Nhảy đến nội dung

Sám hối chỉ là một lựa chọn ư!

SÁM HỐI CHỈ LÀ MỘT LỰA CHỌN Ư!

Một cách nhìn hơi bi quan khi được học hỏi và biết về lịch sử loài người. Ai đó đã buột miệng nói rằng: lịch sử loài người chỉ toàn đấu tranh, chiến tranh và chiến tranh. Biết bao mất mát, chết chóc! Biết bao nỗi kinh hoàng, sợ hãi gớm ghê! Biết bao nước mắt tuôn đổ thành dòng, khóc thương cho người thân đã ra đi hoặc đã nằm xuống! Thậm chí, một triết gia đã thốt lên: Homo homini lupus! (Con người là sói dữ của chính mình!).

Đành rằng lịch sử loài người ẩn chứa nhiều điểm tối, tiêu cực, nhưng cũng không hề thiếu vô vàn điểm sáng, tích cực! Các nhà du hành vũ trụ đã thuật lại khi họ là những người đầu tiên được nhìn thấy trái đất từ bên ngoài. Từ ngoài vũ trụ nhìn vào, họ thấy trái đất như một gia đình đông đúc cùng chung sống trong một mái nhà. Một phi hành gia kể: ngày thứ nhất trong vũ trụ bao la, mọi người chúng tôi ai cũng nhìn xuống tìm đất nước của mình; nhưng ngày thứ hai tìm lục địa của mình, và ngày thứ ba ai nấy đều ý thức mình cùng chung một trái đất.

Lối nhìn này không tự nhiên có được, nhưng ẩn chứa trong thái độ “cải hoá không ngừng”. Nói cách khác, đây chính là tinh thần-cách sống sám hối tự tâm. Phải chăng sám hối vẫn cần thiết? Sám hối chỉ là một lựa chọn không hơn không kém, có cũng được, mà không có cũng chẳng sao ư?

Trong cuộc triển lãm hội tụ các danh hoạ lừng lẫy khắp thế giới, họa sĩ người Hà Lan theo trường phái hậu ấn tượng tên là Vin-cent van Gogh có trưng bày một bức tranh tuyệt phẩm với nhan đề ‘Chúa đến’ (de Heer komt/The Lord comes). Ông hoạ hình Chúa Giê-su đang đứng gõ cửa trước căn phòng nhỏ. Một trong những người bạn ông đến thưởng lãm tranh, tấm tắc khen ngợi tài nghệ của ông, nhưng anh bạn ấy góp ý: “Này van Gogh, bức tranh anh vẽ khá hoàn hảo, nhưng dường như còn thiếu một chi tiết nào đó mà có lẽ anh không để ý tới, đó là: căn phòng Chúa đứng gõ cửa còn thiếu núm cửa!” Nghe thế, van Gogh liền đáp lời: “Không phải thế đâu anh bạn ơi! Chúa đang đứng gõ cửa ‘căn phòng tâm hồn’ mỗi người chúng ta. Còn chúng ta mở cửa hay không là do chúng ta quyết định. Núm cửa để mở phòng nằm ở bên trong, chứ không nằm phía bên ngoài!”

Thật vậy, Chúa chẳng hề bắt ép, đe doạ, thao túng tâm lý chúng ta, ngõ hầu chúng ta sám hối, ăn năn. Tuy nhiên, Ngài luôn kiên nhẫn đợi chờ, đứng ngoài gõ cửa tâm hồn của mỗi chúng ta, dù bên ngoài có giá băng, lạnh lẽo, có nóng bức khó chịu, Ngài vẫn chờ, vẫn đợi chúng ta mở rộng cõi lòng qua hành vi xác thực không gì khác hơn đó là SÁM HỐI TỰ TÂM. Đây cũng chính là lời hô vang, thúc giục của thánh Gio-an Tẩy Giả trong bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến” (Mt 3, 2). Thoạt tiên nhìn, sám hối dường như chỉ cần thiết cho những kẻ tội lỗi, những ai sống bê tha, chứ không phải cho tôi, cho chúng ta! Sám hối dường như chỉ là một lựa chọn, chứ chẳng phải cách sống hòng phải thực hiện! Nhưng nghiền ngẫm, gẫm suy dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, chúng ta nhận ra rằng: SÁM HỐI TẬN CẬN/SÁM HỐI TỰ TÂM (nguyên ngữ Hy lạp: metanoia) chính là nẻo đường cấp bách, thiết yếu, căn bản để chuẩn bị dọn lòng chờ đón Chúa sinh lại nơi tâm hồn chúng ta, trong gia đình, cộng đoàn, hội dòng chúng ta, và cũng sẵn sàng nghênh đón Chúa đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Từ các bài đọc hôm nay, nhất là Tin Mừng, chúng ta được biết: Sám hối trước hết là từ bỏ nếp sống giả hình, nếp sống ‘khẩu phật tâm xà’, lối sống hai lòng, cách sống giả tạo. Hơn nữa, sám hối nghĩa là từ bỏ những hình thức suy tôn tạo vật, những hình thái hoặc tư tưởng hệ tại danh vọng, tiền tài, sinh ra trọng khinh, định kiến. Sám hối không chỉ là nhìn nhận lỗi lầm của mình, nhưng còn phải đi xa hơn một bước nữa, đó là dẫn tới việc sửa đổi đời sống như thánh Gio-an Tẩy Giả đã đanh thét thúc giục: “Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối/lòng sám hối” (Mt 3, 8), và cụ thể hơn như thánh Phaolô khuyên bảo: “Anh (chị) em hãy tiếp rước nhau như chính Đức Giê-su đã tiếp nhận anh (chị) em” (Rm 15, 7). Sám hối chính là tinh thần đóng vai trò như ‘kim chỉ nam’ trong mọi cung cách, lối sống của người Ki-tô hữu với tư thế sẵn sàng như lời hô vang kêu gọi của thánh Gio-an Tẩy Giả: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” (Mt 3, 3). Chỉ có lòng sám hối tận căn nhờ sức thiêng của Chúa Thánh Linh, nhờ giáo huấn của Thánh Kinh (x. Rm 15, 4) và của Giáo Hội, chúng ta mới nhận ra và đón lấy “bông hoa từ gốc Giê-sê đâm chồi…Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa” (x. Is 11, 1-2).

Cầu nguyện: Lạy Chúa giàu lòng xót thương

Xin ban cho con tấm lòng sắt son

Luôn biết mở rộng chờ đón Chúa đến

Luôn biết ân cần nhẫn nại đợi trông

Luôn hân hoan bước tới với tha nhân

Với một tâm hồn sám hối tự tâm

Cùng với lối sống thống hối ăn năn

Sẵn sàng cung nghênh Chúa lại giáng lâm. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

Tác giả: