05 Chương 5
CHƯƠNG NĂM
VÀI NÉT ĐỊNH HƯỚNG VÀ HOẠT ĐỘNG
163. Tôi đã tìm cách phân tích hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, vừa trong các rạn nứt quan sát được trên hành tinh chúng ta đang trú ngụ, vừa trong các nguyên nhân nhân loại sâu xa hơn của việc suy thoái môi trường. Cho dù quan sát ấy về thực tại đã tự nó cho chúng ta thấy phải thay đổi chiều hướng, và gợi lên cho chúng ta một số hành động, nay chúng ta hãy cố vạch ra những đường nét chính của cuộc đối thoại có thể giúp chúng ta ra khỏi vòng xoáy của việc tự huỷ mà chúng ta đang chìm vào.
I. CUỘC ĐỐI THOẠI VỀ MÔI TRƯỜNG TRONG CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ
164. Từ giữa thế kỷ mới rồi, sau khi đã vượt thắng nhiều khó khăn, người ta càng có xu hướng quan niệm hành tinh như một quê hương và nhân loại như một dân tộc cùng trú ngụ một ngôi nhà chung. Việc thế giới tương thuộc không chỉ có nghĩa là phải hiểu rằng các hậu quả tai hại của những kiểu sống, kiểu sản xuất và tiêu thụ đều ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng nhất là phải lo sao để các giải pháp được đưa ra trong một viễn cảnh toàn cầu, chứ không chỉ bảo vệ lợi ích của vài quốc gia. Sự tương thuộc buộc chúng ta phải nghĩ đến một thế giới duy nhất, một dự phóng chung. Nhưng chính trí tuệ mà người ta bày tỏ để phát triển kỹ thuật cách ấn tượng, không dễ tìm ra nhiều hình thức hữu hiệu của việc quản lý quốc tế, để giải quyết các khó khăn trầm trọng của môi trường và xã hội. Để đương đầu với các vấn đề cơ bản vốn không thể giải quyết nhờ các hoạt động của từng đất nước đơn lẻ, cần phải có một sự đồng thuận toàn cầu dẫn đến chỗ, ví dụ vậy, chương trình hóa một nền nông nghiệp bền vững và đa dạng, phát triển nhiều hình thức năng lượng có thể tái tạo và ít ô nhiễm, cổ vũ một hiệu suất năng lượng tốt hơn, một sự quản lý thích đáng hơn các tài nguyên rừng và biển, bảo đảm nước uống được cho mọi người.
165. Chúng ta biết rằng công nghệ dựa trên các nhiên liệu hóa thạch rất ô nhiễm – nhất là than đá, nhưng cũng là dầu hỏa, và trong một mức độ ít hơn, là khí đốt – cần phải được thay thế dần và không chậm trễ. Bao lâu chưa có sự phát triển mạnh mẽ các năng lượng có thể tái tạo, thì được phép lựa chọn bên ít tai hại hơn và nại đến những giải pháp tạm thời. Tuy nhiên, trong cộng đồng quốc tế, người ta không đi đến nhiều thỏa thuận đầy đủ về trách nhiệm của những ai phải gánh lấy phí tổn của việc chuyển đổi năng lượng. Các thập niên gần đây, những vấn đề môi trường đã làm nảy sinh một cuộc tranh luận công khai rộng rãi vốn đã làm lớn lên trong xã hội dân sự nhiều không gian cho nhiều cam kết và một sự tận tâm quảng đại. Chính trị và kinh doanh phản ứng chậm chạp, chưa ngang tầm những thách thức toàn cầu. Trong chiều hướng này, đang khi nhân loại của thời hậu kỹ nghệ có lẽ sẽ bị xem như một trong những nhân loại vô trách nhiệm nhất của lịch sử, phải hy vọng rằng nhân loại của đầu thế kỷ XXI sẽ có thể ở trong các ký ức, vì đã đảm nhận các trách nhiệm nặng nề của mình với lòng quảng đại.
166. Phong trào sinh thái toàn cầu đã làm một hành trình lâu dài, được phong phú hóa nhờ các nỗ lực của nhiều tổ chức xã hội dân sự. Không thể nêu danh ở đây mọi tổ chức này, cũng như vạch lại lịch sử những đóng góp của họ. Nhưng nhờ vào một sự dấn thân mạnh mẽ mà các vấn đề môi sinh đã ngày càng hiện diện trên nhật ký công cộng và đã trở thành một lời mời thường xuyên hãy suy nghĩ lâu dài. Tuy nhiên, các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu những năm gần đây về môi sinh đã không đáp ứng được các mong chờ, vì do thiếu quyết định chính trị, chúng đã không đạt được nhiều thoả thuận chung thật sự có ý nghĩa và hữu hiệu về môi trường.
167. Nên nêu lên Hội nghị thượng đỉnh về Hành tinh trái đất tại Rio de Janeiro vào năm 1992. Hội nghị đã công bố rằng “con người là trung tâm của những lo lắng liên quan đến phát triển lâu dài” [126]. Lấy lại các yếu tố của Tuyên bố Stockholm (1972), hội nghị đã công nhận việc cộng tác quốc tế để bảo tồn hệ sinh thái của toàn thể trái đất, việc đòi buộc những ai gây nên ô nhiễm phải cáng đáng trách nhiệm kinh tế về nó; công nhận nghĩa vụ đánh giá tác động lên môi trường của mọi xí nghiệp hay dự án. Hội nghị đã đề ra mục tiêu ổn định việc tích tụ khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển, để đảo lộn xu hướng nung nóng toàn cầu. Hội nghị cũng đã phác thảo một nhật ký với một chương trình hành động và một thỏa ước về sự đa dạng sinh học, đã tuyên bố nhiều nguyên tắc về rừng. Cho dẫu Thượng đỉnh này đã thật sự mang tính canh tân và tiên tri cho thời đại mình, các thoả thuận cũng đã ít được đem ra thực hiện, vì đã không thiết lập cơ chế thích hợp nào để kiểm soát, để định kỳ xét lại và để chế tài trong trường hợp thiếu sót. Các nguyên tắc đề ra còn đòi nhiều phương tiện vừa hữu hiệu vừa uyển chuyển để vận dụng cụ thể.
168. Trong số các kinh nghiệm tích cực, người ta có thể kể đến, ví dụ, Thỏa ước Bâle về sự kiểm soát việc chuyển vận xuyên biên giới các chất thải nguy hiểm và việc tiêu hủy chúng, với một hệ thống tuyên bố, tiêu chuẩn và kiểm tra; người ta cũng có thể kể đến Thỏa ước về việc buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã bị đe doạ tuyệt chủng, với những đoàn kiểm tra việc tôn trọng nó cách hiệu quả. Nhờ Thỏa ước Vienne về việc bảo vệ tầng ozon và việc vận dụng nó qua Tuyên bố Montréal lẫn các bản văn bổ sung, vấn để khí quyển này mỏng dần xem ra đang đi vào giai đoạn giải quyết.
169. Vể việc bảo vệ sự đa dạng sinh học và việc hoang mạc hoá, các tiến bộ kém rõ ràng hơn nhiều. Về việc biến đổi khí hậu, các tiến bộ tiếc thay lại quá kém cỏi. Việc giảm bớt các loại khí gây hiệu ứng nhà kính đòi hỏi sự chân thật, can đảm và trách nhiệm, nhất là từ các nước hùng mạnh nhất và gây ô nhiễm nhất. Hội nghị Liên Hiệp quốc về việc phát triển lâu dài, được gọi là Rio+20 (Rio de Janeiro 2012), đã đưa ra một Tài liệu chung kết dài và vô hiệu. Các thương lượng quốc tế không thể tiến tới cách có ý nghĩa vì lập trường của các quốc gia đặt quyền lợi riêng trên công ích chung. Những người sẽ đau khổ vì các hậu quả mà chúng ta cố gắng che đậy, sẽ nhắc nhớ việc thiếu lương tâm và trách nhiệm này. Trong khi Thông điệp này được soạn thảo, cuộc tranh luận đã đạt tới một cường độ đặc biệt. Chúng ta, những tín hữu, không thể ngưng cầu xin Thiên Chúa cho có nhiều bước tiến tích cực trong các cuộc thảo luận hiện thời, sao cho các thế hệ tương lai không phải đau khổ vì các hậu quả do những sự trì hoãn bất cẩn.
170. Một vài chiến lược thải ít các khí gây ô nhiễm tìm cách quốc tế hoá các phí tổn môi sinh, với nguy cơ áp đặt lên các nước có ít tài nguyên nhiều cam kết nặng nề về việc giảm thải khí, tương đương với những cam kết của các nước công nghiệp hóa nhất. Việc áp đặt các biện pháp ấy đem tới tai hại cho các nước cần được phát triển nhiều nhất. Như thế là thêm vào một sự bất công mới dưới chiêu bài bảo vệ môi sinh. Như luôn xảy ra, sợi dây bị đứt ở điểm yếu nhất của nó. Biết rằng các hậu quả của việc biến đổi khí hậu sẽ được cảm nhận lâu dài, cho dẫu nhiều biện pháp chặt chẽ hiện đang được đưa ra, một số quốc gia tài nguyên nghèo nàn sẽ cần sự giúp đỡ để thích ứng với các hậu quả đã xảy ra và tác hại lên nền kinh tế của họ. Vẫn biết có nhiều trách nhiệm chung nhưng khác biệt, chỉ vì như các Giám Mục Bolivia đã nêu bật, “các nước đã hưởng một mức độ công nghiệp hóa cao, với giá thải nhiều khí gây hiện tượng nhà kính, có một trách nhiệm lớn hơn trong việc mang đến giải pháp cho các vấn đề họ đã gây nên” [127].
171. Chiến lược mua và bán “tín chỉ các-bon” có thể gây nên một hình thức đầu cơ mới, và điều này sẽ không phục vụ việc giảm thải khí gây ô nhiễm trên toàn cầu. Hệ thống này xem ra là một giải pháp nhanh và dễ, dưới dáng vẻ một cam kết nào đó đối với môi trường, nhưng không hề bao hàm một sự thay đổi triệt để ngang tầm vóc với các hoàn cảnh. Ngược lại, nó có thể trở thành một mánh khóe cho phép bênh đỡ sự tiêu thụ quá tải của một số quốc gia và khu vực.
172. Những nước nghèo cần ưu tiên loại bỏ sự khốn cùng và phát triển xã hội cho cư dân của họ; dẫu họ phải phân tích mức độ tiêu thụ quá đáng của vài khu vực ưu đãi trong dân chúng và kiểm soát sự tham nhũng. Vẫn biết họ phải phát triển nhiều hình thức sản xuất năng lượng ít gây ô nhiễm hơn, nhưng để làm thế, họ phải có thể dựa vào sự trợ giúp của những nước đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, với cái giá ô nhiễm hiện tại của hành tinh. Việc trực tiếp khai thác năng lượng phong phú của mặt trời đòi hỏi thiết lập nhiều cơ chế và sự hỗ trợ, sao cho các nước đang phát triển có thể tiếp cận được việc chuyển giao công nghệ, sự trợ giúp kỹ thuật, các nguồn tài chánh, nhưng luôn bằng cách chú ý đến những điều kiện cụ thể, vì “người ta không luôn đánh giá cách thích đáng sự tương hợp của các cơ sở hạ tầng với bối cảnh mà vì đó chúng đã được sáng nghĩ ra” [128]. Các phí tổn sẽ thấp nếu người ta so sánh chúng với những nguy cơ của việc biến đổi khí hậu. Nhưng dầu sao trước tiên vẫn là một quyết định luân lý, dựa trên tình liên đới giữa mọi dân tộc.
173. Xét vì sự mỏng dòn yếu đuối của các thẩm cấp địa phương, cần phải có những thỏa ước quốc tế được tôn trọng để có thể can thiệp cách hữu hiệu. Các liên hệ giữa các quốc gia/nhà nước phải bảo toàn được chủ quyền của mỗi nước, nhưng cũng thiết lập được nhiều con đường đồng thuận để tránh được những thảm hoạ địa phương mà cuối cùng cũng động đến cả thế giới. Hiện thiếu những khuôn khổ điều hòa chung vốn áp đặt nhiều bó buộc và ngăn chặn nhiều thủ đoạn không thể chấp nhận, như việc vài doanh nghiệp và vài quốc gia hùng mạnh chuyển vào những nước khác nhiều rác thải và nhiều công nghệ gây ô nhiễm cao.
174. Chúng ta cũng hãy kể đến hệ thống quản lý các đại dương. Thật thế, cho dù đã có nhiều thoả ước quốc tế và khu vực, sự rải rác và thiếu vắng các cơ chế quy định, kiểm soát và chế tài nghiêm khắc rốt cục phá hủy mọi cố gắng. Vấn đề gia tăng rác thải biển và việc bảo vệ các vùng biển vượt quá các biên giới quốc gia tiếp tục đưa ra một thách đố đặc biệt. Rốt cục, phải có một thỏa thuận về các chế độ quản lý cho một loạt cái mà người ta gọi là “gia sản chung toàn cầu”.
175. Chính lô-gích vốn cản trở việc đưa ra những quyết định triệt để nhằm đảo ngược xu hướng đun nóng toàn cầu, cũng không cho phép đạt tới mục tiêu xóa bỏ sự nghèo khổ. Cần một phản ứng toàn cầu đầy trách nhiệm hơn mà đồng thời bao hàm cuộc chiến đấu để giảm thiểu sự ô nhiễm, và để phát triển các nước lẫn các vùng nghèo. Thế kỷ XXI, đang khi duy trì một hệ thống cai trị thuộc các thời đại đã qua, là sân khấu cho việc suy yếu quyền lực của các Nhà nước quốc gia, nhất là vì chiều kích kinh tế và tài chính mang tính xuyên quốc gia có khuynh hướng ưu thắng trên chính trị. Trong bối cảnh ấy, sự chín muồi các định chế quốc tế trở nên cần thiết, chúng phải mạnh hơn, được tổ chức cách hữu hiệu, với nhiều quan chức được chỉ định cách công bằng bởi thỏa thuận giữa các chính phủ quốc gia, và được ban cho quyền lực trừng phạt. Như Đức Bênêđictô đã quả quyết theo chiều hướng mà học thuyết xã hội của Giáo hội đã khai triển: “Để cai quản nền kinh tế thế giới, để lành mạnh hóa những nền kinh tế lâm cơn khủng hoảng, để báo động sự trầm trọng thêm của nó và những bất quân bình lớn hơn, để tiến hành việc giải giới toàn vẹn đáng ao ước, để đi tới an ninh lương thực và hoà bình, để bảo đảm việc bảo vệ môi trường và để điều tiết các dòng chảy di cư, cần có gấp một quyền lực chính trị toàn cầu đích thực như vị tiền nhiệm của tôi là Thánh Gioan XXIII đã phác thảo.” [129]. Trong viễn cảnh này, ngoại giao mang một tầm quan trọng chưa từng có, để cổ vũ các chiến lược quốc tế biết tiên liệu các vấn đề trầm trọng hơn mà cuối cùng tác động đến mỗi người.
II. CUỘC ĐỐI THOẠI NHẮM ĐẾN NHỮNG CHÍNH SÁCH QUỐC GIA VÀ ĐỊA PHƯƠNG MỚI
176. Có kẻ thắng người thua không những giữa các nước, mà còn ngay giữa các nước nghèo, nơi phải nhận dạng nhiều trách nhiệm khác nhau. Vì thế, những vấn đề liên quan tới môi trường và phát triển kinh tế không còn có thể đặt ra chỉ từ những khác biệt giữa các nước, nhưng đòi buộc người ta phải chú ý đến các chính sách quốc gia và địa phương.
177. Đối mặt với việc có thể sử dụng cách vô trách nhiệm các khả năng con người, thì việc kế hoạch hóa, phối hợp, theo dõi và trừng phạt là những chức năng bắt buộc của mỗi Nhà nước. Làm thế nào một xã hội chuẩn bị và bảo vệ tương lai của mình trong một bối cảnh có nhiều đổi mới kỹ thuật thường xuyên? Luật thiết lập các quy tắc cho những thái độ có thể chấp nhận dưới ánh sáng của công ích, là một nhân tố hoạt động như một điều hòa viên quan trọng. Các giới hạn mà một xã hội lành mạnh, trưởng thành và công hiệu phải áp đặt thì gắn liền với việc tiên liệu, với thói thận trọng, với các sự điều chỉnh thích đáng, với sự chăm chú theo dõi việc áp dụng các quy tắc, với cuộc chiến thống tham nhũng, với những hành động kiểm soát hữu hiệu các hiệu quả không ao ước xuất phát từ các tiến trình sản xuất, và với sự can thiệp đúng lúc trước các nguy cơ khó tiên đoán hay tiềm tàng. Có một sự giải thích luật tăng dần nhằm giảm bớt những hậu quả gây ô nhiễm do hoạt động của các doanh nghiệp. Nhưng khuôn khổ chính trị và cơ chế không đứng đó chỉ để tránh các thực hành xấu, nhưng cũng để động viên các thực hành tốt, để kích thích óc sáng tạo vốn tìm nhiều con đường mới, để dễ dàng hóa các sáng kiến cá nhân và tập thể.
178. Bi kịch của “tính tức thời” chính trị, cũng được các đám dân sính tiêu thụ ủng hộ, dẫn đến nhu cầu tạo ra sự tăng trưởng trong ngắn hạn. Đáp ứng những mối quan tâm trong bầu cử, các chính phủ không dễ dàng liều lĩnh làm phật lòng dân chúng với những biện pháp có thể tác động đến mức tiêu thụ hay gây nguy hiểm cho các cuộc đầu tư của ngoại quốc. Lô-gích thiển cận về quyền lực làm chậm lại việc đón nhận một nhật ký môi trường với những viễn cảnh rộng lớn trong nhật ký công của các chính phủ. Như thế người ta quên rằng “thời gian cao hơn không gian” [130], rằng chúng ta luôn luôn phong phú hơn khi chú tâm xây dựng các tiến trình hơn là chiếm lấy các không gian quyền lực. Sự vĩ đại chính trị tự tỏ lộ khi gặp những lúc khó khăn, người ta hành động theo những nguyên tắc lớn và bằng cách nghĩ đến công ích lâu dài. Rất khó cho quyền lực chính trị khi phải đảm nhận trách nhiệm ấy trong một dự án quốc gia.
179. Trong một vài nơi đang phát triển nhiều hợp tác xã để khai thác các năng lượng tái tạo, cho phép địa phương tự túc, thậm chí bán phần dư thừa. Ví dụ đơn sơ này cho thấy: trong khi trật tự hiện hành của thế giới tỏ ra không có khả năng gánh lấy các trách nhiệm, thì thẩm quyền địa phương có thể tạo điều khác biệt. Thật thế, ở mức độ này, người ta có thể gợi lên một trách nhiệm lớn hơn, một cảm thức cộng đồng mạnh mẽ, một khả năng bảo vệ đặc biệt và một óc sáng tạo nhiệt tình hơn, một tình yêu sâu xa đối với đất nước mình; cũng ở đấy, người ta nghĩ đến cái mà mình để lại cho con cái cháu chắt. Những giá trị ấy bén rễ đáng kể trong các tầng lớp dân chúng bản địa. Xét rằng luật pháp đôi khi tỏ ra không đủ do thối nát, những quyết định chính trị cần phải được khích động do áp lực của quần chúng. Xã hội, thông qua nhiều cơ quan phi chính phủ và nhiều hiệp hội trung gian, phải buộc các chính quyền phát triển các quy tắc, các thủ tục và các kiểm soát gắt gao hơn. Nếu các công dân không kiểm soát quyền lực chính trị -quốc gia, vùng miền và thành phố- thì cũng không thể có việc kiểm soát các thiệt hại trên môi trường. Mặt khác, pháp chế của các thị thành có thể hữu hiệu hơn, nếu như có nhiều thỏa ước giữa các tầng lớp dân chúng lân cận để nâng đỡ các chính sách môi trường như nhau.
180. Người ta không thể nghĩ đến các cách thức đồng nhất, vì mỗi quốc gia hay vùng miền đều có nhiều vấn đề và giới hạn đặc thù. Cũng đúng là óc thực tế chính trị có thể đòi hỏi nhiều biện pháp và kỹ thuật chuyển tiếp, với điều kiện chúng luôn được đi kèm bởi dự án và bởi sự chấp thuận những cam kết tiệm tiến mang tính bó buộc. Nhưng ở mức độ quốc gia lẫn địa phương, vẫn còn nhiều việc để làm, tỉ như cổ vũ các hình thức tiết kiệm năng lượng. Điều này bao hàm việc tạo điều kiện cho những cách thức sản xuất kỹ nghệ có một hiệu quả năng lượng tối đa mà ít sử dụng nguyên liệu, rút khỏi thị trường các sản phẩm kém hiệu quả về mặt năng lượng hoặc gây ô nhiễm hơn. Chúng ta cũng có thể kể đến một sự quản lý tốt đẹp các phương tiện vận tải hay các hình thức xây dựng hoặc sửa chữa những ngôi nhà mà giảm thiểu được việc tiêu thụ năng lượng của chúng hay mức độ ô nhiễm của chúng. Mặt khác, hoạt động chính trị địa phương có thể hướng về việc cải biến sự tiêu thụ, việc phát triển một sự tiết kiệm chất thải và sự tái chế, việc bảo vệ các giống loài và việc kế hoạch hóa một nền nông nghiệp đa dạng với sự luân phiên canh tác. Cũng có thể khuyến khích việc cải thiện nông nghiệp của những vùng nghèo khổ nhờ đầu tư vào các cơ sở hạ tầng nông thôn, vào việc tổ chức thị trường địa phương hay quốc gia, vào các hệ thống tưới tiêu, vào việc phát triển các kỹ thuật nông nghiệp lâu bền. Người ta có thể tạo thuận lợi cho các hình thức hợp tác hay tổ chức cộng đồng mà bảo vệ được các lợi ích của những nhà sản xuất nhỏ và phòng giữ các hệ sinh thái địa phương khỏi sự khai thác hủy hoại. Có biết bao việc mà người ta có thể làm!
181. Sự liên tục là cần thiết vì các chính sách liên quan đến việc thay đổi khí hậu và bảo vệ môi trường không thể thay đổi mỗi khi một chính phủ đổi thay. Các kết quả đòi hỏi nhiều thời gian và giả thiết nhiều phí tổn tức thời với nhiều hiệu quả sẽ không thấy rõ trong nhiệm kỳ của chính quyền liên hệ. Vì thế tại sao dù không có áp lực của dân chúng và của các định chế, vẫn sẽ luôn có sự chống đối phải can thiệp vào, nhất là khi có nhiều trường hợp khẩn cấp phải đương đầu. Việc một chính trị gia đảm nhận những trách nhiệm ấy với những phí tổn mà điều này bao hàm, việc đó không đáp ứng với lô-gích tính hiệu quả và tính tức thời của nền kinh tế cũng như với lô-gích của nền chính trị hiện hành; nhưng nếu ông ta dám làm, điều đó sẽ dẫn ông thừa nhận phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho ông xét như con người, và ông sẽ để lại trong lịch sử một chứng từ về tinh thần trách nhiệm quảng đại. Phải gán một vị trí vượt trội cho một chính sách lành mạnh, có khả năng cải cách các định chế, phối hợp chúng với nhau và cấp ban cho chúng các thực hành tốt đẹp vốn giúp thắng vượt các áp lực và các sự ù lì kỳ quặc tai hại. Tuy nhiên, cần phải thêm rằng các cơ chế tốt nhất cuối cùng cũng chịu thua khi thiếu các mục đích lớn, các giá trị, một sự cảm thông nhân bản và phong phú ý nghĩa, vốn ban cho mỗi xã hội một chiều hướng cao quý và quảng đại.
III. ĐỐI THOẠI VÀ MINH BẠCH TRONG CÁC TIẾN TRÌNH RA QUYẾT ĐỊNH
182. Việc tiên liệu sự tác động lên môi trường của các sáng kiến và dự án đòi hỏi nhiều tiến trình chính trị minh bạch và được đề xuất từ đối thoại, trong khi tham nhũng thối nát vốn che giấu ảnh hưởng đích thực lên môi trường của một dự án để đổi lại những ân huệ, thường đưa đến nhiều thoả thuận xảo quyệt, những thỏa thuận mà người ta tránh đưa ra thông tin và tranh luận rộng rãi về chúng.
183. Một nghiên cứu về tác động lên môi trường không nên có sau việc xây dựng một dự án sản xuất hay bất cứ chính sách, kế hoạch hoặc chương trình phải thực hiện nào. Việc nghiên cứu ấy phải được chèn ngay từ đầu, được xây dựng theo cách đa khoa liên ngành, minh bạch và độc lập khỏi mọi áp lực kinh tế hoặc chính trị. Nó phải liên kết với việc phân tích các điều kiện lao động và các hiệu quả khả dĩ, nhất là trên sức khỏe thể lý và tinh thần của con người, trên kinh tế địa phương, trên sự an toàn. Như vậy các kết quả kinh tế sẽ có thể suy ra cách thực tế hơn, do để ý đến các kịch bản khả dĩ và tiên liệu sự cần thiết phải đầu tư lớn hơn để đối mặt với các hiệu quả không mong muốn mà có thể sửa chữa được. Luôn cần đi đến một thỏa thuận giữa các tác nhân xã hội khác nhau, vốn có thể đưa ra nhiều quan điểm, nhiều giải pháp và nhiều thế đôi ngã khác biệt. Nhưng tại bàn thảo luận, cư dân địa phương phải có một vị trí ưu tiên, chính họ tự hỏi điều họ mong muốn cho mình lẫn cho con cái, và có thể cân nhắc các mục tiêu vượt quá lợi ích kinh tế tức thời. Phải ngưng nghĩ đến chuyện “can thiệp” vào môi trường để xây dựng những chính sách được cưu mang và bàn thảo bởi mọi bên liên hệ. Việc tham gia đòi buộc tất cả mọi người đều được thông tin thích hợp về các khía cạnh khác biệt cũng như về các nguy cơ và khả năng khác nhau; nó không tự giới hạn trong quyết định ban đầu của một dự án, nhưng cũng liên hệ tới những hành động kiểm tra và theo dõi liên tục. Sự chân thành và chân thật đều cần thiết trong mọi cuộc tranh luận khoa học và chính trị, các tranh luận này không được giới hạn vào việc xem xét cái gì được luật pháp cho phép hay cấm chỉ.
184. Khi xuất hiện những nguy cơ cho môi trường, ảnh hưởng đến công ích hiện tại và tương lai, hoàn cảnh đó đòi buộc “các quyết định phải dựa trên việc đối chiếu những nguy cơ và những lợi nhuận có thể dự kiến cho mọi lựa chọn khả dĩ” [131]. Điều này đặc biệt có giá trị nếu một dự án có thể kéo theo việc gia tăng sử dụng những tài nguyên thiên nhiên, gia tăng những sự xả khí hay những đồ bỏ, gia tăng việc sản xuất rác thải hay một sự thay đổi rõ ràng cảnh quan, điểm phân bố của các loài được bảo vệ, hay thay đổi một không gian công cộng. Một số dự án không được phân tích đầy đủ có thể tác động sâu xa lên phẩm chất sống trong một môi trường vì nhiều lý do rất khác biệt, như ô nhiễm âm thanh không ngờ, giảm thiểu trường thị giác, đánh mất các giá trị văn hoá, các hậu quả của việc sử dụng năng lượng hạch tâm. Văn hoá duy tiêu thụ, vốn tạo ưu tiên cho sự ngắn hạn và cho tư lợi, có thể khuyến khích những thủ tục quá nhanh chóng hay cho phép che đậy thông tin.
185. Trong mọi cuộc tranh luận chung quanh một sáng kiến, một loạt câu hỏi nên được đặt ra để phân định xem sáng kiến đó sẽ cung cấp hay không một sự phát triển đích thật và toàn vẹn: Cho cái gì? Nhờ cái gì? Nơi nào? Khi nào? Cách thức nào? Cho ai? Đâu là những nguy cơ? Với phí tổn nào? Ai sẽ chi trả các phí tổn và sẽ chi trả ra sao? Trong sự phân định này, một vài câu hỏi phải được ưu tiên. Ví dụ chúng ta biết nước là một tài nguyên hạn chế lẫn cần thiết, và việc tiếp cận nó là một quyền căn bản vốn điều kiện hóa việc thực thi các nhân quyền khác. Điều này là không thể nghi ngờ và nó điều kiện hóa mọi sự phân tích về ảnh hưởng môi trường của một vùng.
186. Tuyên bố Rio năm 1992 có khẳng định: “Trong trường hợp có nguy cơ gây những thiệt hại trầm trọng hay không thể đảo ngược, sự thiếu vắng xác tín khoa học tuyệt đối không được làm cớ để hoãn lại việc chấp thuận những biện pháp hữu hiệu” [132] vốn ngăn chặn sự xuống dốc của môi trường. Nguyên tắc phòng ngừa này cho phép bảo vệ những người yếu đuối nhất, vốn ít có phương tiện để tự vệ và để mang đến những chứng cứ không thể phủ nhận. Nếu thông tin khách quan dẫn đến việc tiên liệu một thiệt hại trầm trọng và không thể đảo ngược, mặc dầu chẳng có bằng chứng hiển nhiên, thì mọi dự án sẽ phải dừng lại hay thay đổi. Như thế, người ta đảo ngược sự buộc tội của bằng chứng, vì trong trường hợp ấy, phải đem đến một chứng minh khách quan và không thể bàn cãi rằng hoạt động được đề nghị sẽ không gây những thiệt hại trầm trọng cho môi trường hoặc cho cư dân sống ở đó.
187. Điều ấy không kéo theo việc phải chống lại mọi canh tân công nghệ cho phép cải thiện phẩm chất sống của dân chúng. Nhưng trong mọi trường hợp, phải luôn xác lập được rằng khả năng sinh lợi không thể là yếu tố duy nhất đế chú tâm vào, và rằng ngay khi xuất hiện những tiêu chuẩn phán đoán mới do sự tiến triển của thông tin, thì nên có một đánh giá mới với sự tham gia của các bên liên hệ. Kết quả cuộc khảo cứu sẽ có thể là quyết định không tiến tới trong một dự án, những cũng có thể sửa đổi nó hay khởi thảo các đề nghị đôi chiều.
188. Trong một vài cuộc tranh luận về những vấn đề liên quan đến môi trường, khó đạt tới một đồng thuận. Một lần nữa tôi lặp lại rằng Giáo hội không có tham vọng phê phán các vấn đề khoa học, cũng chẳng thay thế chính trị, nhưng tôi mời gọi một cuộc tranh luận chân thành và minh bạch, để các nhu cầu riêng biệt và các ý thức hệ không làm tổn hại đến công ích.
IV. CHÍNH TRỊ VÀ KINH TẾ TRONG CUỘC ĐỐI THOẠI VÌ SỰ VIÊN MÃN CỦA CON NGƯỜI
189. Chính trị không được tùng phục kinh tế và kinh tế cũng không được tùng phục các điều áp chế lẫn mô hình hiệu quả của kỹ trị. Ngày nay, khi nghĩ đến công ích, chúng ta hết sức cần thấy chính trị và kinh tế đối thoại với nhau để quyết tâm phục vụ cuộc sống, đặc biệt cuộc sống con người. Cứu nguy các ngân hàng bằng mọi giá, bằng cách bắt dân chúng trả tiền mà không có quyết tâm xem lại và canh tân hệ thống trong toàn bộ của nó, việc đó tái khẳng định một ảnh hưởng tuyệt đối của tài chính vốn chẳng có tương lai và sẽ chỉ có thể gây nên nhiều cơn khủng hoảng mới sau một cuộc chữa trị lâu dài, tốn kém và ngoại diện. Cuộc khủng hoảng tài chính các năm 2007-2008 từng là một cơ hội cho sự phát triển một nền kinh tế mới, chú tâm hơn đến các nguyên tắc luân lý, và cho việc điều hòa cách mới mẻ hoạt động tài chính đầu cơ lẫn sự giàu sang giả tạo. Nhưng đã không có phản ứng nào dẫn tới việc suy nghĩ lại các tiêu chuẩn lỗi thời nhưng vẫn tiếp tục chi phối thế giới. Việc sản xuất không luôn hợp lý và thường liên kết với nhiều biến số kinh tế vốn xác định cho các sản phẩm một giá trị thường không tương ứng với giá trị thật của chúng. Điều này thường đưa đến việc sản xuất thừa vài thứ hàng hóa, với một ảnh hưởng vô ích lên môi trường, đồng thời cũng gieo tai hại cho nhiều nền kinh tế khu vực. [133]. Bong bóng tài chính cũng thường là một bong bóng sản xuất. Cuối cùng, người ta không đương đầu cách mạnh mẽ với vấn đề xây dựng nền kinh tế đích thật vốn cho phép, ví dụ, việc sản xuất được đa dạng và cải thiện, các xí nghiệp hoạt động tốt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển và tạo được nhiều việc làm.
190. Trong bối cảnh ấy, phải luôn nhớ rằng “việc bảo vệ môi trường không thể chỉ được đảm bảo tùy theo tính toán tài chính về những phí tổn và lợi nhuận. Môi trường thuộc số các điều thiện hảo mà những cơ chế thị trường không có khả năng bảo vệ hay thăng tiến cách thích đáng” [134]. Một lần nữa phải tránh một quan niệm ma thuật về thị trường vốn khiến nghĩ rằng các vấn đề sẽ giải quyết được chỉ bằng cách gia tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp hoặc các cá nhân. Có thực tế không khi hy vọng rằng kẻ bị ám ảnh về lợi nhuận tối đa, sẽ nhẩn nha nghĩ đến các hậu quả của môi trường mà y sẽ để lại cho các thế hệ mai sau? Trong lược đồ lợi nhuận không có chỗ để nghĩ đến các nhịp điệu của thiên nhiên, đến các giai đoạn suy thoái và hồi sinh của nó, đến sự phức tạp của các hệ sinh thái vốn có thể bị thay đổi nặng nề do sự can thiệp của con người. Ngoài ra, khi nói đến đa dạng sinh học, người ta cùng lắm quan niệm nó như một dự trữ các tài nguyên kinh tế có thể khai thác, nhưng người ta không nghiêm túc chú tâm đến giá trị thực của vạn vật, ý nghĩa của chúng đối với con người và các nền văn hoá, đến lợi ích và nhu cầu của người nghèo.
191. Khi người ta nêu lên các câu hỏi ấy, một số phản ứng bằng cách kết án những kẻ khác là chủ trương ngăn chận cách vô lý sự tiến bộ và phát triển con người. Nhưng chúng ta phải tự thuyết phục mình rằng việc làm chậm một nhịp độ sản xuất và tiêu thụ nào đó có thể tạo ra nhiều hình thức tiến bộ và phát triển khác. Những cố gắng để khai thác các tài nguyên thiên nhiên cách lâu dài không phải là việc tiêu phí vô ích, nhưng là một sự đầu tư có thể sinh lợi nhuận kinh tế khác trong trung hạn. Nếu không đau khổ vì nhãn quan hạn hẹp, chúng ta có thể khám phá rằng sự đa dạng hóa một kiểu sản xuất mang tính cải tiến hơn và từ đó ít ảnh hưởng lên môi trường, có thể rất sinh lợi. Đây là vấn đề mở đường cho nhiều cơ hội thuận lợi khác nhau mà không bao hàm việc ngăn chặn óc sáng tạo của con người và giấc mơ tiến bộ của nó, nhưng hướng năng lực này theo những con đường mới mẻ.
192. Ví dụ một con đường phát triển sản xuất mang tính sáng tạo hơn và định hướng tốt hơn có thể sửa sai sự kiện là có một sự đầu tư kỹ thuật quá đáng cho tiêu thụ nhưng lại yếu kém để giải quyết các vấn đề còn lơ lửng của nhân loại; nó có thể tạo nhiều hình thức thông minh và sinh lợi hơn cho việc tái sử dụng, sử dụng đa chức năng và tái chế; nó cũng có thể cải thiện hiệu quả năng lượng của các thành phố. Việc đa dạng hoá sản xuất mở ra nhiều khả năng bao la cho sự thông minh của con người để sáng tạo và canh tân, đồng thời bảo vệ được môi trường và tạo thêm việc làm. Đó sẽ là một sự sáng tạo có khả năng làm tươi nở lại sự cao quý của con người, vì sẽ xứng đáng hơn nếu sử dụng sự thông minh, với dạn dĩ và trách nhiệm, để tìm được nhiều hình thức phát triển lâu dài và công minh, trong khuôn khổ một quan niệm rộng rãi hơn về phẩm chất cuộc sống. Ngược lại, sẽ kém xứng đáng, hời hợt và ít sức sáng tạo nếu tiếp tục tạo ra nhiều hình thức cướp phá thiên nhiên, chỉ để cung cấp nhiều khả năng mới cho việc tiêu thụ và thu lợi tức thời.
193. Dẫu sao, nếu trong vài trường hợp, sự phát triển lâu dài sẽ lôi theo nhiều hình thức tăng trưởng mới; trong những trường hợp khác, đối mặt với việc gia tăng kiểu háu đói và vô trách nhiệm đã phát sinh suốt nhiều thập niên, cũng sẽ phải nghĩ tới việc đánh dấu một sự tạm dừng bằng cách đặt ra một vài giới hạn hợp lý, thậm chí phải quay lui trước khi quá trễ. Chúng ta biết rằng thái độ của những kẻ vốn tiêu thụ và phá hoại ngày càng nhiều thì không thể chấp nhận được, trong khi những người khác không thể sống xứng với nhân phẩm của họ. Vì thế đã đến lúc chấp nhận một sự giảm dần nào đó trong một vài vùng của thế giới, đem các tài nguyên sử dụng cho một sự tăng trưởng lành mạnh tại các vùng khác. Đức Bênêđictô XVI từng khẳng định rằng “các xã hội tiên tiến về mặt kỹ thuật phải sẵn sàng cổ vũ những thái độ giản dị hơn, giảm bớt nhu cầu năng lượng của mình và cải thiện các điều kiện sử dụng nó” [135].
194. Để những khuôn mẫu tiến bộ mới nổi lên, chúng ta phải “biến cải khuôn mẫu phát triển toàn cầu”, [136], điều này bao hàm việc suy nghĩ cách có trách nhiệm về “ý nghĩa của kinh tế và các mục tiêu của nó, để có thể sửa chữa những rối loạn chức năng và những sự mất quân bình của nó” [137] Hòa hợp sự bảo vệ thiên nhiên với lợi nhuận tài chính, hay bảo tồn môi trường với tiến bộ, không thiên vị bên nào thì chẳng đủ. Về các vấn đề ấy, những con đường trung đạo chỉ làm chậm lại sự đổ vỡ một chút. Vấn đề đơn giản là tái định nghĩa sự tiến bộ. Một sự phát triển kỹ thuật và kinh tế không để lại một thế giới tốt đẹp hơn và một phẩm chất sống cao cách toàn vẹn thì không thể gọi là một tiến bộ. Mặt khác, phẩm chất sống thực sự của con người thường bị giảm đi -do việc suy thoái môi trường, phẩm chất kém của các sản phẩm lương thực hay sự cạn kiệt một số tài nguyên- trong một bối cảnh tăng trưởng kinh tế. Trong khuôn khổ này, diễn từ về việc tăng trưởng lâu bền thường trở thành một phương tiện gây đãng trí và biện minh vốn nhốt kín các giá trị của diễn từ sinh thái trong lô-gich của tài chính và kỹ thuật ; trách nhiệm xã hội và môi trường của các doanh nghiệp thường được giản lược vào một loạt hành động tiếp thị và một loạt hình ảnh.
195. Nguyên tắc tối đa hóa lợi nhuận, vốn có khuynh hướng tách mình khỏi mọi lưu tâm khác, là một sự vặn vẹo khái niệm kinh tế: nêu sản xuất gia tăng, thì không quan trọng việc nó thực hiện với cái giá của tài nguyên tương lai hay sức khỏe của môi trường; nếu việc khai thác một khu rừng làm tăng việc sản xuất, thì trong tính toán này không ai đo lường sự mất mát bao hàm trong việc hoang hoá đất đai, trong thiệt hại gây ra cho sự đa dạng sinh học hay trong sự gia tăng ô nhiễm. Điều đó muốn nói rằng các doanh nghiệp đạt được nhiều lợi nhuận bằng cách tính toán và trả một phần rất nhỏ phí tổn. Chỉ có thể xem là đạo đức một thái độ trong đó “các phí tổn kinh tế và xã hội xuất phát từ việc sử dụng tài nguyên chung được xác định cách minh bạch và hoàn toàn được gánh chịu bởi những ai hưởng lợi chúng, chứ không phải bởi các giới dân chúng khác hay bởi các thế hệ tương lai” [138]. Lối lý luận mang tính dụng cụ, vốn chỉ đưa ra một phân tích tĩnh về thực tại theo các nhu cầu của tình thế, cũng hiện diện khi chính thị trường xác định các tài nguyên cũng như khi một nhà nước kế hoạch hóa làm việc này.
196. Còn về chính trị thì sao? Ta hãy nhớ lại nguyên tắc bổ trợ, vốn ban tự do cho việc phát triển mọi khả năng đang có ở mọi mức độ, nhưng đồng thời đòi hỏi trách nhiệm hơn đối với công ích từ phía kẻ nắm giữ quyền hành nhiều hơn. Vẫn biết ngày nay một vài phạm vi kinh tế thi thố nhiều quyền hành hơn chính các Nhà nước. Nhưng người ta không thể biện minh cho một nền kinh tế phi chính trị, vốn sẽ chẳng có khả năng cổ vũ một lô-gich khác chi phối được nhiều phương diện khác biệt của cơn khủng hoảng hiện thời. Cái lô-gich không cho phép dự tính một sự quan tâm chân thành đến môi trường, thì cũng chính là lô-gich ngăn cản việc nuôi dưỡng mối ưu tư hội nhập những người yếu đuối nhất, vì “trong mô hình hiện tại về ‘thành công’ và ‘quyền tư hữu’, xem ra không có chiều hướng đầu tư để những kẻ còn lại đằng sau, những người yếu đuối hay túng bấn nhất có thể mở một con đường cho mình trong cuộc đời” [139].
197. Chúng ta cần một nền chính trị với những cái nhìn rộng rãi, có một lối tiếp cận toàn cầu bằng cách tích hợp vào trong một cuộc đối thoại liên ngành các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng. Thường thì chính trị tự chịu trách nhiệm về việc mất uy tín của mình, do thối nát tham nhũng hay do thiếu chính sách công tốt đẹp. Nếu Nhà nước không đóng vai trò của mỉnh trong một vùng, vài nhóm kinh tế có thể xuất hiện như những người từ thiện và chiếm lấy quyền lực thật sự, tự cảm thấy mình được phép không tôn trọng một số quy tắc, đến độ làm phát sinh nhiều hình thức tội phạm có tổ chức, buôn người, buôn ma túy và bạo lực rất khó tiêu diệt. Nếu chính trị không có khả năng bẻ gãy một lô-gich tàn ác, ngoài ra vẫn bị giam hãm trong nhiều diễn văn nghèo nàn, chúng ta sẽ tiếp tục không đương đầu với những vấn đề lớn của nhân loại. Một chiến lược thay đổi thực sự đòi phải suy nghĩ lại toàn bộ các tiến trình, vì đưa vào các lưu tâm hời hợt về môi trường không đủ, khi người ta không đặt vấn đề cái lô-gich ẩn tàng trong văn hoá hiện tại. Một nền chính trị lành mạnh phải có khả năng đảm nhận các thách thức ấy.
198. Chính trị và kinh tế thường có xu hướng kết tội lẫn nhau trong những gì liên quan đến nghèo đói và suy thoái môi trường. Nhưng phải hy vọng rằng chính trị và kinh tế sẽ thừa nhận các sai lầm của mình và sẽ tìm ra những hình thức tương tác, nhằm vào công ích. Trong khi những người này chỉ bị ám ảnh bởi lợi nhuận kinh tế và những người kia chỉ bị ám ảnh bởi việc duy trì hay gia tăng quyền lực của họ, cái mà chúng ta có là nhiều cuộc chiến tranh hay nhiều sự thỏa thuận dối trá trong đó việc bảo vệ môi trường và bảo vệ những kẻ yếu đuối nhất là cái được cả hai bên quan tâm ít hơn cả. Ở đây cũng có giá trị cái nguyên tắc: “Hiệp nhất cao hơn xung đột” [140]
V. CÁC TÔN GIÁO TRONG CUỘC ĐỐI THOẠI VỚI CÁC KHOA HỌC
199. Người ta không thể khẳng định rằng các khoa học thực nghiệm giải thích được hoàn toàn sự sống, cơ cấu mọi tạo vật và thực tại trong toàn bộ của nó. Như thế là đi quá một cách trái lẽ các biên giới phương pháp luận hạn hẹp của chúng. Nếu người ta suy nghĩ trong khuông khổ khép kín này, thì cảm thức thẩm mỹ, thi phú và cả khả năng lý trí nhận ra ý nghĩa và mục đích vạn vật cũng tiêu tan [141]. Tôi muốn nhắc lại rằng “các bản văn tôn giáo cổ điển vẫn có thể cống hiến một ý nghĩa cho mọi thời đại và có một lực tác động luôn khai mở nhiều chân trời mới […] Có hợp lý và thông minh chăng khi liệt những bản văn ấy vào trong bóng tối, chỉ vì chúng xuất phát từ một bối cảnh niềm tin tôn giáo?” [142] Thật ngây thơ khi nghĩ rằng các nguyên tắc luân lý có thể tự trình bày cách thuần túy trừu tượng, tách khỏi mọi bối cảnh, và việc chúng xuất hiện trong một ngôn ngữ tôn giáo không làm cho chúng mất mọi giá trị của mình trong cuộc tranh luận công khai. Các nguyên tắc luân lý mà lý trí có khả năng nhận ra luôn có thể tái xuất hiện một cách khác và được diễn tả trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, kể cả ngôn ngữ tôn giáo.
200. Mặt khác, mọi giải pháp kỹ thuật mà các khoa học chủ trương mang lại, sẽ bất lực giải quyết các vấn đề trầm trọng của thế giới, nếu nhân loại mất phương hướng, nếu người ta quên đi những động cơ lớn vốn khả thể hóa sự chung sống, sự hy sinh và lòng tốt hảo. Dẫu sao, sẽ phải mời các tín hữu nhất quán mạch lạc với niềm tin của mình và không đi ngược lại với nó bằng các hành động của mình; sẽ phải xin họ một lần nữa mở rộng tâm hồn cho ân sủng của Thiên Chúa và múc lấy tận đáy sâu những xác tín của họ về tình yêu, công lý và hòa bình. Nếu một sự hiểu sai về các nguyên tắc riêng của mình đã dẫn chúng ta đôi khi đến chỗ biện minh cho việc đối xử tệ hại với thiên nhiên, việc thống trị độc đoán của con người trên tạo vật, hay cho các cuộc chiến tranh, bất công và bạo lực; chúng ta những tín hữu có thể thừa nhận rằng lúc đó chúng ta đã bất trung với kho tàng khôn ngoan mà chúng ta phải bảo vệ. Thường các giới hạn văn hoá của các thời đại khác nhau đã điều kiện hóa ý thức về gia sản luân lý và tinh thần của họ, nhưng chính việc quay về nguồn của mình sẽ giúp các tôn giáo đáp ứng tốt hơn những nhu cầu hiện tại.
201. Phần lớn cư dân của hành tinh tự nhận mình là tín hữu, và điều đó hẳn kích thích các tôn giáo bước vào một cuộc đối thoại nhằm bảo vệ thiên nhiên, bênh đỡ những người nghèo, xây dựng các mạng lưới tương kính và và huynh đệ. Một cuộc đối thoại giữa chính các khoa học cũng cần thiết vì mỗi khoa học có thói quen tự đóng kín trong các giới hạn của ngôn ngữ riêng mình, và sự chuyên môn hóa có xu hướng trở nên cô lập và tuyệt đối hoá kiến thức của mỗi khoa học. Điều này ngăn trở việc đối mặt cách thích hợp các vấn đề của môi trường. Một cuộc đối thoại cởi mở và tương kính cũng trở nên cần thiết giữa các phong trào sinh thái khác nhau, nơi không thiếu các cuộc chiến ý thức hệ. Sự trầm trọng của cơn khủng hoảng môi trường đòi buộc tất cả chúng ta suy nghĩ về công ích và tiến bước trên một con đường đối thoại vốn đòi hỏi kiên nhẫn, khổ hạnh và khoan dung; hãy luôn nhớ rằng “thực tại cao hơn ý tưởng” [143].