01 Chương 1
CHƯƠNG MỘT
CÁI ĐANG XẢY RA TRONG NGÔI NHÀ CHÚNG TA
17. Những suy tư thần học hay triết học về tình trạng con người và vũ trụ có thể xem ra như một sứ điệp lặp đi lặp lại và trừu tượng, nếu như chúng không được tái trình bày từ một sự đối chiếu với bối cảnh hiện thời, trong những gì mới mẻ đối với lịch sử nhân loại. Vì thế, trước khi nhìn xem đức tin mang đến cách nào những động lực và những đòi hỏi mới trước thế giới mà chúng ta đang thuộc về, tôi xin đề nghị dừng lại một chút để xem xét cái gì đang xảy ra trong ngôi nhà chung của chúng ta.
18. Việc liên tục tăng tốc những thay đổi của nhân loại và của hành tinh, ngày nay liên kết với sự gia tăng nhịp độ sống và làm việc, trong cái mà một vài người gọi là “rapidación”. Dẫu sự thay đổi nằm trong động năng của những hệ thống phức tạp, thì sự nhanh chóng mà các hoạt động của con người áp đặt lên nó hôm nay đi ngược với sự chậm chạp tự nhiên của tiến hóa sinh học. Thêm vào đó là các mục tiêu của sự thay đổi nhanh chóng và bền bỉ ấy không tất yếu nhắm vào lợi ích chung, vào sự phát triển lâu dài và trọn vẹn của con người. Sự thay đổi là một điều đáng ao ước, nhưng nó trở thành gây lo lắng khi đi đến chỗ làm hư hoại thế giới và phẩm chất sống của một phần lớn nhân loại.
19. Sau một thời gian tin tưởng vô lý vào sự tiến bộ và vào khả năng của con người, một phần xã hội đang bước vào một giai đoạn ý thức mạnh mẽ hơn. Người ta nhận thấy có một sự nhạy cảm tăng dần đối với môi trường cũng như với việc bảo vệ thiên nhiên, một mối quan tâm chân thành và đầy đau đớn đối với những gì đang xảy ra cho hành tinh chúng ta. Ta hãy làm một vòng – chắc chắn không đầy đủ – quanh các vấn đề ấy, vốn đang gợi lên nỗi bất an cho chúng ta, những vấn đề mà chúng ta không còn có thể chuồi xuống dưới thảm. Mục tiêu không phải là thâu thập nhiều tin tức hay thỏa mãn sự hiếu kỳ của mình, nhưng là có một ý thức đau đớn, dám biến đổi những gì đang diễn ra trong thế giới thành nỗi khổ riêng và như thế là thừa nhận sự đóng góp mà mỗi người có thể mang lại.
I. Ô NHIỄM VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Ô nhiễm, rác rưởi và văn hóa thải bỏ
20. Có nhiều hình thức ô nhiễm ảnh hưởng từng ngày đến con người. Việc phơi mình trước những chất ô nhiễm trong không khí sinh ra một loạt hậu quả trên sức khỏe – đặc biệt của những người nghèo nhất – gây nên hàng triệu cái chết trẻ. Những con người ấy bị bệnh, ví dụ vì hít thở bụi dày đặc đến từ việc đốt than củi mà họ dùng để nấu ăn hay để sưởi ấm. Thêm vào đó là sự ô nhiễm tác hại đến mọi người do các phương tiện giao thông, các loại khói công nghiệp, các kho trữ những chất góp phần axít hóa đất và nước, các loại phân bón, thuốc diệt côn trùng, diệt nấm mốc, diệt cỏ và các hóa chất nông nghiệp độc hại nói chung. Thứ kỹ thuật gắn liền với các lĩnh vực tài chính, tự cho mình là giải pháp độc nhất cho các vấn đề, thực tế không có khả năng nhìn thấy bí nhiệm của các liên hệ đa dạng vốn có giữa vạn vật, và vì thế đôi khi giải quyết một vấn đề lại tạo nên vấn đề khác.
21. Cũng phải xem xét sự ô nhiễm do các chất thải gây nên, kể cả các rác bẩn nguy hiểm có mặt trong nhiều môi trường khác nhau. Mỗi năm có hằng trăm triệu tấn rác thải được sản xuất, mà phần đông không dễ phân hủy do tác nhân sinh học : chất thải gia đình và thương mại, chất thải do phá hủy, chất thải bệnh viện, điện tử và kỹ nghệ, những chất thải độc hại cao và phóng xạ cao. Trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, xem ra càng ngày càng trở nên một bãi rác khổng lồ. Tại nhiều nơi trên hành tinh, các người già tiếc nhớ những phong cảnh xưa mà nay thấy mình ngập rác rưởi. Như các rác thải công nghiệp lẫn các sản phẩm hóa học được sử dụng trong các thành phố và trong nông nghiệp có thể gây nên hậu quả tích tụ sinh học trong cơ thể của người dân chung quanh, điều này cũng vẫn xảy ra khi tỷ lệ hiện diện của một độc chất trong một nơi là thấp. Biết bao lần người ta chỉ đưa ra những biện pháp khi nhiều hậu quả không thể đảo ngược cho sức khỏe con người đã xảy ra rồi.
22. Những vấn đề ấy liên kết chặt chẽ với thứ văn hóa thải bỏ vốn ảnh hưởng đến những con người bị loại trừ cũng như những vật mau biến thành rác rưởi. Ví dụ hãy ý thức rằng phần lớn giấy sản xuất ra đã bị phung phí và không được tái chế. Cũng nên thừa nhận rằng hoạt động của các hệ sinh thái tự nhiên là mẫu mực : cây cỏ tổng hợp những chất nuôi dưỡng loài ăn cỏ ; loài này đến phiên mình lại nuôi dưỡng loài ăn thịt, loài ăn thịt cung cấp cặn bã hữu cơ với số lượng lớn để sinh ra một thế hệ thực vật mới. Ngược lại, hệ thống công nghiệp vào cuối chu kỳ sản xuất và tiêu thụ, đã không phát triển khả năng hấp thu và tái sử dụng cặn bã và rác thải. Người ta chưa đi đến chỗ chấp nhận một mô hình sản xuất vòng tròn, đảm bảo được tài nguyên cho mọi người cũng như cho những thế hệ tương lai, biết hạn chế tối đa việc sử dụng các tài nguyên không thể tái tạo, kiềm chế việc tiêu thụ chúng, tối đa hóa hiệu suất khai thác chúng, tái sử dụng và tái chế chúng. Tiếp cận vấn đề này sẽ là một cách chống lại thứ văn hóa thải bỏ mà cuối cùng gây tai họa cho cả hành tinh, nhưng chúng tôi nhận thấy rằng những tiến bộ theo chiều hướng này còn rất lâu mới đủ.
Khí hậu như tài sản chung
23. Khí hậu là một tài sản chung của mọi người và cho mọi người. Ở mức độ toàn cầu, đó là một hệ thống phức tạp, liên quan đến nhiều điều kiện thiết yếu của cuộc sống con người. Có một sự nhất trí khoa học rất vững chắc cho thấy rằng chúng ta đang đứng trước một sự đun nóng đáng ngại của hệ thống khí hậu. Suốt những thập niên vừa qua, việc đun nóng này đã đi kèm với việc liên tục dâng cao mức nước biển, ngoài ra khó mà không liên kết nó với việc gia tăng nhiều biến cố khí tượng thái quá; còn thêm sự kiện là người ta không thể gán một nguyên nhân xác định cách khoa học cho từng hiện tượng đặc thù. Nhân loại được kêu gọi phải ý thức việc cần thực hiện nhiều thay đổi kiểu sống, sản xuất và tiêu thụ, để chống lại việc đun nóng ấy hay ít nhất chống lại những nguyên nhân con người đã gây nên nó hay gia tăng nó. Vẫn biết có nhiều nhân tố khác (như hiện tượng núi lửa, những thay đổi quỹ đạo và trục của trái đất, chu kỳ mặt trời), nhưng nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng phần lớn việc đun nóng toàn cầu trong những thập niên vừa qua là do sự tập trung quá lớn các loại khí gây hiệu ứng nhà kính (đi-ô-xít các-bon, mê-tan, ô-xít ni-tro-gen và nhiều loại khác) phát sinh chủ yếu do hoạt động của con người. Nếu cứ tập trung trong khí quyển, chúng sẽ ngăn sức nóng của các tia mặt trời phản chiếu bởi trái đất biến mất không gian. Điều này đặc biệt được củng cố do mô hình phát triển dựa trên việc sử dụng thái quá các chất đốt hóa thạch, vốn làm nên trái tim của hệ thống năng lượng thế giới. Sự kiện ngày càng thay đổi các cách sử dụng đất đai, nhất là nạn phá rừng cho nông nghiệp, cũng có nhiều tác động.
24. Đến lượt mình, việc đun nóng có nhiều ảnh hưởng lên chu kỳ của thán khí. Nó tạo nên một vòng lẩn quẩn, làm cho hoàn cảnh trầm trọng thêm nữa, sẽ gây ảnh hưởng lên việc sử dụng các tài nguyên thiết yếu như nước uống, năng lượng cũng như việc sản xuất nông nghiệp của những vùng nóng nhất và sẽ gây nên việc tiêu diệt một phần sự đa dạng sinh học của hành tinh. Việc tan các khối băng của hai cực và của những vùng núi cao đe dọa giải phóng khí mê-tan với nguy cơ lớn, và việc phân hủy chất hữu cơ đông lạnh có thể làm gia tăng hơn nữa việc phát tán khí đi-ô-xít các-bon. Cũng vậy, việc biến mất các khu rừng nhiệt đới cũng làm tình trạng thêm trầm trọng, vì chúng góp phần làm dịu bớt việc biến đổi khí hậu. Sự ô nhiễm do đi-ô-xít các-bon tạo ra gia tăng tính a-xít của các đại dương, gây nguy hại cho chuỗi lương thực trong biển. Nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp tục, thế kỷ này có thể sẽ chứng kiến nhiều biến đổi khí hậu chưa từng có và sự tàn phá vô tiền khoáng hâu các hệ sinh thái, với nhiều hậu quả nặng nề cho chúng ta tất cả. Ví dụ việc dâng cao mực nước biển có thể tạo nhiều hoàn cảnh hết sức nặng nề nếu người ta tính đến sự kiện một phần tư dân số thế giới sống bên bờ biển hay rất gần biển, và phần lớn các đại đô thị đều nằm ở vùng duyên hải.
25. Việc biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu với nhiều hậu quả trầm trọng về môi trường, xã hội, kinh tế, phân phối cũng như chính trị, và làm nên một trong những thách đố quan trọng nhất hiện thời cho nhân loại. Những hậu quả tồi tệ có lẽ sẽ giáng xuống suốt các thập niên tới trên những nước đang phát triển. Nhiều người nghèo sống trong những nơi đặc biệt chịu ảnh hưởng của nhiều hiện tượng liên can tới việc nung nóng, và các phương tiện sinh sống của họ phụ thuộc mạnh mẽ vào những khu bảo tồn thiên nhiên và những dịch vụ của hệ sinh thái như nông nghiệp, ngư nghiệp và các tài nguyên rừng. Họ không có những hoạt động tài chính lẫn những tài nguyên khác, giúp họ thích nghi với các ảnh hưởng khí hậu cũng như đương đầu với các hoàn cảnh thảm hại, và họ cũng ít nhận được các dịch vụ xã hội lẫn sự bảo vệ. Ví dụ các biến đổi khí hậu cũng tạo nên những cuộc di trú của động vật và thảo mộc vốn không thể luôn thích ứng, và điều đó ảnh hưởng lên các phương tiện sản xuất của những người nghèo nhất vốn cũng bị buộc phải di cư với một sự bấp bênh lớn lao cho tương lai họ và tương lai con cái họ. Việc thêm lên số người di tản chạy trốn cảnh khốn cùng gia tăng do sự thoái biến môi trường thật là thê thảm; những kẻ di cư này không được công nhận là những người tỵ nạn bởi các thỏa ước quốc tế và họ phải mang gánh nặng cuộc sống trong sự bấp bênh trôi giạt chẳng có chút che chở pháp lý nào. Khổ thay, có một sự dửng dưng chung trước những thảm cảnh như thế vốn đang xảy ra lúc này trên nhiều phần khác nhau của thế giới. Sự thiếu phản ứng trước bi kịch này của anh chị em chúng ta là một dấu chỉ của việc đánh mất ý thức trách nhiệm đối với đồng loại vốn là nền tảng của mọi xã hội dân sự.
26. Rất đông kẻ nắm giữ nhiều tài nguyên và quyền lực kinh tế hay chính trị, xem ra chỉ nỗ lực giấu giếm các vấn đề hay che đậy các triệu chứng bằng cách thu nhỏ một vài tác động tiêu cực của việc biến đổi khí hậu. Nhưng nhiều triệu chứng cho thấy rằng các hậu quả ấy không ngừng xấu đi nếu chúng ta cứ duy trì các mô hình sản xuất và tiêu thụ như hiện nay. Vì thế phải khẩn cấp triển khai nhiều chính sách, để trong các năm tới, việc thải chất đi-ô-xít các-bon và nhiều khí ô nhiễm cao phải được giảm thiểu triệt để, chẳng hạn bằng cách thay thế việc sử dụng các chất đốt hóa thạch và gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo. Trong thế giới, việc tiếp cận các năng lượng sạch và tái tạo đang ở một mức độ hạn chế. Cũng cần phát triển nhiều kỹ thuật tích lũy thích hợp. Dù vậy, trong một số nước, nhiều tiến bộ bắt đầu có ý nghĩa đã được thực hiện, mặc dù còn lâu mới đạt tới một mức độ đầy đủ. Cũng đã có vài đầu tư vào các phương tiện sản xuất và chuyên chở sử dụng ít năng lượng và đòi hỏi ít nguyên liệu, như trong lãnh vực xây dựng hay tu bổ nhà cửa để cải thiện hiệu quả năng lượng. Nhưng những thực hành tốt đẹp này còn lâu mới được phổ biến.
II. VẤN ĐỀ “NƯỚC”
27. Nhiều dấu chỉ khác về hoàn cảnh hiện tại liên hệ tới việc cạn kiệt các tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta ý thức rõ rằng không thể duy trì mức độ tiêu thụ hiện thời của các nước phát triển nhất và của các khu vực giàu có nhất trong các xã hội, nơi thói quen xài phí và vứt bỏ đạt tới những mức chưa từng thấy. Các giới hạn tối đa của việc khai thác hành tinh đã bị vượt qua rồi mà chúng ta vẫn không thể giải quyết được vấn đề nghèo đói.
28. Nước sạch và uống được là một vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu, vì nó cần thiết cho sự sống con người cũng như nâng đỡ các hệ địa sinh thái và thủy sinh thái. Những nguồn suối nước ngọt cung ứng cho các khu cấp nước, khu nông nghiệp, ngư nghiệp và cả kỹ nghệ. Trong một thời gian dài, dự trữ nước tương đối ổn định, nhưng ở nhiều nơi cầu vượt quá cung dài dài, với nhiều hậu quả nặng nề trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Nhiều thành phố lớn, vốn cần một lượng nước dự trữ quan trọng, đang chịu nhiều thời kỳ giảm tài nguyên này, vốn không luôn luôn được quản lý một cách bình đẳng và bất thiên vị trong những lúc gay cấn. Việc thiếu nước máy được ghi nhận đặc biệt tại Phi Châu, nơi nhiều khu vực dân cư lớn không thể tiếp cận với nước uống trong lành, hay phải chịu đựng những cơn hạn hán, gây khó khăn cho việc sản xuất lương thực. Trong một số quốc gia, nhiều vùng xài nước một cách dư giả nhưng đồng thời lại có nhiều vùng khác thiếu nó cách trầm trọng.
29. Một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng là vấn đề phẩm chất nước khả dụng cho những người nghèo, khiến gây nên nhiều cái chết mỗi ngày. Các bệnh tật liên can tới nước thường thấy nơi những người nghèo, kể cả những bệnh do các vi sinh vật và các chất hóa học gây nên. Tiêu chảy và dịch tả, vốn liên kết với các dịch vụ vệ sinh và với việc cung cấp nước không phù hợp để tiêu thụ là một nhân tố rõ ràng khiến trẻ em đau và chết. Các mạch nước ngầm ở nhiều nơi bị đe dọa bởi ô nhiễm gây ra do một vài hoạt động khai thác nông nghiệp và công nghiệp, nhất là trong những xứ không có điều chỉnh và kiểm soát đầy đủ. Chúng ta đừng chỉ nghĩ đến các bãi rác của những nhà máy. Các chất tẩy và các sản phẩm hóa học mà dân chúng sử dụng tại nhiều nơi trên thế giới tiếp tục đổ vào nhiều dòng sông, ao hồ và biển cả.
30. Trong khi phẩm chất nước khả dụng thường xuyên hư hỏng, nhiều nơi gia tăng xu hướng tư hữu hóa tài nguyên có hạn ấy, biến nó thành hàng hóa chịu các quy luật thị trường. Trong thực tế, tiếp cận nước uống được và an toàn là một nhân quyền hàng đầu, cơ bản và phổ quát, vì nó quyết định sự sống còn của con người, và như thế là một điều kiện cho việc thực thi các nhân quyền khác. Thế giới này mang một món nợ lớn lao đối với những người nghèo đã không có được nước uống, vì như thế là từ khước không cho họ quyền sống vốn bắt rễ trong phẩm giá bất khả chuyển nhượng của họ. Món nợ này được giải quyết một phần qua nhiều đóng góp kinh tế quan trọng để cung cấp nước uống và vệ sinh cho những người nghèo khổ nhất. Nhưng người ta nhận thấy có sự phung phí nước không những trong các xứ đã phát triển mà còn trong các xứ kém phát triển có được nhiều nguồn dự trữ lớn. Điều này cho thấy vấn đề nước một phần cũng là vấn đề giáo dục và văn hóa, vì ý thức về sự trầm trọng của các thái độ ấy thiếu hẳn trong một bối cảnh bất công lớn lao.
31. Một sự thiếu nước trầm trọng sẽ gây nên việc tăng giá các lương thực cũng như giá các sản phẩm khác nhau vốn lệ thuộc vào việc sử dụng nước. Một vài nghiên cứu đã báo động khả năng thiếu nước trầm trọng trong vài thập niên tới, nếu người ta không cấp bách hành động. Các tác động trên môi trường có thể ảnh hưởng đến hàng tỷ con người, và có thể dự kiến rằng việc kiểm soát nước của những đại doanh nghiệp đa quốc sẽ trở thành một trong những nguồn xung khắc chính yếu của thế kỷ này [23].
III. VIỆC MẤT SỰ ĐA DẠNG SINH HỌC
32. Những tài nguyên của trái đất cũng là đối tượng phá hoại do quan niệm cho rằng kinh tế cũng như hoạt động thương mại và sản xuất đều dựa trên tính tức thời. Việc biến mất các khu rừng và nhiều thảo mộc khác đồng thời kéo theo việc biến mất các loài mà trong tương lai có thể là những tài nguyên hết sức quan trọng, không những đối với việc cung cấp thực phẩm nhưng còn đối với việc chữa lành bệnh tật và nhiều dịch vụ khác nhau. Các loài khác nhau chứa nhiều gen mà có thể là những tài nguyên chủ chốt để cung cấp trong tương lai cho một số nhu cầu của nhân loại hay để điều chỉnh một vài vấn đề của môi trường.
33. Nhưng không đủ nếu chỉ nghĩ đến các loài khác nhau chỉ như những “tài nguyên” có thể khai thác mà quên rằng chúng có một giá trị tự nội. Mỗi năm biến mất hàng nghìn loài thảo mộc và động vật mà chúng ta sẽ không còn có thể biết, mà con cái chúng ta sẽ không có thể thấy vì đã mất đi vĩnh viễn.
Đại đa số biến mất vì nhiều lý do gắn liền với một hoạt động của con người. Vì chúng ta, hàng ngàn loài sẽ không còn tôn vinh Thiên Chúa qua sự hiện hữu của chúng, và sẽ không thể chuyển thông cho chúng ta sứ điệp riêng của chúng. Chúng ta không có quyền làm như vậy.
34. Có lẽ, chúng ta băn khoăn khi biết được sự diệt vong của một loài động vật có vú hay một loài chim, vì chúng được thấy rõ hơn. Nhưng các loài nấm, rong tảo, sâu bọ, côn trùng, bò sát và vô số vi sinh vật khác nhau cũng cần thiết cho sự vận hành tốt của các hệ sinh thái. Vài loài ít ỏi, thường khó nhận ra, đóng một vai trò cơ bản để tạo sự cân bằng cho một nơi. Đã hẳn con người phải can thiệp khi một hệ thống địa lý đi vào tình thế nguy kịch; nhưng ngày hôm nay, trong một thực tại quá phức tạp như thiên nhiên, mức độ can thiệp của con người lại như sau: các thảm họa lâu dài do con người gây ra đang kêu mời một sự can thiệp mới từ phía họ, đến nỗi hoạt động của con người có mặt khắp nơi, với mọi nguy cơ mà điều đó bao hàm. Thường xuất hiện một vòng lẩn quẩn là sự can thiệp của con người nhằm giải quyết một khó khăn nhiều khi lại làm cho hoàn cảnh thêm trầm trọng. Ví dụ nhiều chim chóc và côn trùng vốn biến mất do các chất độc nông nghiệp được kỹ thuật tạo ra, thì hữu ích cho chính nền nông nghiệp đó và việc biến mất của chúng sẽ phải bị thay thế bằng một sự can thiệp kỹ thuật khác mà có lẽ sẽ sinh ra nhiều hậu quả tai hại khác nữa. Những nỗ lực của các khoa học gia và kỹ thuật gia cố tìm cách mang đến nhiều giải pháp cho các vấn đề do con người tạo ra, đều đáng khen ngợi và đôi khi đáng thán phục. Nhưng khi nhìn vào thế giới, chúng ta nhận thấy rằng mức độ can thiệp của con người như thế, mà thường để phục vụ cho tài chính và chủ nghĩa tiêu thụ, làm cho thế giới chúng ta đang sống thật ra trở nên bớt phong phú và bớt xinh đẹp hơn, luôn giới hạn hơn và xám xịt hơn, trong khi cùng lúc sự phát triển của kỹ thuật và của các sản phẩm tiêu thụ tiếp tục tiến triển vô giới hạn. Như thế xem ra chúng ta muốn thay thế một vẻ đẹp bất khả thay thế và bất khả thu hồi bằng một vẻ đẹp khác do chúng ta tạo ra.
35. Khi phân tích ảnh hưởng lên môi trường của một xí nghiệp, người ta thường xem xét các hiệu quả trên đất, nước và khí, nhưng lại không luôn bao gồm một nghiên cứu cẩn thận về ảnh hưởng của nó lên sự đa dạng sinh học, như thể việc biến mất vài loài hoặc vài nhóm động vật hay thảo mộc là một cái gì đó ít quan trọng. Các con đường, các khu trồng trọt mới, các lưới rào, các đập chắn và các công trình xây dựng khác dần dần chiếm lấy các điểm phân bố và đôi khi phân mảnh chúng, khiến cho các quần thể động vật không còn có thể di trú hay di chuyển tự do, đến nỗi vài loài bị đe dọa tuyệt diệt. Cũng có nhiều cố gắng ngược lại có thể ít nhất giảm bớt ảnh hưởng của các công trình này –như việc tạo những hành lang sinh học- nhưng người ta nhận thấy sự chú ý và sự phòng ngừa như thế chỉ có trong một ít quốc gia. Khi khai thác kiểu thương mại một số loài, người ta đã không luôn nghiên cứu hình thức tăng trưởng của chúng, để tránh sự giảm thiểu quá mức của chúng, khiến gây nên sự mất quân bình trong hệ sinh thái.
36. Việc bảo vệ các hệ sinh thái giả thiết một cái nhìn vượt trên cái tức thời, vì khi người ta chỉ tìm một năng suất kinh tế nhanh chóng và dễ dàng, thì việc phòng giữ chúng thật sự chẳng khiến ai quan tâm. Nhưng giá của những thiệt hại do thói dửng dưng ích kỷ gây nên, còn cao hơn nhiều mối lợi ích kinh tế có thể thu được từ đó. Trong trường hợp vài loài biến mất hay bị thiệt hại nặng nề, chúng ta nói đó là những giá trị vượt trên mọi tính toán. Như thế chúng ta có thể thành những chứng nhân thinh lặng cho bao bất công nặng nề, khi một số người chủ trương đạt được những mối lợi quan trọng bằng cách bắt phần còn lại của nhân loại, hiện tại cũng như tương lai, phải trả những phí tổn quá cao cho việc thoái biến môi trường.
37. Một vài quốc gia đã tiến triển trong việc bảo vệ hữu hiệu một số nơi và một số vùng –trên đất và trong biển– nơi người ta cấm mọi sự can thiệp của con người mà có thể thay đổi diện mạo của chúng hay làm hư hỏng cấu tạo nguyên thủy của chúng. Trong việc bảo vệ sự đa dạng sinh học, các chuyên gia nhấn mạnh việc cần phải chú tâm đặc biệt đến những vùng có nhiều loài khác nhau nhất, đến những loài đặc hữu hiếm hoi hay có một mức độ bảo vệ hữu hiệu kém cỏi. Vài nơi đòi hỏi một sự bảo vệ đặc biệt vì tầm quan trọng lớn lao của chúng đối với hệ sinh thái toàn cầu, hay vì chúng làm thành những dự trữ nước quan trọng và như thế bảo đảm cho nhiều dạng sống khác.
38. Ví dụ ta hãy nói đến các buồng phổi của hành tinh đầy đa dạng sinh học như vùng Amazonie và lưu vực sông Congo, hay những diện tích lớn chứa nước và các băng hà. Người ta không phải không biết đến tầm quan trọng của những địa điểm này đối với toàn thể hành tinh và đối với tương lai nhân loại. Các hệ sinh thái của các rừng nhiệt đới có sự đa dạng sinh học hết sức phức tạp gần như không thể thiết lập danh mục trọn vẹn, nhưng lúc các khu rừng này bị đốt cháy hay bị san bằng để phát triển những khu canh tác thì trong vài năm vô số loài bị biến mất, khi chúng không biến thành những hoang địa khô cằn. Tuy nhiên, một sự quân bình tế nhị phải được đặt ra khi người ta nói về những nơi này, vì người ta cũng không thể bất biết các lợi lộc kinh tế quốc tế khổng lồ, mà với cớ bảo vệ các nơi ấy, có thể phương hại đến các chủ quyền quốc gia. Thực tế, có nhiều “đề nghị quốc tế hóa vùng Amazonie mà chỉ phục vụ những lợi ích kinh tế của các công ty đa quốc” [24]. Thật đáng khen ngợi công việc của các cơ quan quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự biết gây nhạy cảm cho dân chúng và biết cộng tác với tinh thần phê phán bằng cách cũng sử dụng các cơ chế áp lực hợp pháp, để mỗi chính quyền hoàn tất nhiệm vụ riêng biệt và bất khả chuyển giao là bảo vệ môi trường cũng như các tài nguyên tự nhiên của quốc gia mà không bán mình cho những lợi lộc bất chính địa phương hay quốc tế.
39. Việc thay thế hệ thực vật hoang dại bằng những vùng trồng cây lại mà thường là độc canh, không mấy khi là đối tượng cho một việc phân tích thích đáng. Thực vậy, việc thay thế này có thể gây ảnh hưởng trầm trọng cho một sự đa dạng sinh học mà các loại cây mới trồng không chấp nhận. Những khu vực ẩm ướt, bị biến thành đất canh tác, cũng mất đi sự đa dạng sinh học mà chúng đã từng đón nhận. Trong vài vùng duyên hải, việc biến mất các hệ sinh thái làm nên bởi các rừng sú vẹt gây nhiều lo lắng.
40. Các đại dương không những làm nên phần lớn nước của hành tinh, nhưng cũng làm nên phần lớn sự đa dạng các sinh vật mà nhiều loại trong đó chúng ta còn chưa biết và đang bị nhiều nguyên nhân khác đe dọa. Mặt khác, sự sống trên các sông, hồ, biển và đại dương, vốn nuôi sống phần lớn dân số địa cầu, đang thấy mình bị ảnh hưởng bởi việc khai thác hỗn loạn các nguồn cá, gây nên sự giảm thiểu triệt để của một vài loài. Nhiều hình thức đánh cá có chọn lọc, vốn phung phí các loài bị bắt, đang tiếp tục phát triển. Các sinh vật biển mà chúng ta không lưu tâm đến, đang bị đe dọa đặc biệt, như một vài dạng phiêu sinh vật làm nên một thành phần rất quan trọng trong chuỗi lương thực biển, chúng rất cần thiết cho những loài nuôi sống chúng ta.
41. Khi xâm nhập các vùng biển nhiệt đới và á nhiệt đới, chúng ta tìm thấy các rặng san hô; chúng tương đương với các khu rừng lớn của trái đất, vì chúng cho cư trú khoảng một triệu loài, gồm cá, cua, nhuyễn thể, bọt biển, rong tảo và nhiều loại khác. Nhiều rặng san hô trong thế giới nay đã cằn cỗi hay suy tàn dần: “Ai đã biến thủy giới kỳ diệu thành các nghĩa địa dưới biển mất hết sự sống và màu sắc?” [25] Hiện tượng này phần lớn là do sự ô nhiễm đã lan đến đại dương, hậu quả của việc phá rừng, của các kiểu độc canh nông nghiệp, của rác thải kỹ nghệ và của các phương pháp đánh cá mang tính hủy hoại, nhất là của các phương pháp sử dụng chất cyanure và thuốc nổ. Hiện tượng đó trầm trọng thêm do sự nâng cao nhiệt độ trong các đại dương. Tất cả điều này giúp chúng ta nhận thức rằng bất cứ hành động nào lên thiên nhiên cũng có thể có nhiều hậu quả mà thoạt nhìn chúng ta không nghĩ đến, và rằng một vài hình thức khai thác tài nguyên được thực hiện với giá của một sự suy tàn mà cuối cùng chạm tới cả đáy các đại dương.
42. Cần đầu tư nhiều hơn nữa cho việc nghiên cứu để hiểu rõ hơn động ứng của các hệ sinh thái và phân tích trọn ven các thông số khác nhau của ảnh hưởng từ mọi biến đổi quan trọng của môi trường. Thật thế, mọi tạo vật đều liên kết với nhau, mỗi vật phải được nhấn mạnh giá trị với tình yêu và thán phục, và xét như là những hữu thể, tất cả chúng ta đều cần đến nhau. Mỗi vùng đất đều có một trách nhiệm trong việc bảo vệ gia đình này, và do đó cần kiểm kê chi tiết các loài mà nó đang cho trú ngụ, để phát triển nhiều chương trình và chiến lược bảo vệ, bằng cách chăm sóc phòng giữ đặc biệt các loài đang trên đường hủy diệt.
IV. HỦY HOẠI PHẨM CHẤT NHÂN SINH VÀ SUY THOÁI XÃ HỘI
43. Nếu chúng ta để ý đến sự kiện con người cũng là một thụ tạo của thế giới này, có quyền sống và quyền hạnh phúc, hơn nữa còn có một phẩm giá trổi vượt; chúng ta không thể không xem xét các hậu quả của việc suy thoái môi trường, của mô hình phát triển hiện thời và của văn hóa thải bỏ trên cuộc sống con người.
44. Ngày nay, chẳng hạn chúng ta quan sát thấy sự tăng trưởng quá mức và hỗn loạn của nhiều thành phố vốn đã trở nên có hại cho cuộc sống tại đó, không những vì sự ô nhiễm do những chất thải độc gây ra, nhưng còn vì sự lộn xộn đô thị, những vấn đề vận tải và sự ô nhiễm do màu sắc lẫn tiếng ồn. Nhiều thành phố là những đại cấu trúc vô hiệu quả, tiêu thụ năng lượng và nước quá mức. Một vài khu phố, dù mới được xây dựng, đã đầy ứ và vô trật tự, chẳng có những không gian xanh đầy đủ. Các cư dân của hành tinh này không được tạo nên để sống mà luôn bị xâm lăng thêm mãi bởi xi-măng, nhựa đường, thủy tinh, kim loại, mất tiếp xúc thể lý với thiên nhiên.
45. Ở một vài nơi, tại thôn quê cũng như trong thành thị, việc tư nhân hóa các không gian đã khiến cho các công dân khó tiếp xúc với những khu vực đặc biệt xinh đẹp. Ở vài nơi khác, người ta tạo nhiều đô thị “sinh thái” chỉ để phục vụ một ít người, tránh không cho những kẻ khác bước vào làm rối loạn sự yên tĩnh giả tạo. Một thành phố đẹp và đầy không gian xanh được bảo vệ kỹ thường ở trong vài khu vực “an toàn”, nhưng rất ít thấy trong những khu vực ít tề chỉnh hơn, nơi sinh sống của những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội.
46. Trong số những thành tố xã hội của việc thay đổi toàn cầu, có các hiệu quả của một vài canh tân kỹ thuật trên lao động, việc loại trừ khỏi xã hội, sự bất bình đẳng trong việc cung ứng và tiêu thụ năng lượng lẫn các dịch vụ khác, sự phân mảnh xã hội, sự gia tăng bạo lực và sự xuất hiện những hình thức gây hấn mới, việc buôn bán ma túy và việc gia tăng tiêu thụ các chất kích thích nơi giới trẻ, việc mất đi căn tính. Đó là những dấu chỉ giữa bao dấu chỉ khác cho thấy rằng sự tăng trưởng của hai thế kỷ gần đây, dưới mọi phương diện của nó, đã không mang ý nghĩa một sự tiến bộ đích thực trọn vẹn cũng như một sự cải thiện phẩm chất cuộc sống. Một số trong những dấu chỉ này đồng thời cũng là các triệu chứng của một sự suy thoái xã hội, một sự hủy bỏ âm thầm các mối dây hòa nhập và hiệp thông xã hội.
47. Thêm vào đó là động năng của các phương tiện truyền thông xã hội và của thế giới kỹ thuật số. Trở thành có mặt khắp nơi, chúng không cổ vũ việc phát triển một khả năng sống khôn ngoan, suy tư sâu xa và mến yêu quảng đại. Các đại hiền nhân của quá khứ, trong bối cảnh này, hẳn gặp nguy cơ thấy minh triết của mình tắt dần giữa tiếng động của thông tin mà nay biến thành sự phân tâm chia trí. Điều này đòi buộc chúng ta cố gắng để các phương tiện truyền thông đó biểu hiện một sự phát triển văn hóa mới của nhân loại, chứ không biểu hiện việc hủy hoại sự phong phú sâu xa nhất của loài người. Sự khôn ngoan đích thực, kết quả của suy tư, đối thoại và gặp gỡ cao thượng giữa con người, không thể đạt được bằng việc đơn thuần tích lũy các dữ kiện mà cuối cùng chỉ gây chán chê và làm lú lẫn, như một thứ ô nhiễm tinh thần. Đồng thời các liên hệ đích thực với người khác có xu hướng bị thay thế -với đủ mọi thách thức mà điều đó bao hàm- bằng một kiểu thông giao qua mạng internet. Điều này cho phép chọn lựa hay loại bỏ những liên hệ theo ý chí tự do của chúng ta, từ đó nảy sinh một kiểu xúc cảm giả tạo mới, liên hệ với các thiết bị hơn là với con người và với thiên nhiên. Những phương tiện hiện thời cho phép chúng ta chuyển thông và chia sẻ nhiều kiến thức và nhiều tình cảm. Tuy nhiên, đôi khi chúng ngăn cản ta đi vào tiếp xúc trực tiếp với nỗi khổ, mối lo, niềm vui của kẻ khác và với sự phức tạp trong kinh nghiệm cá nhân của họ. Vì thế chúng ta chớ nên ngạc nhiên rằng cùng với sự cung cấp ngập tràn các sản phẩm ấy, đang phát triển một nỗi không thỏa mãn sâu xa và buồn thảm trong các tương quan liên vị hay một sự cô lập gây thiệt hại nhiều.
V. BẤT BÌNH ĐẲNG KHẮP HÀNH TINH
48. Môi trường nhân loại và môi trường tự nhiên cùng xuống cấp với nhau, và chúng ta sẽ không thể đương đầu cách thích hợp với sự suy thoái của môi trường, nếu không chú tâm đến các nguyên nhân có liên quan với việc suy thoái của con người lẫn xã hội. Thật vậy, sự hủy hoại môi trường và hủy hoại xã hội ảnh hưởng cách đặc biệt lên những gì yếu đuối nhất của hành tinh : “Kinh nghiệm chung của đời sống hằng ngày cũng như việc khảo sát khoa học cho thấy chính những người nghèo nhất phải chịu những hậu quả nặng nề nhất của mọi cuộc tấn công vào môi trường” [26]. Ví dụ sự cạn kiệt các nguồn dự trữ cá gây hại đặc biệt cho những ai sống bằng việc đánh cá thủ công mà không có những phương tiện để thay thế việc này; sự ô nhiễm nước đụng chạm đặc biệt đến những người nghèo khổ nhất, không có khả năng mua nước đóng chai, và việc nâng cao mức nước biển ảnh hưởng chủ yếu đến những cư dân duyên hải khó nghèo không nơi di chuyển tới. Tác động của các rối loạn hiện thời cũng biểu lộ nơi những cái chết sớm của nhiều người nghèo, trong các xung đột do thiếu tài nguyên gây ra và qua nhiều vấn đề khác vốn không có đủ chỗ trong các nhật ký của thế giới [27].
49. Tôi muốn lưu ý rằng người ta thường không có một ý thức rõ ràng về các vấn đề đang ảnh hưởng đặc biệt tới những kẻ bị loại trừ. Họ là đại bộ phận của hành tinh, hàng tỉ người. Ngày nay, họ có mặt trong các tranh luận chính trị và kinh tế quốc tế, nhưng hình như các vấn đề của họ chỉ được đặt ra như một thứ phụ lục, như một câu hỏi thêm vào vì bị bó buộc hay theo kiểu ngoài rìa, khi người ta không xem các vấn đề ấy như một thiệt hại phụ đơn thuần. Trong thực tế, khi hành động cụ thể, họ thường bị xếp vào chỗ cuối. Điều này một phần do sự kiện nhiều người chuyên nghiệp, hướng dẫn công luận, nhiều phương tiện truyền thông và nhiều trung tâm quyền lực đều ở xa họ, trong những khu đô thị biệt lập, không tiếp xúc trực tiếp các vấn đề của những kẻ bị loại trừ. Những người này sống và suy nghĩ từ sự thoải mái của một mức độ phát triển và một phẩm chất sống vượt quá tầm của đa số dân chúng toàn cầu. Việc thiếu tiếp xúc thể lý và gặp gỡ như thế, đôi khi được cổ vũ do sự phân tán trong các thành phố của chúng ta, giúp trấn an lương tâm và che khuất một phần thực tại nhờ nhiều phân tích quanh co. Điều này đôi khi chung sống với một với một diễn từ “xanh”. Nhưng ngày nay chúng ta không thể ngăn cản mình thừa nhận rằng một tiếp cận sinh thái học đích thực luôn biến thành một tiếp cận xã hội, vốn phải tích hợp công lý vào trong các thảo luận về môi trường, để lắng nghe tiếng gào thét của trái đất cũng như tiếng gào thét của người nghèo.
50. Thay vì giải quyết các vấn đề của người nghèo và nghĩ đến một thế giới khác hẳn, vài kẻ chỉ bằng lòng với việc đề nghị một sự hạn chế sinh sản. Không thiếu những áp lực quốc tế lên các nước đang phát triển: đó là đưa ra một số chính sách “sức khỏe sinh sản” như điều kiện cho những trợ giúp kinh tế. Nhưng “nếu đúng là việc phân bố không đều dân số và tài nguyên khả dụng tạo ra nhiều trở ngại cho việc phát triển và việc sử dụng lâu dài môi trường, vẫn phải công nhận rằng việc gia tăng dân số hoàn toàn tương hợp với một sự phát triển trọn vẹn và liên đới” [28]. Việc một số người kết án sự gia tăng dân số chứ không phải chủ nghĩa tiêu thụ quá đáng và chọn lọc là một cách tránh đương đầu với các vấn đề. Như thế, người ta chủ trương hợp pháp hóa mô hình phân phối hiện thời, trong đó một thiểu số tin rằng mình có quyền tiêu thụ trong một tỷ lệ không thể nào phổ cập cho tất cả, vì hành tinh thậm chí không thể có khả năng chứa rác thải của một kiểu tiêu thụ như vậy. Ngoài ra chúng ta biết rằng thiên hạ phung phí khoảng một phần ba lương thực được sản xuất, và rằng “khi người ta ném bỏ thức ăn, thì đó như thể là cướp đi lương thực từ bàn ăn của kẻ nghèo” [29]. Dù sao đi nữa, chắc chắn phải chú tâm đến sự mất cân bằng trong việc phân phối dân số trên lãnh thổ, ở mức độ quốc gia cũng như mức độ toàn cầu, vì sự gia tăng sức tiêu thụ sẽ dẫn đến nhiều hoàn cảnh phức tạp trong vùng, do các cụm vấn đề có liên hệ đặc biệt tới ô nhiễm môi trường, giao thông, tới xử lý rác thải, tới sự mất mát tài nguyên và phẩm chất cuộc sống.
51. Sự bất bình đẳng không chỉ tác động đến từng cá nhân, nhưng cũng đến cả toàn thể nhiều nước, và buộc phải nghĩ tới một thứ đạo đức trong các liên hệ quốc tế. Quả thế, có một “món nợ sinh thái học” thật sự đặc biệt giữa vùng Bắc và vùng Nam – liên can tới nhiều sự bất bình đẳng thương mại với nhiều hậu quả trên lãnh vực sinh thái cũng như tới việc sử dụng mất cân đối các tài nguyên thiên nhiên mà theo lịch sử là đã được thực thi bởi một vài nước. Việc xuất khẩu những thứ nguyên liệu khác nhau để thỏa mãn các thị trường của vùng Bắc công nghiệp hóa, đã tạo nhiều thiệt hại cho địa phương, như gây ô nhiễm do chất thủy ngân trong việc khai thác vàng hay do đi-ô-xít lưu huỳnh trong việc khai thác đồng. Phải đặc biệt tính tới việc sử dụng không gian môi sinh của cả hành tinh, khi có vấn đề trữ các chất thải khí vốn đã được tích tụ suốt hai thế kỷ và đã tạo ra một hoàn cảnh hiện tác động mọi quốc gia trên địa cầu. Sự đun nóng gây ra do việc tiêu thụ kinh khủng của vài nước giàu, có nhiều hậu quả trên các vùng nghèo nhất của trái đất, đặc biệt tại Phi Châu, nơi mà việc gia tăng nhiệt độ kèm với khô hạn đang gây ra nhiều sự tàn phá làm thiệt hại đến năng suất các loại cây trồng. Thêm vào đó là những thiệt hại gây ra do việc xuất khẩu sang các nước đang phát triển những chất thải cứng cũng như những chất lỏng độc hại và qua hoạt động gây ô nhiễm của các doanh nghiệp vốn được phép làm trong các nước kém phát triển những gì họ không thể làm trong các nước cấp vốn cho họ. “Chúng tôi nhận thấy rằng các doanh nghiệp năng hành động như thế đều là các công ty đa quốc, họ làm tại đây điều người ta không cho phép làm trong các nước đã phát triển hay còn gọi là thế giới thứ nhất. Thường thường, khi dừng các hoạt động của chúng và rút lui, các doanh nghiệp ấy để lại những khoản nợ lớn lao về con người và môi trường, như thất nghiệp, nhiều đám dân không sức sống, sự cạn kiệt một vài dự trữ tự nhiên, việc phá rừng, sự bần cùng hóa nông nghiệp và ngành chăn nuôi địa phương, nhiều hố sâu, nhiều đồi trọc, nhiều con sông bị ô nhiễm và một vài công trình xã hội mà người ta không thể duy trì” [30].
52. Món nợ bên ngoài của các nước nghèo đã trở thành một công cụ kiểm soát, nhưng nó không giống với món nợ sinh thái học. Bẳng nhiều cách khác nhau, các dân tộc đang phát triển, nơi có nhiều dự trữ quan trọng nhất của sinh quyển, tiếp tục nuôi dưỡng sự phát triển của các nước giàu nhất, bằng cái giá của hiện tại và tương lai của họ. Đất của những nước nghèo ở vùng Nam thường phì nhiêu và ít bị ô nhiễm, nhưng việc sở hữu các của cải và các tài nguyên để thỏa mãn các nhu cầu sinh tử thì bị cấm cản đối với họ bởi một hệ thống các tương quan thương mại và hệ thống sở hữu quái ác từ trong cơ cấu. Các nước đã phát triển cần góp phần thanh toán món nợ này, bằng việc giới hạn cách có ý nghĩa sự sử dụng năng lượng không thể tái tạo và mang nhiều tài nguyên đến cho những nước cần nhất, để hỗ trợ các chính sách và các chương trình phát triển lâu dài. Những vùng và những nước nghèo nhất có ít khả năng hơn để chấp nhận các mô hình mới hầu giảm thiểu ảnh hưởng của các hoạt động con người trên môi trường, vì họ không được đào tạo để triển khai các tiến trình cần thiết và họ cũng chẳng có khả năng cáng đáng phí tổn cho việc này. Vì thế, cần phải giữ cho sáng suốt ý thức này là trong việc biến đổi khí hậu, có nhiều trách nhiệm khác nhau và – như các Giám mục Hoa Kỳ đã phát biểu – “phải tập trung đặc biệt vào các nhu cầu của những người nghèo khổ, yếu đuối và những người bị thương tổn, trong một cuộc tranh cãi vốn thường bị các lợi ích của những kẻ hùng mạnh nhất chế ngự” [31]. Cần củng cố ý thức này là chúng ta chỉ là một gia đình nhân loại duy nhất. Không có biên giới lẫn rào cản chính trị hay rào cản xã hội nào được phép tách lẻ chúng ta, và vì thế cũng chẳng có chỗ cho việc toàn cầu hóa sự dửng dưng vô cảm.
VI. SỰ YẾU ỚT CỦA CÁC PHẢN ỨNG
53. Các hoàn cảnh ấy gây nên những tiếng rên siết của chị trái đất, liên kết với tiếng rên siết của những kẻ bị bỏ rơi trên gian trần, trong một sự gào thét đòi hỏi chúng ta phải có một hướng khác. Chưa bao giờ chúng ta lại ngược đãi và gây hại cho ngôi nhà chung của chúng ta như trong hai thế kỷ qua. Nhưng chúng ta được kêu gọi làm khí cụ của Thiên Chúa Cha, để hành tinh của chúng ta trở nên như Người đã mơ ước khi sáng tạo nó, và để đáp ứng dự phóng của Người (về một thế giới) hòa bình, xinh đẹp và viên mãn. Vấn đề là chúng ta chưa có thứ văn hóa cần thiết để đối mặt với cơn khủng hoảng này; và cần phải xây dựng nhiều quyền lãnh đạo biết vạch ra những con đường vửa đáp ứng được những nhu cầu của các thế hệ hiện tại vừa bao gồm tất cả mọi người, mà không gây hại cho các thế hệ tương lai. Cần phải tạo ra một hệ thống chuẩn mực bao hàm nhiều giới hạn không thể vượt qua và đảm bảo việc bảo vệ các hệ sinh thái, trước khi những hình thức quyền lực mới xuất phát từ mô hình kinh tế-kỹ thuật rốt cục san bằng không những chính trị, mà cả tự do và công lý.
54. Sự yếu ớt của phản ứng chính trị quốc tế thật lạ lùng. Sự tùng phục của chính trị trước công nghệ và các nền tài chính lộ rõ trong sự thất bại của các Hội nghị thượng đỉnh thế giới về môi trường. Có quá nhiều lợi lộc riêng tư, và mối lợi kinh tế rất dễ dàng đi đến chỗ vượt thắng công ích và thao túng thông tin để khỏi thấy các dự phóng của nó bị ảnh hưởng. Trong chiều hướng này, Tài liệu Aparecida yêu cầu rằng “trong các cuộc can thiệp trên các tài nguyên tự nhiên, chớ để ưu thắng các lợi ích của những nhóm kinh tế đang tàn phá một cách phi lý các nguồn sống” [32]. Sự liên minh giữa kinh tế và kỹ thuật rốt cuộc sẽ bỏ qua một bên cái gì không nằm trong lợi ích trực tiếp của cả hai. Như thế người ta chỉ hy vọng nghe được một vài tuyên bố hời hợt, một vài hành động từ thiện lẻ loi, thậm chí nhiều nỗ lực để cho thấy có một sự nhạy cảm đến môi trường, khi trong thực tế, mọi toan tính của các tổ chức xã hội nhằm thay đổi mọi sự sẽ bị xem như một sự phiền hà gây ra do những kẻ không tưởng lãng mạn hay như một sự chướng ngại cần phải lẩn tránh.
55. Dần dần một số quốc gia có thể ghi nhận nhiều tiến bộ quan trọng, sự phát triển các cách kiểm soát hữu hiệu hơn và một cuộc chiến đấu chân thành hơn chống lại sự hư hoại. Có nhiều nhạy cảm sinh thái học hơn từ phía quần chúng, dù điều ấy không đủ để thay đổi các thói quen tiêu thụ có hại, vốn xem ra không nhường bước nhưng lại gia tăng và phát triển. Để nêu một ví dụ đơn giản, đó là điều xảy ra với việc gia tăng sử dụng và gia tăng cường độ của các máy điều hòa. Khi tìm một lợi nhuận trực tiếp, các thị trường càng kích cầu hơn nữa. Nếu có ai từ bên ngoài quan sát xã hội hành tinh, sẽ rất kinh ngạc trước một động thái như thế, vốn đôi khi xem ra là hành vi tự tử.
56. Trong lúc ấy, các quyền lực kinh tế tiếp tục biện minh cho hệ thống toàn cầu hiện tại, trong đó đang ưu thắng một tư biện và một sự tìm kiếm lợi nhuận tài chính vốn có xu hướng bất biết mọi bối cảnh cũng như các hậu quả trên nhân phẩm và môi trường. Như thế, rõ ràng là sự suy thoái môi trường cũng như sự suy thoái con người và suy thoái đạo đức đều liên hệ mật thiết với nhau. Nhiều người sẽ nói rằng họ không cố ý thực hiện nhiều hành vi vô đạo đức, vì sự sao nhãng thường xuyên cất khỏi chúng ta lòng can đảm giải trình thực tế của một thế giới hữu hạn. Vì thế mà ngày nay “tất cả những gì mong manh như môi trường chẳng hạn, đều vô phương tự vệ trước các lợi ích của thị trường được thần thánh hóa, được biến thành quy luật tuyệt đối” [33].
57. Có thể thấy trước rằng, đối diện với sự cạn kiệt một số tài nguyên, đang dần dần hình thành một kịch bản thuận lợi cho nhiều cuộc chiến tranh mới, được ngụy trang thành những yêu sách cao thượng. Chiến tranh luôn luôn gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho môi trường cũng như cho sự phong phú văn hóa của các dân tộc, và các nguy cơ sẽ trở nên khủng khiếp, khi người ta nghĩ đến các vũ khí hạt nhân cũng như các vũ khí sinh học. Quả thế, “bất chấp việc các thỏa ước quốc tế cấm chiến tranh hoá học, vi trùng và sinh học, trên thực tế, việc nghiên cứu vẫn tiếp tục trong các phòng thí nghiệm để phát triển nhiều vũ khí tấn công mới có thể thay đổi các dạng quân bình tự nhiên.” [34]. Chính trị cũng được đòi hỏi phải có một sự chú ý lớn lao hơn để phòng và chống các nguyên nhân khả dĩ gây ra nhiều xung khắc mới. Nhưng chính quyền lực liên kết với các lãnh vực tài chính lại chống lại nỗ lực này mạnh nhất và các dự án chính trị thường không có tầm nhìn rộng rãi. Tại sao hôm nay người ta lại muốn duy trì một quyền lực vốn sẽ để lại trong lịch sử cái kỷ niệm về sự bất lực can thiệp của nó khi từng có lúc khẩn cấp và cần thiết phải can thiệp?
58. Trong một số nước, có nhiều tấm gương thành công tích cực trong việc cải thiện môi trường, như làm sạch một số con sông bị ô nhiễm suốt nhiều thập kỷ, trồng lại các cánh rừng bản địa, làm đẹp các phong cảnh nhờ nhiều công trình sạch hóa môi trường, nhờ nhiều dự án xây dựng nhà cửa có giá trị thẩm mỹ cao, hay còn nữa, nhờ nhiều tiến bộ trong việc sản xuất năng lượng không gây ô nhiễm, trong việc cải thiện sự chuyên chở công cộng chẳng hạn. Các hành động này không giải quyết được các vấn đề toàn cầu, nhưng chúng cũng xác nhận rằng con người còn có khả năng can thiệp cách tích cực. Vì con người đã được tạo dựng để yêu mến, nên giữa các giới hạn của nó, tất yếu bật lên nhiều cử chỉ quảng đại, liên đới và lưu tâm.
59. Nhưng đồng thời, một khoa sinh thái học hời hợt hay bề ngoài cũng đang phát triển, nó củng cố một thái độ mơ mơ màng màng nào đó và một thói vô trách nhiệm đầy hí hửng. Như điều thường xảy đến trong những thời kỷ khủng hoảng sâu xa, vốn đòi hỏi nhiều quyết định can đảm, chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng những gì đang diễn ra thì không chắc chắn lắm. Nếu chúng ta chỉ nhìn sự vật trên bề mặt, bên kia một vài dấu chỉ hữu hình về ô nhiễm và suy thoái, thì hình như chúng không trầm trọng mấy và hành tinh có thể tồn tại lâu dài trong những điều kiện như hiện nay. Thái độ lừng chừng này cho phép chúng ta tiếp tục duy trì các kiểu sống, kiểu sản xuất và tiêu thụ của chúng ta. Đó là cách con người thu xếp để nuôi dưỡng mọi thói xấu tự hủy diệt: bằng cách cố gắng không nhìn thấy chúng, chiến đấu để không thừa nhận chúng, bằng cách trì hoãn những quyết định quan trọng, hành động như thể đã chẳng có chuyện gì.
VII. NHỮNG Ý KIẾN KHÁC BIỆT
60. Cuối cùng, ta hãy thừa nhận rằng có nhiều cách nhìn và đường hướng tư tưởng khác nhau đã được triển khai về hiện trạng và về những giải pháp khả dĩ. Ở một đầu, nhiều người ủng hộ bằng mọi giá huyền thoại tiến bộ và quả quyết rằng các vấn đề sinh thái học sẽ được giải quyết một cách đơn giản nhờ nhiều áp dụng kỹ thuật mới, không cần những cân nhắc về đạo đức lẫn những thay đổi cơ bản. Ở đầu kia, nhiều kẻ khác nghĩ rằng qua bất cứ sự can thiệp nào của mình, con người cũng chỉ có thể hăm dọa và làm hại hệ sinh thái toàn cầu. Vì thế, cần thu hẹp sự hiện diện của con người trên hành tinh và ngăn cấm mọi kiểu can thiệp từ nó. Giữa hai thái cực này, nên suy nghĩ đến nhiều kịch bản khả dĩ cho tương lai, vì không phải chỉ có một lối thoát duy nhất. Điều này sẽ khiến sinh ra nhiều đóng góp khác nhau, có thể đi vào một cuộc đối thoại nhắm đến những câu trả lời trọn vẹn.
61. Trên nhiều vấn đề cụ thể, theo nguyên tắc, Giáo hội không có lý do để đưa ra một tiếng nói dứt khoát, trái lại Giáo hội hiểu rằng phải lắng nghe, rồi cổ vũ cuộc tranh luận lương thiện giữa các khoa học gia, trong niềm tôn trọng các ý kiến khác biệt. Nhưng chỉ cần nhìn thực tế cách thành thật thì thấy rằng ngôi nhà chung của chúng ta đang bị hư hỏng nặng. Đức hy vọng mời gọi chúng ta thừa nhận rằng luôn có một lối ra, rằng chúng ta luôn có thể xác định lại mũi tàu, luôn có thể làm một điều gì đó để giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, nhiều triệu chứng về một điểm gãy đổ xem ra đã thấy được, xét vì tốc độ nhanh chóng của những biến đổi và của sự hư hoại. Chúng biểu lộ ra vừa trong nhiều thảm họa thiên nhiên cấp vùng vừa trong nhiều khủng hoảng xã hội hay cả khủng hoảng tài chánh, vì rằng các vấn đề của thế giới không thể được phân tích hay giải thích cách đơn lẻ. Một số vùng đang đặc biệt lâm nguy và, bất cần mọi dự đoán kiểu thuyết tai họa, chắc chắn hệ thống thế giới hiện thời dưới nhiều phương diện không còn có thể bảo vệ được nữa, vì chúng ta đã ngừng suy nghĩ đến các mục đích của hành động con người : “Nếu đưa mắt nhìn qua các vùng của hành tinh, sẽ thấy ngay rằng nhân loại đã không đáp ứng sự mong chờ của Thiên Chúa.” [35]