Mục đích sống của đời chúng ta
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 26 QN
Mục đích sống của đời chúng ta
Có lời Đức Chúa phán như sau : “Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối các ngươi không ngay thẳng?” (Ed 18,25).
Chúng ta cùng tìm hiểu xem đường lối của Chúa và đường lối của con người chúng ta.
Đường lối của Chúa là : Nếu người công chính, từ bỏ lẽ công chính của mình mà làm điều bất chính thì người đó sẽ bị phạt. Đương nhiên người này bị phạt không vì những việc công chính trước kia đã làm, mà vì đã bỏ đường công chính mà làm điều bất chính.
Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm mà thi hành điều công minh chính trực thì nó sẽ được thưởng. Người này được thưởng không vì những việc gian ác đã làm, mà vì đã bỏ những điều gian ác và làm điều công minh chính trực.
Nói tóm là đối với Chúa, ai làm điều tốt thì được thưởng; ai làm điều xấu thì bị phạt. Đó là điều nhất quán Chúa sẽ xét xử con người chúng ta. Nhưng cái mắc mớ là điều tốt hay điều xấu chúng ta làm là trước hay là sau. Vì con người chúng ta sống có lúc chúng ta làm điều tốt; có lúc chúng ta lại làm điều xấu.
Cứ theo đường lối Chúa trên đây, thì cái quan trọng nằm ở phía sau. Bởi đó, nếu trước đây chúng ta đã từng làm điều tốt, thì chúng ta phải cố gắng làm điều tốt, chứ đừng bỏ điều tốt mà làm điều xấu. Cả đời chúng ta đã cố gắng làm điều tốt, mà cuối đời lại bỏ điều tốt mà làm điều xấu thì coi chừng chúng ta bị phạt đấy.
Còn nếu cả đời chúng ta làm điều xấu, mà cuối đời chúng ta bỏ điều xấu mà làm điều tốt thì chúng ta có cơ may được thưởng đấy. Minh chứng cho việc này là “người trộm lành”. Cả đời anh ta làm điều xấu, đi ăn cắp ăn trộm, thế mà khi bị treo trên thập tự với Đức Giê-su, anh ta đã được Đức Giê-su hứa cho vào thiên đàng. Người ta nói đùa : cả đời anh ta đi ăn cắp ăn trộm tiền của của người ta, đến cuối đời anh ta ăn trộm luôn thiên đàng !!! “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên thiên đàng” (x. Lc 23,43).
Đây chính là thắc mắc của con người chúng ta. Chúng ta thắc mắc là tại sao chúng ta cả đời làm điều tốt, mà cuối đời chúng ta làm một vài điều xấu, chúng ta lại bị phạt; trong khi có người cả đời làm điều xấu; đến cuối đời chỉ làm một điều tốt, mà người đó lại được Chúa thưởng. Xem ra đường lối của Chúa không ngay thẳng, không công bằng rồi.
Theo ý của chúng ta, đáng lẽ ra phải là : nếu chúng ta cả đời làm điều tốt, đến cuối đời làm một vào điều xấu, thì Chúa cũng phải du di, bỏ qua mà không phạt chúng ta chứ. Chúng ta làm điều tốt nhiều hơn điều xấu mà. Còn nếu người nào cả đời làm điều xấu, đến cuối đời chỉ làm một điều tốt thôi, thì họ cũng phải bị phạt chứ. Vì họ làm điều xấu nhiều hơn điều tốt mà.
Mới nghe qua, đường lối của con người chúng ta cũng có lý. Thật bất công khi làm nhiều điều tốt, mà chỉ làm có một điều xấu lại bị phạt; còn khi làm nhiều điều xấu, mà chỉ làm có một điều tốt lại được thưởng. Quả thật, nếu đường lối của Chúa như thế thì đường lối của Chúa không ngay thẳng rồi.
Thế nhưng chúng ta hãy đọc cho kỹ, chúng ta đã quên xót một điều quan trọng. Chúa nói : “khi người công chính, từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính” (x. Ed 18,26). Điều quan trọng ở đây là “Từ bỏ lẽ công chính”. Sự từ bỏ đây như một sự cố tình; chúng ta đã biết được điều tốt mà cố ý bỏ không làm; lại làm điều xấu thì thật là đáng trách; đáng bị phạt. Cái tội nặng đây là tội cố tình. Biết tốt mà không làm; biết xấu mà lại làm. Xem ra Chúa rất nghiêm khắc về việc này.
Đức Giê-su đã nói : “Đầy tớ nào biết ý Chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng hay không làm theo ý Chủ sẽ bị đòn nhiều; còn kẻ không biết ý Chủ, mà làm những điều đáng phạt thì sẽ bị đòn ít” (x. Lc 12,47-48). Điều này chắc chúng ta đồng ý với cách cử xử của Chúa.
Cũng vậy, “nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm mà thi hành điều chính trực công minh thì nó sẽ cứu được mạng sống mình” (x. Ed 18, 27). Sự từ bỏ ở đây cũng là sự cố tình; có thể họ không biết rõ điều đó là điều xấu hoặc có khi họ biết rõ là điều xấu; dầu vậy, họ đã bỏ không làm nữa, họ làm điều tốt. Như vậy, họ cũng đáng được hưởng sự khoan hồng chứ.
Người ta có câu : “không biết thì không có tội”. Nghĩa là khi không biết là điều xấu mà làm thì không có tội. Và người ta cũng vịn vào lý lẽ đó mà bảo : “thế thì tôi không học gì nữa để khỏi biết, khỏi mắc tội”. Đó là lý sự cùn. Chẳng lẽ mình trưởng thành, mình lớn, mình lấy của của người khác, mình nói là tôi không biết là điều xấu, nên mình không bị phạt sao? Đứa con nít 2,3 tuổi làm thế thì không ai trách, chứ mình lớn rồi mà nói thế ai mà chấp nhận. Chưa biết cứ vào ngồi nhà đá, bóc lịch thì sẽ biết ngay thôi.
Thế mới hay, đường lối của Chúa thật ngay thẳng và giúp cho con người chúng ta biết mục đích mình sống để làm gì. Mục đích sống của con người chúng ta không phải để làm cái này làm cái kia; hay làm ông này bà nọ, mà để chúng ta nên hoàn hảo, nên hoàn thiện mỗi ngày một hơn.
Trong ý nghĩa đó, nếu cả đời chúng ta có làm nhiều điều tốt, mà lỡ có yếu đuối làm một điều xấu thì chúng ta cứ yên tâm, Chúa không trách phạt chúng ta đâu. Và nếu chúng ta có là người gian ác, xấu xa, chúng ta cũng đừng có thất vọng, hãy cố gắng ngày từ giây phút này. Còn được sống ngày nào, phút nào, giây nào, chúng ta phải cố gắng từ bỏ điều gian, điều ác, mà làm điều tốt điều hay. Chúa sẽ đánh giá cao sự cố gắng này của chúng ta.
Thà là chúng ta đến cuối đời làm điều tốt lành mà nên người công chính hơn là bây giờ chúng ta tự cho mình là người công chính mà cuối đời lại trở nên kẻ bất chính phải không bạn.
Qua đó, chúng ta thấy đường lối của Chúa thật là ngay thẳng, có ích, có lợi cho con người chúng ta biết bao!!! Vậy, theo câu Lời Chúa này, chúng ta hãy xác tín vào đường lối ngay thẳng của Chúa, để dù chúng ta có là người công chính hay bất chính, chúng ta cũng phải cố gắng hết sức để nên người công chính, thánh thiện; nên người hoàn hảo, hoàn thiện cho đến cùng. Chúng ta sẽ được Chúa ân thưởng và được vào thiên đàng. Đó chính là mục đích sống của đời chúng ta đấy. Chúng ta đừng bao giờ lười lĩnh, không cố gắng kẻo những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước chúng ta đấy.
Lm. Bosco Dương Trung Tín