YÊU và BIẾT YÊU là màu hồng của đời ta
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN IV MC
YÊU và BIẾT YÊU là màu hồng của đời ta
Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời.(Ga3,16)
“Thế gian” ở đây phải hiểu là con người chúng ta. Thiên Chúa đã yêu thương con người chúng ta, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời. Tại sao Thiên Chúa lại yêu thương con người chúng ta đến nỗi như vậy? Theo sách Giáo lý công giáo thì:
“Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan, muốn mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Người. Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần và được thông phần bản tính của Thiên Chúa” (x. GLCG, số 51).
Có nghĩa là Thiên Chúa muốn cho con người chúng ta đến cùng Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô để được thông phần bản tính của Thiên Chúa.
“Thiên Chúa ngự trong ánh sáng siêu phàm, muốn thông ban sự sống thần linh của chính mình cho loài người mà Người đã tự do sáng tạo, để làm cho loài người được trở nên nghĩa tử trong Con Một của Người. Bằng cách tự mặc khải chính mình, Thiên Chúa muốn giúp cho loài người có khả năng đáp Lời Người, nhận biết và yêu mến Người vượt trên những gì họ có thể làm được tự sức mình” (x. GLCG, số 52).
Tức là Thiên Chúa muốn giúp cho con người chúng ta có khả năng đáp lại Lời mời gọi, cũng như ý muốn của Chúa.
Thế nhưng trên hết mọi lý do, đó là tình yêu thương. Thiên Chúa được gọi là Thiên Chúa của tình yêu thương mà.
“Trong dòng lịch sử của mình, dân Ít-ra-en đã khám phá ra Thiên Chúa chỉ có một lý do duy nhất khi tự mặc khải cho họ và đã chọn họ giữa tất cả các dân khác để thuộc về Người. Đó là “tình thương nhưng không” của Người. Và nhờ các Ngôn Sứ, dân Ít-ra-en cũng hiểu rằng, chính vì yêu thương mà Thiên Chúa đã không ngừng giải cứu và tha thứ những bất trung và tội lỗi của họ” (x. GLCG, số 218).
“Tình thương nhưng không”, được hiểu nôm na là Thiên Chúa yêu thương con người chúng ta không vì lý do nào nơi con người chúng ta cả. Hoàn toàn về phía Thiên Chúa cách tự do và tự nguyện.
“Thánh Gio-an Tông đồ còn đi xa hơn khi xác nhận : Thiên Chúa là Tình Thương. Bản thể của Người là tình Thương. Khi cử Con Một Người và Thánh Thần tình yêu đến trần thế, lúc thời gian đã viên mãn, Thiên Chúa mặc khải điều bí ẩn nhất của Người: Chính Người là sự trao đổi tình yêu vĩnh cửu – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – và Người đã tiền định cho ta được dự phần vào tình thương ấy” (x. GLCG, số 221).
Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng Thiên Chúa của chúng ta có bản thể, có bản tính, có bản chất là tình yêu thương. Có thể nói tóm gọn một điều là trong Thiên Chúa chỉ có một chữ YÊU mà thôi. Chữ YÊU đó nói lên tất cả, bao trùm tất cả. Vì YÊU mà Thiên Chúa đã dựng nên trời đất muôn vật và trong đó, con người chúng ta được Thiên Chúa yêu thương hơn hết. Điều đó được diễn tả trong một từ là “ĐẾN NỖI”, nghĩa là hết mức, là quá mạnh; là quá yêu, là yêu quá. Thiên Chúa đã yêu thương con người chúng ta quá, nên đã ban chính Con Một của mình.
Có một câu chuyện có thật của một đôi vợ chồng kia. Khi người vợ nghe người chồng nói: “Anh chỉ cần Em yêu anh là đủ, anh không cần gì hết nữa”, thì nói rằng : “Anh khôn quá trời!!!!!!!!!! Một chữ YÊU của Anh đã bao gồm tất cả còn gì. Quả thật, một chữ YÊU đã làm cho họ hạnh phúc viên mãn và hạnh phúc mãi mãi. Chữ YÊU đó bắt nguồn từ chữ YÊU của Thiên Chúa đấy. Vì chữ YÊU đó mà đã ban cái gì quí nhất; vì chữ YÊU đó mà đã cho đi tất cả những gì làm cho người khác được hạnh phúc. Chứ YÊU mà chỉ vơ vét lại chính bản thân mình thì tình yêu thương đó gọi là ích kỷ, không đem lại hạnh phúc cho người khác, chỉ đem lại cho chính mình thì chẳng có ai khao khát tình yêu thương đó cả. Người ta sẽ tránh xa.
Do đó, trong cuộc sống chúng ta cũng hãy bắt chước Thiên Chúa, để đáp lại tình yêu thương của Ngài. Cụ thể chúng ta sẽ phải làm gì đây?
“Nhờ mặc khải, do tình yêu vô biên, Thiên Chúa vô hình ngỏ lời với con người như với bạn hữu. Người đối thoại với họ, để mời gọi cho họ hiệp thông với Người. Đức tin là lời đáp trả thích đáng của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa” (x. GLCG, số 142).
“Nhờ đức tin, con người đem tất cả trí khôn và ý chí của mình mà suy phục Thiên Chúa. Con người đặt trọn bản thân qui thuận Đấng mặc khải là Thiên Chúa. Thánh Kinh gọi cách đáp trả này là “Sự vâng phục bằng đức tin”.(x. GLCG, số 143).
Nhưng “sự vâng phục bằng đức tin” là gì? “Vâng phục trong đức tin là tự nguyện vâng phục lời đã nghe, bởi vì chân lý của lời đó được Thiên Chúa là chính Chân Lý bảo đảm. Thánh Kinh trưng dẫn ông Áp-ra-ham như gương mẫu của sự vâng phục này và Đức Ma-ri-a là người thể hiện lòng vâng phục ấy cách hoàn hảo nhất” (x. GLCG, số 144).
Thiên Chúa phán với Áp-ra-ham: “Ngươi hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (x. St 12,1). Ông Áp-ra-ham đã ra đi như lời Chúa đã phán với ông(x.St 12,4). Quả thật, Áp-ra-ham đã vâng phục Thiên Chúa; ông đã tin vào Thiên Chúa và vào Lời Chúa nói. Tin trong vâng phục và vâng phục trong đức tin. Và sự vâng phục bằng đức tin đó lên cao trào nơi việc Á-p-ra-ham dám dâng hiến con một mình là I-sa-ac cho Thiên Chúa.(x. St 22, 1-18)
Nơi Đức Ma-ri-a, sự vâng phục bằng đức tin qua câu trả lời : “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”(x.Lc 1,38). “Trong suốt cuộc đời và cho đến giờ thử thách cuối cùng, khi Đức Giê-su con Mẹ chết trên thập giá, đức tin của Mẹ không hề lay chuyển. Mẹ không ngừng tin rằng Lời Chúa sẽ ứng nghiệm. Chính vì thế, Hội Thánh tôn kính Mẹ là Người đã thể hiện đức tin tinh tuyền nhất” (x. GLCG, số 149).
Chúng ta tự hỏi tin vào Thiên Chúa, vâng phục Thiên Chúa có ảnh hưởng thế nào đối với cuộc sống của chúng ta? “Tin vào Thiên Chúa, Đấng duy nhất và yêu mến Người với cả con người có những hệ quả rất lớn cho trọn cuộc sống của chúng ta”(x. GLCG, số 222). Có 5 hệ quả sau đây:
- “Đó là nhận biết sự cao cả và uy linh của Thiên Chúa. Phải, Thiên Chúa thật quả cao cả, Người vượt mọi thông hiểu của chúng ta. Người yêu chúng ta đến nỗi ban chính Con Một. Có một mà cho một là cho hết rồi còn gì. Chính vì thế mà Thiên Chúa phải được chúng ta phụng thờ trên hết”(x. GLCG, số 223).
- “Đó là sống trong niềm tạ ơn. Nếu Thiên Chúa là Đấng duy nhất, yêu thương chúng ta đến nỗi ban chính Con Một, thì chúng ta là gì và có gì đều do Người mà đến(x. GLCG, số 224); đều do Người ban cho. Nên chúng ta phải luôn luôn sống trong niềm tri ân cảm tạ.
- “Đó là nhận biết được tính thống nhất và phẩm giá đích thực của mọi người. Vì mọi người đều được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa”(x. GLCG, số 225). Cái giống đây là YÊU và BIẾT YÊU.
- “Đó là biết sử dụng thích đáng những thụ tạo. Vì tin vào Thiên Chúa duy nhất, chúng ta sử dụng mọi thụ tạo trong mức độ chúng giúp chúng ta đến gần Chúa và dứt bỏ khi chúng lôi kéo chúng ta xa khỏi Chúa”(x. GLCG, số 226).
- “Đó là phó thác cho Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, kể cả nghịch cảnh. Một bản kinh của thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su diễn tả ý đó một cách tuyệt vời:
Đừng để điều gì làm cho bạn xao xuyến;
Đừng để điều gì làm cho bạn lo sợ.
Mọi sự đều qua đi; Thiên Chúa không thay đổi.
Kiên nhẫn thì ta sẽ được mọi sự.
Người có Chúa ở cùng thì không thiếu gì:
Một mình Thiên Chúa đủ cho ta” (Poes.30)(x. GLCG, số 227).
Vậy chúng ta hãy nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta và đáp trả lại tình yêu thương đó bằng sự vâng phục của đức tin. Tin vào Chúa và tin vào Con Một Chúa; tin vào Lời Chúa và tin vào Lời của Con Một Chúa. Chúng ta sẽ không bị hư mất nhưng được sống muôn đời; cũng như YÊU và BIẾT YÊU để ta được sống trong hạnh phúc bây giờ và mãi mãi. YÊU và BIẾT YÊU là màu Hồng của phụng vụ hôm nay; YÊU và BIẾT YÊU là màu hồng của đời ta.
Lm. Bosco Dương Trung Tín