Nhảy đến nội dung

Lên án tội mình: một con đường sám hối

CN V MC   
Lên án tội mình: một con đường sám hối

  “Ai trong các ngươi sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi

 (Ga 8,7).

  “Nghe vậy, họ bỏ đi hết; kẻ trước người sau, bắt đầu từ người lớn tuổi”. Tại sao ? Tại vị mỗi người trong họ đã nhận ra rằng, mình cũng tội lỗi như ai. Càng nhiều tuổi, nghĩa là càng sống lâu thì càng nhiều tội. Họ cảm thấy mình không sạch tội, nên không dám ra tay. Lại nữa, trong đoạn đó có viết rằng: “Rồi Người cúi xuống viết trên đất” (Ga 8,8). Đức Giê-su viết gì vậy? Người ta cho rằng Đức Giê-su viết tội của những người muốn ném đá.

  Con người chúng ta, ai cũng như ai, cũng yếu đuối, cũng lầm lỗi cách này cách khác. Người ta có nói: “Tắt đèn thì nhà ngói cũng như nhà tranh”. Áp dụng câu này vào trong hoàn cảnh này thật là chí lý. Nếu ta cứ thực tâm nhìn vào con người của mình, đừng nhìn vào người khác; hãy tắt đèn con mắt nhìn vào người khác đi, thì mỗi người chúng ta đều nhận ra rằng, chúng ta đều là những người yếu đuối và tội lỗi.

  Nói cách khác, cứ đặt mình trước mặt Chúa, ta sẽ nhận ra con người yếu đuối và tội lỗi của mình; dù rằng ta không tội hơn người khác; ta không yếu đuối hơn người khác; ta không xấu hơn người khác. Ta có “hơn” chút là do ta cố gắng, nhưng điều đó không cho phép ta kết án hay lên án tội của người khác hay cho mình tốt lành hơn; thánh thiện hơn người khác đâu. Bởi đó, ta cũng phải luôn ăn năn sám hối.

  Theo thánh Gio-an Kim Khẩu, “Cách sám hối hoàn hảo nhất đó là: Lên án tội lỗi của mình. Hãy là người đầu tiên xưng ra tội lỗi của bạn, để được nên công chính, để được Thiên Chúa tha tội” (Trích bài đọc 2 Kinh Sách, thứ Ba tuần 21 QN).

  Là người ai trong chúng ta cũng muốn là người đầu tiên lên án; kết án người khác. Thực tế, khi nghe người khác làm việc xấu gì là tức khắc ta lên tiếng ngay. Để làm chi? Để tung hỏa mù, để người ta chú ý vào người đó mà không chú ý đến ta. Đó là cách khôn lỏi của con người. Nếu ta làm như thế, thì chính ta bị thiệt thôi.

  Thứ nhất, ta sẽ bị Thiên Chúa kết án. Thứ hai, ta không có lòng ăn năn sám hối, thì ta không được Thiên Chúa thứ tha. Và thứ ba là ta không sửa chữa các lỗi lầm của mình. Không ăn năn sám hối; cũng không sửa chữa lỗi lầm thì làm sao ta nên thánh nên thiện được. Mà không nên thánh nên thiện, lại mang thêm tội, thì hậu quả thế nào ta biết rất rõ, khỏi cần nói.

  Thánh Gio-an Kim Khẩu giải thích tiếp như sau: “Vậy cả bạn nữa, hãy lên án tội lỗi mình đã phạm và thế là bạn đủ để được Thiên Chúa tha thứ. Thực vậy, ai lên án tội lỗi mình đã phạm sẽ lâu sa ngã hơn. Hãy thúc đẩy lương tâm, để lương tâm ở ngay trong bạn tố cáo tội lỗi của bạn và sau này lương tâm khỏi tố cáo bạn trước tòa Chúa”(Sđd).

  Lương tâm đóng vai trò rất quan trọng trong việc này. Có thể nói, chính lương tâm của những người đã bỏ đi mà không ném đá người phụ nữ, đã thúc đẩy, đã đánh thức họ, đã lên tiếng tố cáo họ. Ta cùng tìm hiểu xem lương tâm đây là gì?

  Theo sách Giáo Lý Công Giáo thì:

  “Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người. Nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ”(x. GLCG, số 1795). Theo đó, lương tâm là một nơi chốn, là chính tâm trí của một con người.

  Không chỉ là một nơi chốn, “Lương tâm là một phán quyết của lý trí. Nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể là tốt hay xấu”(x. GLCG, số 1796). Theo đó, lương tâm không chỉ ở cái tâm, mà còn ở trong lý trí nữa; tức là trong đầu, trong óc của ta; trong suy nghĩ của ta.

  “Nếu con người làm điều xấu, lời kết án của lương tâm có thể dẫn họ đến hoán cải và hy vọng” (x.GLCG, số 1797”. Vì “Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác” (x. GLCG, số 1776). Thế nhưng trong đời sống, tại sao lại có những người sống vô lương tâm, xấu xa, gian ác, hại người? Tại vì họ không rèn luyện lương tâm của mình.

  “Một lương tâm được rèn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Lương tâm ấy sẽ đưa ra những phán quyết theo lý trí phù hợp với điều thiện đích thật như Đấng Sáng Tạo đầy khôn ngoan muốn. Mỗi người đều phải tìm phương thế để rèn luyện lương tâm mình”(x. GLCG, số 1798). Qua đó, cho thấy việc đào tạo để có được một lương tâm tốt quan trọng biết bao!!!!!! Vậy làm thế nào để ta có được một lương tâm tốt đây?

  “Lời Thiên Chúa là ánh sáng chỉ đường cho con người. Chúng ta phải lãnh hội Lời Chúa trong đức tin, trong kinh nguyện và đem ra thực hành. Đó là phương thế để rèn luyện lương tâm” (x. GLCG, số 1802). Có thể nói, LỜI CHÚA chính là phương thế tốt nhất để rèn luyện lương tâm của ta. Ta có ba việc phải làm. Ta phải lãnh hội Lời Chúa trong đức tin, trong kinh nguyện và đem ra thực hành.

  Lãnh hội Lời Chúa trong đức tin là gì? Nghĩa là ta nghe và đón nhận Lời Chúa bằng đức tin. Với lòng tin vào Chúa ta nghe và đón nhận lời dạy bảo của Chúa. Lời Chúa đó không phải là lời của người phàm mà là Lời của Chúa. Lời Chúa đó cũng nuôi dưỡng đức tin của ta nữa. Ta cứ Lời Chúa dạy đó mà theo, mà làm, mà sống. Chắc ăn “như đinh đóng cột”.

Nghĩa là ta không sợ bị Chúa lừa gạt ta. Chúa đâu có cần tiền, cần của, cần vàng hay thứ gì đâu, thì Chúa lừa ta để làm gì. Chính con người mới cần mấy thứ đó nên bày mưu tính kế để lừa người ta thôi. Thực tế, đã có những người xấu, lợi dụng lòng tin của người khác, để kiếm chác, để kiếm tiền, để thỏa mãn thú tính của mình.

Lãnh hội Lời Chúa trong kinh nguyện nghĩa là gì? Nghĩa là qua các giờ cầu nguyện, ta lãnh hội Lời Chúa qua các câu kinh ta đọc; rồi ta suy gẫm xem Chúa nói gì với ta. Những lời KINH ta đọc thì đó chính là LỜI CHÚA, trích ra từ THÁNH KINH. Nếu là hát thì phải là hát những bài THÁNH CA, nghĩa là những bài hát đó bắt nguồn từ THÁNH KINH. Nếu những kinh và bài hát không lấy ra từ THÁNH KINH, thì đó chỉ là những bài viết; những bài hát của con người mà thôi. Có thể những bài viết hay bài hát đó giúp cho ta hiểu thêm về Chúa. Nhưng tốt nhất vẫn là những gì rút ra từ LỜI CHÚA.

Và một điều không thế thiếu đó là ta phải đem ra thực hành. Tin mà không thực hành cũng như không, đâu có ích lợi gì. Đọc KINH cho nhiều, cho dài mà không sống thì cũng như không, chỉ giống như tiếng la phèng phèng thôi. Chỉ có thực hành mới đem lại cho ta điều mà chúng ta mong muốn; mới rèn luyện được lương tâm của ta nên tốt được.

Vậy chúng ta hãy nghe Lời Chúa trong đức tin, trong kinh nghuyện và đem ra thực hành, ta sẽ có được một lương tâm tốt lành. Lương tâm đó sẽ không bao giờ cho phép ta lên án tội của người khác, nhưng sẽ lên án chính tội của mình, để ta biết ăn năn sám hối. Ở đây, ta có thể tự kiểm tra xem lương tâm của ta thế nào, tốt hay xấu. Nếu ta biết lên án tội của ta mà không lên án tội người khác, ta có một lương tâm tốt. Nếu ta chỉ biết lên án tội người khác thôi, thì lương tâm của ta xấu xa đấy.

Có được một lương tâm tốt, thì hạnh phúc cho ta biết dường nào!!!!!

Ta sẽ được nghe Chúa nói: “Ta cũng không kết án con đâu. Cứ về đi, từ nay đừng phạm tội nữa” (x. Ga 8,11). Quả thực, biết lên án tội mình là một con đường sám hối thiết thực nhất, hiệu quả nhất và khôn ngoan nhất.

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: