Tôi cũng không lên án chị - Máu của sự tha thứ
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lại Thế Lãng
Tôi cũng không lên án chị - Máu của sự tha thứ
The Word Among Us – Lại Thế Lãng dịch
“Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta!” (St 4:10). Với những lời này Thiên Chúa đã đối mặt với Ca-in về việc giết hại em trai mình là A-ben. Thiên Chúa nói Ngài đã “nghe” tiếng máu của A-ben kêu lên và Ngài đang đòi Ca-in tính toán. Nhiều thế kỷ sau, lá thư gửi tín hữu Do Thái nói về “máu đã rảy” của Chúa Kitô, “điều này còn nói mạnh thế hơn cả máu của A-ben” (12: 24)
Thông điệp mà máu Chúa Giêsu nói mạnh thế hơn là gì? Đó là câu hỏi chúng ta muốn tập trung vào trong mùa Chay này. Chúng ta sẽ thấy rằng máu Chúa Giêsu thực sự nói với chúng ta ba “lời mạnh thế”:
- Một thông điệp về sự tha thứ
- Một thông điệp về sự hy sinh
- Một thông điệp về một giao ước mới
Vậy trong bốn mươi ngày này chúng ta hãy hướng mắt lên Chúa Giêsu trên thập giá, nơi máu Ngài đã đổ xuống trần gian và trong bữa Tiệc ly, nơi Chúa Giêsu hiến tặng các môn đệ của Ngài “máu của giao ước” (Mt 26: 28). Hãy xem xem Chúa Giêsu có thông điệp gì cho chúng ta, một thông điệp có thể đưa chúng ta đến niềm vui Phục sinh.
Tôi tha thứ cho bạn. Chỉ mấy từ ngữ đơn giản nhưng những từ đó chứa đựng nhiều ý nghĩa. Nói rằng “Tôi tha thứ cho bạn” cũng giống như nói rằng “Tôi không giữ điều này chống lại bạn. Tôi không muốn ký ức về sự tổn thương này tồn tại giữa chúng ta nữa”. Khi bạn nói “Tôi tha thứ cho bạn” bạn cũng đang nói rằng “Tôi sẽ cố gắng đáp lại bạn”. Nó không chỉ là một tuyên bố thực tế, nó còn là một tuyên bố ước muốn – ước muốn hàn gắn một mối quan hệ bị tổn thương. Thật nhẹ nhõm khi nghe ai đó nói những lời này với chúng ta, đặc biệt là khi chúng ta đang cảm thấy tồi tệ vì đã làm tổn thương người đó.
Hãy tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi Thiên Chúa nói những lời tương tự với bạn. Hãy tưởng tượng Ngài hứa không không cầm giữ tội lỗi của bạn để chống lại bạn và làm cho bạn giảm bớt cảm giác tội lỗi của mình. Hãy tưởng tượng khi Ngài nói “Ta muốn mối quan hệ của chúng ta được phục hồi”. Nghe những lời này, thực sự nghe chúng, có thể thay đổi cuộc sống của bạn đáng kể.
Đây là một trong những thông điệp quan trọng nhất mà Chúa Giêsu muốn trao cho chúng ta trong mùa Chay này. Ngài muốn thuyết phục chúng ta rằng chúng ta đã được tha thứ hoàn toàn và vĩnh viễn. Đây cũng là một thông điệp đặc biệt quan trọng nếu chúng ta gặp khó khăn trong việc tha thứ cho bản thân hoặc chấp nhận rằng Thiên Chúa có thể tha thứ cho chúng ta về những điều chúng ta đã làm. Và để có được thông điệp đó, Thánh Kinh chỉ ra cho chúng ta máu của Chúa Giêsu. Sự hy sinh của Ngài - đổ máu trên thập giá – đã biến sự tha thứ đó thành hiện thực cho chúng ta.
Chúa Giêsu, Đấng Thiên sai tha thứ. Trước khi nói về thông điệp máu Chúa Giêsu và thập giá của Ngài, trước hết chúng ta hãy nhìn vào sứ vụ của Chúa Giêsu và điều gì đã đưa Ngài đến đồi Can-vê. Ngay từ ban đầu, Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng cách để nhận được vương quốc của Thiên Chúa là qua hối cải bằng cách từ bỏ tội lỗi và tìm kiếm sự tha thứ của Thiên Chúa.
Tuyên bố của Chúa Giêsu về sự tha thứ của Thiên Chúa là một trong những lý do chính khiến một số nhà lãnh đạo Do Thái phản đối Ngài dữ dội. Tất nhiên họ biết rằng Thiên Chúa thương xót những người hối cải. Nhưng điều họ không chấp nhận là cách Chúa Giêsu có vẻ quá rộng rãi khi ban lòng thương xót đó. Họ thấy Ngài tha thứ cho cả những kẻ ngoại tình trắng trợn, những người thu thuế phản bội và những kẻ tội lỗi thuộc mọi loại khác. Ngài thậm chí còn tha thứ cho môt người đàn ông bại liệt Ngài mới gặp mà không kiểm tra xem anh ta có đủ hối lỗi về tội lỗi của mình không (Mc 2: 1- 12)
Thói quen của Chúa Giêsu bảo đảm với mọi người về lòng thương xót của Thiên Chúa và mong muốn của Ngài muốn tha thứ ngay cả những tội lỗi nặng nề nhất đã làm cho các trưởng lão chướng tai gai mắt. Họ nghĩ rằng Ngài quá mềm lòng với tội lỗi và qúa dễ dãi với tội nhân. Như thể Ngài đang mở cánh cổng vương quốc cho mọi người! Chắc chắn một người công chính sẽ tránh xa những người tội lỗi thay vì vây quanh họ. Chắc chắn Ngài nên chờ họ đến với Ngài trong chiếc áo vải gai và tro trước khi tuyên bố tha tội cho họ. Và quan trọng nhất, ít nhất trong ý nghĩ của họ là Chúa Giêsu không có thẩm quyền để tha thứ cho ai cả.
Nhưng bằng cách loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa và chào đón người tội lỗi, Chúa Giêsu đã đánh động tâm hồn mọi người và chiến thắng họ. Ngài cho họ thấy rằng họ không cần phải thuyết phục Thiên Chúa tha thứ cho họ. Ngược lại – Thiên Chúa đang cố gắng thuyết phục mọi người rằng mong muốn lớn nhất của Ngài là tha thứ cho họ. Lòng thương xót của Ngài đã được ban ra; chỉ có một vấn đề là liệu người ta có đủ khiêm tốn và hối cải để nhận nó hay không.
Máu của sự tha thứ. Đối thủ của Chúa Giêsu bị Ngài làm cho mất lòng đến mức họ cố gắng tìm cách bắt lỗi Ngài. Họ hỏi Ngài những câu hỏi hóc búa để bắt lỗi Ngài về tội phạm thượng. Tệ hơn họ bắt đầu âm mưu giết Ngài. Nhưng không có gì họ nói hay làm có thể ngăn cản Chúa Giêsu. Ngài đã được sai đến để rao truyền ơn tha thứ và Ngài sẽ tiếp tục làm như vậy, cho dù phải đối mặt với cái chết.
Chúa Giêsu tiếp tục công bố lòng thương xót của Thiên Chúa cho đến ngày Ngài qua đời. Sau đó, trên thập giá, sự đổ máu của Ngài đã công bố cùng một thông điệp, còn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Một thông điệp về sự tha thứ cho mọi người đã từng phạm tội chống lại Ngài, bạn bè cũng như kẻ thù.
Máu Chúa Giêsu đã nói lên một thông điệp về sự tha thứ đối với các môn đệ của Ngài, những người đã bỏ rơi Ngài trong vườn Giệtsimani. Ngài không bao giờ lên án hay trách móc họ vì đã chạy trốn. Ngay cả khi Ngài đã sống lại từ cõi chết, Ngài trở lại với họ với những lời bình an và tha thứ (Ga 20: 21)
Máu của Ngài cũng nói lên một thông điệp về lòng thương xót đối với những kẻ bắt bớ và hành quyết Ngài. Ngài đã tha thứ cho những người Pharisêu và những người Sa-đốc đã chế diễu và đánh đập ngài trong phiên tòa. Ngài đã tha thứ cho họ về việc tạo ra những lời tố cáo giả dối trước mặt Phi-la-tô và đã xúi giục đám đông để đòi đóng đinh Ngài. Ngài thậm chí đã tha thứ những người lính Rôma đã tra tấn và đóng đinh chân tay Ngài. Chúa Giêsu chỉ có một ý nghĩ đối với những người này “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23: 34)
Thông điệp của máu Chúa Giesu. “Lậy Cha, xin tha thứ”. Đây là một thông điệp mà máu Chúa Giêsu nói với chúng ta trong mùa Chay này. Đó là một thông điệp Ngài đòi hỏi chúng ta tập trung vào khi chúng ta dành bốn mươi ngày theo chân Ngài trên đường đến thập giá. Chúng ta biết từ trong lòng rằng tội lỗi của chúng ta đáng bị trừng phạt. Nhưng trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã hòa giải chúng ta với chính Ngài. Ngài không còn chấp tội của chúng ta để chống lại chúng ta (2 Cr 5: 18- 19)
Nếu bạn bị cám dỗ để nghi ngờ điều này, hãy nghĩ về bao nhiêu lần Chúa Giêsu đã đưa má bên kia trong suốt cuộc sống trần thế của Ngài. Ngài không kể bao nhiêu lần đã bị xúc phạm chống lại Ngài. Đó là lòng thương xót của Ngài mạnh mẽ như thế nào đối với mọi người chung quanh Ngài, và đó là lòng thương xót của Ngài đối với bạn mạnh như thế nào. Ngài có đủ quyền để chống lại những người buộc tội Ngài. Ngài cũng có lý lẽ hoàn hảo nếu Ngài gửi những đạo binh thiên thần đến để bảo vệ Ngài hay nếu Ngài bước xuống khỏi thập giá một cách kỳ diệu để lên án những người buộc tội Ngài (Mc 15: 29- 30). Nhưng Ngài đã không làm như vậy. Ngài đã tha thứ cho mọi người.
Khi bạn nhìn vào thập giá mùa Chay này và chiêm ngưỡng máu Ngài đã đổ ra cho bạn ở trên đó, hãy nhớ rằng không có một tội lỗi nào mà Chúa Giêsu không mong muốn tha thứ. Cho dù ngoại tình, trộm cướp, bạo lực ngay cả sát nhân hay phá thai. Cho dù là tức giận, đàm tiếu, tham lam hay kiêu căng. Chúa Giêsu đã chọn đổ máu mình ra cho bạn thay vì lên án bạn. Bạn được giải thoát khỏi sự lên án và tội lỗi. Chỉ cần bạn đến với Ngài trong hối cải, bạn sẽ cảm nhận được sự tha thứ của Ngài.
Nếu bạn chỉ suy niệm một câu trong Kinh Thánh mùa Chay này, hãy coi đó là lời hứa này “máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.” (Dt 9: 14). Ghi nhớ nó. Vui mừng vì nó. Giữ nó ở trong lòng. Hãy để máu Chúa Giêsu nói lời tha thứ đó cho bạn./.