Không xa Chúa và cũng không xa Nước Chúa
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 31 QN
Không xa Chúa và cũng không xa Nước Chúa
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”(Mc 12,30).
“Đức Giê-su đã tóm tắt các bổn phận của con người đối với Thiên Chúa là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Lời đầu tiên của Thập giới nhắc lại tình yêu của Thiên Chúa duy nhất. Các lệnh truyền tiếp theo làm nổi bật lời đáp trả yêu thương mà con người đượi mời gọi để dâng lên Thiên Chúa”(x. GLCG, số 2083).
“Đức yêu mến đòi buộc chúng ta là thụ tạo phải tạ ơn Thiên Chúa cho xứng đáng vì đã mang ơn Người. Nhân đức thờ phượng sẽ giúp chúng ta sống tâm tình này”(x. GLCG, số 2095). Có 3 việc chúng ta phải làm đối với Thiên Chúa để thờ phượng Người. Đó là Thờ lạy, Cầu nguyện và Lễ tế.
Thờ lạy.
“Hành vi của nhân đức thờ phượng là thờ lạy Thiên Chúa. Nghĩa là nhận biết Người là Thiên Chúa; là Đấng Sáng Tạo và cứu chuộc; là Chúa và là Thầy của mọi loài; là tình yêu vô biên và giàu lòng thương xót. Dựa vào sách Đệ nhị luật, chương 6, câu 13, Đức Giê-su nói: “Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa là Chúa ngươi và phải thờ lạy một mình Người mà thôi”(Lc 4,8) (x.GLCG, số 2096).
“Thờ lạy Thiên Chúa là tôn kính và tuyệt đối thần phục Người, vì nhận biết “tính hư không của thụ tạo”; biết sự hiện hữu của chúng hoàn toàn nằm trong tay Người. Việc thờ lạy Thiên Chúa duy nhất, giải thoát con người khỏi thái độ khép kín, khỏi nô lệ tội lỗi và sùng bái thế giới như ngẫu tượng”(x.GLCG, số 2097).
Theo tôi, điều này thật đúng. Con người chúng ta có nhu cầu tự nhiên là thờ lạy Đấng nào đó. Nếu không có rõ ràng thì con người chúng ta dễ tôn thờ ngẫu tượng lắm. Điều mà người ta nói là “con người là con vật có tính tôn giáo”. Điển hình như ở Nhật Bản. Ở đây được coi như là vô thần, nên cái gì họ cũng có thể cho là “thần” được, từ con sâu cái kiến; từ con chó con mèo; từ cái cây, cục đá; đến những người nổi tiếng trong các lãnh vực; họ chắp tay; họ khấn vái,......
Đối với người tín hữu công giáo chúng ta, chúng ta chỉ tôn thờ; chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần mà thôi.
Cầu nguyện.
“Các hành vi tin cậy mến, như điều răn thứ nhất đòi buộc, được hoàn tất trong kinh nguyện. Nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa để chúc tụng, tạ ơn, chuyển cầu và van xin là một cách thờ lạy Người. Cầu nguyện là điều kiện thiết yếu, giúp chúng ta tuân giới răn của Thiên Chúa: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”(Lc 18,1)(x. GLCG, số 2098).
Sự cầu nguyện mang tính Ki-tô giáo của chúng ta khác với sự cầu nguyện của các tôn giáo khác. Khác ở chỗ là chúng ta cầu nguyện là để theo ý Chúa chứ không phải theo ý chúng ta; dù chúng ta có thể cầu xin những gì mình muốn. Như Đức Giê-su đã nói, “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì trước khi anh em cầu xin”(x. Mt 6,8).
Con người chúng ta cứ tưởng nói nhiều sẽ được nhậm lời và nhất là có thói quen hối lộ. Cứ tưởng dâng cúng lễ vật cho nhiều thì “cầu gì sẽ được nấy”. Cầu nguyện kiểu này thì không biết ai là Chúa của ai? Ta cầu nguyện mà bắt Thiên Chúa phải nghe lời mình; phải ban cho mình những gì mình muốn thì Thiên Chúa đó có khác chi là Nô Lệ của ta. Ta là Thiên Chúa rồi còn gì.
Rất tiếc là Thiên Chúa đích thật của chúng ta chẳng có thiếu thốn gì, nên của lễ không mua chuộc được Thiên Chúa đâu. Thiên Chúa khôn hơn chúng ta chứ chúng ta không khôn hơn Thiên Chúa được. Thánh Phao-lô có nói: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn của con người và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” mà(x. 1Cor 1,25).
Nghĩa là cái điên của Thiên Chúa nếu có, thì cũng đã hơn cái khôn của chúng ta rồi, huống chi là cái khôn của Chúa; chắc chắn sẽ hơn chúng ta bội phần. Cũng vậy, Cái yếu của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh của ta rồi, thì cái mạnh của Chúa sẽ mạnh hơn của chúng ta biết chừng nào. Con người chúng ta không thể hơn Thiên Chúa được.
Bởi đó mà chúng ta mới hiểu được chữ “Hết” trong việc chúng ta làm đối với Thiên Chúa là: “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”. Cái “hết” của con người chúng ta thật ra chẳng nhằm nhò gì đối với Thiên Chúa cả, nhưng cũng không đòi hỏi những gì quá sức chúng ta được, nên chỉ cần chúng ta yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức” chúng ta thôi.
Bởi đó khi cầu nguyện, chúng ta hãy mang lấy tâm tình của Đức Giê-su: “Lạy Cha, xin cất chén đắng này khỏi con; nhưng đừng theo ý con một theo ý Cha”(x. Mt 26,39). Cũng vậy, sau khi chúng ta đã thưa với Chúa tất cả những gì mình muốn, thì hãy thòng một câu: “Xin đừng theo ý con, một theo ý Chúa”. Vì Thiên Chúa khôn hơn chúng ta nhiều. Chúa biết và hằng ban những tốt nhất cho chúng ta. Cầu nguyện như vậy mới là thờ phượng; không thì là bát nháo; “họ nhà tôm, cứt lộn lên đầu”; bất kính, phạm thượng, Khi Quân.
Lễ tế.
“Con người phải dâng lên Thiên Chúa những lễ tế để tỏ lòng thờ phượng, tạ ơn, khẩn cầu và sự hiệp thông với Người. “Mọi hành vi con người thực hiện để được kết hợp với Thiên Chúa và được vinh phúc, đều là lễ tế đích thực”(x. GLCG, số 2099).
Lễ tế mà Thiên Chúa ưa thích nhất chính là lễ tế của Đức Giê-su dâng trên thập giá mà ngày nay được hiện thực hóa trong Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ có đầy đủ chiều kích của một lễ tế là thờ phượng, tạ ơn, khẩn cầu và hiệp thông qua việc rước lễ. Do đó, chúng ta, những người tín hữu công giáo hãy siêng năng tham dự Thánh Lễ và tham dự cho sốt sắng và tích cực.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, vị Kinh Sư nói: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu mến người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”(x. Mc 12,33). Theo tôi, “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực” là của lễ hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ. Vì “Chúa cần tấm lòng chứ không cần hy lễ”(Mt 9,13).
Điều này có hơn Hy Lễ của Đức Giê-su dâng trên thập giá hay trong Thánh Lễ không? Hơn ai hết, Đức Giê-su đã vì “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu mến người thân cận như chính mình”, mà Ngài tự hiến mình trên thập giá. Nên hai hy lễ đó là một. Vì thế, khi dâng Thánh Lễ, chúng ta cũng phải dâng cho “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực” chúng ta; không lo ra, chia trí; không xìu xìu, ển ển; không tà tà, lười biếng, thụ động.
Những tội nghịch với đức thờ phượng là thử thách Thiên Chúa bằng lời nói và hành động; phạm thánh và mại thánh(x. GLCG, số 2118).
Thử thách Thiên Chúa là dùng lời nói hay hành động để thử lòng nhân hậu và quyền năng của Thiên Chúa. Thử thách Thiên Chúa luôn ẩn chứa một thái độ ngờ vực tình yêu thương, sự quan phòng và quyền năng của Thiên Chúa”(x. GLCG, số 2119).
“Phạm thánh là xúc phạm hay cư xử cách bất xứng đối với các bí tích và các hành vi phụng vụ khác; cũng như đối với người, đồ vật và các nơi đã được thánh hiến cho Thiên Chúa. Nhất là đối với bí tích Thánh Thể”(x. GLCG, số 2120).
“Mại thánh là mua hay bán những thực tại thiêng liêng”(x. GLCG, số 2121). Như dùng tiền để mua Thánh Lễ; dùng tiền xin cầu nguyện cho mình khỏi những gian truân, vất vả; những đau đớn, bệnh tật,... Tiền chúng ta xin lễ; tiền chúng ta xin cầu nguyện, đó chính là những hy sinh của chúng ta. Tiền đó là mồ hôi, là nước mắt của chúng ta mà. Chúng ta xin lễ cho các linh hồn; chúng ta xin cầu nguyện cho mình được dồi dào ơn Chúa; có sức mạnh vượt qua mọi gian truân, vất vả; đón nhận và chấp nhận những đau đớn, bệnh tật, thì đó là của lễ đẹp lòng Chúa biết bao ! Đâu có ai dám bán Thánh Lễ; cũng không có ai dám nhận cầu nguyện với mục đích cho khỏi gian truân, vất vả; cho khỏi đau đớn, bệnh tật cả.
Vậy, chúng ta hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức chúng ta. Đó chính là tiêu chí chúng ta nhắm tới khi thờ phượng Thiên Chúa cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Để cuộc đời của chúng ta trở thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa, chúng ta sẽ không xa Chúa ở đời này và cũng không xa Nước Trời ở đời sau.
Lm. Bosco Dương Trung Tín