Hồng ân làm con Thiên Chúa
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
Hồng Ân Làm Con Thiên Chúa
“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ”(x.Dt 4,4)
Thời viên mãn là đến thời, đến lúc hay nói cách khác là đúng thời, đúng buổi, thời Thiên Chúa bắt đầu thi hành kế hoạch cứu độ của Ngài, tức là thời Đức Giê-su được sinh ra. Đó là ngày Giáng Sinh. Đó là thời mà Thiên Chúa cho CON mình sinh ra trong một thời đại, trong một gia đình và trong văn hóa của một dân tộc nhất định là dân tộc Do Thái.
Đức Giê-su đã giáng sinh nơi Bê-lem, trong gia đình Giu-se và Ma-ri-a để làm một con người như mọi người. Để làm chi? Để chuộc những ai sống dưới chế độ lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử(x.Dt 4,5).
Đức Ma-ri-a đã chu toàn bổn phận của một người mẹ là đã cưu mang, sinh hạ và dưỡng dục Con Thiên Chúa là Đức Giê-su, nên Đức Ma-ri-a được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Đức Ma-ri-a không chỉ như các bà mẹ thường khác mà còn thi hành sứ mạng làm Mẹ Thiên Chúa qua việc “Ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng”(x.Lc2,19).
Đức Ma-ri-a đã suy nghĩ gì? Đức Ma-ri-a đã ghi nhớ những biến cố đặc biệt của Đức Giê-su con Mẹ. Một người con không phải bình thường như bao người con khác: từ lúc thụ thai, đến lúc sinh ra; có các Sứ Thần xuống ca hát; có các mục đồng đến thờ lạy; có các nhà chiêm tinh từ xa tới bái thờ. Không chỉ có thế mà trong suốt cuộc đời của Mẹ cũng như của Đức Giê-su nữa. Đức Ma-ri-a đã theo Đức Giê-su trong hành trình truyến giáo và cho đến dưới chân thập giá.
Đức Ma-ri-a đã chu toàn sứ mạng của một người Mẹ của Thiên Chúa (Thiên Chúa đây là Thiên Chúa Ngôi Hai). Đồng thời đó cũng là việc của một nữ tỳ của Thiên Chúa (Thiên Chúa đây là Thiên Chúa Ngôi Cha). Nói đến Đức Ma-ri-a thì không thể không nói đến sự khiêm nhường của Ngài. Dù cho có được chọn làm Mẹ Thiên Chúa đi nữa thì Đức Ma-ri-a luôn thâm tín mình là tôi tớ của Thiên Chúa mà thôi.
Điều đó được chứng thực qua việc Đức Ma-ri-a đi thăm bà Ê-li-sa-bét, trong đó Ma-ri-a đã ca lên bài Magnificat. Mẹ đã đem bình an, đem niềm vui đến cho gia đình Gia-ca-ri-a. Người khiêm nhường thì luôn có bình an. Thế nên, Đức Ma-ri-a thật xứng đáng với danh hiệu là Mẹ Thiên Chúa.
Còn chúng ta thì sao ? Mẹ được ơn làm Mẹ Thiên Chúa; còn chúng ta, chúng ta được ơn làm Con Thiên Chúa, khi chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội. Như thế ta hãy noi gương Đức Ma-ri-a, Mẹ-Thiên-Chúa mà sống cho xứng đáng là Con-Thiên-Chúa. Bởi đó trong năm nay, ta hãy nhớ đến ngày ta được rửa tội. Đó là ngày sinh nhật của ta trong Giáo Hội, mạnh hơn nữa là ngày sinh nhật của ta trong Nước Chúa.
Ta thường nhớ đến ngày sinh nhật của ta trên cõi đời này mà ít khi nhớ đến ngày sinh nhật của ta trong Nước Chúa. Năm nay ta hãy nhớ đến ngày rửa tội của ta và hãy xét mình xem ta đã sống ơn gọi làm con Chúa thế nào. Trước giờ ta cũng hay ca tụng Đức Ma-ri-a với tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa, mà ta có hạnh phúc cảm tạ Chúa vì ta được làm Con Thiên Chúa không? Nếu chưa thì ta hãy làm ngay đi.
Bổn phận làm Con Thiên Chúa là gì? Đó là ta phải thờ lạy, ca ngợi, tạ ơn và thực hành ý Chúa, tức là thực hành những điều Chúa dạy. Vậy ta hãy sống ơn làm Con Thiên Chúa mà hằng ngày ta thờ lạy, ta ca ngợi, ta tạ ơn Chúa. Việc thực hành điều Chúa dạy, năm nay ta chú ý vào mối phúc mà Đức Giê-su dạy trong tám mối phúc thật. Đó là: “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”(x.Mt 5,9).
Nói cách khác, là Con Thiên Chúa thì ta phải là người đi xây dựng hòa bình. Người đi xây dựng hòa bình mới xứng đáng là Con Cái Thiên Chúa.
Trước hết ta hãy xây dựng hòa bình nơi chính mình.
“Vinh danh thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm”(x.Lc1,14).
Như vậy ta hãy tập và sống sao để ta nên người có cái tâm thiện. Người có cái tâm thiện là người luôn suy nghĩ, nói năng và làm những điều thiện. Từ cái tâm thiện nó xuất phát ra những điều thiện. Muốn có cái tâm thiện thì ta phải nghe và sống Lời Chúa mỗi ngày. Đó là một quá trình đào tạo và rèn luyện lương tâm của mình theo ý Chúa. Không phải ngày một ngày hai mà ta có được một cái tâm thiện đâu. Cái tâm thiện cũng không từ trời rơi xuống mà ta phải tự giác luyện tập hằng ngày. Ta mà tập được bao nhiều thì ta được bấy nhiêu; ta mà không tập thì mãi mãi ta chẳng được gì hết.
Ta phải ra sức học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, cầu nguyện và nhất là phải luyện, phải tập, nhằm đào tạo cho ta có một lương tâm thánh thiện và tốt lành. Ta nghiên cứu nơi sách vở; ta tìm tòi nơi Thánh Kinh; ta học hỏi nơi cuộc sống, để những gì là tốt lành, những gì là phải, những gì là chân - thiện - mỹ ta thu tập cho chính mình, được chừng nào thì hay chừng đó.
Để rồi mọi suy nghĩ, mọi lời nói, mọi hành động của ta nhắm tới phải là điều thiện.
Ta phải dành thì giờ để suy nghĩ, để suy niệm những điều thiện hảo, để khi ta nói thì sẽ nói những điều tốt lành và khi ta hành động thì hành động của ta là những việc thiện. Những việc làm thiện, những lời nói thiện đó chắc chắn sẽ không làm hại ai, không lừa gạt ai và sẽ luôn sống trong khiêm nhường. Ta sẽ giúp đỡ người khác và đem lại cho người khác niềm vui và hạnh phúc.
Khi ta có cái tâm thiện rồi thì ta sẽ có được sự bình an. Có một cách dịch khác: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”.
Vâng đúng vậy, bình an của Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người, vì Chúa yêu thương tất cả mà, nhưng chỉ có những ai có cái tâm thiện; chỉ có ai khiêm nhường mới lãnh nhận được sự bình an của Chúa mà thôi. Khi ta có sự bình an của Chúa nơi tâm hồn, ta mới đem đến cho người khác được, ta mới xây dựng sự bình an được.
Một người có sự bình an thì đi đâu họ cũng sẽ đem bình an tới đó. Họ đem bình đến trong gia đình; họ đem bình an đến trong Giáo Hội; họ đem bình đến cho xã hội, cho thế giới. Sự bình an không nhất thiết là không có chiến tranh mà là sự tốt lành, khiêm nhường và yêu thương của con người. Nếu con người sống tốt lành, khiêm nhường và yêu thương nhau thì làm gì có chiến tranh, làm gì có hơn thua, làm gì có ghen ghét, làm gì có hận thù, làm chi có chia rẽ.
Sống trong sự tốt lành, khiêm nhường và yêu thương là ta sống trong bình an; sống trong hận thù, ghen ghét, hơn thua ta sẽ bất an. Ta mà bất an thì ta sẽ làm cho mọi người bất ổn; đi đến đâu là gây lộn xộn đến đó.
Vậy mừng lễ Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa ta hãy dâng lời ca tụng Thiên Chúa vì Chúa đã ban cho Mẹ hồng ân đó. Đồng thời ta cũng noi gương Mẹ để sống ơn gọi làm Con Thiên Chúa của mình. Bằng cách ta hãy nhớ ngày rửa tội của mình và trong cuộc sống luôn luôn suy nghĩ và chọn những điều tốt, điều lành; luôn sống khiêm nhường; luôn nói những điều tốt đẹp, sinh ích cho người nghe và luôn luôn làm những việc thiện, hầu đem lại niềm vui và bình an đến cho người khác. Ta sẽ nên đích thực là Con cái Thiên Chúa. Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa. Còn tôi, tôi là Con Thiên Chúa. Oách chưa !!! Oai chưa !!! Cũng là hồng ân đấy chứ !!! Hồng ân làm Con Thiên Chúa.
Lm. Bosco Dương Trung Tín