Nhảy đến nội dung

Nguồn Gốc và Cùng Đích của ta

Chúa Nhật 27 QN (B)  

Nguồn Gốc và Cùng Đích của ta

“Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài. Chính vì muốn đưa con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc đích đáng, là cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành Vị lãnh đạo thập toàn dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ”(Dt 2,10).

  Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, nghĩa là gì?

Thiên Chúa là nguồn gốc mọi loài, có nghĩa là muôn loài muôn vật đều bởi Ngài mà ra, trong đó có con người chúng ta. Thiên Chúa đã tạo dựng toàn thể vũ trụ này, chứ không tự nhiên mà có; cũng không do một vụ nổ Bigbang nào. Chẳng có vụ nổ nào mà làm nên trái đất, mặt trăng và tinh tú hết. Rồi Thiên Chúa cũng tạo dựng con người có nam, có nữ. Con người chúng ta xuất phát từ Chúa chứ không từ khỉ.

Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng, Thiên Chúa là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Đó là niềm tin, là đức tin của chúng ta. Chúng ta tin Thiên Chúa là nguồn gốc muôn loại muôn vật và con người. Đấng dựng nên muôn loài muôn vật, hữu hình và vô hình, chính là Thiên Chúa của chúng ta, là Thiên Chúa mà chúng ta tin cậy kính mến.

  Thiên Chúa đó, không chỉ là nguồn gốc mà còn là cùng đích của muôn vật, muôn loài nữa. Nghĩa là muôn vật muôn loài và con người sẽ trở về với Thiên Chúa. Nói nôm na là đích đến của muôn loài muôn vật và cách riêng của con người chúng ta là Thiên Chúa. Mọi loài đều phát sinh bởi Chúa và cũng sẽ trở về với Chúa. Điều đó thật hợp tình, hợp lý. Nhưng sẽ không thể trở về với Chúa cách y chang như khi phát sinh. Nghĩa là muôn vật phải sinh hoa kết quả và con người phải nên thánh nên thiện. Dụ ngôn ông chủ giao các nén bạc cho các đầy tớ nói lên điều đó. Ai mà biết làm cho sinh lời, làm cho mình nên thánh nên thiện thì được thưởng; còn ai lười biếng, còn nguyên, y chang thì sẽ bị phạt.

Thiên Chúa đã làm một việc đích đáng, đó là việc gì? Đó là việc Ngài cho Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành Vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa con người chúng ta tới nguồn ơn cứu độ, tới nguồn gốc đã sinh ra chúng ta. “Con người đó chính là Đức Giê-su. Thật vậy, Đức Giê-su đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa”(Dt 2,9).

Do đó, Đức Giê-su trở thành Đấng thánh hóa ta và chúng ta trở thành người được thánh hóa. Cả Đức Giê-su và chúng ta đều cùng một nguồn gốc là Thiên Chúa, nên Đức Giê-su không hổ thẹn gọi chúng ta là anh em. Con người chúng ta là anh em của Đức Giê-su trong Thiên Chúa.

Như linh hồn và thân xác của ta; như đôi uyên ương, phu phụ nên một và không tách rời thế nào thì Đức Giê-su và chúng ta cũng sẽ nên một và không tách rời như thế. Xác mà không có linh hồn là một xác chết; vợ chồng mà không có nhau, không ở bên nhau thì đau khổ, buồn bã; chúng ta mà không có Đức Giê-su thì chúng ta sẽ không được cứu độ, không được sống đời đời.

  Dầu vậy, khi chúng ta chết thì linh hồn cũng phải lìa khỏi xác, nhưng ngày sau hết thân xác chúng ta sẽ được phục sinh và cũng với linh hồn được sống đời dời với Chúa. Đôi uyên ương, phu phụ mà xa nhau, không có dịp để gần nhau, nhưng tình yêu sẽ là mối dây liên kết, họ vẫn bên nhau trong tâm trí, trong tình yêu, trong lòng, không gì có thể tách họ ra cũng như ngăn cách họ ở bên nhau được. Không ở bên nhau bằng xương bằng thịt thì họ ở bên nhau thiêng liêng; nghe tiếng nói của nhau qua điện thoại, qua tổng đài trái tim; qua những ký ức, những kỷ niệm,….

  Còn ta với Đức Giê-su thì sao ? Có xa nhau được không ? Đương nhiên là có, nhưng cái có là về phía con người chúng ta chứ không từ phía Chúa. Con người chúng ta có tự do và lý trí; ta có muốn theo Chúa hay bỏ Chúa thì do chính ta quyết định. Về phần Chúa thì không bao giờ Chúa bỏ ta. Vì Chúa đã chết vì con người chúng ta mà. Ta mà xa Chúa thì chỉ có ta thiệt thôi; Chúa cũng không bắt ép ta được.

Chúa đã làm tất cả vì con người chúng ta: Chúa đã tạo dựng muôn loài muôn cho chúng ta hưởng dùng; Chúa cũng đã chết cho con người chúng ta được ơn cứu độ, được hưởng vinh quang của Chúa trên thiên quốc. Phần còn lại là tùy con người chúng ta mà thôi. Những ai muốn được hưởng ơn cứu độ, được hưởng vinh quang trên thiên quốc thì phải đồng lao cộng khổ với Đức Giê-su, nên một với Ngài như hồn với xác; gắn bó với Ngài như đôi uyên ương phu phụ.

  Thật ra, ta có chịu gian khổ thôi chứ không chết khổ như Đức Giê-su trên thập giá đâu. Chỉ có các thánh tử đạo, mới chết khổ như Chúa thôi. Các thánh tử đạo đã dâng hiến mạng sống mình như Đức Ki-tô đã dâng hiến, nên các ngài đích thật là anh em với Đức Ki-tô và các ngài đã lãnh nhận triều thiên vinh quang trên thiên quốc.

  Như 118 vị thánh tử đạo tại việt Nam, người thì bị xử trảm, tức là chặt đầu; người thì bị xử giảo, tức là bị thòng dây vào cổ và xiết cho đến khi tắt thở; người thì bị bá đao, tức là bị chém 100 nhát; người thì bị thiêu sống, tức là để vậy rồi lấy lửa đốt; người thì bị lăng trì, tức là bị chặt đầu và chân tay; người thì chết trong tù. Trong các cách chết này, bị thiêu sống là đau khổ hơn cả.

Bị xử trảm, dù sao chỉ bị chém một nhát thì đứt đầu, không còn biết đau là gì nữa. Bị xiết cổ thì cũng 5 phút là xong; Bị chém 100 nhát, cũng đau, nhưng chết cũng nhanh hơn. Bị xử lăng trì, nếu bị chặt đầu trước, rồi chặt chân tay sau, cũng đỡ bị đau; nếu làm ngược lại cũng đau lắm. Bị chết trong tù do bệnh tật, bị tra tấn, bị đói khát, chết dần, chết mòn, cũng đau khổ lắm. Các ngài là của lễ hi sinh dâng lên Thiên Chúa.

Còn bị thiêu sống thì ghê rợn hơn. Người còn sống mà bị thiêu. Ta thử nghĩ coi, tay chân bị trói, rồi bị lửa thiêu, bị đốt cháy dần dần, cháy da cháy thịt, thời gian bị thiêu dài hơn; có khi lửa cháy hết rồi mà vẫn chưa chết được thì đau rát biết chừng nào. Đúng là Các Thánh Tử Đạo. Phải nhờ có ơn Chúa, các ngài mới có thể chịu đựng được đến thế. Các ngài là của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa.Các ngài cũng biết rõ cùng đích của mình là Chúa, nên đã can đảm và trung thành với Chúa cho đến cùng.

Chúng ta không được diễm phúc đổ máu đào như các ngài, để đồng lao cộng khổ với Đức Ki-tô, thì ta đổ “máu trắng” vậy.“Máu Trắng”, đó là những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt; đó là những hi sinh, đó là những khó khăn ta chịu vì Chúa, vì giữ Đạo; vì giữ luật Chúa, vì sống Lời Chúa. Như mỗi khi ta dành thời giờ để cầu nguyện; dự lễ hằng ngày hay hàng tuần; mỗi khi ta thực hành Lời Chúa; mỗi khi ta yêu thương và giúp đỡ người khác, ……Chúng ta hãy noi gương các thánh tử đạo, trong Năm Thánh kỷ niệm 30 phong thánh, mà sống đức tin của mình.

  Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của muôn loài muôn vật; Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của chúng ta, chúng ta hãy nhớ điều đó. Đức Giê-su Ki-tô là An-pha và Ô-mê-ga; còn chúng ta từ Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về với Thiên Chúa qua Đức Ki-tô, Vị lãnh đạo thập toàn. Vậychúng ta hãy đi theo Vị lãnh đạo thập toàn này, để chúng ta về tới đích an toàn và lãnh được ơn cứu độ, lãnh được triều thiên vinh quang trên thiên quốc.

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: