Lời xin vâng, dễ nói không dễ sống - Ngày mai rồi mình cũng già
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Anmai, CSsR
LỜI XIN VÂNG : DỄ NÓI KHÔNG DỄ SỐNG
Người Công Giáo không thể không biết biến cố truyền tin. Qua biến cố truyền tin, sứ thần của Chúa nói với Mẹ Maria về chương trình cứu độ của Chúa đó là Ngôi Lời của Thiên Chúa sẽ nhập thể làm người ngang qua cung lòng của Mẹ. Phần Mẹ, nhờ ơn Chúa, Mẹ nói lời xin vâng.
Lời xin vâng Mẹ Maria đáp lại với sứ thần là lời xin vâng liều lĩnh và phó thác.
Tuổi còn quá trẻ để nhận ra những biến cố gì sẽ xảy đến sau khi đón nhận ơn thụ thai trong lòng mình. Gần nhất đó là bản án tử hình cho người chưa qua lại với người mình đã đính hôn mà có thai. Chỉ cần người bạn đời mình lắc nhẹ cái đầu trước quan án thì cuộc đời của Maria coi như chấm hết như quả banh chấm dứt ở quả phạt đền 16 mét 50.
Tuổi còn quá trẻ để đối đầu với biết bao nhiêu gian lao khốn khó trong cuộc đời. Dĩ nhiên gọi là sống dựa vào người bạn đời của mình về kinh tế nhưng sống hoàn thành trách nhiệm của người vợ, người mẹ trong gia đình ắt hẳn cũng khó với cô thiếu nữ thành Nagiareth thời bấy giờ. Đủ mọi khó khăn bao phủ trên cuộc đời nhưng rồi Maria hoàn toàn tin tưởng, hoàn toàn phó thác đời mình để mình sống buông theo Thần Khí. Và quả thật, Maria đã để mình cho Thần Khí Chúa hướng dẫn và dẫn dắt từng bước đường đời.
Thành công mỹ mãn của lời xin vâng trải qua bao gian nan khốn khó trong cuộc đời, Đỉnh điểm của thành công của lời xin vâng đó chính là đỉnh đồi Canvê. Bi thương nhất, nhục nhã nhất, đau đớn nhất, thử thách lớn nhất đời của Mẹ Maria đó chính là đứng dưới chân Thập Giá. Mẹ vẫn bằng lòng xin vâng với Chúa cho đến giây phút cuối cuộc đời của người con yêu của Mẹ.
Ta đọc hay nghe về lời xin vâng của Mẹ, ta cũng hát, cũng nói, cũng thưa với Chúa lời xin vâng ấy như Mẹ. Thế nhưng có khi ta hát, ta đọc như một cái máy và hoàn toàn không sống lời xin vâng ấy trong cuộc đời.
Bằng chứng hết sức cụ thể khi ta đến trung tâm hành hương nào đó, đài nào đó thì ta xin gì ? Phải chăng là ta xin như ý, phải chăng là ta xin bán được nhà, phải chăng là ta xin trả được nợ, phải chăng là ta xin đủ thứ đủ mọi sự cho cái phần xác của chúng ta.
Mỗi chúng ta tự hỏi mỗi khi đọc kinh cầu nguyện và dĩ nhiên là có kèm theo lời cầu xin. Chúng ta thường xin gì với Chúa và với Mẹ ?
“Xin Mẹ dạy con 2 tiếng xin vâng” ! Mẹ dạy đó nhưng mà con có nghe, con có nạp, con có để cho lời xin vâng ấy thẩm thấu trong cuộc đời của con và con có sống lời xin vâng ấy trong cuộc đời của con hay không đó mới là điều quan trọng.
Con vẫn gào, con vẫn hét lên “Xin Mẹ dạy con 2 tiếng xin vâng” nhưng thực tế thì ngược lại. Con vẫn xin Chúa và Mẹ vâng theo ý của con mỗi khi con cầu nguyện.
Xin vâng phải chăng chỉ có 2 từ thôi nhưng mà lại là chuyện rất khó trong cuộc đời. Để nói lời xin vâng xem chừng ra là dễ nhưng sống lời xin vâng ấy cực khó trong cuộc đời.
Như chuyện kể trong Tin Mừng về 2 người con trai. Người con thứ nhất nói ngay với cha là vâng lời cha nhưng sau đó lại không làm như lời mình nói. Hình ảnh người con đó phảng phất trong cuộc đời của mỗi chúng ta.
Nếu chúng ta sống lời xin vâng thật sự thì thập giá đời ta ta vui vẻ vác. Có chăng là ta xin Chúa thêm sức để ta vác mà thôi.
Chú em kết nghĩa sống trong một gia đình mà có thể nói là chán. Từ mẹ đến vợ, 2 nhân vật này làm cho chú đảo điên. Có những lúc chú muốn buông xuôi cho nhẹ lòng nhưng chú không buông và chú nói : “Chúa gửi thánh giá cho con thì con xin vác thôi Cha !”.
Thật sự không dễ vác. Có những lúc chú đến Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mỗi khi có chuyện. Đến đó chẳng làm gì, chỉ để ngồi đó lặng thinh nhìn lên ảnh Mẹ. Có những lúc chạy chỗ này chỗ kia nhưng cũng chỉ với tâm tình xin cho đủ sức để vác thập giá trong đời.
Đời chả ai không có thập giá. Không ít thì nhiều, không nặng thì nhẹ. Ai ai cũng có thập giá đời mình. Thập giá ấy có khi là sức khỏe, có khi là tinh thần, có khi là vật chất.
Thời buổi hiện tại, thập giá của nhiều người phải chăng là gánh nặng của làm ăn thua lỗ, của công ăn việc làm bị đình trệ hay có khi là thất nghiệp ... Thập giá của nhiều gia đình là sự không hiệp nhất với nhau, không yêu thương nhau và không nhường nhịn nhau để có nguy cơ tan vỡ.
Và như thế, lời mời gọi sống lời xin vâng ấy thiết thực ngang qua cuộc đời của mỗi người.
Trong tâm thế là người lắng nghe, người chịu nghe những trần tình của những người tìm đến thì bỉ nhân thấy rằng đời chả có ai là hoàn toàn hạnh phúc và tròn vẹn. Có những gia đình xem chừng ra là cha mẹ chuẩn mực nhưng phần con cái coi như mất trắng. Có những gia đình người vợ cặm cụi lo cho chồng lo cho con nhưng bị phản bội ... Bao nhiêu đau khổ đè nén trong gia đình và chỉ có nhờ ơn Chúa thì người ta mới có thể vượt qua. Dĩ nhiên là người đó phải cộng tác với ơn Chúa.
Lời xin vâng luôn là lời mời gọi mỗi chúng ta trong hành tình theo Chúa. Để đáp lại tiếng xin vâng như Mẹ Maria không phải là chuyện đơn giản vì lẽ giữa lời đáp và thực tế cũng như thực hành là xa lắm !
Chỉ trong tĩnh lặng, chỉ trong cô tịch đặt mình trước mặt Chúa ta mới cảm được những gì Chúa đang gửi đến đời ta. Nếu như ta sống tâm tình đơn sơ và phó thác như Mẹ thì lời xin vâng ấy mới trọn hảo trong đời ta.
Bí quyết để sống được lời xin vâng ấy phải chăng đó chính là sự khiêm nhường. Khi cao ngạo, khi tự cao tự đại và tưởng mình là nhất thì không bao giờ đón nhận và sống lời xin vâng trong đời của ta được. Ai nào đó khiêm nhường để cho mình trống rỗng và để cho Thần Khí Chúa lấp đầy thì khi ấy ta mới sống lời xin vâng được.
Lm. Anmai, CSsR
NGÀY MAI, RỒI MÌNH CŨNG GIÀ
Ở đời, có ai lột da sống đời. Ngày mai, rồi mình cũng già ! Nên ý thức điều đó để mình suy gẫm về cuộc đời ...
Hôm nọ, nhân dịp mừng Lễ của một vị linh mục cao niên, tại hạ gửi lời chúc mừng Ngài. Kèm theo lời chúc mừng đó tại hạ gửi bài viết có một đoạn nói về tuổi già trong đó có nhắc khéo về hình ảnh mà Ngài nhận ra Ngài trong đó : “ ... Có người nóng đến độ âm thanh không như ý đã quăng micro ngay tòa giảng. Trẻ là thế nhưng đến khi già nua tuổi tác Cha đã dễ thương hơn và dễ gần hơn ...”.
Cha đọc bài viết của tại hạ và Cha nói : Nhà ngươi nói ai đó ?
Tại hạ thưa : Dạ con nói phong long ! Trúng ai thì trúng !
Cha thừa biết tại hạ nói về Cha và Cha cười vì hình bóng trong bài viết ấy là hình bóng của cha.
Thật thế, với cương vị nắm quyền lực trong thời gian dài mà chưa hay khó có người thay thế thì cung cách nó khác. Khi nóng giận, Cha đã vất luôn cả cái micro mà đang giúp Cha phóng thanh khi giảng. Nóng đến thế là cùng.
Vâng ! Cuộc đời con người, có những lúc còn trẻ, còn khỏe thì muốn làm gì làm và có khi làm bất chấp cảm xúc của người khác. Nhưng, đến khi về già và luống tuổi, họ chợt nhận ra hay nói đúng hơn rằng họ phải nhận ra khiếm khuyết của họ cùng với giới hạn của con người theo tuổi tác nên họ không thể làm gì hơn là cậy nhờ vào sự giúp đỡ của người khác.
Một ca viên năm nay cũng gần 70. Hơn một lần, ca viên ấy than phiền việc lục đục tranh nhau solo hay điều khiển ca đoàn. Trong tình thân tại hạ nói : “Cô ơi ! Năm nay cũng cao tuổi rồi ! Gần 70 rồi chứ có ít gì đâu ! Cô nên rút lui cho lớp trẻ lên hát và nhất là tìm lại sự bình an trong tân hồn. Đi Lễ và đi hát Lễ mà lòng bất an thì có khi còn tội hơn là không hát. Hát làm gì để gây bất hòa và trong lòng chả có bình an ...”
Tưởng chừng lời khuyên ấy được đón nhận. Nhưng không, lời khuyên ấy Cô bỏ ngoài tai.
Mới đây, người quen kể lại chuyện Cô như tiếp tục tranh nhau vào showbit của ca đoàn xứ Cô nghĩa là cao niên như thế nhưng Cô vẫn giành hát solo. Ở cái tuổi của Cô làm sao có thể lên được những tone cao như bài hát mà ca trưởng chọn. Thế nhưng vẫn một mực giành hát solo để rồi nhiều người dù lành tính lắm họ cũng lên tiếng nói về chuyện có tuổi nên dành cho lớp trẻ lên hát.
Thật thế, biết mình già và không còn khả năng để đảm nhiệm một việc gì đó trong hội đoàn, ca đoàn trong giáo xứ không hề là chuyện đơn giản. Mấy ai biết mình và rút lui trong trật tự để ca đoàn và hội đoàn được yên. Cũng vì nể vì tuổi tác mà người ta không dám nói hay không thèm nói và rồi người đó cứ tưởng là mình ngon và cứ ôm cái mic và hát solo như giọng mình oanh vàng lắm.
Vậy đó, trong cuộc sống, biết mình biết ta không phải là chuyện đơn giản. Biết mình để mình rút lui và mình vào cõi lặng để lớp trẻ đi lên không hề dễ. Có những giáo xứ, ca đoàn và hội đoàn không thể nào ngoi lên được cũng vì những người cao tuổi. Những người dù có tuổi hay cao tuổi nhưng không bao giờ nhận là mình già để mình an nghỉ cho người khác làm. Và, mọi sự rối lên từ cái suy nghĩ mình là “cha giừa” dù mình đã lớn tuổi lắm rồi. Ở cái tuổi của mình, sự năng động cũng như giọng ca của mình không như ngày xưa khi còn trẻ nữa. Thế nhưng vì cố chấp để rồi người ta vẫn cứ bám trụ.Từ cái bám trụ ở cái tuổi già không kham nổi việc để gây ra bao nhiêu chuyện không hay trong ca đoàn hay hội đoàn.
Buồn và tiếc cho những người chả bao giờ nhận ra mình.
Sống chung với người già, người cao tuổi và người kém khả năng thì dễ nhận ra điều đó hơn là không sống. Sống gần với những người như thế để mình thấy được cái giới hạn của mình.
Có những vị linh mục một thời vang bóng, một thời năng động thế nhưng có ai mãi mãi ở cái phong độ và cái năng động ở cái tuổi trẻ đâu. Đến một lúc nào đó thì phản xạ tự nhiên của con người sẽ xuống và hạn chế vì tuổi tác.
Ngay như sức khỏe bình thường của con người. Sau khi lên đến đỉnh của cuộc đời ở cái tuổi 50 thì mọi sinh hoạt dường như nó thay đổi vì mắt mờ đi và chân tay nó đau nhức hay không còn mạnh mẽ như ngày nào. Nếu như ở 20, 30 và 40 người ta có thể chạy nhảy leo trèo bất kể nhưng ở cái tuổi trung niên người ta sẽ ngại độ cao và không còn nhanh như ngày nào. Ai nào đó ý thức được cái giới hạn của con người lòng sẽ bình an.
Mà ! Có ai mãi mãi khỏe hay năng động như ở cái tuổi thanh xuân đâu. Rồi cũng sẽ qua đi theo định luật của thời gian.
Ở bệnh viện kia, cô điều dưỡng trưởng năng động và tháo vát. Vì áp lực công việc, có khi cô nóng tính để được việc. Sau đó ít năm quay lại tái khám. Hỏi người quen thì được biết cô đã nghỉ hưu. Hình ảnh nhân viên tháo vát, năng động và có khi là to lời một chút (để được việc) nay không còn nữa. Tôi thì tôi hiểu vì áp lực công việc nên con người cô nó ra như thế chứ cô không phải vậy. Nhưng, định luật thời gian, cô không tồn tại mãi ở vị trí đó.
Chả phải ở bệnh viện mà đâu đó trong cuộc đời, có những nữ tu, những linh mục, những người thân quen của ta mới ngày nào đó với mái tóc còn xanh nhưng nay điểm bạc. Rồi thời gian dần trôi để rồi không ai mãi mãi với mái tóc xanh ấy mà dần dần ai ai cũng có mái tóc muối nhiều hơn tiêu và có khi chả có chút tiêu nào cả.
Cuộc đời này là vậy, phận người là như vậy, nhưng mấy ai nghĩ đến cái ngày về chiều, ngày mà một mai mình sẽ già. May mắn cho ai nào đó ý thức được tuổi về chiều của mình để mình hành xử cách khoan dung với người đồng loại. Ai nào đó cứ ngỡ trần gian là mãi mãi thì họ vẫn cứ hùng hùng hổ hổ với con người và cá tính của họ. Thế nhưng rồi thời gian có dừng lại để bảo bọc con người của họ đâu.
Vừa qua, nghe qua giọng của vị nữ tu mớm già kể về chuyện nhà hưu mà nơi sơ đang phục vụ sao mà chua cay quá. Có những người trẻ cứ ngỡ không bao giờ mình già để mình hành xử hơi quá với người cao tuổi. Họ may mắn được ở gần với những cây đại thụ của nhà dòng để kín múc nhựa sống đang tiết ra từ những cây đại thụ ấy mà họ không trân quý. Chỉ đến lúc nào đó họ vấp ngã, họ ngã bệnh hay ở cái tuổi về chiều họ mới khám phá ra cái phận người. Phận người là như vậy nhưng mấy ai cảm được để sống đúng cái nhân cách người. Xem chừng như vậy khó sống chứ không hề đơn giản vì mấy ai nghĩ mình sẽ già.
Rồi mai, mình sẽ già ! Nên chăng ta luôn ý thức điều đó trong cuộc đời để ta cân chỉnh cách hành xử của mình hơn.
Lm. Anmai, CSsR