Chúa có Ba Ngôi; chúng ta có Ba Điều
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi
Chúa có Ba Ngôi; chúng ta có Ba Điều
“Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”(Rm 5,5).
Qua câu này, chúng ta thấy có ba chủ thể đó là Thiên Chúa; Tình Yêu và Thánh Thần. Tình Yêu ở đây, theo tôi, chính là Đức Giê-su Ki-tô. Đức Giê-su đã nói: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một”(x. Ga 3,16). Thiên Chúa đã ban Con Một; Thiên Chúa đã ban tình yêu thương của Ngài. Vậy, Con Một; Tình Yêu chính là Đức Giê-su Ki-tô.
Như vậy, chúng ta thấy có Ba Ngôi Thiên Chúa ở đây. Chúng ta cùng tìm hiểu về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi.
“Ba Ngôi là một. Chúng ta không tuyên xưng ba Thiên Chúa, nhưng một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi: Ba Ngôi đồng bản thể. Các Ngôi Vị Thiên Chúa không chia nhau một thiên tính duy nhất, nhưng mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa trọn vẹn. Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thể ấy; Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thể ấy và Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thể ấy. Nghĩa là một Thiên Chúa duy nhất theo bản tính. Mỗi Ngôi Vị là thực tại đó, nghĩa là bản thể, yếu tính, bản tính đó”(x. GLCG, số 253).
Thiên Chúa là CHA, CON và THÁNH THẦN.
Chúa Cha: Tạo dựng. Chúa Con : Cứu chuộc. Chúa Thánh Thần: Thánh hóa. Thiên Chúa Ba Ngôi vận hành, gìn giữ và cứu độ con người và vũ trụ, vì “Cùng đích của toàn bộ nhiệm cục của Thiên Chúa là đưa các thụ tạo vào sự kết hợp trọn vẹn với Ba Ngôi diễm phúc”(x. GLCG, số 260).
Tín điều Một Chúa Ba Ngôi có liên hệ gì đến cuộc sống của chúng ta không? Thánh Phao-lô nói: “Ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy”(x. Rm 5,3-4).
Cuộc sống của con người chúng ta có 3 điều là gian truân; chịu đựng và trung kiên. Theo tôi, 3 điều: gian truân, chịu đựng và trung kiên là những điều chúng ta cần đón nhận và chấp nhận. Cuộc đời mà ai mà chẳng có gian truân; nhưng gian truân phải được chúng ta đón nhận và chấp nhận. Chúng như được Thiên Chúa đổ vào cuộc đời ta và ta chịu đựng nhờ sự trung kiên mới được.
Như Đức Giê-su Ki-tô, Ngài đã chịu nạn, chịu chết vì con người chúng ta. Ngài đã bị người ta chống đối, vu cáo, vu khống; chê bai chỉ trích, lăng mạ,... Thế nhưng Ngài đã chịu đựng tất cả, chấp nhận tất cả để nên người Tôi Trung của Chúa. Cuối cùng Ngài được phục sinh và lên trời vinh hiển.
Có thể nói, trong Ba Ngôi, Đức Giê-su Ki-tô như là nhân vật trung tâm. Không phải là Ngài cao trọng hơn Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, mà vì Ngài ở giữa Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Thì “Chịu đựng” cũng là điều chính yếu. Vì nhờ biết chịu đựng mà chúng ta chấp nhận những gian truân và nhờ có chịu đựng chúng ta mới nên người trung kiên.
Nếu chúng ta biết đón nhận và chấp nhận chịu đựng như Đức Giê-su; nghĩa là chúng ta biết chấp nhận những khó khăn trong cuộc sống; đón nhận những chê bai, chỉ trích của người khác; thậm chí cả những vu khống, nói hành nói xấu, thì chúng ta mới nên người tôi trung của Chúa. Có như thế chúng ta mới có quyền trông cậy; chúng ta mới có quyền hưởng niềm vui, bình an và hạnh phúc Chúa ban.
Vậy qua tín điều về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, chúng ta nên kết hợp trọn vẹn với Chúa Ba Ngôi; biết sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống của mình với 3 điều cốt yếu là gian truân, chịu đựng và trung kiên. Đức Giê-su đã nói rằng: “Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát”(x. Mt 24,13). Do đó, chúng ta cũng có thể xác tín rằng: Ai trung kiên, bền đỗ cho đến cùng, người đó sẽ được hưởng niềm vui, bình an và hạnh phúc trong Chúa Ba Ngôi cả ở đời này cũng như ở đời sau.
Thiên Chúa có Ba Ngôi thì chúng ta cũng có Ba Điều. Ba Ngôi cùng sống và hành động thế nào, thì chúng ta cũng sống và chấp nhận ba điều ấy như vậy.
Lm. Bosco Dương Trung Tín