01 Chương 1
CHƯƠNG 1
TIẾNG GỌI NÊN THÁNH
CÁC THÁNH ĐANG KHUYẾN KHÍCH TA VÀ ĐỒNG HÀNH VỚI TA
3. Thư gửi tín hữu Do Thái nêu cho thấy có biết bao nhân chứng đang khích lệ ta “hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta” (12,1). Cụ thể như ông Abraham, bà Sara, ông Môsê, ông Ghiđêôn và những người khác (x. 11,1-12,3). Trên hết, ta cần nhận ra rằng có cả “một đám mây khổng lồ các nhân chứng” (12,1) đang không ngừng thúc đẩy ta tiến bước hướng về mục tiêu. Những nhân chứng ấy có thể là chính mẹ hay bà của ta hoặc những người thân yêu khác (x. 2 Tm 1,5). Cuộc sống của họ có thể không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng ngay cả giữa những khi lỗi lầm và thất bại, họ vẫn tiến về phía trước và sống đẹp lòng Chúa.
4. Các thánh hiện đang sống trước nhan Thiên Chúa nhưng vẫn giữ mối liên kết yêu thương và tình hiệp thông với ta. Sách Khải Huyền xác nhận điều ấy khi nói các vị tử vì đạo đang chuyển cầu cho ta: “Tôi thấy dưới bàn thờ, linh hồn của những người đã bị giết vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và đã làm chứng. Họ lớn tiếng kêu: “Lạy Chúa chí thánh và chân thật, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử ’ ” (6,9-10). Mỗi chúng ta đều có thể nói mình “được các bạn hữu của Thiên Chúa bao quanh, dẫn dắt và định hướng... Tôi không phải một mình vác lấy điều mà thật ra, tôi chẳng bao giờ có thể vác nổi một mình. Đoàn ngũ các thánh của Thiên Chúa đang ở đó để bảo vệ, đỡ nâng và đưa tôi đi” [1].
5. Khi xúc tiến phong chân phước và hiển thánh cho ai, Hội thánh nhìn nhận nơi người ấy những dấu chỉ về nhân đức anh hùng, việc hy sinh chịu chết vì đạo, và trong một số trường hợp khác là liên lỉ hiến dâng cuộc sống cho tha nhân, cho đến chết. Sự hiến dâng ấy cho thấy người đó đã noi theo gương Chúa Kitô cách điển hình, đáng cho các tín hữu ngưỡng mộ[2] . Chẳng hạn, ta có thể nhắc đến Chân phước Maria Gabriella Sagheddu, người đã hiến đời mình cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.
NHỮNG VỊ THÁNH “SÁT BÊN NHÀ” CHÚNG TA
6. Đừng chỉ nghĩ riêng tới những vị đã được phong chân phước và hiển thánh. Chúa Thánh Thần tuôn tràn sự thánh thiện khắp dân Chúa là dân tộc thánh thiện và trung tín, vì “Thiên Chúa đã muốn thánh hóa và cứu độ con người, không phải như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong sự thánh thiện”[3] . Trong lịch sử cứu độ, Chúa đã cứu một dân tộc. Chúng ta chẳng bao giờ trọn vẹn là chính mình mà lại không thuộc về một dân tộc. Đó là lý do tại sao không ai được cứu một mình, như một cá nhân cô lập. Trái lại, Thiên Chúa kéo chúng ta đến với Ngài, với đủ thứ liên hệ phức tạp giữa người với người trong cộng đồng nhân loại. Thiên Chúa muốn bước vào cuộc sống và lịch sử đầy năng động của một dân tộc.
7. Tôi thích chiêm ngưỡng sự thánh thiện trong cuộc sống kiên nhẫn của dân Chúa: nơi những bậc cha mẹ đang nuôi dạy con cái với tình yêu thương bao la, nơi những người nam nữ đang chăm chỉ làm việc để nuôi sống gia đình, nơi người bệnh tật, nơi các tu sĩ già cả mà lúc nào cũng cười tươi. Nơi những cảnh đời hàng ngày đang kiên trì tiến tới như thế, tôi nhìn thấy sự thánh thiện của Hội thánh chiến đấu. Rất thường thì đó là một sự thánh thiện được tìm thấy nơi những người sát ngay bên nhà chúng ta, những người đang sống giữa chúng ta, đang phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là “tầng lớp trung lưu của sự thánh thiện” [4].
8. Ta hãy để cho mình được khích lệ bởi những dấu chỉ của sự thánh thiện mà Chúa cho chúng ta thấy qua các phần tử khiêm tốn nhất của đoàn dân ấy, là đoàn dân “cũng chia sẻ chức năng ngôn sứ của Đức Kitô, thể hiện khắp nơi chứng từ sống động về Ngài, đặc biệt là bằng đời sống đức tin và đức ái” [5]. Theo cách nói của Thánh nữ Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá đề nghị, ta cần để ý rằng chính là nhờ rất nhiều người như thế mà lịch sử đang thực sự trở thành lịch sử. Chị viết: “Chính từ giữa đêm tối sâu thẳm nhất đã xuất hiện những khuôn mặt ngôn sứ và thánh nhân vĩ đại nhất. Nhưng phần lớn dòng chảy đang làm nên cuộc sống thần bí như thế lại vô hình, không thấy được. Có những tâm hồn chẳng bao giờ được sách sử nào nhắc đến nhưng lại có ảnh hưởng quyết định tại những khúc ngoặt trong lịch sử hoàn vũ. Phải đợi đến ngày mà tất cả những gì ẩn giấu đều tỏ lộ, ta mới biết mình mắc nợ những ai tại những khúc ngoặt quyết định của đời ta” [6].
9. Sự thánh thiện là vẻ mặt đẹp nhất của Hội thánh. Thế nhưng ngay cả bên ngoài Hội thánh Công giáo và cả nơi những môi trường rất khác biệt, Chúa Thánh Thần vẫn làm nổi bật lên “những dấu chỉ của sự hiện diện của Ngài, để giúp cho chính các môn đệ của Đức Kitô” [7]. Thánh Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta rằng “chứng nhân cho Đức Kitô phải chịu ngay cả việc đổ máu đã trở thành một gia sản chung của người Công Giáo, Chính Thống, Anh giáo và Tin Lành” [8]. Trong cuộc tưởng niệm đại kết cảm động được tổ chức tại Hý trường Colosseum trong năm Đại Toàn xá 2000, ngài đã tuyên bố rằng các vị tử đạo là “một di sản đang lên tiếng mạnh mẽ hơn tất cả những gì đã gây nên chia rẽ” [9].
CHÚA MỜI GỌI
10. Ở đây mọi chuyện đều quan trọng. Tuy nhiên, với Tông Huấn này, tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến lời mời gọi nên thánh mà Chúa đang nói thẳng với mỗi chúng ta, cũng là lời mời gọi Ngài đang đích thân nói với bạn: “Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (Lv 11,44; xem 1Pr 1,16). Công đồng Vaticanô II đã nói rõ điều này: “Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quý như thế, tất cả mọi tín hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa mời gọi, để mỗi người một cách, vươn tới sự thánh thiện trọn lành như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành” [10].
11. Công đồng nói, “mỗi người một cách”. Chúng ta không nên nản chí trước những mẫu gương thánh thiện có vẻ như không thể đạt được. Có một số chứng từ có thể hữu ích và gợi hứng cho chúng ta, nhưng không phải là để chúng ta sao chép, vì sao chép lắm khi còn có thể dẫn chúng ta đi sai con đường riêng mà Chúa có ý dành cho chúng ta. Điều quan trọng là mỗi tín hữu nhận rõ được con đường riêng của mình, rút ra được những điều tốt nhất của chính mình, những hồng ân cá nhân nhất mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng họ (xem 1Cr 12,7), thay vì cố gắng bắt chước vô vọng một điều gì đó không dành cho họ. Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm nhân chứng, nhưng có nhiều cách thực tế để làm nhân chứng [11]. Thật vậy, khi nhà thần bí vĩ đại, Thánh Gioan Thánh Giá, viết quyển Ca Khúc Tâm Linh, ngài thường tránh đem những quy tắc cố định áp dụng chung cho mọi người. Ngài giải thích rằng các vần thơ của ngài được sáng tác để mỗi người có thể rút ra bài học “theo một cách riêng” [12]. Vì sự sống của Thiên Chúa được truyền cho “kẻ thì cách này, người thì cách khác” [13].
12. Giữa những hình thức khác nhau ấy, tôi xin nhấn mạnh rằng “tài hoa nữ giới” cũng nổi rõ trong những phong cách thánh thiện đậm nữ tính, và cũng là những điều rất cần có để phản ảnh sự thánh thiện của Thiên Chúa trên trần gian này. Ngay cả trong những thời mà người ta có khuynh hướng gạt phụ nữ sang một bên, không nhìn đến, Chúa Thánh Thần vẫn làm nổi bật lên những vị thánh tỏa chiếu hào quang, tạo nên những năng động tinh thần mới mẻ và những cải cách quan trọng trong Hội thánh. Ta có thể nhắc đến Thánh Hildegard thành Bingen, Thánh Bigitta, Thánh Catarina thành Siena, Thánh Têrêxa thành Avila và Thánh Têrêxa thành Lisieux. Tôi còn muốn nói đến tất cả các phụ nữ vô danh hoặc bị quên lãng, mỗi người một cách, đã nâng đỡ và biến đổi các gia đình và cộng đồng bằng năng lực mà đời sống làm chứng của họ đem lại.
13. Điều ấy phải đem lại phấn khởi và phải khuyến khích ta dâng hiến tất cả và ôm lấy kế hoạch có một không hai mà Thiên Chúa đã muốn cho mỗi chúng ta từ muôn thủơ: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi” (Gr 1,5).
CHO CẢ BẠN NỮA
14. Ðể nên thánh không cần phải là một giám mục, một linh mục hay một tu sĩ. Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi công việc bình thường để dành nhiều thời gian cầu nguyện. Không phải thế. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Bạn được mời gọi sống đời thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống sự dấn thấn ấy cách thật vui tươi. Bạn đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội thánh. Bạn phải làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc thật tận tụy và chu đáo để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ con cháu biết theo Chúa Giêsu. Bạn đang ở một địa vị có quyền lực ư? Hãy nên thánh bằng cách quên lợi riêng để phục vụ ích chung [14].
15. Hãy để ân sủng bạn đã nhận lúc lãnh bí tích Rửa Tội sinh hoa kết quả trên đường nên thánh. Hãy để mọi thứ được mở ra cho Thiên Chúa; dù ở tình huống nào vẫn hướng về Chúa. Đừng nản lòng, vì quyền năng của Chúa Thánh Thần đang giúp bạn làm điều ấy, và cuối cùng, sự thánh thiện chính là hoa trái của Chúa Thánh Thần trong đời bạn (x. Ga 5,22-23). Khi bạn cảm thấy bị cám dỗ ở lỳ trong sự yếu đuối của mình, thì hãy ngước mắt nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh và thưa: “Lạy Chúa, con là một kẻ tội lỗi đáng thương, nhưng Chúa có thể làm phép lạ để khiến con tốt hơn một chút”. Trong Hội thánh, tuy thánh thiện, nhưng bao gồm những người tội lỗi, bạn sẽ tìm thấy mọi điều bạn cần để lớn lên theo hướng thánh thiện. Chúa đã ban tặng cho Hội thánh đủ thứ ơn lành nơi Kinh thánh, các bí tích, các đền thánh, nơi các cộng đoàn sống động, chứng từ của các thánh và nơi vẻ đẹp muôn màu, bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa, khiến Hội thánh khác nào “một cô dâu điểm trang lộng lẫy” (Is 61,10).
16. Sự thánh thiện Chúa đang mời gọi bạn như thế sẽ lớn lên bằng những cử chỉ nho nhỏ. Đây là một thí dụ: một phụ nữ đi mua sắm, gặp một người hàng xóm và bắt đầu nói chuyện, rồi việc bép xép bắt đầu. Nhưng chị ấy tự nhủ lòng: “Không, tôi sẽ không nói xấu ai cả”. Đây là một bước tiến trong sự thánh thiện. Sau đó, ở nhà, một đứa con của chị muốn nói chuyện với chị về những điều nó hy vọng và ước mơ, và mặc dù mệt mỏi, chị vẫn ngồi xuống kiên nhẫn và ưu ái lắng nghe. Đó là một sự hy sinh khác mang lại sự thánh thiện. Sau đó, chị gặp đôi điều khiến phải lo âu, nhưng nhớ lại tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria, chị lấy tràng hạt ra và cầu nguyện bằng đức tin. Lại một nẻo đường nên thánh nữa. Lát sau ra đường, gặp một người nghèo, chị dừng lại nói với người ấy một lời dịu dàng tử tế. Ấy là thêm một bước nữa.
17. Đôi khi, cuộc sống đặt ra những thách đố lớn, qua đó, một lần nữa Chúa lại mời gọi chúng ta hoán cải để ân sủng Ngài có thể nổi rõ hơn giữa đời ta “để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Ngài” (Hr 12,10). Lắm lúc, ta chỉ cần tìm cách hoàn hảo hơn để làm điều đang làm. “Nhiều lúc Chúa ban ơn soi sáng chỉ nhằm giúp ta làm những việc thông thường của đời mình với một sự hoàn thiện phi thường” [15]. Khi Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận bị tù, ngài đã nhất định không để lãng phí thời giờ ngồi chờ ngày được trả tự do. Thay vào đó, ngài đã chọn “sống giây phút hiện tại, đong đầy tình thương vào đó”. Ngài quyết định: “Tôi sẽ nắm lấy những cơ hội đến với tôi mỗi ngày, để hoàn thành mọi hành vi bình thường một cách phi thường” [16].
18. Cứ thế, nhờ ơn Chúa hướng dẫn, từ nhiều cử chỉ nhỏ bé, ta sẽ dệt nên sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã muốn cho ta, không phải với sự tự hào tự mãn nhưng như “những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1Pr 4,10). Các giám mục Tân Tây Lan thật chí lý khi dạy rằng chúng ta có khả năng yêu thương với tình yêu vô điều kiện của Chúa, bởi vì chính Chúa Phục sinh đã chia sẻ sự sống mãnh liệt của Ngài với những mảnh đời yếu ớt của chúng ta: “Tình yêu của Ngài không giới hạn và, khi đã ban cho ta rồi, Ngài không bao giờ lấy lại. Đó là tình yêu không điều kiện và luôn trung tín. Để yêu được như thế không phải dễ, bởi vì chúng ta thường quá yếu đuối. Thế nhưng hãy cứ thử yêu như Đức Kitô yêu thương rồi sẽ thấy Đức Kitô đã chia sẻ sự sống lại của Ngài với ta như thế nào. Bằng cách ấy, cuộc sống của ta sẽ cho thấy quyền năng của Ngài đang hoạt động - ngay giữa sự yếu đuối của con người” [17].
SỨ VỤ CỦA BẠN TRONG ĐỨC KITÔ
19. Là Kitô hữu, hễ nghĩ đến sứ vụ của mình trên trần gian, ta phải thấy nó như một nẻo đường để nên thánh, vì “ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1 Tx 4,3). Chúa Cha muốn sắp đặt để mỗi vị thánh là một sứ vụ, phản ánh và tiêu biểu một khía cạnh nào đó của Tin mừng, vào một thời điểm cụ thể trong lịch sử.
20. Sứ vụ ấy có được ý nghĩa trọn vẹn nhất trong Đức Kitô, và chỉ có thể hiểu được qua Ngài. Tự cốt lõi, thánh thiện chính là sống những mầu nhiệm của cuộc đời Đức Kitô, trong sự kết hợp với Ngài. Sự thánh thiện kết nối ta với cái chết và sự phục sinh của Chúa một cách đích thân và độc đáo, liên tục chết và sống lại với Ngài. Điều này có thể còn đòi hỏi ta phải tái thể hiện nơi đời mình những khía cạnh khác nhau nơi cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu: nếp sống ẩn dật của Chúa, nếp sống của Ngài trong cộng đồng, sự gần gũi với những kẻ bị bỏ rơi, nghèo đói và những cách diễn tả khác được Ngài dùng để nói lên tình yêu tự hiến của Ngài. Theo giáo huấn của Thánh Ignatiô thành Loyola, sự chiêm niệm những mầu nhiệm ấy của Chúa đưa ta đến chỗ, qua những sự việc ấy, đích thân ta lặp lại những lựa chọn và thái độ của mình [18]. Bởi vì “mọi sự trong đời sống của Chúa Giêsu đều là dấu chỉ về mầu nhiệm của Ngài”[19], “toàn thể đời sống của Đức Kitô đều là mặc khải về Chúa Cha”[20], “toàn thể cuộc đời của Đức Kitô là một mầu nhiệm cứu chuộc” [21], ‘toàn thể cuộc đời Đức Kitô là một mầu nhiệm về sự quy tụ muôn loài nơi Đức Kitô”[22]. “Đức Kitô cho phép ta được sống nơi Ngài tất cả những gì chính Ngài đã sống và vẫn còn đang sống nơi ta” [23].
21. Kế hoạch của Chúa Cha là chính Đức Kitô và cả chúng ta trong Đức Kitô. Cuối cùng, sẽ là chính Đức Kitô yêu thương trong chúng ta, vì “sự thánh thiện không gì khác hơn là đức ái được sống thật tròn đầy” [24]. Kết quả là, “tầm vóc sự thánh thiện nơi ta được đo theo tầm vóc của Đức Kitô mà ta đạt được nơi bản thân, là mức độ mà, dưới tác động của quyền năng Chúa Thánh Thần, ta đã khuôn đúc đời mình theo mẫu mực cuộc đời của Chúa” [25]. Mỗi vị thánh là một sứ điệp được Chúa Thánh Thần múc lấy từ sự sung mãn của Chúa Giêsu Kitô để ban cho dân Ngài.
22. Để nhận ra đâu là lời Chúa muốn nói với ta qua một vị thánh của Ngài, ta đừng bận tâm đến các chi tiết, vì ở đó vẫn có thể gặp những sai lầm và thất bại. Không phải mọi lời một vị thánh nói ra đều chắc chắn trung thành với Tin mừng; không phải tất cả những gì ngài làm đều đích xác hay hoàn hảo. Điều ta cần chiêm ngắm là toàn thể cuộc đời ngài, toàn thể bước tiến của ngài trên đường lớn lên trong sự thánh thiện, là khuôn mặt ngài phản chiếu dung nhan Chúa Giêsu Kitô và lộ rõ khi ta hiểu ra ý nghĩa tối hậu ngài đã đạt được như một ngôi vị [26].
23. Đó là một lời hiệu triệu quyết liệt gửi đến tất cả chúng ta. Cả bạn nữa, bạn cũng cần phải nhìn toàn bộ đời mình như một sứ vụ. Hãy cố gắng làm điều ấy qua việc lắng nghe Thiên Chúa trong cầu nguyện và qua việc nhận ra các dấu chỉ Ngài đang ban cho bạn. Hãy luôn hỏi Chúa Thánh Thần xem Chúa Giêsu đang mong đợi gì nơi bạn ở từng giây phút đời bạn và từng quyết định bạn đang phải đắn đo, để nhận rõ vị trí của nó trong sứ vụ bạn đã lãnh nhận. Hãy để Chúa Thánh Thần rèn đúc nơi bạn cái mầu nhiệm ngôi vị có thể phản chiếu cho thế giới ngày nay nhận biết Chúa Giêsu Kitô.
24. Mong sao bạn nhận ra lời ấy, nhận ra thông điệp của Chúa Giêsu mà Thiên Chúa muốn dùng đời bạn để nói với thế giới. Hãy để cho chính bạn được biến đổi. Hãy để Chúa Thánh Thần đổi mới bản thân bạn để điều ấy có thể thành hiện thực và bạn khỏi bị thất bại trong sứ vụ cao quý của mình. Dù bạn có lỗi lầm hay sơ suất, Chúa sẽ vẫn đưa nó đến hoàn tất, miễn là bạn đừng từ bỏ con đường yêu thương nhưng luôn cho lòng rộng mở trước ân sủng siêu nhiên của Ngài, ân sủng luyện lọc và soi sáng.
HOẠT ĐỘNG GIÚP TA NÊN THÁNH
25. Bạn không thể hiểu được Đức Kitô nếu tách Ngài khỏi vương quốc Ngài mang đến. Cũng vậy, sứ vụ của bản thân bạn không thể tách khỏi việc xây dựng vương quốc ấy: “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt6,33). Việc bạn tự đồng hoá với Đức Kitô và ý muốn của Ngài đòi bạn phải cam kết cùng Ngài xây dựng vương quốc Ngài, một vương quốc của yêu thương, công lý và hòa bình phổ quát. Chính Đức Kitô muốn cùng với bạn cảm nghiệm điều ấy trong tất cả những nỗ lực và hy sinh mà vương quốc ấy đòi hỏi, đồng thời trong tất cả niềm vui và sự phong phú mà vương quốc ấy mang đến. Bạn không thể lớn lên trong sự thánh thiện mà không đích thân hiến cả thân xác lẫn linh hồn, hiến hết tất cả những gì tốt đẹp nhất của bạn.
26. Thật không lành mạnh khi nhân danh sự thinh lặng để tránh gặp gỡ người khác, khi vì cầu an mà tránh hoạt động, vịn cớ cầu nguyện để khỏi phục vụ. Mọi sự đều có thể chấp nhận được và hòa nhập vào cuộc sống của ta trong thế giới này, để trở nên một phần của nẻo đường giúp ta nên thánh. Ta được mời gọi sống chiêm niệm ngay giữa hoạt động và được mời gọi lớn lên trong sự thánh thiện bằng cách thi hành sứ vụ riêng của mình cách hào hiệp và đầy trách nhiệm.
27. Liệu Chúa Thánh Thần có thúc giục ta thi hành một sứ vụ rồi liền sau đó lại đòi ta từ bỏ nó, hoặc thôi tích cực tham gia vào đó, để giữ lấy sự bình an nội tâm chăng? Thế nhưng lắm lúc chúng ta bị cám dỗ để đẩy lùi nhiệt tình mục vụ cũng như sự dấn thân vào đời xuống hàng thứ yếu, như thể chúng khiến chúng ta bị “sao nhãng” trên nẻo đường nên thánh và bình an nội tâm. Có lẽ ta đã quên mất rằng “cuộc sống không có một sứ vụ, mà chính nó là một sứ vụ” [27].
28. Chẳng cần phải nói, bất cứ điều gì chỉ làm vì lo âu, tự hào hoặc do nhu cầu gây ấn tượng với những người khác sẽ không dẫn đến sự thánh thiện. Thách đố của sự thánh thiện là ở chỗ phải cho thấy được mình đã dấn thân đến độ mọi sự mình làm đều thấm nhuần tinh thần Tin mừng và khiến mình ngày càng nên giống Chúa Giêsu Kitô hơn. Chẳng hạn, ta thường nói về đường nên thánh của giáo lý viên, của linh mục triều, hoặc của công việc. Cũng vì lý do đó, trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng tôi đã kết luận bằng cách nói về một đường nên thánh của sứ vụ, trong tông huấn Chúc Tụng Chúa (Laudato Si') về một đường nên thánh qua môi sinh, và trong tông huấn Niềm Vui Yêu Thương về một đường nên thánh của đời sống gia đình.
29. Nói thế không có nghĩa là bỏ qua sự cần thiết của những giây phút yên tĩnh, cô tịch và im lặng trước Thiên Chúa. Ngược lại là khác. Chính vì lúc nào cũng có những vật dụng mới, sự lôi cuốn của du lịch và đủ thứ mặt hàng tiêu thụ thường không còn trừ lại chỗ nào cho ta nghe được tiếng nói của Thiên Chúa. Đâu đâu cũng tràn ngập những lời nói, những thú vui hời hợt và tiếng động ồn ã càng lúc càng tăng. Thay vì được đong đầy bằng niềm vui, ta lại thấy bị chất chứa cái bất mãn của những kẻ sống mà chẳng biết sống để làm gì. Làm sao ta không thấy cần kíp phải chặn ngay cuộc đua cuồng vội này để tìm lại không gian thân thiết cần có để đối thoại chân thành với Thiên Chúa? Có thể phải trầy vi tróc vảy mới tìm được khoảng không gian ấy nhưng bao giờ nó cũng đầy hoa trái. Sớm hay muộn, ta cũng phải đối diện với chính con người thật của mình và để cho Chúa vào chiếm ngự. Có thể ta sẽ chẳng gặp được điều ấy nếu như “không thấy như mình đang phải nhìn chằm chằm vào hố thẳm của một cám dỗ đáng sợ, hoặc cảm thấy chóng mặt bên cạnh bờ vực của tuyệt vọng, hoặc thấy mình hoàn toàn cô đơn và bị bỏ rơi” [28]. Chính là trong những hoàn cảnh như vậy, ta mới tìm được động lực sâu xa nhất để dấn thân sống trọn vẹn cho những bổn phận của mình.
30. Cũng chính những trò vui tiêu khiển đang lan khắp thế giới ngày nay như vậy khiến ta có khuynh hướng coi thời gian rảnh rỗi như là chuyện bất khả xâm phạm, để rồi đắm mình cách vô độ vào những thứ chỉ giúp giải trí bằng những thú vui hời hợt chóng qua [29].
Hậu quả là, cuối cùng, ta cảm thấy sứ vụ cũng như sự dấn thân của mình bị bốc hơi dần, nghĩa khí và tinh thần phục vụ bị sa sút. Nó khiến cảm nghiệm tâm linh của ta bị biến chất. Rồi khi nhiệt tình loan Tin mừng và phục vụ người khác đã bạc nhược đến thế, hỏi liệu còn nhiệt huyết linh thiêng nào có thể đứng vững?
31. Ta cần một tinh thần thánh thiện có khả năng lấp đầy cả sự cô tịch lẫn việc phục vụ của ta, lấp đầy cả đời tư lẫn những nỗ lực loan Tin mừng của ta, để mỗi giây phút đều có thể là một biểu hiện của tình yêu tự hiến trong mắt Chúa. Có thế, mỗi giây phút đời ta mới có thể là một bước trên nẻo đường dẫn đến sự trưởng thành về thánh thiện.
SỐNG ĐỘNG HƠN, NHÂN BẢN HƠN
32. Đừng sợ sự thánh thiện. Nó sẽ không lấy mất chút năng lượng, sức sống hay niềm vui nào của bạn. Trái lại, bạn sẽ trở thành điều Chúa Cha đã nghĩ đến khi tạo thành bạn, và sẽ trung thành với chính con người sâu thẳm nhất của mình. Sự lệ thuộc vào Thiên Chúa giải thoát ta khỏi mọi hình thức nô lệ và đưa ta đến chỗ nhận ra phẩm giá cao quý của mình. Ta thấy rõ điều ấy nơi Thánh Giôsêphina Bakhita: “Bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ khi mới lên bảy, chị đã phải chịu đựng rất nhiều trong tay của những chủ nhân độc ác. Thế nhưng rồi chị đã hiểu được chân lý sâu xa rằng không phải con người nhưng Thiên Chúa mới là Chủ Nhân thật của mọi hữu thể người, của mọi mạng sống con người. Kinh nghiệm ấy đã thành một nguồn khôn ngoan thật lớn lao cho cô gái Phi châu khiêm nhường bé bỏng” [30].
33. Càng lớn lên trong sự thánh thiện, mỗi Kitô hữu càng mang lại hoa trái lớn hơn cho thế giới của chúng ta. Các giám mục Tây Phi đã ghi nhận: “Trong tinh thần Tân Phúc âm hóa chúng tôi đang được mời gọi để cho chính mình được phúc âm hóa đồng thời phúc âm hóa thế giới qua những trách nhiệm Chúa đã giao cho tất cả các anh chị em, là những người đã lãnh phép Thánh tẩy, trong vai trò làm muối đất và ánh sáng thế gian ở bất cứ nơi nào anh chị em sống” [31].
34. Đừng sợ nhìn lên cao hơn, để cho phép mình được Thiên Chúa yêu thương và giải phóng. Đừng sợ để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Sự thánh thiện sẽ không khiến bạn trở thành kém chất người đi, vì nó là một cuộc gặp gỡ giữa sự yếu đuối của bạn và quyền năng của ân sủng Thiên Chúa. Cuối cùng, như Léon Bloy đã nói, “trên đời chỉ có một bi kịch lớn nhất, ấy là không trở thành một vị thánh” [32].
[1] BÊNÊĐICTÔ XVI, Bài giảng Mở Đầu Tác Vụ Phêrô (ngày 24 tháng 4, 2005): AAS 97 (2005), 708.
[2] Điều này luôn coi là được mọi người biết về sự thánh thiện và thực hành, ít ra ở mức độ bình thường, các nhân đức Kitô giáo: x. Tự Sắc Maiorem Hac Dilectionem (ngày 11 tháng 7, 2017), Art. 2c: L’Osservatore Romano, 12 tháng 7 2017, tr. 8.
[3] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Tin Lý về Hội Thánh, Lumen Gentium, 9
[4] X. JOSEPH MALEGUE, Pierres noires. Les classes moyennes du Salut, Paris, 1958.
[5] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Tin Lý về Hội Thánh, Lumen Gentium, 12
[6] Verborgenes Leben und Epiphanie: GW XI, 145
[7] GIOAN PHAOLÔ II, Thông Điệp Novo Millennio Ineunte (ngày 6 tháng 1, 2001), 56: AAS 93 (2001), 307.
[8] Thông Điệp Tertio Millennio Adveniente (ngày 10 tháng 11,1994), 37: AAS 87 (1995), 29.
[9] Bài Giảng trong cuộc Tưởng Niệm Đại Kết cho việc Làm Chứng cho Đức Tin trong Thế Kỷ thứ Hai Mươi (ngày 7 tháng 5, 2000), 5: AAS 92 (2000), 680-681.
[10] Hiến chế Tin Lý về Hội Thánh, Lumen Gentium, 11.
[11] X. HANS URS VON BALTHASAR, “Theology and Holiness”, in Communio 14/4 (1987), 345.
[12] Ca Khúc Tâm Linh, Red. B, Mở Đầu, 2.
[13] X. ibid., 14-15, 2.
[14] X. Bài Giáo Lý, Triều Yết Chung ngày 19 tháng 11, 2014: Insegnamenti II/2 (2014), 555.
[15] PHANXICÔ ĐỆ SALÊ, Tiểu luận về Tình Yêu Thiên Chúa, VIII, 11
[16] Năm Cái Bánh và Hai Con Cá, Pauline Books and Media, 2003, tt. 9, 13
[17] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC TÂN TÂY LAN, Tình Yêu Chữa Lành - Healing Love, ngày 1 tháng 1, 1988.
[18] Linh Thao, 102-312.
[19] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 515.
[20] Ibid., 516.
[21] Ibid., 517.
[22] Ibid., 518.
[23] Ibid., 521.
[24] BENEDICTÔ XVI, Giáo Lý, Triều Yết Chung ngày 13 tháng 4, 2011: Insegnamenti VII (2011), 451.
[25] Ibid., 450.
[26] X. HANS URS VON BALTHASAR, “Theology and Holiness”, in Communio 14/4 (1987), 341-350.
[27] XAVIER ZUBIRI, Naturaleza, historia, Dios, Madrid, 19933, 427
[28] CARLO M. MARTINI, Le confessioni di Pietro, Cinisello Balsamo, 2017, 69
[29] Chúng ta cần phân biệt giữa loại giải trí phiến diện này với nền văn hoá giải trí lành mạnh, là điều mở lòng chúng ta ra cho tha nhân và chính thực tại trong một tinh thần cởi mở và chiêm niệm.
[30] GIOAN PHAOLÔ II, Bài Giảng trong Thánh Lễ Phong Hiển Thánh (ngày 1 tháng 10, 2000), 5: AAS 92 (2000), 852.
[31] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VÙNG TÂY PHI, Sứ Điệp Mục Vụ Kết Thúc Cuộc Họp Thường Kỳ Lần Thứ Hai, ngày 29 tháng 2, 2016, 2.
[32] La femme pauvre - Người phụ nữ nghèo, Paris, II, 27.