Chiến thắng ma quỉ và cám dỗ của chúng
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN I MC
Chiến thắng ma quỉ và cám dỗ của chúng
“Người ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1,13).
Câu hỏi được đặt ra là tại sao Đức Giê-su lại chịu cám dỗ và ý nghĩa của việc này ra sao? Chúng ta cùng suy gẫm và tìm hiểu. Theo sách Giáo lý công giáo thì:
“Các Tin Mừng đều nói đến thời gian Đức Giê-su sống cô tịch trong hoang địa, ngay sau nhận được phép rửa của ông Gio-an. “Được Thánh Thần thúc đẩy” vào hoang địa, Đức Giê-su ở lại đó, nhịn đói 40 ngày, sống giữa loài dã thú và các thiên thần hầu hạ Người. Cuối thời gian này, Xa-tan 3 lần cám dỗ Đức Giê-su, hòng lung lạc thái độ con thảo của Người đối với Thiên Chúa. Đức Giê-su đã đẩy lui những cuộc tấn công đó, được xem như là thu tóm các cám dỗ của A-đam trong vườn địa đàng và của Ít-ra-en trong hoang địa” (x. GLCG, số 538).
Chúng ta cùng tìm hiểu con số 40.
Theo nhân gian, con số 40 là con số may mắn, vạn vật đi đến thành toàn; bình an vượt qua mọi khổ nạn, mọi sự mừng vui như ý nguyện (Trích simthanhcong.net).
Theo Thánh Kinh, Cơn hồng thủy kéo dài 40 ngày 40 đêm (x.St 7,12); ông Mô-sê vào giữa đám mây và đi lên núi và ở lại đó 40 ngày 40 đêm (x.Xh 24,18); Khi được chẵn 40 tuổi, ông Mô-sê nảy ra ý định thăm viếng các anh em mình (x. Cv 7,23); Đúng 40 năm sau, một Thiên Sứ hiện ra với ông (Mô-sê) tại sa mạc Xi-nai, trong ngọn lửa đang cháy (x. Cv 7, 30); Dân Ít-ra-en đi trong sa mạc 40 năm (x. Tv 94(95) 10); 40 ngày đi do thám đất Ca-na-an (x. Ds 13,25); Tiên tri Ê-li-a đi suốt 40 ngày, 40 đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa(x.1V 19,8); Tiên tri Gio-na công bố : “Còn 40 ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ” (x. Gn 3,4); Đức Giê-su nhịn đói suốt 40 ngày trong sa mạc (x. Mc 1,13); và 40 ngày sau phục sinh, Người lên trời: “Trong 40 ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa”(x. Cv 1,3).
Con số 40, tượng trưng cho số nhiều với một thời gian dài là 40 ngày hay 40 năm. Ý nghĩa sâu xa trong số 40 là những gì xảy ra trong khoảng thời gian đó có thể là sự kiên nhẫn; sự thử thách và sự phấn đấu. Nhưng đáng kể nhất, con số 40 mang ý nghĩa thời gian chuẩn bị để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.(Trích donghanh.org, Con số 40 trong Kinh Thánh).
Quả thật, có kiên nhẫn; có thử thách và có phấn đấu, thì chúng ta mới có bình an, vượt qua mọi khổ nạn và có được mọi sự mừng vui như ý nguyện. Con số 40 là con số may mắn.
Riêng tôi, chịu chức năm 40 tuổi(1967-2007). Đúng là trải qua 40 năm thử thách, phấn đấu và kiên nhẫn, tôi mới đạt được điều mình mong ước. Thời gian đó chuẩn bị để tôi lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa qua bi tích truyền chức.
“Các tác giả Tin Mừng cho thấy ý nghĩa cứu độ của biến cố huyền nhiệm “chịu cám dỗ” này. Đức Giê-su là A-đam mới, vẫn trung thành đang khi A-đam cũ sa ngã. Đức Giê-su chu toàn ơn gọi của Ít-ra-en, khác hẳn với dân xưa kia đã thách thức Thiên Chúa suốt 40 năm trong hoang địa. Đức Giê-su tỏ mình ra là người tôi tớ hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Như thế, Đức Giê-su toàn thắng ma quỉ. Việc Đức Giê-su chiến thắng tên cám dỗ trong hoang địa thể hiện trước chiến thắng trong cuộc khổ nạn khi Người tuyệt đối vâng phục Chúa Cha với tình con thảo” (x. GLCG, số 539).
Chúng ta cùng tìm hiểu 3 cơn cám dỗ của ma quỉ đối với Đức Giê-su.
- “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi”. Nhưng Đức Giê-su đáp: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ bởi mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (x. Mt 4, 3-4).
Đây là cám dỗ về của ăn. Mà của ăn này là của ăn nuôi sống phần xác. Câu ma quỉ này mà cám dỗ Chủ nghĩa Xã Hội thì ma quỉ thua là cái chắc. Vì các đồng chí ấy nói rằng : “Với sức người thì sỏi đá cũng thành cơm”. Thế nhưng ý của ma quỉ là nói Chúa hãy làm phép lạ, khỏi phải làm gì, cứ hồ biến một cái là đá biến thành bánh và sỏi đá biến thành những hạt cơm.
Quả thật, bánh ăn hay cơm gạo là điều thiết yếu cho con người sống, nhưng nó cũng dễ trở thành cám dỗ khi con người chỉ chăm chú vào của ăn nuôi sống thân xác thôi, mà không lo nuôi sống linh hồn. Của ăn nuôi sống linh hồn chính là Lời Chúa.
- “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho Thiên Sứ lo cho bạn và Thiên Sứ sẽ tay đỡ, tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Đức Giê-su đáp: “ Nhưng cũng có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi” (x. Mt 4,6-7).
Đây là cám dỗ “hiểu sai Lời Chúa”. Ma quỉ đã chưng dẫn Lời Chúa trong Thánh Vịnh 90 (91), câu 12 đấy chứ nhưng lại đặt sai hoàn cảnh. Câu Lời Chúa đó nói Chúa sẽ sai các Thiên sứ đến giúp đỡ chúng ta khi chúng ta gặp bước ngặt nghèo; chứ không bảo chúng ta trèo lên nơi cao nhảy xuống để các Thiên Sứ “tay đỡ tay nâng” cho ta khỏi gãy tay, què chân. Ai mà làm như vậy là “thử thách” Thiên Chúa. Thiên Chúa không cần làm những việc trái khoáy, vô duyên như vậy.
Chúng ta là con người chứ không phải làm chim; muốn xuống thì bắc thang mà xuống, đâu cần Chúa phải làm phép lạ. Chúng ta cứ nhìn lại trong cuộc đời của mình mà xem, có bao nhiêu điều kỳ diệu Chúa làm rồi, mà chúng ta có nhận ra không? Đòi Chúa làm phép lạ như thế là một trọng tội, cho nên Đức Giê-su nói : “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi”.
- Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình thờ lạy tôi”. Đức Giê-su đáp : “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ lạy một mình Người mà thôi” (x. Mt 4,9-10).
Đây là cám dỗ về của cải, tiền bạc và danh vọng. Tiền tài, của cải, danh vọng có là gì đối với Chúa, chúng chẳng khác gì những tờ giấy vụn, những bụi đất li ti; những thứ đó quan trọng với con người thôi. Con người coi chúng là “Thần tài”, xì xụp, vái lạy; làm nô lệ, làm tôi mọi cho chúng. Con người dành hết cuộc đời; dành hết sức lực; dành hết trí khôn để tìm kiếm của cải, tiền bạc, danh vọng, để khi chết đi chẳng mang theo được gì. Thật là “Công dã tràng”.
Con người chúng ta phải thờ lạy một mình Thiên Chúa mà thôi. Tiền bạc, của cải, danh vọng là những thứ cần cho cuộc sống chứ không phải là Thiên Chúa của chúng ta. Người ta có nói: “tiền là ông chủ xấu, nhưng là tên đầy tớ tốt”. Nghĩa là tiền tài, của cải, danh vọng giúp đỡ chúng ta, chúng ta dùng chúng để sống thì chúng tốt; chứ để chúng làm ông chủ, là chúa của chúng ta thì xấu lắm. Chí lý !!!!!
Do đó, chúng ta phải thờ lạy một mình Thiên Chúa và xin Chúa ban cho chúng ta khôn ngoan, để chúng ta biết dùng tiền của cho đúng.
Qua các“Cơn cám dỗ cho thấy cách thế Con Thiên Chúa thực hiện chức năng Mê-si-a, khác hẳn đề nghị và mong muốn của con người. Vì chúng ta, Đức Giê-su đã chiến thắng tên cám dỗ. Hằng năm, bằng 40 ngày Mùa Chay, Giáo Hội kết hiệp với mầu nhiệm Đức Giê-su trong hoan địa”(x. GLCG, số 540).
Chúng ta phải làm gì để chiến thắng ma quỉ và các cám dỗ của ma quỉ? Chúng ta phải “Sám hối và tin vào Phúc Âm”. Vì “Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần” rồi.
“Đức Giê-su mời những kẻ tội lỗi dự tiệc trong Nước Thiên Chúa: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”. Người mời gọi họ hoán cải, vì không hoán cải thì không thể vào được Nước Người. Người cũng dùng lời nói và hành động, cho họ thấy lòng thương xót vô biên mà Chúa Cha dành cho họ, cũng như : “Niềm vui lớn lao trên trời vì một người tội lỗi ăn năn sám hối. Bằng chứng cao cả nhất của tình yêu này là, việc Người dâng hiến mạng sống để tha thứ tội lỗi” (x. GLCG, số 545).
Vậy chúng ta hãy Sám hối và tin vào Phúc Âm. Theo tôi Sám Hối LÀ tin vào Phúc Âm. Chúng ta làm gì để gọi là sám hối? Đó chính là chúng ta tin vào Phúc Âm. Tin đây là tuân giữ và thực hành Lời Chúa. Có tuân giữ Lời Chúa chúng ta mới đổi đời, đổi cách tư duy; đổi cách sống để trở về với Chúa. Theo thánh Gio-an Kim Khẩu, “chúng ta có thể chiến thắng cám dỗ thứ nhất bằng cách ăn chay và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa; chiến thắng cám dỗ thứ hai bằng sự khiêm nhường và chiến thắng cám dỗ thứ ba bằng cách coi tất cả những sự thế gian, là không đáng để người tín hữu công giáo chúng ta phải bận tâm. Để qua những thử thách này, chúng ta trau giồi sức mạnh từ ơn trên, được gìn giữ khỏi tính kiêu hãnh và tự phụ. Chúng xác nhận từ bỏ ma quỉ và mọi công việc quyến rũ của chúng như chúng ta đã hứa trong lễ Rửa Tội. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc tấn công trong tương lai”.
Lm. Bosco Dương Trung Tín