thích đáng, hơn là trong thần học thánh kinh hay giáo hội học.

Tôi xin phép kết thúc bài viết này với một trưng dẫn từ “Tuyên ngôn chung của cuộc Hội thảo toàn quốc về Giáo hội tại Ấn Độ ngày nay”. Tôi tin rằng bản tuyên ngôn ngày đã tóm tắt và phản ánh chính xác thái độ của Kitô giáo hôm nay với hết thảy các tín ngưỡng khác, và chắc chắn một điều nó không phản ánh thái độ cá nhân của tôi đối với họ:

Chúng tôi mong muốn được liên kết với các tôn giáo khác đang hiện hữu tại đất nước chúng ta, mà chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp to lớn của họ cho kho tàng tâm linh nhân loại. Nếu như trong quá khứ, mối tương quan của chúng ta đã từng căng thẳng do lỗi chúng tôi, thì chúng tôi cầu xin sự thứ tha; còn giờ đây chúng tôi mời gọi họ cùng trở nên chứng nhân cho vận mệnh siêu việt của con người, trong cuộc khủng hoảng hiện đại hoá và chủ nghĩa thế tục hiện nay. Chúng tôi cũng tin rằng tiến trình giao lưu huynh đệ với họ có thể mang lại lợi ích sâu xa cho chính mối bằng hữu Kitô giáo trong cuộc canh tân tại Ấn Độ này.32

CHÚ THÍCH

1 Tài liệu nguồn trong các tạp chí nghiên cứu định kỳ khác nhau, đặc biệt International Review of Mission [tạm dịch: Tạp chí Truyền giáo Quốc tế Tóm lược], The Ecumenical Review [Tạp chí Đại kết Tóm lược], và Asia Focus [Tạp chí Á Châu Toàn tập] được sử dụng rộng rãi. Hai tạp chí đầu được WCC xuất bản, còn tạp chí thứ ba của Hội nghị Kitô giáo Á châu (trước đây là Hội nghị Kitô giáo Đông Á). Tôi đặc biệt biết ơn nhiều tác giả: S. J. Samartha, người mà tôi vay mượn một số ý tưởng, suy tư và đôi khi ngay cả ngôn từ của ông, và D.S. Amalorpavadass, T. Balasuriya, v.v.

2 x. Cardinal Bea Studies IV [tạm dịch: Chuyên tu IV của Hồng Y Bea] do P. S. de Achutegui, S.J. biên tập, Manila: Cardinal Bea Institute [Viện Hồng Y Bea], 1976. Đại hội được Viện Hồng Y Bea tổ chức nhằm nghiên cứu phong trào Đại kết, Chuyên khoa Thần học Loyola, thuộc Đại học Ateneo de Manila. Bốn mươi lăm đại biểu và quan sát viên từ mười ba quốc gia Á Châu khác nhau đã đến tham gia hội nghị. Trong số tham dự viên có Đức TGM Angelo Fernandes, Tổng Giám mục Delhi; Đức TGM Stanislaus Lokuang, Tổng Giám mục Đài Bắc; Đức Cha Yap Kim Hao, Tổng thư ký Hội nghị Kitô giáo Á Châu; và những người khác. Tuy không hợp với chủ đề, nhưng Đại hội cũng rộng mở tiếp đón những tham dự viên không thuộc Dòng Tên và ngoài Công giáo.

3 x. Carl F. Hallencreutz, New Approaches to Men of Other Faiths [tạm dịch: Lối tiếp cận mới với các Tín đồ Tôn giáo khác], Research Pamphlet No. 18 [Chuyên đề Nghiên cứu số 18]. Geneva: WCC, 1970, tr. 49, trích dẫn từ Kraemer, The Communication of the Christian Faith [tạm dịch: Thông truyền Đức tin Kitô giáo], tr. 60tt.

4 Phaolô VI, diễn văn dành cho các thành viên Ban thư ký về những tín nhân ngoài Kitô giáo, ngày 25 tháng 9 năm 1968, trích dẫn Ad Gentes, sô 11. Xem Bulletin [Bản tin] của Ban thư ký, số 11 (1969) tr. 115-16.

5 x. Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Lumen Gentium (LG) số 8, 35, 16 và Sắc lệnh về Đại kết, Unitatis Redintegratio (UR) số 3.

6 Khi tác giả viết bài tham luận theo yêu cầu nói về “Mối liên hệ hài hoà của Ki-tô giáo với các Tôn giáo khác”. Lúc chuẩn bị “gửi bài”, thì tác giả nhận được một đề tài mới “Mối liên hệ hài hoà của Ki-tô giáo với các Tín ngưỡng khác”. Để bài viết không bị trì hoãn, phần trình bày này chỉ khai triển khái niệm “tôn giáo” thay vì “tín ngưỡng”. Tuy nhiên, chúng ta có thể dùng lời biện giải về điểm này của Tiến sĩ Samartha cách đây vài năm trước. Sau khi giải thích khó khăn do cách dùng thuật ngữ “tôn giáo” và “tín ngưỡng” ở số ít lẫn số nhiều, thì lúc không định bàn về chi tiết, ông đã viết: “‘tôn giáo’ và ‘tín ngưỡng’ có thể dùng thay thế cho nhau trong một số ngôn ngữ nhất định nhưng không tồn tại ở ngôn ngữ khác. Bản thân từ ‘tôn giáo’ có thể mang nghĩa đức tin/tín ngưỡng cá nhân hoặc các hiện tượng lịch sử liên quan đến mô phạm tuyên tín, lễ nghi và văn hoá, hay một khía cạnh cuộc sống cụ thể không tương đồng với người khác. Một số cảm thấy thuật ngữ ‘tôn giáo’ nên được loại bỏ hoàn toàn, nhưng lại nghi ngờ liệu nó khả thi ở giai đoạn này hoặc được thay thế thoả đáng hay không. Vấn đề này sâu sắc hơn nhiều so với việc biên dịch đơn thuần các thuật ngữ nhất định, bởi lẽ ở mức độ nào đó, chúng diễn tả các thái độ cơ bản hay những lời đáp trả trước mầu nhiệm/điều bí nhiệm của cuộc sống và sự hiện hữu”.  S. J. Samartha, “Hội đồng các Giáo hội Thế giới và Tín nhân từ những Tín ngưỡng cũng như Ý thức hệ khác”, The Ecumenical Review [Tạp chí Đại kết Tóm lược] 22 (1970) 196. Trong bài viết này, chúng ta không đề cập trực tiếp đến vấn đề ý thức hệ.

7 Eugene Hillman, The Wider Ecumenism [tạm dịch: Đại kết Diện rộng]. Luân-đôn: Burns & Oates, 1968, tr. 71.

8 Karl Rahner, S.J., “Kitô giáo và các Tôn giáo Ngoài Kitô giáo”, The Church, Readings in Theology [tạm dịch: Giáo hội, Bản văn trong Thần học] của Hugo Rahner và các tác giả khác. New York: Kenedy & Sons, 1963, tr. 124. Xem Theological Investigations [tạm dịch: Nghiên cứu Thần học], tập 5. Luân-đôn: Darton, Longman và Todd, 1964, trang 115-34.

9 Đối chiếu SEDOS, Foundations of Mission Theology [tạm dịch: Nền tảng Thần học Truyền giáo], Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1972, tr. 61. Xem thêm cùng nguồn văn trên, tr. 59, phân biệt tam diện của A. Semois được trích dẫn.

10 Ts. Santosh Chandra Sengupta, “Vấn đề Tìm hiểu các Tôn giáo khác”, Ban thư ký dành cho tín nhân ngoài Kitô giáo, Bulletin [Bản tin] 26 (1974) 107-09.

11 Tuyên ngôn về Mối liên hệ của Giáo hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo, Nostra Aetate (NAe) số 1. The Documents of Vatican II [tạm dịch: Các Văn kiện Công đồng Vatican II], do W. Abbott biên soạn. New York: America Press, 1966, tr. 661.

12 D. S. Amalorpavadass, “Hoạt động Tông đồ dành cho tín nhân ngoài Kitô giáo” SEDOS, tác phẩm đã được trưng dẫn, tr. 77. Những khái niệm mặc khải, đức tin, ơn cứu độ và ân sủng có thể được thảo luận, thì ý niệm chung cũng để chứng minh bởi vì mục đích bài viết hiện tại không nhất thiết phải là luận văn thần học xét về mặt giả định và bản chất của nó. Với những gì được trình bày trong bài viết này đủ rõ ràng cho việc thu thập luận cứ. – Một công trình nghiên cứu hết sức toàn diện về vấn nạn “ơn cứu độ” với tất cả các mệnh đề giả định, kèm theo và hệ quả của nó, chính là tác phẩm của P. Damboriena, S.J. La salvación en las religiones no cristianas [tạm dịch: Ơn Cứu độ trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo]. Madrid: B.A.C., xxiv-533tt. Ở một phương diện khác nhưng cực kỳ hữu dụng, đó là Research Seminar on Non-Biblical Scriptures [tạm dịch: Hội thảo nghiên cứu Nguồn văn ngoài Kinh thánh] được D.S Amalorpavadass biên soạn. Bangalore: Trung tâm Kinh thánh-Giáo lý-Phụng vụ Quốc gia, 1974, 707tt.

13 Một số tia sáng gián tiếp chiếu rọi từ cuộc tham vấn Chính thống giáo Bucharest về “Tuyên xưng Chúa Kitô hôm nay”, ngày 4 đến 8 tháng 6 năm 1974. Xem Mission Trends [tạm dịch: Xu thế Truyền giáo] số 2, do G. H. Anderson và T. F. Stransky biên soạn. New York: Paulist Press, 1975, tr. 269-76, dưới tiêu đề “Chứng tá Tin mừng cho tính Chính chuyên/Chính giáo hôm nay”, đặc biệt phần b), tr. 272-73.

14 Xin giới thiệu đến độc giả một số nghiên cứ luận về vấn đề này đã được xuất bản. Xem trong nhiều tác giả khác, có S. J. Samartha, “Hội đồng Giáo hội Thế giới và Tín nhân các Tín ngưỡng và Ý thức hệ khác”, The Ecumenical Review [Tạp chí Đại kết Tóm lược] 22 (1970) 190-98. Xem đặc biệt tr.192 về các quyết nghị của Uỷ ban Trung ương WCC tại Canterbury năm 1969; S. J. Samartha, “Những Trung tâm nghiên cứu Kitô giáo và các Giáo hội Á Châu”, Internatinal Review of Mission [Tạp chí Truyền giáo Quốc tế Tóm lược] 59 (1970) 173-79; và các tài liệu nêu lên quan điểm được C. Murray Rogers biên soạn, “Đối thoại liên tôn”, Asia Focus [Tạp chí Á Châu Toàn tập] 5 (1970) 235-45. Những lưu ý của John B. Carman nên được nghi nhớ ngay cả khi bàn luận về vấn đề “tôn giáo” thuần tuý: “Hiện nay, cuộc thảo luận đại kết tại Tây Âu giữa Công giáo La Mã và Thể phạn/Tin lành được diễn ra rộng rãi. Do đó, điều đáng chú ý hơn cả là lối suy nghĩ gần đây về “tôn giáo và tu đức” giữa các thần học gia Công giáo cũng như Tin lành chắc hẳn đã xoay chuyển mạnh mẽ theo chiều đối ngược, giới thần học Công giáo La Mã khẳng định giá trị tôn giáo nhân loại nói chung và các tôn giáo khác nói riêng nơi nhiệm cuộc/nhiệm cục cứu độ. Trong khi đó, nhiều thần học gia trường phái cải cách mới và những ai bị họ chi phối, coi “tôn giáo” đa phần hoặc thậm chí toàn toàn trái ngược với đức tin Kitô giáo”. John B. Carman, “Tác vụ diễn tiến không ngừng trong Đối thoại liên tôn” The Ecumenical Review [Tạp chí Đại kết Tóm lược] 22 (1970) 220. - Ở đây cần lưu ý rằng bài viết hiện thời không ám chỉ tới phương diện xã hội-đạo đức hay chính trị-ý thức hệ, hoặc hệ quả các hội thoại liên tôn (một chủ đề vừa bao quát vừa quan trọng sẽ được triển khai ở nơi khác trong hội nghị)

15 Về hội nghị, tham khảo các tác giả khác, trong đó có R Lopez Gay, “Đối thoại giữa những tín đồ từ các Tín ngưỡng khác nhau”, Ban thư ký dành cho tín nhân ngoài Kitô giáo, Bulletin [Bản tin] số 14 (1970) 77-84; “Hồi ký Ajaltoun” trong tác phẩm do S. J. Samartha biên soạn, Dialogue Between Men of Living Faiths [tạm dịch: Đối thoại giữa những Tín nhân từ các Tín ngưỡng hiện hữu], Geneva: WCC, 1971, tr. 107-17; David Jenkins, “Cam kết và Cởi mở”, International Review of Mission [Tạp chí Truyền giáo Quốc tế Tóm lược] 59 (1970), 404-13. – Về các cuộc họp Kandy, xem International Review of Mission [Tạp chí Truyền giáo Quốc tế Tóm lược] 56 (1967) 388-43, và Study Encounter [tạm dịch: Hội ngộ Nghiên cứu] III (1967) 52-56. Về cuộc tham vấn Zürich, xem International Review of Mission [Tạp chí Truyền giáo Quốc tế Tóm lược] 59 (1970) 382-91. Xem thêm cùng nguồn văn trên, tr. 427-29. Bản công bố của Ban thư ký EACC về Đối thoại liên tôn, được phát thảo vào tháng 7 năm 1970 và cũng xuất hiện trong Asia Focus [Tạp chí Á Châu Toàn tập] 5 (1970) 246-48.

16 G. Lopez Gay, bài nghiên cứu đã được trưng dẫn, tr. 79.

17 S. J. Samartha, “Hơn cả cuộc Hội ngộ đầy Cam kết”, International Review of Mission [Tạp chí Truyền giáo Quốc tế Tóm lược] 59 (1970) 393.

18 Nt, tr. 399.

19  Teachings of Paul VI [tạm dịch: Giáo huấn của Đức giáo hoàng Phaolô VI] II, tr. 735.

20 Bản ghi nhớ hội nghị có tiêu đề “Hướng tới Cộng đoàn chung toàn thế giới: Tài nguyên và Trách nhiệm để Chung sống” được xuất bản trong Study Encounter [Hội ngộ Nghiên cứu] X (1974) 1-11. Xem thêm S.J. Samartha, “Suy tư về Đối thoại Đa phương” The Ecumenical Review [Tạp chí Đại kết Tóm lược] 26 (1974) 637-46.

21 Nt, tr. 644.

22 Bản báo cáo của nghị phần III. “Cộng đồng Thỉnh cầu” là phụ đề của bài nghiên cứu “II. Đức tin/Tín ngưỡng và Công cuộc tìm kiếm Cộng đồng”, Mimeograph, tr. 3.

23 Nt, tr. 10.

24 Có thể trình bày một vài điểm ở đây về Đại hội Lausanne năm 1974; xem G. Anderson, tác phẩm đã được trưng dẫn, tr. 239-52. Nó đề cập đến Chủ thuyết/Chủ trương Truyền giáo và được trình bày trong tài liệu với nhan đề “Giao ước Lausanne”. Nhằm giải đáp cho vấn đề này, một nhóm khoảng 400 người trong 2.700 tham dự viên đã đưa ra bản tuyên bố khác mang tên “Ngụ ý Thần học của Tác vụ môn đệ cấp tiến”. Hai tuyên bố trên đều có lối tiếp cận khác nhau về Chủ trương/Chủ thuyết Truyền giáo như một hệ quả của vấn đề từ cách thức tiếp cận với những tín nhân của các tín ngưỡng và tôn giáo hiện hữu. - Tuy nhiên, quan trọng hơn đối với chúng ta tại Châu Á, chính là hội nghị Bangkok về “Ơn cứu độ Hôm nay" (29/12/1972- 8/1/1973), The International Review of Mission [Tạp chí Truyền giáo Quốc tế Tóm lược] 62 (1973), tr. 133-230 đã xuất bản các tài liệu, bài viết và báo cáo của hội nghị. Hội nghị tại Bangkok đã giải quyết những đề tài tương tự như văn hoá và căn tính/bản sắc, mà nơi đó vấn đề “quy chính” được bàn luận; nhưng khi nói về sự “hiện diện của Chúa với con người” lại có phần hạn chế trong tuyên bố rằng “mối bận tâm của chúng ta với Đức Kitô mặc khải cũng như với lời loan truyền của Người khi Người mặc khải cho chúng ta”.

25 Xem phần bình chú của John M. Oesterre Rich về “Tuyên Ngôn về mối liên hệ của Giáo hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo” Nostra Aetate (NAe), Vorgrimler chủ biên, Commentary on the Documents of Vatican II [tạm dịch: Chú giải Văn kiện Công đồng Vatican II], tập 3. Luân-đôn: Herder và Herder, 1969, tr. 1-154.

26 Một trong số giám mục đã bình luận gay gắt về hai dòng vỏn vẹn của lược đồ đầu tiên: “Hai dòng cho cả hai phần ba thế giới sao!”

27 Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, Ad Gentes (AG) 11.

28 Các văn kiện quan trọng nhất: Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Lumen Gentium (LG) 16, 48; Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et Spes (GS) 73, 94; Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, Ad Gentes (AG) 11, 12, 16, 41; Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của các Giám mục trong Giáo hội, Christus Dominus (CD) 16; Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục, Optatam Totius (OT) 16; Sắc lệnh về Hoạt động Tông đồ Giáo dân, Apostolicam Actuositatem (AA) 27; Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo, Gravissimum Educationis (GE) 11.

29 Công đồng không nói các tôn giáo là phương thế cứu rỗi, nhưng cũng không hề phủ nhận tính có thể của nó. Trên trực tế, Thần học hay ít nhất một số thần học gia đã nỗ lực chứng minh tính khả thi của nó. Xem Samuel Rayan, S.J., “Truyền giáo sau Công đồng Vatican II: Các vấn đề và Quan điểm” International Review of Mission [Tạp chí Truyền giáo Quốc tế Tóm lược] 59 (1970) 414-26. Xem thêm A. Balchand, S.J., The Salvific Value of Non-Christian Religions According to Asian Christian Theologians Writing in Asian-Published Theological Journals, 1965-1970 [tạm dịch: Giá trị cứu rỗi của các Tôn giáo ngoài Kitô giáo theo nghiên cứu của các nhà thần học Kitô giáo Châu Á trong Tạp chí Thần học xuất bản Á Châu, giai đoạn 1965-1970. Manila: Viện Mục Vụ Đông Á, năm 1973.

30 Hiến chế về Giáo hội, LG 16.

31 John B. Carman, tác phẩm đã được trưng dẫn, tr. 207. Mặc dù tuyên bố này đúng về bản chất, nhưng nhiều khác biệt và tiêu chuẩn thay đổi do các thần học gia tạo ra nhằm dẫn tới phương cách ân sủng và ơn cứu rỗi được trao ban. Việc sử dụng từ ngữ “các khí cụ/các phương thế” trong bối cảnh này dường như lột tả một giải thích chính thức trong số nhiều cách được các nhà thần học đề xuất. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với quan điểm này.

32 Hội thảo toàn quốc: Giáo hội tại Ấn Độ ngày nay, Bangalore 1969. Trung tâm Hội Đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ (C.B.C.I). New Delhi, tr. 243-44, thuộc phần II, “Nguyên tắc và Thực thi Canh tân”, số 3 với nhan đề “Tôn trọng và Đối thoại”. Cũng trong phần I, số 3: “Chúng tôi nhận ra sự giàu có của chân-thiện-mỹ nơi các truyền thống tôn giáo tại Ấn Độ; Tất cả là quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho đất nước chúng ta từ thời xa xưa”, theo cùng nguồn văn trên, tr. 240. Xem thêm khuyến nghị cụ thể của Hội thảo IV, “Đối thoại với các Tôn giáo khác”, tr. 340-43. Sự tiến hoá lịch sử của toàn bộ quá trình thay đổi thái độ trong Kitô giáo được P. Damboriena trình bày gãy gọn, tác phẩm đã được trưng dẫn, tr. 508-22, - Hội nghị “Tuyên bố về Đối thoại Đại kết của các Thần học gia Thế giới thứ ba” được tổ chức tại Dar Es Salaam, Tanzania, từ ngày 5 đến 12 tháng 8 năm 1976, quả quyết như sau: “số 34. Chúng tôi cũng nhận thấy là một phần thực tế Thế giới thứ ba, sự ảnh hưởng của các tôn giáo và những nền văn hoá, cũng như nhu cầu Kitô giáo tham gia vào cuộc đối thoại với họ trong khiêm tốn. Chúng tôi tin rằng các tôn giáo và văn hoá này có một vị trí trong chương trình phổ quát của Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần đang hoạt động tích cực giữa họ”. IDOC, số 46 (tháng 8 năm 1976) 8.

Tác giả: