Tránh Sâu cũng không xấu mặt nào
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 7 QN
Tránh SÂU cũng không xấu mặt nào
“Anh em hãy hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt 5,48).
Theo Tin Mừng thánh Lu ca thì Hoàn Thiện có nghĩa là có lòng Nhân Từ: “Anh em hãy có lòng nhân từ như cha anh em là Đấng nhân từ”(x. Lc 6,36). Nhưng theo bài đọc 1 hôm nay thì Hoàn Thiện lại chính là sự Thánh Thiện: “Các ngươi phải Thánh Thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi là Đấng Thánh”(x.Lv 19,2). Như vậy, người Hoàn Thiện là người có lòng Nhân Từ; là người Thánh Thiện.
Vấn đề là con người chúng ta có nên hoàn thiện như Thiên Chúa được không? Con người yêu đuối và giới hạn của chúng ta có lòng nhân từnhư Thiên Chúa được không? Và con người tội lỗi của chúng ta có nên thánh thiện như Thiên Chúa được không? Câu trả lời là ĐƯỢC. Vậy thì chúng phải làm gì đây?
- “Ngươi không được để lòng thù ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào. Như thế người sẽ khỏi mang tội vì nó”(x. Lv 19,17).
Vậy, việc làm trước tiên là chúng ta đừng để lòng thù ghét ai, dù người đó có làm điều gì đó xấu xa hay sai trái. Nếu có thể, thì chúng ta hãy góp ý với người đó, rằng việc đó không nên làm. Nếu cần thì chúng ta có thể “quở trách” hay nói thẳng nói thật cho người đó biết, vì mối tình thân; vì yêu thương mà nói, để mình không mang tội trước mặt Chúa. Tội đó là tội chúng ta biết họ làm sai mà không lên tiếng ngăn cản.
Nếu họ nghe thì tốt; còn nếu họ không nghe, họ sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa; Chúa sẽ phán xét họ; còn chúng ta, chúng ta đừng để lòng thù ghét họ là được.
- “Ngươi không được trả thù; không được oán hận những người thuộc về dân ngươi”(x. Lv 19, 18).
Việc thứ hai là chúng ta không được trả thù, không được oán hận, dù người đó có làm gì hại đến chúng ta. Hãy để cho Thiên Chúa xét xử họ. Nếu chúng ta trả thù, nghĩa là họ làm hại chúng ta thế nào thì chúng ta cũng làm lại cho họ như vậy; nếu trả thù không được thì chúng ta oán trách họ; chúng ta hận họ đến tận xương tủy, như thế thì chúng ta cũng đâu có tốt lành gì hơn họ? Chúng ta cũng xấu xa như họ mà thôi.
Đối với những người xấu xa như thế, chúng ta nên tránh họ thì hơn. Người ta có nói : “Tránh VOI không xấu mặt nào” mà. Nhưng theo tôi thì, “Tránh SÂU cũng không xấu mặt nào” cả. Con Voi thì chúng ta biết, nó to, nó mạnh, nó khỏe, đương đầu với nó thì chúng ta toi mạng thôi. Tránh đi là thượng sách.
Còn con SÂU thì sao? Con sâu không to, không mạnh, không khỏe nhưng nó nhỏ, nó xấu, nó ghê, nó độc, nó ngứa; đụng vào nó cũng chỉ tổn hại cho chúng ta mà thôi; có giết được nó cũng ghê tay, lại mang tiếng “sát sinh”. Gặp chúng, chúng ta cũng nên tránh đi hay để cho chúng làm mồi cho chim trời thì hơn.
Đối với những người xấu xa, có lòng độc ác; đầy thủ đoạn; gian xảo, gian trá và láu cá, chúng ta cũng nên tránh xa, đừng gần gũi hay giao du với họ thì hơn. Vì giao du với họ, đôi khi chúng ta bực tức, vì thói giả nhân giả nghĩa của họ. Hơn nữa để chúng ta không lây nhiễm những thói xấu của họ; thứ đến là đừng để cho họ có cơ hội để hại chúng ta. Phần chúng ta, thấy họ xấu xa như vậy, chúng ta đừng bắt chước họ mà sống như vậy nhé !!!
- “Phải yêu đồng loại như chính mình”(x.Lv 19,18b).
Việc thứ 3 là chúng ta phải yêu người khác như chính mình.
Có chỗ thì ghi “Phải yêu người thân cận như chính mình”(x. Mt 22,39;Lc 10,27; Mc 12,33). Theo từ ngữ, thì “người thân cận” là người thân, người sống gần bên mình; nhưng theo dụ ngôn người Sa-ma-ri-a tốt lành thì “người thân cận” lại là người thực thi lòng thương xót(x. Lc 10, 36-37). Có nghĩa, là dù không là người thân thích; người ở xa, mà chúng ta thực thi lòng thương xót; có lòng nhân từ giúp đỡ, thì người đó vẫn là “người thân cận” của ta. Do đó, nói “yêu đồng loại như chính mình” thì phổ quát và chính xác hơn.
Yêu đồng loại tức là yêu người khác như chính mình. Yêu người khác như chính mình có nghĩa là chúng ta yêu mình thế nào thì chúng ta hãy yêu người khác như vậy. Vì họ cũng là người như chúng ta. Chúng ta không muốn ai ghét mình thì chúng ta cũng đừng ghét ai; chúng ta không muốn ai trả thù mình thì chúng ta cũng đừng có trả thù ai; chúng ta không muốn ai oán hận mình thì chúng ta cũng đừng oán hận ai.
Nói tóm là chúng ta muốn điều tốt, điều hay, điều lành cho mình thì mình cũng muốn điều tốt, điều lành, điều hay cho người khác. Chúng ta không muốn điều xấu xa; không muốn ai lừa dối mình; làm hại mình thì chúng cũng đừng làm điều xấu xa; đừng lừa dối ai cũng đừng làm hại ai. Đó là yêu người như chính mình.
Theo thánh Phao-lô, còn có một lý mạnh hơn nữa. Đó là mỗi người đều là Đền Thờ của Thiên Chúa”(x.1Cor 3,16). Và “Ai phá hủy Đền Thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy”(x. 1Cor 3,17). Ghen ghét người khác; không quở trách người khác; trả thù người khác; oán hận người khác là chúng ta mang tội “phá hủy Đền Thờ của Thiên Chúa” đấy.
Vậy, nếu chúng ta bị vả má bên phải, hãy giơ cả má bên trái ra nữa; nếu có ai kiện chúng ta để lấy áo trong, hãy để cho họ lấy cả áo ngoài; nếu có ai bắt chúng ta đi một dặm, thì hãy đi với người đó 2 dặm(x. Mt 5,39-40). Tôi thiết nghĩ, 3 việc này không có ý nói về thực tế mà muốn nói về tinh thần; nghĩa là chúng ta có thể làm gấp đôi những gì họ muốn. Thế mới là “Cao Cơ”; Cao tay.
Rồi, nếu có ai xin, thì chúng ta hãy cho; ai muốn vay mượn thì chúng ta đừng ngoảnh mặt đi(x. Mt 5,38-42). Nhiều khi ghét; nhiều khi không ưa hay nhiều khi muốn trả thù, họ xin, chúng ta không cho; họ vay mượn, chúng ta nói không có.
Tiếp đến là “Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (x. Mt 5,44). Yêu kẻ thù thì Rất Khó, nên đừng có ai là kẻ thù của chúng ta hay đừng coi ai là kẻ thù của chúng ta là OK. Thế là tránh đi một điều rất khó !!! Còn việc cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng ta, cũng Hơi Khó đấy, nhưng cố gắng chúng ta có thể làm được. Chúng ta cầu cho họ đừng làm hại chúng ta hay cho người khác nữa. Chẳng lẽ cầu nguyện như vậy mà chúng ta không cầu nguyện được sao!
Quả thật, khi làm được tất cả những điều nói trên , thì chúng ta sẽ nên giống như Thiên Chúa; chúng ta sẽ nên hoàn thiện; chúng ta sẽ nên thánh nên thiện; chúng ta có lòng nhân từ. Đó chính là mục đích tối hậu khi chúng ta sống trên trần gian này. Chúng ta sống trên trần này để làm gì? Để làm việc; để có tiền, có của; có danh,....chăng? Không. Chúng ta sống trên trần gian này là để chúng ta nên thánh nên thiện; nên hoàn thiện. Để “dù cả thế gian này; dù sống, dù chết; dù hiện tại hay tương lai”, chúng ta luôn thuộc về Chúa. Chúng ta đừng làm Voi hay làm Sâu, kẻo người ta tránh xa; hãy nên người có lòng nhân từ; nên người hoàn thiện; nên người thánh thiện thì hơn.
(Lm. Bosco Dương Trung Tín)