Nhảy đến nội dung

04 Chương 4

  • T3, 28/01/2025 - 00:41
  • admin1

CHƯƠNG BỐN

MỘT SINH THÁI HỌC TOÀN VẸN

137. Xét rằng mọi sự đều liên kết với nhau chặt chẽ, và các vấn đề hiện tại đòi buộc một cái nhìn biết để ý đến mọi khía cạnh của cuộc khủng hoảng toàn cầu, giờ tôi đề nghị chúng ta hãy dừng lại để nghĩ đến các thành tố khác nhau của một sinh thái học toàn vẹn, vốn rõ ràng có nhiều chiều kích nhân loại và xã hội.

I. SINH THÁI HỌC MÔI TRƯỜNG, KINH TẾ VÀ XÃ HỘI

138. Sinh thái học nghiên cứu các liên hệ giữa các cơ thể sống và môi trường nơi chúng phát triển. Điều này đòi hỏi phải ngồi lại để suy nghĩ và bàn thảo một cách thành thật các điều kiện sống và sống còn của một xã hội, để đặt lại vấn đề các mô hình phát triển, sản xuất và tiêu thụ. Không thừa khi nhấn mạnh sự kiện tất cả đều liên kết với nhau. Thời gian và không gian không độc lập với nhau, thậm chí các nguyên tử và các hạt cơ bản cũng không thể được xem xét riêng biệt. Y như mọi thành tố khác nhau của hành tinh –vật lý, hóa học và sinh học– liên kết với nhau, thì các loài sinh vật cũng làm thành một mạng lưới mà chúng ta chưa bao giờ ngưng nhận biết và hiểu rõ. Một phần lớn thông tin di truyền của chúng ta được chia sẻ bởi nhiều sinh vật. Vì thế tại sao các kiến thức phân mảnh và riêng lẻ có thể trở thành một hình thức dốt nát, nếu như chúng từ chối hội nhập vào một cái nhìn rộng rãi hơn về thực tại.

139. Khi nói “môi trường”, người ta đặc biệt ám chỉ một mối liên hệ vốn có giữa thiên nhiên và xã hội đang ở nơi đó. Điều này ngăn cản chúng ta quan niệm thiên nhiên như tách biệt khỏi chúng ta hay chỉ như một khung cảnh đơn giản của cuộc sống mình. Chúng ta bao gồm trong nó, là một phần của nó và chằng chịt với nó. Các lý do khiến một nơi nào đó bị ô nhiễm đòi buộc một phân tích về sự vận hành của xã hội, kinh tế của nó, thái độ của nó và các cách hiểu của nó về thực tại. Xét vì tầm mức rộng lớn của những thay đổi, không còn có thể tìm ra một câu trả lời riêng biệt và độc lập cho mỗi phần của vấn đề. Điều cơ bản là tìm kiếm nhiều giải pháp toàn vẹn vốn chú ý đến các tương tác giữa các hệ thống tự nhiên với nhau và với các hệ thống xã hội. Không có hai cơn khủng hoảng tách biệt nhau, một của môi trường và một của xã hội, nhưng chỉ có một cơn khủng hoảng xã hội-môi trường duy nhất và phức tạp. Những khả năng giải quyết đòi hỏi một sự tiếp cận trọn vẹn để chiến đấu với nghèo đói, để trả lại phẩm giá cho những kẻ loại trừ và đồng thời để bảo tồn thiên nhiên.

140. Vì các yếu tố phải quan tâm có số lượng lớn và sự đa dạng, nên khi xác định tác động của một sáng kiến cụ thể trên môi trường, cần phải trao cho những nhà nghiên cứu một vai trò trổi vượt và dễ dàng hóa sự tương tác giữa họ, trong một sự tự do tìm hiểu lớn lao. Các nghiên cứu lâu bền này cũng nên giúp thừa nhận rằng làm sao các tạo vật khác nhau liên kết và tạo thành các đơn vị lớn hơn mà ngày nay chúng ta gọi là các “hệ sinh thái”. Chúng ta quan tâm đến chúng, không phải để xác định việc sử dụng chúng cách hợp lý, nhưng vì giá trị nội tại của chúng, độc lập với việc sử dụng này. Y như mỗi cơ thể tự thân đều tốt đẹp và đáng ca ngợi, vì đó là một sáng tạo của Thiên Chúa, thì cũng thế về toàn bộ hài hòa của các cơ thể trong một không gian xác định vốn hoạt động như một hệ thống. Cho dù không ý thức về điều đó, chúng ta vẫn lệ thuộc tổng thể này trong cuộc sống của chúng ta. Phải nhớ rằng các hệ sinh thái can thiệp vào việc bắt lấy khí điôxít cácbon, vào việc tẩy sạch nước, việc kiểm soát các bệnh tật và bệnh dịch, việc hình thành đất đai, việc phân hủy rác thải và vào nhiều dịch vụ khác mà chúng ta quên hay không biết. Nhiều người, để ý điều đó, tái khởi sự ý thức sự kiện chúng ta sống và hoạt động từ một thực tại đã được ban trước cho chúng ta, trước cả các khả năng và cuộc sống của chúng ta. Vì thế khi người ta nói đến một “việc sử dụng lâu dài”, phải luôn bao hàm trong đó khả năng tái tạo mỗi một hệ sinh thái trong nhiều lãnh vực và phương diện khác nhau của nó.

141. Mặt khác, sự tăng trưởng kinh tế đưa đến việc sản xuất nhiều thiết bị tự động và đến việc “đồng nhất hóa” nhằm đơn giản hóa các thủ tục và giảm bớt các phí tổn. Vì thế cần một sinh thái học kinh tế, có khả năng buộc xem xét thực tại một cách rộng rãi hơn. Thật thế, “việc bảo vệ môi trường phải là thành phần của tiến trình phát triền và không thể được xét một cách đơn độc” [114]. Nhưng đồng thời, hiện nay cần phải có gấp một thuyết nhân bản tự thân biết nại đến nhiều kiến thức khác nhau, kể cả khoa kinh tế học, để có một cái nhìn trọn vẹn và bao quát. Ngày nay, việc phân tích các vấn đề môi trường không tách rời việc phân tích các bối cảnh con người, gia đình, lao động, đô thị và sự liên hệ của mỗi người với chính mình, mối liên hệ này sinh ra một cách thức xác định để đi vào liên hệ với kẻ khác và với môi trường. Có một liên hệ qua lại giữa các hệ sinh thái và giữa các lãnh vực khác nhau của tương tác xã hội, và như thế, một lần nữa ta thấy “toàn thể cao hơn thành phần” [115]

142. Nếu mọi sự đều liên kết với nhau, tình trạng các cơ chế của một xã hội cũng có nhiều hậu quả lên môi trường và lên phẩm chất cuộc sống con người : “Mọi tác hại đến sự liên đới và tình công dân đều gây nhiều tổn thất cho môi trường” [116]. Theo nghĩa này, sinh thái học xã hội cần phải có cơ chế và dần dần đạt đến những chiều kích khác nhau, đi từ nhóm xã hội sơ đẳng, gia đình, ngang qua cộng đồng địa phương và quốc gia, tới đời sống quốc tế. Bên trong mỗi một mức độ xã hội và giữa chúng với nhau, phát triển các định chế điều chỉnh các liên hệ con người. Tất cả những gì làm tổn hại chúng đều có nhiều hậu quả tai hại, như đánh mất sự tự do hay gây ra bất công và bạo lực. Nhiều quốc gia theo nhau trên một mức độ cơ chế bấp bênh, với cái giá là khổ đau của quần chúng và vì ích riêng của những kẻ thu lợi từ tình trạng ấy. Trong nền hành chánh quốc gia cũng như trong nhiều biểu hiệu khác nhau của xã hội dân sự hay trong những liên lạc giữa công dân, người ta cũng rất thường nhận thấy nhiều thái độ tách xa lề luật. Những lề luật này có thể được viết đúng, nhưng vẫn thường là chữ chết. Người ta lúc ấy phải chăng có thể hy vọng rằng pháp chế và các qui tắc liên hệ tới môi trường thực sự có hiệu quả? Chẳng hạn chúng ta biết nhiều quốc gia, có một pháp chế rõ ràng để bảo vệ các cánh rừng, tiếp tục là những nhân chứng câm lặng cho việc thường xuyên vi phạm các lề luật đó. Ngoài ra, điều diễn ra trong một miền lại trực tiếp hay gián tiếp gây nhiều ảnh hưởng lên các miền khác. Chẳng hạn việc tiêu thụ ma túy trong các xã hội giàu sang gây nên một yêu cầu thường xuyên hay tăng dần về các sản phẩm ấy từ các vùng nghèo đói, nơi mà các lối ứng xử bị hủ hóa, nhiều cuộc sống bị hủy hoại và nơi mà môi trường cuối cùng bị suy thoái.

II. SINH THÁI HỌC VĂN HÓA

143. Cùng với gia sản thiên nhiên, có một gia sản lịch sử, nghệ thuật và văn hóa cũng bị hăm dọa. Nó làm nên căn tính chung của một nơi và là một nền tảng để xây dựng một thành phố có thể ở được. Đây không phải là vấn đề tàn phá hay xây dựng nhiều thành phố mới tự cho là mang tính sinh thái hơn song lại chẳng luôn dễ sống. Phải lưu tâm đến lịch sử, văn hóa và kiến trúc của một nơi, để duy trì căn tính nguyên thủy của nó. Vì thế sinh thái học cũng giả thiết việc bảo tồn các tài sản văn hóa của nhân loại theo nghĩa rộng của từ này. Cách trực tiếp hơn, việc đó đòi hỏi người ta chú ý tới các nền văn hóa địa phương khi phân tích các vấn đề liên hệ đến môi trường, bằng cách làm cho ngôn ngữ khoa học–kỹ thuật đối thoại với ngôn ngữ bình dân. Chính văn hóa, không những theo nghĩa các đài kỷ niệm của quá khứ, nhưng nhất là theo nghĩa sinh động, năng động và chia sẻ của nó, không thể bị loại trừ khi người ta nghĩ lại về tương quan giữa con người với môi trường.

144. Cái nhìn duy tiêu thụ của con người, được khuyến khích bởi mớ bòng bong của nền kinh tế toàn cầu hóa hiện thời, có xu hướng đồng nhất hóa các nền văn hóa và làm yếu đi sự đa dạng văn hóa bao la vốn là một kho tàng của nhân loại. Vì thế, chủ trương giải quyết mọi khó khăn thông qua các quy định giống nhau hay các can thiệp kỹ thuật, sẽ dẫn đến việc coi thường tính phức tạp của các vấn đề địa phương, vốn đòi hỏi sự can thiệp tích cực của các công dân. Những tiến trình mới hiện hành không luôn luôn có thể hội nhập vào nhiều lược đồ được thiết lập từ bên ngoài, nhưng phải đi từ chính nền văn hóa địa phương. Vì cuộc sống và thế giới rất năng động, nên việc bảo tồn thế giới cũng phải uyển chuyển và năng động. Các giải pháp thuần túy kỹ thuật gặp mối nguy là chỉ chú tâm đến những triệu chứng vốn không phản ảnh các vấn đề sâu xa nhất. Cần phải bao gồm trong đó viễn ảnh các quyền của những đám dân lẫn những nền văn hóa, và như thế thì phải hiểu rằng việc phát triển một nhóm xã hội giả thiết một tiến trình lịch sử trong một bối cảnh văn hóa, và đòi hỏi từ phía các tác nhân xã hội địa phương một sự dấn thân liên tục ở hàng đầu, khởi từ văn hóa của riêng họ. Ngay cả ý niệm phẩm chất cuộc sống cũng không thể được áp đặt, nhưng phải được quan niệm bên trong thế giới các biểu tượng và các thói quen riêng của mỗi nhóm người.

145. Nhiều hình thức tập trung cao nhằm khai thác và phá hoại môi trường, không những có thể làm cạn kiệt các tài nguyên sinh tồn của địa phương, mà cũng làm kiệt quệ những khả năng xã hội vốn đã cho phép một kiểu sống mà trong một thời gian dài, đã đem lại một căn tính văn hóa cũng như một ý nghĩa cho cuộc sống và sự sống chung. Việc biến mất một nền văn hóa cũng có thể nghiêm trọng hay nghiêm trọng hơn việc biến mất một loài động vật hay thực vật. Việc áp đặt một kiểu sống mang tính bá chủ liên kết với một cách sản xuất có thể còn tai hại hơn là việc biến đổi các hệ sinh thái.

146. Trong chiều hướng ấy, cần phải đặc biệt chú ý đến các cộng đồng bản địa và đến các truyền thống văn hóa của họ. Họ không làm thành một thiểu số đơn giản giữa bao nhóm người khác, nhưng phải trở thành những người đối thoại chính yếu, nhất là khi người ta phát triển các dự án lớn lao đụng chạm đến các không gian của họ. Thật thế, đối với các cộng đồng ấy, đất đai không phải là một tài sản kinh tế, nhưng là một hồng ân của Thiên Chúa và của tổ tiên họ đang an nghỉ tại đó, một không gian thiêng thánh, mà cùng với nó, họ cần tương tác để duy trì căn tính và các giá trị của mình. Khi ở trên các mảnh đất của mình, thì chính họ bảo tồn chúng tốt hơn cả. Tuy nhiên, tại nhiều phần trên thế giới, họ là đối tượng bị áp lực lìa bỏ đất đai của mình để bỏ không chúng cho nhiều dự án khai thác cũng như cho nhiều dự án nông nghiệp và ngư nghiệp vốn không chú tâm đến sự suy thoái thiên nhiên và văn hóa.

III. SINH THÁI HỌC CỦA ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY

147. Để nói đến một sự phát triển đích thực, phải bảo đảm thực hiện một sự cải thiện toàn vẹn trong phẩm chất sống của con người; và điều đó bao hàm việc phân tích không gian nơi con người đang sống. Khung cảnh bao quanh chúng ta ảnh hưởng trên cách chúng ta nhìn cuộc sống, cảm thức và hành động. Đồng thời, trong căn phòng, trong ngôi nhà của chúng ta, trên nơi làm việc và trong khu phố chúng ta, chúng ta sử dụng môi trường để diễn tả căn tính của mình. Chúng ta cố gắng thích ứng với môi trường, và khi một môi trường trở nên mất trật tự, hỗn loạn hay bị ô nhiễm thị giác và thính giác, thì những kích thích quá đáng ấy thách thức chúng ta nỗ lực xây dựng một căn tính hòa nhập và hạnh phúc.

148. Thật đáng khen ngợi sức sáng tạo và lòng quảng đại của những người cũng như những nhóm có khả năng vượt lên các giới hạn của môi trường, bằng cách thay đổi các hậu quả tiêu cực của những điều kiện chung quanh và bằng cách học định hướng cuộc sống của họ giữa bấp bênh và hỗn độn. Ví dụ trong một vài nơi, mặt tiền các ngôi nhà bị hư hỏng nặng, vẫn có nhiều người, với lắm tự hào, chăm sóc kỹ nội thất của họ, hoặc cảm thấy dễ chịu vì sự chân thành và tình thân hữu của dân chung quanh. Cuộc sống xã hội tích cực và tốt đẹp của cư dân tỏa lan một ánh sáng trên một môi trường xem ra bất lợi. Đôi khi sinh thái học nhân bản mà những người nghèo có thể phát triển giữa biết bao giới hạn như thế thật đáng khen ngợi. Cảm giác nghẹt thở, sinh ra do việc chồng chất cư dân trong nhiều chỗ ở và nhiều không gian mật độ cao, có thể được cân bằng nếu các liên hệ con người giữa những láng giềng sống chung được phát triển, nếu các cộng đoàn được tạo lập, nếu các giới hạn của môi trường được bù trừ trong mỗi con người vốn cảm thấy mình được đưa vào trong một mạng lưới hiệp thông và tương thuộc. Với cách thức ấy, bất cứ nơi nào cũng thôi là một hỏa ngục mà trở thành khung cảnh cho một cuộc sống xứng đáng.

149. Cũng rõ ràng là sự thiếu thốn cực độ mà người ta cảm nhận trong một vài nơi thiếu sự hòa hợp, không gian và những khả năng hội nhập, dễ khiến xuất hiện những thái độ bất nhân và việc thao túng con người bởi các tổ chức tội phạm. Đối với cư dân của các khu phố quá nghèo, việc mỗi ngày đi từ cảnh chen chúc sang sự vô danh xã hội –điều được cảm nghiệm trong các thành phố lớn– có thể gây nên cảm giác bị bật rễ, dễ có những thái độ chống xã hội và bạo lực. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh đến sự kiện này là tình yêu mạnh hơn. Trong các điều kiện như thế, nhiều người có khả năng dệt những mối liên hệ tương thuộc và đồng cư, vốn biến đổi sự chen chúc thành cảm nghiệm cộng đồng, nơi nhiều bức tường của cái tôi bị phá vỡ và các rào cản của ích kỷ bị vượt qua. Chính kinh nghiệm cứu độ cộng đoàn này thường gây nên óc sáng tạo để cải thiện một tòa nhà hay một khu phố. [117].

150. Vì lẽ có tương quan giữa không gian và thái độ của con người, những ai dự tính xây dựng các tòa nhà, các khu phố, các không gian công cộng và các đô thị, cần có sự đóng góp của nhiều bộ môn giúp hiểu được các tiến trình, các biểu tượng và các thái độ của con người. Việc đi tìm cái đẹp của công trình dự tính không đủ, vì việc phục vụ một kiểu đẹp khác còn quý hơn: phẩm chất cuộc sống con người, sự thích nghi của họ với môi trường, việc gặp gỡ và tương trợ. Cũng vì thế mà các viễn ảnh của các công dân phải luôn bổ túc cho sự phân tích việc qui hoạch đô thị.

151. Cần phải chăm sóc các nơi công cộng, khung ngắm nhìn và các tín hiệu đô thị vốn gia tăng ý thức tương thuộc, cảm giác bám rễ và cảm thức “ở nhà” của chúng ta, trong cái thành phố đang cho chúng ta trú ngụ và kết hợp chúng ta lại. Các phần khác nhau của một thành phố cần phải được hòa nhập thật tốt và các cư dân phải có được một cái nhìn toàn cảnh, thay vì tự đóng kín mình trong một khu phố, từ chối sống cả thành phố như một không gian thực sự chia sẻ với những người khác. Mọi sự can thiệp vào cảnh quan đô thị hay thôn quê nên chú ý rằng các yếu tố khác nhau của một nơi làm nên một tổng thể được các cư dân cảm nhận như một khung cảnh liên kết chặt chẽ và phong phú ý nghĩa. Như thế, những kẻ khác thôi làm người xa lạ và có thể tự cảm thấy thuộc về cái “chúng tôi” mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng. Cũng vì lý do đó, trong môi trường thành phố cũng như môi trường đồng quê, nên bảo tồn một vài nơi tránh được những sự can thiệp của con người vốn thường xuyên biến đổi chúng.

152. Việc thiếu chỗ ở là chuyện trầm trọng tại nhiều phần của thế giới, vừa trong các vùng thôn quê vừa trong các thành phố lớn, vì ngân sách nhà nước thường chỉ bảo lãnh cho một phần nhỏ nhu cầu. Không những kẻ nghèo mà một phần lớn xã hội cũng gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng để có được chỗ ở cho riêng mình. Việc sở hữu một căn hộ liên hệ chặt chẽ với phẩm giá của con người cũng như sự phát triển của các gia đình. Đây là một vấn đề trung tâm của sinh thái học nhân bản. Nếu nhiều khối hỗn loạn những ngôi nhà tạm bợ đã phát triển tại một nơi, thì vấn đề quan trọng là đô thị hóa các khu phố ấy, chứ không phải là tiêu hủy hay tống xuất. Khi những người nghèo sống trong nhiều vùng ngoại ô ô nhiễm hay trong nhiều khối gia cư nguy hiểm, “nếu người ta phải tiến hành giải tỏa họ […], thì để khỏi chồng chất thêm đau khổ, cần phải cung cấp trước một thông tin thích ứng, đưa ra nhiều chọn lựa về chỗ ở xứng đáng và trực tiếp bao hàm những người có liên hệ” [118]. Đồng thời óc sáng tạo nên hướng đến việc hội nhập các khu phố tạm bợ vào trong một thành phố niềm nở. “Đẹp dường nào các thành phố tốt biết vượt qua sự nghi ngờ bệnh hoạn và hội nhập những kẻ khác biệt nhau, biết biến sự hội nhập ấy thành một tác nhân mới cho sự phát triển. Đẹp biết bao những thành phố mà ngay cả trong kiến trúc của mình, đầy nhiều không gian tập hợp, tạo liên hệ và cổ vũ việc chấp nhận người khác” [119].

153. Phẩm chất cuộc sống trong thành phố liên hệ chặt chẽ với việc chuyên chở, vốn thường là một nguyên nhân gây nhiều đau khổ lớn lao cho các cư dân. Trong các thành phố, lưu thông nhiều chiếc ô-tô chỉ một hay hai người dùng. Điều này khiến cho việc giao thông ra khó khăn, mức ô nhiễm nâng cao, nhiều khối năng lượng bất tái tạo được tiêu thụ, và việc xây dựng nhiều đường xe phụ cũng như nhiều chỗ đậu xe tỏ ra cần thiết, làm hại cho mảng đô thị. Nhiều chuyên gia đồng ý rằng phải ưu tiên cho việc chuyên chở công cộng. Nhưng vài biện pháp cần thiết sẽ được chấp thuận cách hòa bình nhưng vất vả bởi xã hội nếu không cải thiện thực sự kiểu chuyên chở này, vì trong nhiều thành phố, nó đồng nghĩa với việc đối xử tệ hại với con người do sự lèn chặt, do những khó chịu hay do tần suất yếu của các dịch vụ và do sự mất an ninh.

154. Việc thừa nhận phẩm giá đặc biệt của con người nhiều lần nghịch lại với cuộc sống hỗn loạn mà con người phải trải qua trong các thành phố của chúng ta. Nhưng điều này chớ làm ta khỏi chú ý đến tình trạng bị bỏ rơi và quên lãng mà một số cư dân vùng thôn quê phải chịu, nơi các dịch vụ thiết yếu không đến, và nơi có nhiều công nhân bị đày vào tình trạng nô lệ, không có quyền lợi cũng như những viễn ảnh cho một cuộc sống xứng đáng hơn.

155. Sinh thái học nhân bản cũng bao hàm một cái gì đó rất sâu xa: liên hệ giữa cuộc sống con người với lề luật luân lý khắc ghi trong bản tính riêng của nó, liên hệ cần thiết để có thể tạo nên một môi trường xứng đáng hơn. Đức Bênêđíctô XVI từng xác quyết rằng có một “sinh thái học của con người” vì “con người cũng có một bản tính mà mình phải tôn trọng và không thể thao túng tùy thích” [120] Theo nghĩa này, phải công nhận rằng thân xác chúng ta đặt chúng ta liên hệ trực tiếp với môi trường và với các sinh vật khác. Việc chấp nhận tư thân như hồng ân của Thiên Chúa là cần để đón nhận và chấp nhận trọn cả thế giới như hồng ân của Cha và như ngôi nhà chung; trong khi lô-gích thống trị tư thân trở thành một lô-gích, đôi khi tinh tế, là thống trị tạo vật. Việc học đón nhận thân xác của mình, chăm sóc nó và tôn trọng các ý nghĩa của nó, cần thiết cho một sinh thái học nhân bản đích thực. Việc nhấn mạnh giá trị tư thân trong nữ tính hay nam tính cũng cần thiết để có thể nhận ra chính mình trong việc gặp gỡ với kẻ khác mình. Theo cách ấy, có thể vui mừng đón nhận hồng ân đặc thù là tha nhân, nam hay nữ, công trình của Thiên Chúa Tạo hóa, và làm phong phú cho nhau. Vì thế, thái độ cho rằng “phải xóa đi sự khác biệt phái tính, vì nó chẳng còn biết đương đầu như thế nào” [121] là thái độ không lành mạnh” [121].

IV. NGUYÊN TẮC CÔNG ÍCH

156. Sinh thái học toàn vẹn không thể tách rời khái niệm công ích, một nguyên tắc giữ vai trò trung tâm và hợp nhất trong đạo đức xã hội. Chính “toàn bộ các điều kiện xã hội cho phép các nhóm cũng như từng thành viên đạt được sự trọn hảo của mình cách toàn diện hơn và dễ dàng hơn” [122].

157. Công ích giả định trước sự tôn trọng con người xét như con người với những quyền lợi cơ bản và bất chuyển nhượng nhằm phát triển nó trọn vẹn. Công ích cũng đòi hỏi sự sung túc xã hội và sự phát triển những nhóm trung gian khác nhau, dựa theo nguyên tắc bổ trợ. Giữa những nhóm này, gia đình đặc biệt nổi bật như tế bào căn bản cho xã hội. Cuối cùng, công ích đòi hỏi bình an xã hội, nghĩa là sự ổn định và an toàn của một trật tự nào đó, vốn không thể thực hiện được nếu chẳng có sự chú tâm đặc biệt đến công bình phân phối, thứ công bình mà nếu bị vi phạm luôn tạo nên bạo lực. Toàn thể xã hội – và trong nó, cách đặc biệt là Nhà nước – có trách nhiệm bảo vệ và thăng tiến công ích.

158. Trong những điều kiện hiện tại của xã hội toàn cầu, nơi có biết bao bất bình đẳng và luôn có thêm mãi những con người bị loại trừ, bị tước đi các nhân quyền cơ bản, nguyên tắc công ích lập tức trở thành như hậu quả lô-gích và không thể tránh khỏi, một lời kêu gọi tình liên đới và một chọn lựa ưu tiên đối với những kẻ nghèo khổ nhất. Chọn lựa này bao hàm việc rút ra các hậu quả từ mục đích sử dụng chung của cải trái đất, nhưng, như tôi đã cố gắng giải thích trong tông huấn Evangelii Gaudium –Niềm Vui Tin Mừng [123] – nó đòi buộc trước tiên phải xem xét tất cả phẩm giá vô biên của những người nghèo dưới ánh sáng của những xác tín đức tin sâu xa nhất. Chỉ cần nhìn thực tế thì hiểu rằng chọn lựa này hiện là một đòi hỏi đạo đức căn bản để thực hiện công ích cách hữu hiệu.

V. SỰ CÔNG BẰNG GIỮA CÁC THẾ HỆ

159. Ý niệm công ích cũng bao hàm các thế hệ tương lai. Các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã cho thấy cách sống sượng những hậu quả tai hại gây ra do sự bất biết một định mệnh chung mà những người đến sau chúng ta không thể bị loại khỏi. Nếu chẳng có sự liên đới giữa các thế hệ, thì người ta không còn có thể nào nói đến việc phát triển bền vững. Khi nghĩ tới tình trạng trong đó chúng ta để lại hành tinh cho những thế hệ tương lai, thì chúng ta bước vào một lô-gích khác, lô-gích về quà tặng nhưng không mà chúng ta nhận và chuyển. Nếu trái đất được ban cho chúng ta, chúng ta không còn có thể chỉ nghĩ theo một tiêu chuẩn hiệu năng và hiệu suất vì lợi ích cá nhân được. Chúng ta không nói đến một thái độ chọn lựa, nhưng đến một vấn đề công lý cơ bản, vì trái đất mà chúng ta lãnh nhận cũng thuộc về những ai sẽ tới. Các Giám mục Bồ Đào Nha đã khuyến khích đảm nhận nghĩa vụ công bằng này: “Môi trường nằm trong lô-gích của việc đón nhận. Đó là món tiền vay mà mỗi thế hệ đón nhận và phải chuyển lại cho những thế hệ tiếp nối” [124]. Một sinh thái học toàn vẹn có viễn ảnh rộng rãi này.

160. Loại thế giới nào chúng ta muốn để lại cho những ai tiếp nối chúng ta, cho những con trẻ đang lớn? Câu hỏi này không những dính dáng đến môi trường cách biệt lập, vì người ta không thể đặt vấn đề cách từng mẩu. Khi tự hỏi về thế giới mà mình muốn để lại, chúng ta đặc biệt nói đến phương hướng chung của nó, ý nghĩa và các giá trị của nó. Nếu câu hỏi căn bản này chẳng được suy xét kỹ, tôi không tin rằng các mối quan tâm của chúng ta về môi sinh có thể đạt những hiệu quả có ý nghĩa. Nhưng nếu câu hỏi này được đặt ra với lòng can đảm, nó nghiệt ngã dẫn chúng ta đến nhiều câu hỏi khác rất trực tiếp: tại sao chúng ta bước qua thế giới này? tại sao chúng ta đến với cuộc sống này? tại sao chúng ta làm việc và chiến đấu? tại sao thế giới này cần đến chúng ta? Chính vì thế, không đủ khi nói rằng chúng ta phải lo lắng cho thế hệ tương lai. Cần ý thức rằng cái đang lâm nguy, đó chính là phẩm giá của chúng ta. Chính chúng ta là những người đầu tiên có lợi khi để lại một hành tinh ở được cho nhân loại kế tục mình. Đây là một bi kịch cho chính chúng ta, vì điều đó đặt ý nghĩa việc chúng ta đi qua trên trái đất này vào trong khủng hoảng.

161. Những dự đoán kiểu thuyết tai biến không còn có thể bị xem xét với sự khinh bỉ hay mỉa mai. Chúng ta có thể để lại cho các thế hệ sau quá nhiều đống đổ nát, hoang mạc và dơ bẩn. Nhịp độ tiêu thụ, xài phí và hủy hoại môi trường đã vượt quá các khả năng của hành tinh, đến độ kiểu sống hiện thời, vì không thể bênh vực, chỉ có thể dẫn đến nhiều tai họa, như thực tế đã xảy ra cách định kỳ trong nhiều vùng khác nhau. Việc giảm bớt các hậu quả của sự bất quân bình hiện tại tùy thuộc vào cái chúng ta sẽ làm ngay, nhất là nếu chúng ta nghĩ đến trách nhiệm mà những người sẽ phải gánh lấy các hậu quả tồi tệ rồi đây gán cho chúng ta.

162. Việc khó coi trọng thách đố ấy có liên hệ với một việc hư hoại đạo đức và văn hoá, vốn đi theo sự hư hoại môi trường. Con người nam nữ hậu tân thời (hiện đại) gặp nguy cơ thường trực là trở thành ích kỷ một cách sâu xa, và nhiều vấn đề xã hội liên hệ đến viễn quan ích kỷ hiện tại vốn chú trọng cái tức thời, đến các khủng hoảng trong liên hệ gia đình và xã hội, đến những khó khăn trong việc thừa nhận kẻ khác. Rất nhiều khi, có một sự tiêu thụ tức thời và quá đáng của cha mẹ gây cho con cái những khó khăn ngày càng nhiều trong việc tậu một ngôi nhà và lập một gia đình. Ngoài ra, việc chúng ta khó suy nghĩ một cách nghiêm túc đến các thế hệ tương lai gắn liền với việc chúng ta khó mở rộng quan niệm của mình về các lợi ích hiện thời và tưởng nghĩ về những người bị loại ra khỏi sự phát triển. Đừng chỉ nghĩ đến những người nghèo của tương lai, hãy nhớ tới những người nghèo trong hiện tại vốn có ít năm sống trên trái đất này và không thể tiếp tục chờ đợi. Vì thế, “bên kia một sự liên đới trung thực giữa các thế hệ, luân lý khẩn cấp đòi buộc tái khẳng định một sự liên đới ngay trong thế hệ này” [125].