Những Dấu Chân Trên Hành Trình Truyền Giáo Của Cha Kim-rô
- T4, 02/04/2025 - 20:37
- Manna Bảo Lộc
NHỮNG DẤU CHÂN TRÊN HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO CỦA CHA KIM-RÔ
Vào đầu thế kỷ 20, có một vị linh mục trẻ người Pháp ngày đầu nhận xứ đến vùng đất xa xôi, nghèo khó, nơi không cùng chủng tộc, ngôn ngữ với mình. Hành trang người tân linh mục mang theo là lòng nhiệt huyết dâng tràn và tinh thần vượt khó. Vị tân linh mục ấy chính là Cha Yves-Louis Quimbrot, hay còn được bà con giáo dân gọi thân mật là cha Kim-rô. Ngài là một trong những thành viên của Hội Thừa Sai Paris (MEP) đã âm thầm dâng hiến cả cuộc đời cho sứ mạng truyền giáo tại Việt Nam.
Cho đến hôm nay, phần đông những người từng biết đến ngài đã về với Chúa. Giờ đây, cha Kim-rô chỉ còn là một cái tên với vài dòng sơ lược về khoảng thời gian mà ngài đã từng phục vụ tại các họ đạo.
Do sự giới hạn của tài liệu sử dụng, nên chắc chắn bài viết này sẽ có nhiều sai sót về những nơi mà cha Kim-rô đã dừng chân, đi qua và phục vụ. Đây không phải là một nghiên cứu lịch sử về cuộc đời của vị thừa sai, mà đơn giản chỉ là một sự góp nhặt những thông tin, tư liệu còn sót lại để tưởng nhớ và bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn đối với người đã hy sinh cống hiến một đời loan báo Tin Mừng cho Giáo hội Việt Nam, đặc biệt là Giáo phận Cần Thơ.
- Tiểu sử Linh mục Yves-Louis Quimbrot:[1]

Cha Kim-rô tên khai sinh là Yves-Louis Quimbrot, sinh ngày 07/01/1881 tại Janzé, giáo phận Rennes, tỉnh Ille-et-Vilaine, nước Pháp. Sau khi học tiểu học tại Janzé, ngài theo học tại trường Saint Martin ở Rennes, do các linh mục dòng Eudistes điều hành.
- Ngày 11/9/1899: Gia nhập Chủng viện Hội Thừa Sai Paris.
- Ngày 27/02/1904: Được phong chức phó tế
- Ngày 26/6/1904: Được truyền chức linh mục tại Chủng viện Hội Thừa Sai Paris.
- Ngày 03/08/1904: Khởi hành đến Hạt Đại diện Tông tòa Nam Vang (nay là Phnom Penh, Campuchia), bao gồm cả một phần Nam Bộ, Việt Nam.
- Khởi đầu sứ vụ tại Trà Lồng:[2]
Sau khi đến nơi, Đức cha Jean Claude Bouchut, Giám mục Giáo phận Tông tòa Nam Vang, đã cử cha Kim-rô đến Trà Lồng để học tiếng Việt dưới sự hướng dẫn của linh mục Vincent-Victor Gonet. Ngài ở đây trong hai năm (1904 -1905) để hoàn thành chương trình đào tạo truyền giáo.
Vào các năm 1905 - 1907, cha Kim-rô quản lý cộng đoàn Kitô giáo ở Tân Lập và Tam Hạt (sau này là Bôna, Hậu Bối).
Trận bão năm Thìn (1904) làm sập nhà thờ cùng nhiều nhà của giáo dân, đất đai hoa màu bị tàn phá, Trước tình cảnh đó, cha Kim-rô đã làm lại nhà thờ bằng gạch ngói và khởi công đào kênh Hậu Bối.
Ngày 30/01/1908, linh mục Vincent-Victor Gonet qua đời tại Đầu Nước (Cù Lao Giêng), cha Kim-rô trở thành linh mục chánh xứ của họ đạo Trà Lồng, đồng thời phụ trách cả vùng Trà lồng với nhiều họ đạo, nơi có hơn 3.000 tín hữu. Ngài đảm nhiệm vai trò này cho đến năm 1929.
Sau khi tiếp nhận họ đạo Trà Lồng, cha Kim-rô đã xây cất kiên cố Nhà thờ và các cơ sở bằng vật liệu chắc chắn hơn.
Ngài cũng chú trọng phát triển các họ đạo lân cận có thêm điều kiện về cơ sở vật chất, nhất là mua thêm đất đai, xây dựng nhà thờ cho các điểm lẻ như Kinh Đức Bà, Tân Lập, Thánh Tâm, Trà Rằm… Trong giai đoạn này, số lượng tín hữu gia tăng đáng kể.
Vào năm 1919, trong vùng trải qua nạn đói nghiêm trọng do mất mùa lúa cùng nhiều khó khăn khác. Dù trải qua thử thách nhưng cha Kim-rô vẫn không nản lòng mà luôn cố gắng chăm lo tốt cho đoàn chiên.
- Hành trình truyền giáo tại vùng đất Cà Mau.[3]
Ngày 29/6/1929, theo yêu cầu của Đức cha Valentin Herrgott, cha Kim-rô rời Trà Lồng đến Cà Mau - vùng đất mới đang được khai phá. Tại đây ngài đảm nhận sứ vụ coi sóc cả vùng Cà Mau với nhiều họ đạo từ năm 1929-1940.
Tiếp nối công việc của các linh mục tiền nhiệm, cha Kim-rô đã hoàn thành việc xây dựng nhà thờ Rạch Nhà (nay là Hòa Thành), đây là “Họ đạo mẹ” sản sinh ra nhiều họ đạo khác tại vùng đất Cà Mau.[4]
Năm 1929, cha Kim-rô di dời họ đạo Cà Mau từ khu Nhà Máy Lửa cũ về phường 6. Ngài đã mua ngôi nhà của ông Trưởng tòa Sửu cùng với hàng trăm mẫu đất với giá 12.000đ thời ấy. Kể từ đó, nhà của ông Sửu trở thành nhà xứ, và lẫm lúa được dựng thành nhà thờ Cà Mau.
Cha Kim-rô không chỉ là cha sở tiên khởi của họ đạo Cà Mau mà còn là cha sở đầu tiên của họ đạo Cái Rắn. Ngài đã cất một ngôi nhà nguyện nhỏ với vách lá đơn sơ và thường xuyên lui tới để cử hành các nghi thức phụng vụ cho giáo dân. Thời gian sau, ngài đã mua thêm 200 mẫu đất để làm một nhà nguyện mới.
Vào tháng 11/1930, một cơn bão lớn đã phá hủy nghiêm trọng tất cả các công trình và nhà thờ trong vùng: Cái Cấm, Thới Bình, Sông Ông Đốc… bị xóa sổ. Không nản lòng, ngài kiên trì tái thiết lại từ đống đổ nát và đặt nền móng cho sự phát triển của các họ đạo này về sau.
Năm 1931 cha Kim-rô dựng nhà nguyện bằng lá cho giáo dân tại Ao Kho có nơi đọc kinh và thờ phượng Chúa. Đồng thời ngài cho kinh phí cất nhà thờ số 6 Lacua bằng cây dầu lợp lá tại phần đất nằm giữa kinh 6 và kinh 7.
Để thuận tiện khi đi thăm viếng các tín hữu rải rác và di chuyển nhanh hơn qua các kênh rạch chằng chịt trong khu vực, cha Kim-rô trang bị động cơ dầu cho chiếc thuyền của mình và thường xuyên đi thăm giáo dân. Ngài cũng cắt đặt những người giáo dân trông coi tại mỗi giáo điểm hoặc nhà nguyện.
Ngày 02/12/1937 sau khi được tấn phong Giám Mục, Đức Cha Jean-Baptiste Chabalier đã bổ nhiệm cha Kim-rô làm đại diện Giám mục tại Cần Thơ.[5]
- Thi hành sứ vụ tại Cần Thơ và năm tháng cuối đời.[6]
Ngày 01/6/1940, cha Kim-rô nhận nhiệm sở tại họ đạo Chánh tòa Cần Thơ và đứng đầu giáo hạt này.
Biến cố năm 1945 đặt các linh mục thừa sai tại Việt Nam vào tình thế khó khăn: các ngài bị kẹt giữa chính quyền cách mạng và thực dân Pháp. Một số bị trục xuất hoặc bị tấn công, trong khi số khác vẫn tiếp tục hoạt động mục vụ giữa vùng chiến sự. Cha Kim-rô là nhà truyền giáo duy nhất ở Nam Kỳ có thể ở lại giáo xứ của mình. Chính tại nhà xứ của ngài là nơi giam giữ 8 nữ tu và 10 linh mục người Pháp trong thời tranh chấp giữa Nhật và Việt Minh.
Đầu năm 1949, cha Kim-rô và cha phó của mình là linh mục Yves Choimet bị nhóm người lạ mặt tấn công bằng súng trên đường về nhà xứ. Cha Kim-rô chỉ bị chấn động, nhưng cha phó của ngài bị thương khá nghiêm trọng.[7]
Những thay đổi của thời cuộc, tình trạng bất ổn trong khu vực, chiến tranh du kích không ngừng, cùng với việc các Linh mục, tu sĩ và giáo dân bị Việt Minh bắt bớ, đàn áp… đã làm sức khỏe của cha Kim-rô suy yếu đi nhiều.
Tháng 7/1949, ngài trở về Pháp để chữa bệnh, trao lại giáo xứ và giáo hạt cho linh mục trẻ Yves Choimet. Sau khi hồi phục, ngài trở lại Cần Thơ tiếp tục sứ vụ, đồng thời ra sức trợ giúp nhiều người tị nạn chiến tranh.
Ngày 15/9/1954, cha Kim-rô dâng thánh lễ tạ ơn mừng kỷ niệm 50 năm linh mục của mình tại Cần Thơ, với sự chủ trì của Đức Cha Jean-Baptiste Chabalier.
1954-1955, ngài là vị thừa sai cuối cùng tại nhiệm sở Sóc Trăng trước khi tách Giáo phận Nam Vang.[8]
Ngày 20/9/1955, Đức Thánh Cha Piô XII ký sắc chỉ Quod Christus chính thức tách các tỉnh miền Nam Việt Nam khỏi Giáo phận Phnom Penh, thành lập Giáo phận Tông tòa Cần Thơ.
Ngày 26/6/1956, cha Kim-rô qua đời tại Sóc Trăng. Hiện nay mộ phần của ngài được đặt dưới chân Thánh giá tại nhà thờ Sóc Trăng, thuộc Giáo phận Cần Thơ.
- Vị mục tử yêu thương trẻ nhỏ, cứu giúp người nghèo đói và sống nghĩa tình với anh em linh mục.
Để hòa nhập và thực thi sứ mạng, cha Kim-rô đã trở nên một ông Tây đậm chất văn hóa Việt, ngài nói tiếng Việt rất giỏi và thích nghi với phong tục, tập quán, lối sống cũng như cách ăn uống của người dân vùng sông nước.
Trong thời gian phục vụ tại Trà Lồng, ngài cũng từng giúp đỡ các em ở nhà mồ côi do cha Vincent-Victor Gonet thành lập.
Ngày 31/7/1922, chiếc thuyền nhỏ mà cha Kim-rô sử dụng để băng qua con kênh lớn gần nơi ở của ngài tại Trà Lồng bị lật. Một bé gái chứng kiến vụ tai nạn đã cứu ngài khỏi chết đuối. Tám ngày sau, chính bé gái đó bị rắn hổ mang cắn và lại được ngài cứu sống bằng một liều thuốc đặc trị. Sau đó, cô bé trở thành Kitô hữu và được rửa tội vào đêm trước Lễ Hiện Xuống năm 1924.
Trong một lần đi mục vụ ghé về ngang qua nhà thờ Cà Mau, cha Kim-rô nhìn thấy một bé trai đang chạy chơi trong sân nhà thờ, ngài đã gọi em lại chuyện trò và tặng em một đồng tiền. Mãi cho đến hơn sáu mươi năm sau, bé trai ngày ấy nay đã thành ông cụ, vô tình nhìn thấy tấm ảnh ngài treo trong nhà xứ và mới nhận ra rằng “ông Tây” năm đó chính là cha Kim-rô - vị cha sở mà trước đây ông thường nghe những người lớn nhắc đến.
Nối tiếp linh mục Vincent-Victor Gonet, cha Kim-rô tiếp nhận các nhà truyền giáo trẻ đến học tiếng Việt, và hướng dẫn đào tạo tông đồ cũng như giúp các cha thích nghi với hoàn cảnh sống mới.
Năm 1905, ngài từng sống tại Phnom Penh để hỗ trợ linh mục Tandart - người có đóng góp quan trọng trong nghiên cứu ngôn ngữ Pháp-Khmer.
Cuối tháng 5/1940, cha Kim-rô đến Cần Thơ để chăm sóc linh mục Simon Larrabure trong những giây phút cuối đời.
Giai đoạn 1945 khi tình hình chính trị ngày càng căng thẳng, cha Kim-rô lúc này đang ở Cần Thơ. Tại nhà xứ, ngài đón tiếp các linh mục thừa sai Raballand, Hans và Landreau và trợ giúp những người tị nạn.
Năm 1949, ngài trở về Pháp để điều trị bệnh, nhiều người nghĩ rằng ngài sẽ không quay lại, bởi lúc đó chiến sự tại Việt Nam vẫn còn rất phức tạp. Tuy nhiên, ngài đã sống trọn vẹn ơn gọi thừa sai của mình, quyết không bỏ rơi đoàn chiên dù biết rằng con đường phía trước đầy rủi ro và nguy hiểm.
Tựa như người gieo giống trên cánh đồng, những hạt giống đức tin mà cha Kim-rô vun trồng nay đã nảy mầm, vươn cao và đơm hoa kết trái: Những nhà nguyện hay giáo điểm năm xưa ngài sáng lập giờ đây đã trở thành những ngôi thánh đường khang trang, ngày ngày vang lên lời kinh nguyện của cộng đoàn dân Chúa. Những mảnh đất ngài từng mở rộng, nay trở thành tài sản quý giá của Giáo hội Việt Nam.
Một thế kỷ đã trôi qua, di sản mà cha Kim-rô để lại không chỉ là những công trình bền vững, những cộng đoàn đức tin mạnh mẽ, mà còn là hình ảnh một vị mục tử nhân hậu, gần gũi, luôn sẵn sàng hy sinh chịu thiệt vì đoàn chiên. Từ một linh mục trẻ ngày đầu đặt chân đến mảnh đất xa lạ, bắt đầu thích nghi, hội nhập, rồi lăn xả cống hiến sức mình để phục vụ, ngài chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai và đến cuối đời vĩnh viễn gửi thân xác lại nơi này.
Đối với giáo dân ở Trà Lồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau và nhiều vùng miền khác, ngài không chỉ là một linh mục, mà còn là một người cha, một người bạn, một người thầy tận tâm, xứng đáng là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ linh mục và giáo dân noi theo.
Những trang lịch sử cũng không ghi lại hết được những công lao mà cha Kim-rô đã dày công đóng góp cho Giáo hội Việt Nam. Nguyện xin cho ngài được hưởng niềm vui vĩnh cửu bên Chúa, Đấng mà suốt cuộc đời ngài đã phụng sự bằng tất cả con tim và linh hồn mình.
Ước mong rằng, bất cứ ai tình cờ đọc được bài viết này, dù chỉ một lần, cũng dành chút thời gian tưởng nhớ và tri ân cha Kim-rô - người của trăm năm cũ.
[1] Trang web Hội Thừa Sai Paris: https://irfa.paris/en/missionnaire/2775-quimbrot-yves/
[2] Kỷ yếu 60 năm thành lập Giáo phận Cần Thơ, NXB Phương Đông - Hạt Trà Lồng (Trang 186, 196, 198, 208, 212, 216, 218)
[3] Kỷ yếu 60 năm thành lập Giáo phận Cần Thơ, NXB Phương Đông - Hạt Cà Mau (Trang 354, 358, 361, 364, 384)
[4] Lược sử Giáo xứ Hòa Thành (Trang 22, 90)
[5] BIÊN NIÊN SỬ GIÁO PHẬN CẦN THƠ
[6] Tiểu sử Linh mục Yves-Louis Quimbrot: 2775 - QUIMBROT Yves - IRFA
[7] Tiểu sử Linh mục Yves Choimet: 3637 - CHOIMET Yves - IRFA
[8] x. Kỷ yếu 60 năm thành lập Giáo phận Cần Thơ, NXB Phương Đông - Hạt Sóc Trăng (Trang 292)