Nhảy đến nội dung

Tương quan - Bén rễ sâu trong Đức Ki-tô

TƯƠNG QUAN

               Trong cuộc sống, chả ai là không có tương quan, thế nhưng rồi tương quan ấy sẽ kéo dài bao lâu, nồng độ nông sâu như thế nào thì cũng cần phải đong đếm qua thời gian. Có những người thật sự vội đến và vội đi để rồi ta lại thầm nghĩ sao họ lại nhanh đến và nhanh đi như thế. Thậm chí có những người buông ra lời yêu thương tưởng chừng như thắm thiết lắm.

               Nhìn đến mối tương quan của con người, để dễ hình dung, ta lấy hình ảnh của một cây nào đó. Đã gọi là cây thì chắc chắn có rễ, có thân, có cành và có lá.

               Trên cây nào đó, ta thấy thứ dễ rời ta nhất có lẽ là những chiếc lá. Kế đến là cành. Phần còn lại là thân và rễ thì dường như là phần cốt lõi để quyết định sự sống còn của cây.

               Lá rất dễ rung hay dễ bị bay đi. Chỉ cần một cơn gió thoảng thì ta lại thấy lá rơi hay rụng. Và sau những cơn mưa bão, cành nào yếu và không bám vào thân sẽ lìa thân ngay thôi. Đó là quy luật sinh tồn của một cái cây.

               Tương quan trong đời ta cũng vậy. Có những người giống như chiếc lá. Những chiếc lá đó dường như chỉ trang điểm cho cây thêm một chút gì đó chứ không bảo tồn cây. Cành là những người cũng gắn bó với ta nhưng rồi có biến cố nào họ cũng sẵn sàng rời xa chúng ta. Rốt cuộc, còn lại thân và rễ ở lại với đời ta là những người thân thuộc, những người dám sống chết với ta dù với biết nao nhiêu thăng trầm của cuộc đời.

               Giữa xã hội phát triển, ta thấy con người có rất nhiều tương quan trong cuộc đời. Có khi là những tương quan của thời bạn học, của đồng nghiệp, của đối tác làm ăn hay là tương quan giữa bệnh nhân và một bác sĩ nào đó gọi là lâu năm. Có những gia đình họ theo bác sĩ nào đó khám chữa trị từ thời ông bà ngoại đến thời cháu và dĩ nhiên là bác sĩ đó cũng ở cái tuổi nghỉ hưu.

               Hơn bao giờ hết, trào lưu sống ảo bùng phát một cách không tưởng để rồi ta thấy người ta thật dễ dàng quen nhau. Chỉ cần lang thang trên mạng, qua các trang mạng xã hội là người ta có thể kết thân dù trước đó như chưa bao giờ quen biết. Cũng gọi là may rủi. Có những mối tình thật khắng khít phát sinh ở trên mạng nhưng rồi đa phần chỉ là mau qua chóng đến. Bi đát là có những người đã bị rơi vào bẫy mà người kia đặt ra để lừa tình. Không ít người đã ngậm ngùi chua xót sau khi phải ăn quả đắng do đối phương để lại.

               Càng ở trên mạng thì ta lại càng thấy cuộc đời nó bao quát hơn. Càng suy nghĩ lại ta lại thấy được mối tương quan nào là tương quan thật sự trong cuộc đời.

               Cũng vì sống ảo nên rồi có những người tìm vui trên mạng xã hội. Họ cố tình làm điều gì đó để kiếm được càng nhiều view cũng như like thì càng tốt. Thậm chí ta đọc những comment mà tưởng chừng như đôi bên thân quen nhau lắm nhưng tìm hiểu ra thì có khi cả đời họ cũng không thể gặp nhau.

               Kinh nghiệm bản thân, dù thận trọng trong những tương quan vì ít là mình biết mình là ai và mình ở vị thế nào để càng thận trọng. Thế nhưng rồi có những lúc ngồi nghĩ lại cảm thấy thật buồn cười. Họ đến với mình như một chiếc lá vậy. Có người không ngại dùng những lời xem chừng ra rất ư là hoa mỹ nhưng kết cục dường như đó chỉ là những lời sáo rỗng.

               Nhớ như in cái ngày lễ tạ ơn của một tân linh mục ở gần xứ nhà. Sáng hôm ấy, rất nhiều người dự Lễ và dĩ nhiên là những người thân quen với Cha.

               Trước khi bước vào Thánh Lễ, tiểu sử của Cha được dẫn với những hàng dài toàn những khó khăn vất vả. Đến ngày gọi là theo kiểu người ta hay gọi là vinh quy bái tổ thì ôi thôi sao nhiều người quá. Ngày hôm đó, tôi trộm nghĩ giá như những người gọi là thân quen với Cha ngày hôm đó mỗi người một tay giúp thì đâu phải để Cha phải rơi vào cảnh đạp xe đạp đi bán cà lem. Lên hàng “khinh tướng” xong là thấy khác

               Sau ngày vui hôm đó, Cha bắt đầu với sứ vụ linh mục với biết bao nhiêu khó khăn. Tôi thầm nghĩ Cha sẽ còn bao nhiêu người gọi là thân quen với Cha để đồng hành với Cha. Rồi những ngày tháng sau đó, cho đến ngày nào đó Cha nghỉ hưu thì ai sẽ là người thân cận với Cha trong những ngày dài ở nhà hưu dưỡng.

               Nghĩ như vậy, tôi lại  tạ ơn Chúa và thầm cảm ơn cũng như cầu nguyện với những người vẫn đồng hành với tôi trên mọi nẻo đường. Có người thì đã hơn một phần tư thế kỷ, có người từ ngày chịu chức linh mục hay thậm chí có người chỉ ít tháng. Người thật lòng thì họ vẫn ở bên mình dù bất cứ hoàn cảnh nào đến với mình. Dù mình bị hiểu lầm, dù mình bị chà đạp, dù mình bị bỏ rơi đi chăng nữa thì những người đó vẫn ở cạnh mình và đỡ nâng mình. Phải chăng đó mới chính là những người bạn chân thành của đời.

               Hay như cái đám bạn học từ thời cấp I. Nhờ mạng xã hội, chúng lôi kéo được nhau. Được đứa nào hay đứa nấy để rồi gặp lại nhau là trân quý lắm. Ba bốn chục năm nhưng tương quan vẫn như ngày nào. Gặp nhau thì cứ như con nít vậy dù rằng có đứa đã làm bà nội hay bà ngoại.

               Càng già, càng đứng tuổi để rồi ta sống chậm lại cũng như điểm lại những tương quan trong cuộc đời. Nhạc sĩ Vũ Thành An để lại cảm nghiệm thật là hay : “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa ?”

               Đúng như thế, hay như người ta nói bạn là khi hoạn nạn có nhau chứ không phải là bạn khi hoạn nạn gọi là thuê bao ngoài vùng phủ sóng.

               Trong thân phận làm người, ý thức được sự mỏng dòn non yếu cũng như rất cần sự đỡ nâng. Tương quan làm cho con người ta sẽ vui, sẽ vượt qua những khó khăn thử thách của cuộc đời nếu gặp những tương quan tốt.

               Nhìn lại cuộc đời, nhìn lại bản thân, tôi thấy mình thật ít bạn nhưng dường như hễ có thì đó lại là chân tình. Chỉ cần vài người thân quen như một vài người thân quen nào đó dù ở nơi xa, như người em kết nghĩa ngày nào cũng tám chuyện và cùng với thân bằng quyến thuộc luôn đồng hành và sẻ chia với mình trong cuộc sống dường như là đủ rồi. Tương quan chỉ cần ít nhưng tương quan ấy lại chân thành. Những ai mau đến và mau đi cũng để lại cho mình những bài học của cuộc đời và nhất là mình đừng “thả thính” hay buông lời ngon ngọt với người khác để họ cứ nghĩ là mình thương họ thật. Sống với nhau cần và cần lắm sự chân thành và thành thật.

               Xin cảm ơn một vài tương quan chân thành trong cuộc sống như là món quà Chúa gửi đến tôi. Luôn tự nhủ và ý thức rằng ít ít nhưng mà chất và họ như là thân, là rễ của đời tôi còn hơn là cả lố nhưng họ chỉ là những chiếc lá gắn thêm vào cành cây của đời tôi.

Lm. Anmai, CSsR

************

BÉN RỄ SÂU TRONG ĐỨC KITÔ

            Chắc hẳn nhiều người không quên được thánh vương Đavid. Cách đặc biệt về câu chuyện phạm tội của nhà vua.

            Vào một buổi chiều, vua Đavid từ trên giường trỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời. Vua Đavid sai người đi điều tra về người đàn bà… Vua Đavid sai lính biệt phái đến đón nàng, nàng đến với vua và vua nằm với nàng… Nhưng hành động của vua Đavid không đẹp lòng Đức Chúa.


            Sách Thánh kể lại rằng thì là được Thiên Chúa tuyển chọn xức dầu thánh hiến, cuộc đời Đavid bắt đầu bước đi trong ân sủng của Ngài. Đavid gắn bó thiết thân với Đức Chúa trong mọi lời ông nói, mọi việc ông làm, để rồi dưới tác động của Thần Khí, từng bước từng bước, Đavid trở thành một vị tướng, một vị vua tài đức, có khả năng đánh đông dẹp bắc, đánh đâu thắng đó.

Và rồi hơn ai hết, Đavid trở thành một con người trung tín với Đức Chúa, với đường lối của Người. Chính vì thế, ngay cả khi đối diện với vua Saun, người đang tìm cách tước đoạt mạng sống của mình, Đavid vẫn chọn suy phục người đã được Đức Chúa xức dầu tấn phong hơn là sự an nguy của chính ông. Sống trong ân sủng của Thiên Chúa, tâm hồn Đavid trở nên cao thượng, sáng ngời. Với Chúa, ông biết Chúa là ai và ông là ai, ông ý thức rất rõ, ông chẳng là gì mà Chúa đã đặt ông lên tới địa vị mà ông không nghĩ tới. Sự thiết thân, gắn bó với Đức Chúa đã xây dựng nên một khuôn mẫu Đavid sống nghĩa tình trong tương quan với Chúa và với người.

Ngỡ rằng hình ảnh vua Đavid sẽ mãi mãi sáng ngời trong những trang Kinh Thánh, thế nhưng, chỉ một lần để mắt mình bám rễ vào thế gian, vào nơi phàm tục, về dục vọng thì cuộc đời của vua Đavid, một bậc minh quân dần dần biến chất. Từ một vị vua cao thượng đầy đức độ trở thành một tiểu nhân. Từ một người biết Chúa là ai, biết mình chẳng là gì, Đavid trở thành một con người đầy thủ đoạn, đầy toan tính mưu mô thấp hèn. Từ một tướng quân tài giỏi, đánh đâu thắng đó, lại không thắng nổi những đam mê dục vọng trong lòng mình. Khởi đi từ một cái nhìn bất chính, tội đã nẩy mầm và bén rẽ trong tâm trí ông. Chỉ một lần bám mắt vào thế gian, là cả một chuỗi ngày dài, Đavid lún sâu vào muôn vàn tội ác. Tội chẳng bao giờ dừng lại mà sinh ra nhiều tội khác, để mãi đến khi Thiên Chúa đến thức tỉnh, vạch mặt chỉ tên, vua Đavid mới nhận ra sự suy đồi đạo lý, mới nhận ra sự vong thân của chính mình.

Dẫu rằng sau lần sa ngã và được Chúa thức tỉnh, Đavid đã làm một cuộc sám hối ăn năn, nhưng cạm bẫy vô hình mà vua Đavid vấp phải, khởi đi từ sự bám rễ vào thế giới phàm tục, vào những đam mê, có sức hủy diệt phẩm chất của một người được Chúa tuyển chọn. Đó là bài học vô cùng quý giá muôn đời cho Giáo Hội, cho mọi Kitô hữu, và đặc biệt là cho những người được ghi dấu ấn Ba Ngôi trong cuộc đời.

Khi chọn gọi và chọn những người theo Chúa thì Chúa đặt để họ vào thế giới giằng co liên tục. Chúa vừa tách họ ra khỏi thế gian lại sai họ vào hiện diện, sống trong thế gian có nhiều cám dỗ để làm chứng nhân cho Chúa, một Thiên Chúa tình yêu, hiền hậu và khiêm nhường, một Thiên Chúa chậm giận và rất mực khoan dung, một Thiên Chúa khó nghèo và thánh thiện. Một Thiên Chúa tù bỏ và hy sinh. Chúa sai những người đó đi vào thế gian nơi phủ đầy những cạm bẫy của chức – lợi – danh, Chúa để họ phải đối diện với những cám dỗ vàng thau lẫn lộn mà nhiều khi họ không có khả năng nhận diện và cũng không có khả năng kháng cự. Chúa để những người đó vẫn phải chiến đấu với những tham sân si của phận người.

Hãy bén rễ sâu nơi Chúa Kitô, can đảm đi ngược dòng đời, sẵn sàng xả thân cho sự thiện, công lý và sự thật. Thiên Chúa luôn mời gọi mọi người mang danh mình là Kitô hữu phải bước theo Chúa Kitô và vác thập giá mình mỗi ngày mà đi theo Chúa.

Thật vậy, không đơn giản để bén rễ sâu trong Chúa trong đời sống của con người.

Ai trong chúng ta cũng từng có lần quan sát một cây mọc lên từ đất. Những gì chúng ta nhìn thấy chỉ là phần nổi của cây. Để đứng vững, bất kỳ loại cây nào cũng phải bén rễ vào đất. Cây bén rễ vào đất không chỉ để đứng vững, mà còn để hút chất dinh dưỡng từ đất, nhờ đó mà cây có thể tồn tại và sinh hoa kết trái.

Cùng với hình ảnh một cây bén rễ sâu vào đất, Thánh Phaolô cũng dùng một hình ảnh khác để so sánh sự gắn bó thân tình giữa người tín hữu với Đức Kitô, đó là động từ “xây dựng”. Khi nói đến xây dựng là chúng ta nói đến một công trình. Công trình nào, dù lớn hay nhỏ đều cần có nền móng. Phần móng là phần quan trọng để ngôi nhà được bền vững trước bão táp phong ba. Nếu móng nhà không chắc, nhà sẽ dễ dàng đổ sập.

Một người quen ở miền Tây sông nước Cửu Long, theo như anh kể thì anh ngày nào cũng tham dự Thánh Lễ. Chả phải mới đây mà từ bé anh được gửi ở trong nhà thờ giúp cha xứ.

Nghe anh kể thì thầm cảm phục vì lẽ ngày hôm nay hiếm có thể thấy một chàng thanh niên có lòng đạo như anh. Đó là nhận xét ở góc cạnh bên ngoài vì dường như không khi nào anh bỏ lễ.

Và rồi đến một hôm, khi kể về uất ức của anh khi bị một người thân quen ức hiếp. Trong cơn giận, anh vác dao rượt người kia. Cũng may là vợ anh đã can ngăn.

Rồi cũng một chàng thanh niên tầm ngang tuổi của anh cũng có một lòng đạo đức mà tôi phai sửng sốt khi nghe anh kể. Có chuyện là anh nhờ cầu nguyện vì anh nóng tính với mọi người và kể cả người mẹ già mà anh đang chăm sóc. Dường như anh dành thời gian cầu nguyện cùng với những bệnh nhân trên giường bệnh hay hấp hối.

Với hai hình ảnh mà qua trao đổi, tôi giật mình cho lối sống đạo đức như vậy. Tôi thầm nghĩ nguyên nhân chính đó là họ đã không bén rễ sâu đời của họ trong Đức Kitô. Nếu có Đức Kitô ở trong họ cách thật sự thì họ sẽ không hành xử như thế cho dù là nóng giận đến mức nào đi chăng nữa. Dù bất cứ là ai nhưng kiêu căng cũng như có hành vi muốn hạ thủ người khác thì có lẽ không ai chấp nhận và nhất là khi người đó mang danh là Kitô hữu.

Một cách lý thuyết nhưng thật sự là đúng cũng như lượng giá về lòng đạo có lẽ dễ nhìn thấy ngay trong thái độ sống và cách hành xử của người đó. Chỉ khi nào người ta bén rễ cách thật sự với Đức Kitô thì người ta mới có tâm tình như Chúa và hành xử như Chúa. Khi người ta chỉ dự lễ cho xong hay mở miệng ra luôn nói về Chúa mà sẵn sàng hạ sát người khác thì khi đó họ không mặc lấy Đức Kitô trong cuộc đời rồi.

Lm. Anmai, CSsR

Tác giả: