Cầu nguyện thế nào? - Sức mạnh của lời cầu nguyện
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Xuân Hy Vọng
CẦU NGUYỆN THẾ NÀO?
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Chúa Giê-su biết rõ sự yếu đuối của con người chúng ta, nhất là trong đời sống cầu nguyện. Vì thế, Ngài dạy các Tông đồ và chúng ta: Cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng. Cầu nguyện không ngừng và liên lỉ như bà goá cứ đến nài xin ông thẩm phán, dù ông được mệnh danh là người “không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta” (x. Lc 18, 2), nhưng bà đã kiên nhẫn cầu xin cho tới khi ông ấy giải oan cho bà.
Đọc kỹ dụ ngôn hôm nay, chúng ta biết rõ vì sao ông ấy lại thực hiện theo lời cầu xin của bà goá này. Chẳng phải vì bênh vực công lý hoặc đỡ nâng những ai ‘thấp cổ bé họng’ bị oan khiên, mà do ông ta “sợ bà ấy đến nài nỉ mãi làm ông ta nhức óc” (x. Lc 18, 5). Còn Thiên Chúa chúng ta thì sao? Ngài không mỏi mệt khi ta chạy đến kêu cầu. Ngài chẳng e ngại bị ta quấy rầy. Ngài không làm ngơ trước lời nguyện xin liên lỉ của chúng ta như lời Chúa Giê-su khẳng định: “Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Ngài tuyển chọn, hằng kêu cứu với Ngài đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao?” (Lc 18, 7). Điều này chứng thật rằng: Thiên Chúa hằng lắng nghe lời chúng ta nguyện cầu. Tuy nhiên, chúng ta cần cầu nguyện với tâm thế, thái độ ra sao?
Trước hết, cầu nguyện trong niềm tín thác. Cầu nguyện với lòng hân hoan, nâng đỡ nhau như hình ảnh tư tế A-a-ron và ông Hur nâng hai cánh tay của Mô-sê khi dân Is-ra-en chinh chiến với người A-ma-léc, vì chưng “khi ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Is-ra-en thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người A-ma-léc thắng thế” (Xh 17, 11). Đành rằng Thiên Chúa đánh người A-ma-léc cho Is-ra-en, nhưng Ngài muốn sự chuyên tâm, cộng tác của dân Is-ra-en qua ông Mô-sê, cũng như sự trợ lực đầy sáng kiến của hai ông A-a-ron và Hur. Với niềm tín thác vào Thiên Chúa mà dân Is-ra-en cuối cùng đã chiến thắng người A-ma-léc vẻ vang.
Kế đến, cầu nguyện với tâm tình đơn thành như con thơ, nhưng thấm đượm lòng tin tưởng, phó thác, cậy trông: “Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8). Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII kể lại một kinh nghiệm mà ngài không bao giờ quên. Thuở thiếu thời, ngài được đi tham dự một cuộc hành hương cùng với thân phụ. Giữa biển người đông đúc, chen chút nhau, ngài lại đứng dưới đất, vì còn bé nên chẳng nhìn được gì. Thấy vậy, thân phụ của Đức Thánh Cha bèn đặt ngài trên đôi vai rắn chắc của mình. Từ giây phút ấy trở đi, ngài được chứng kiến toàn bộ quang cảnh hành hương và hơn hết ngài cảm thấy rất tuyệt vời. Tương tự, khi chúng ta đến với Chúa mỗi khi cầu nguyện, Chúa ôm chúng ta vào lòng. Chúa đặt chúng ta trên đôi vai của Ngài. Và như vậy, chúng ta chẳng còn lý do gì để lo sợ, hãi hùng nữa cả, cho bằng đặt niềm tín thác, tin tưởng, cậy trông nơi Chúa mà thôi. Pascal từng nói: “Con người nhỏ bé và yếu ớt như cây sậy, nhưng sẽ trở nên vĩ đại khi chúng ta biết cầu nguyện”. Quả thật không sai chút nào!
Hơn nữa, với tâm tình đơn sơ tín thác vào Chúa, hân hoan trợ giúp nhau trong lời cầu nguyện, chúng ta cũng biết rằng: cầu nguyện giúp chúng ta “bền vững trong mọi điều con đã học hỏi và xác tín”, đặc biệt qua Sách Thánh, qua Lời Chúa (x. 2Tm 3, 14-15), vì “tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành” (2Tm 3, 16-17). Còn nữa, cầu nguyện hướng chúng ta biết đón nhận thánh ý Chúa trong đời, hơn là bắt Chúa thực hiện ‘chương trình nghị sự’ hoặc những gì chúng ta mong muốn. Cầu nguyện dạy chúng ta biết xoay quanh Chúa là trung tâm cuộc đời mình, hơn là muốn Chúa xoay quanh chúng ta hầu đáp ứng mọi nhu cầu, ước nguyện của ta!
Sau cùng, ơn ích của đời sống cầu nguyện khiến chúng ta sống những gì mà chúng ta nguyện gẫm-khẩn cầu, và thực hành theo thánh ý Chúa, sống ơn gọi-sứ vụ theo bậc sống của mình, đó là trở nên chứng nhân trong đời sống đạo, cụ thể: “Con hãy rao giảng lời Phúc Âm, hãy xúc tiến việc đó, dầu thời thế thuận lợi hay không thuận lơi; hãy thuyết phục, hãy khiển trách, hãy khuyên nhủ với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm giáo huấn” (x. 2Tm 4, 2). Đời sống cầu nguyện tự nó là một món quà, là một ân sủng; qua đó, Chúa Thánh Linh thúc bách chúng ta hân hoan sống ơn gọi làm chứng cho tình yêu Chúa một cách cụ thể và thiết thực; cũng như vui vẻ thực hiện sứ mạng chia san ơn ích cho tha nhân mà những ơn lành ấy chúng ta đã-đang-sẽ được lãnh nhận hằng ngày trong mọi trạng huống cuộc đời.
Lạy Chúa, mỗi khi nguyện cầu
Xin Chúa biến đổi chúng con
Hầu biết đón nhận thánh ý
Hân hoan thực thi trong đời.
Lạy Chúa, mỗi khi nguyện cầu
Xin Chúa thực hiện thánh ý
Trong mọi giây phút cuộc đời
Luôn thưa với Chúa: “Xin vâng”. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN
Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhìn một cách sâu xa vào sức mạnh của lời cầu nguyện. Cầu nguyện là nâng tâm hồn mình lên Thiên Chúa, tỏ lộ tâm tư, lòng cảm mến, tạ ơn, tạ lỗi cũng như bộc lộ nỗi ưu tư, khó nói của ta với Thiên Chúa. Mặc khác, cầu nguyện chính là hơi thở của người tín hữu; mà đã là hơi thở, thì chúng ta phải hít thở như liên lỉ thực hành trong mỗi giây phút, mỗi hành vi, thái độ, v.v... của ta.
Thoạt tiên, cầu nguyện chính là sức mạnh tâm linh, vượt trên trí hiểu, nỗi kỳ vọng của con người. Qua lời nguyện đơn thành, dân Is-ra-en đã chiến thắng khi giao chiến với quân A-ma-lec tại Ra-phi-dim. Qua cử chỉ tín thác vào Thiên Chúa, với tâm đầu ý hợp của toàn dân với Mô-sê, và hơn nữa, qua việc chung sức, giúp đỡ nhau giữa dân Is-ra-en với người đại diện dân chúng – ông Mô-sê, Thiên Chúa đã thực hiện biết bao kỳ công, sức mạnh của Đấng Tạo Hoá được tỏ lộ qua lời cầu nguyện chân thành, đơn sơ nhưng với cả lòng thành tín, “khi ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Is-ra-en thắng trận” (Xh 17, 13). Trong đời sống cộng đoàn, làm việc chung với nhau, nếu chúng ta biết chung sức, chung lời cầu nguyện thì sức mạnh của lời nguyện ấy sẽ được tỏ hiện. Nếu chúng ta biết hiệp nhất với nhau, chung lòng, chung tay làm việc cho cộng đoàn, cho Giáo hội, thì sức mạnh của việc cầu nguyện sẽ thành hiện thực, vượt trên mọi ước ao, ước mong và kỳ vọng của chúng ta như Chúa Giê-su nói “nếu dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 19-20).
Hơn nữa, sức mạnh của lời cầu nguyện được bộc lộ qua lòng tín thác vào Thiên Chúa, Đấng biết trước khi chúng ta cầu xin. Kinh nghiệm sống đời cầu nguyện cho ta biết Thiên Chúa đáp trả lời khẩn cầu của ta bằng 3 cách thức: (1) ừ, Ta sẽ ban cho, (2) ừ, Ta sẽ ban cho, nhưng chờ một lát, và (3) không, Ta sẽ không ban điều đó, nhưng sẽ ban điều khác. Trong đời sống đức tin, chúng ta thường cảm nghiệm lời đáp trả thứ 2 của Thiên Chúa! Mỗi khi cầu nguyện, chúng ta không đủ tính kiên trì, nhẫn nại, không đủ lòng tín thác vào Thiên Chúa, nên chúng ta thường có thái độ, lối suy nghĩ như: dường như Thiên Chúa không nghe lời cầu nguyện của ta! Dường như Chúa đi đâu xa xa rồi! Hình như Chúa mãi mê lo cho những người khác...Ôi thôi, sao kể hết nhưng ý nghĩ không dò thấu của con người chúng ta. Nhưng để vượt lên lối suy nghĩ tầm thường như vậy, chúng ta nên làm gì? Và làm như thế nào? Câu trả lời rất rõ ràng ngay lời mở đầu của bài Tin Mừng hôm nay “Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1), và Chúa Giê-su nhấn mạnh “chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?” (Lc 18, 7-8). Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu than, cầu xin, nài nỉ của chúng ta, nhưng Thiên Chúa không ban ơn cho ta xin theo cách chúng ta ước mong, mà hãy tin tưởng rằng: Thiên Chúa thấu hiểu điều gì là tốt nhất cho ta trong đời sống đức tin. Vì vậy, chúng ta phải liên lỉ kêu cầu với cả lòng tín thác nơi Thiên Chúa. Chúng ta nên PUSH (trong tiếng Anh, nghĩa là thúc đẩy, xô đẩy) là bốn chữ cái đầu của câu ‘Pray Until Something Happens’ (nghĩa là: cầu nguyện cho đến khi điều gì đó xảy ra). Chúng ta cầu nguyện không ngừng, đôi khi cảm thấy chán nản vì chẳng thấy Chúa trả lời; nhưng cứ tiếp tục cầu xin cho đến khi điều gì đó xảy ra trong Thánh ý của Chúa chứ không theo ý của chúng ta, trong thời định của Chúa chứ không theo thời lượng định sẵn của chúng ta, trong cách thức và kế hoạch của Ngài chứ không theo thể thức của chúng ta.
Sau cùng, cầu nguyện có sức mạnh phi thường được diễn tả qua lòng tín thác vào Thiên Chúa, và được duy trì, áp dụng trong mọi nơi, mọi hoàn cảnh trong cuộc sống chúng ta. Qua việc đào sâu đức tin, sống Lời Chúa và loan truyền Phúc Âm, thánh Phao-lô đã nhắc nhở ông Ti-mô-thê “hãy giao rảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chú tâm dạy dỗ” (2Tim 4, 2). Ước gì chúng ta đừng rơi vào thái cực: cầu nguyện, đọc kinh thật nhiều, nhưng không để Chúa đánh động, hoán cải, đổi mới bản thân, và tệ hại hơn nữa là cuộc sống đức tin, bác ái dường như không có mối liên hệ gì đến đời sống cầu nguyện. Như lời mở đầu, nếu cầu nguyện là hơi thở, thì những hành vi, thái độ, cử chỉ đều được chi phối bởi đời sống cầu nguyện. Hơn thế, đời sống cầu nguyện sẽ được sinh hoa, kết trái qua đời sống đức, gương nhân đức, đời sống chứng nhân, yêu thương và tình bác ái cụ thể và thiết thực.
Nguyện cho lời con như hương trầm bay toả trước tôn nhan! Tuy lời cảm tạ Chúa của chúng con chẳng mang gì lại cho Chúa, nhưng đem ơn cứu độ, sinh ích lợi cho linh hồn chúng con. Xin Chúa đoái thương nghe lời chúng con cầu khẩn, để lời nguyện dâng lên Chúa trở nên thần dược nuôi sống chúng con trên bước đường lữ khách này, và luôn sống lời nhắc nhở đầy yêu thương của thánh Phao-lô: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12, 12).
Lm. Xuân Hy Vọng