05 Phần 05
PHẦN II
MỘT SỐ CHỈ DẪN THỰC HÀNH
I. GIA ĐÌNH GIÁO DỤC
.01
GIÁO DỤC TỪ TRONG BÀO THAI
“Theo ý định của Thiên Chúa, hôn nhân là nền tảng cho một cộng đoàn rộng lớn hơn, tức là gia đình, vì chính định chế hôn nhân và tình yêu vợ chồng đều quy hướng về việc truyền sinh và giáo dục con cái, làm nên triều thiên cho định chế và tình yêu ấy.
Trong thực tế sâu xa nhất của nó, tình yêu vốn cốt yếu là ơn huệ. Và tình yêu vợ chồng, khi đưa đôi bạn đến chỗ “biết” nhau làm cho họ trở thành “một xác thịt”, nó không chấm dứt nơi hai người nhưng nó làm cho họ có khả năng thực hiện được việc trao hiến lớn lao nhất, nhờ đó họ trở nên những người cộng tác với Thiên Chúa để thông ban sự sống cho một nhân vị khác. Vì thế khi hai vợ chồng trao hiến cho nhau thì cũng trao ban một hữu thể thực hữu vượt khỏi họ, tức là đứa con. Nó là dấu chỉ thường xuyên của sự hiệp nhất vợ chồng và là tổng hợp sống động, không thể phân chia của tư cách làm cha làm mẹ của họ.” (Tông Huấn Gia Đình, số 14)
Người xưa nói: “Uốn cây từ thuở còn non, dạy con từ thuở con còn trong nôi.” Ngày nay người ta còn nhấn mạnh: “Dạy con từ thuở con còn trong thai”. Sự giáo dục này được gọi là thai giáo.
Ngay khi còn trong bào thai, em bé đã có thể tiếp nhận sự giáo dục của cha mẹ. Cuộc sống gia đình, sức khoẻ và tâm trạng người mẹ lúc ấy có ảnh hưởng rất lớn trên em bé, cả về sự phát triển thể chất và tâm thần đang lặng lẽ hình thành.
Các tâm tình và thái độ ứng xử của cha mẹ sẽ ghi dấu sâu đậm trên tâm tính đứa con sắp chào đời. Do đó những bậc cha mẹ thương con sẽ hết sức lưu ý để sống thật lành mạnh về luân lý và tâm linh. Trong thời gian cưu mang, người mẹ cần tĩnh dưỡng, suy nghĩ về ơn gọi làm mẹ; cần có thái độ bình tĩnh, vui thích đợi chờ. Nên chiêm ngắm những hình ảnh tươi đẹp thánh thiện, chọn nghe nhạc êm dịu trong sáng, nghe và hát thánh ca, cầu nguyện trong tâm tình tin cậy phó thác. Dù con còn trong dạ, người mẹ cũng có thể vuốt ve và nói với con những lời ˆâu yếm dịu dàng. Người cha cần biết tạo điều kiện bên ngoài cho êm ấm để người mẹ luôn được an vui hạnh phúc.
Đừng đặt tên cho con cái cách tuỳ tiện. Hãy làm tuần chín ngày kính Đức Chúa Thánh Thần để biết Thiên Chúa muốn gì trên cháu bé và xin Ngài soi sáng để chọn cho cháu một tên gọi gói ghém được ước mơ của cha mẹ và cả của Thiên Chúa trên cuộc đời cháu. Hãy suy nghĩ để sớm chọn người đỡ đầu rửa tội cho cháu. Tốt nhất là chọn trong vòng thân hữu những gia đình cùng một chí hướng giáo dục.
Thời gian mang thai là thời gian khẳng định hướng đi căn bản cho cuộc đời cháu bé. Với anh chị em là những Kitô hữu, đó phải là hướng đi căn bản của người con cái Chúa. Chương trình của Thiên Chúa khi tạo dựng nên chúng ta chính là để chúng ta được hiệp nhất yêu thương với Ngài trong hạnh phúc đời đời. Mọi sự Thiên Chúa ban cho ta ở đời này đều nhằm giúp ta đạt tới mục tiêu cuối cùng ấy. Do đó, trong mọi sự, ta luôn dành ưu tiên cho Thiên Chúa và cho sự hiệp nhất với Ngài. Hễ điều gì còn giúp ta gần gũi Thiên Chúa thì ta đón nhận, một khi nó bắt đầu ngăn cản ta gần gũi Thiên Chúa, ta sẽ loại trừ ngay.
Cha mẹ thế nào, con cái thế ấy. Anh chị em muốn đào tạo con cái mình nên người thế nào, thì cứ cố gắng sống như thế ấy. Gương sáng của anh chị em sẽ khuôn đúc nên con cái của anh chị em.
Sau cùng, hãy đến với Đức Mẹ. Khi bà Êlizabét đang mang thai thì Mẹ Maria đến thăm. Đứa bé trong lòng bà đã nhảy mừng. Khi nó sinh ra, láng giềng kinh ngạc bảo nhau: “Con trẻ này rồi sẽ ra thế nào, vì có tay Chúa ở với nó” (Lc 1,66). Thánh Gioan Bosco nói: “Muốn cho trẻ nên người, hãy đưa chúng đến với Đức Mẹ”. Hãy đưa con cái đến với Mẹ Maria ngay khi chúng còn là bào thai trong lòng mẹ.
.02
GIÁO DỤC TRẺ SƠ SINH[1]
“Khi trở nên cha mẹ, đôi bạn cũng lãnh nhận nơi Thiên Chúa một quà tặng, đó là một trách nhiệm mới. Cha mẹ được mời gọi để biến tình thương con cái thành dấu chỉ hữu hình cho chúng nhận ra được chính tình yêu của Thiên Chúa, “là nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất” (Ep 3,15) (Tông Huấn Gia Đình, số 14).
Về việc giáo dục các cháu từ mới sinh đến 3 tuổi, ta cần lưu ý những điểm sau đây:
1. Việc giáo dục của giai đoạn này tập trung nơi người mẹ: Đứa bé chưa phân biệt nó với ngoại vật, chưa phân biệt nó với mẹ. Mẹ với nó là một. Mẹ là sự an toàn, là sự dễ chịu cho nó. Thái độ tôn giáo của người mẹ trong giai đoạn này ảnh hưởng rất sâu đậm trên đức tin sau này của đứa bé, chuẩn bị hoặc cản trở đức tin của nó khi lớn. Vai trò của người cha lúc này là tạo sự thoải mái yên ấm cho người mẹ. Phải đợi khi đứa bé được hai tuổi, người cha mới có thể ảnh hưởng trực tiếp.
2. Vun trồng lòng tin cậy đầu tiên: Người mẹ cần chăm sóc con với niềm vui và tình thương chứ không như một bổn phận phải làm. Cần tỏ ra dịu dàng âu yếm, tránh nóng nảy, lạnh lùng. Lúc cho ăn, cần giúp cho cháu bé được thoả mãn, thích thú, không căng thẳng, sợ hãi.
3. Khuôn mẫu đầu tiên của em bé là người mẹ: Em bé bắt chước mẹ. Nếu người mẹ vui vẻ hài hoà với mọi người mọi vật và các biến chuyển của đời sống, sẽ tạo cho em bé một dấu ấn tin cậy, lạc quan, bác ái, về sau em sẽ cởi mở với mọi người; còn ngược lại, em sẽ bi quan, khép kín.
4. Nhận biết tình thương có uy quyền: Tròn một tuổi, em bé khám phá ra rằng nó có thể làm hài lòng hay làm mất lòng mẹ; nó phải hoà hợp với mọi người, nhất là với mẹ. Nó tìm cách giữ được tình yêu thương của mẹ, vì đó là tất cả sự yên nguy của nó. Tình yêu thương trong uy quyền làm cho em bé lớn lên trong lòng trông cậy.
5. Kỷ luật đầu tiên: Tình thương của người mẹ phải bao gồm một kỷ luật cần cho sự giáo dục. Cần có giờ giấc và điều độ trong việc ăn, ngủ, đi vệ sinh. Không nên thoả mãn hết mọi ao ước của đứa bé. Thiếu ý thức về những giới hạn cần thiết, ta sẽ làm cho cháu trở thành đứa trẻ hay đòi hỏi, hỗn, không biết tự chủ, không biết để ý tới người khác. Người mẹ cần thông minh và nghị lực để phát hiện những đòi hỏi không chính đáng và không chiều theo những đòi hỏi ấy. Tuy nhiên, kỷ luật này không được ngăn cản đứa bé bày tỏ những ước vọng chính đáng, khiến nó cảm thấy cuộc sống khắt khe, không có cơ hội thành công. Những giới hạn quá hẹp sẽ khiến đứa bé về sau trở thành loại người lớn dễ bất mãn hoặc hay nói dối. Để có thể phát triển điều hoà, đứa bé cần thấy được nơi tình yêu người mẹ những nét của tình yêu Thiên Chúa.
6. Tập tiếp xúc: Đứa bé cần bắt chước mẹ nó để biết tiếp xúc, quan tâm tới người khác, nhất là trong cách mẹ nó cư xử với anh chị nó và với những người khác trong gia đình.
7. Đào tạo luân lý: Những điều nói trên tạo cơ sở cho một lương tâm ngay thẳng. Đứa bé sống luân lý bằng cách dự phần vào ý thức luân lý (lương tâm) của mẹ nó. Nó thoả lòng khi mẹ vui, nó ân hận khi mẹ buồn. Nét mặt người mẹ có một ý nghĩa đối với đứa bé. Cả tính khí và những tiếng dùng của người mẹ cũng vậy. Việc sửa phạt được biểu lộ qua thân xác và tâm hồn bằng cái nhìn. Cái nhìn của người mẹ đặc biệt có sức đưa dẫn đứa bé vào trật tự luân lý. Khi nó có lỗi, người mẹ cần nhìn cách nào để cái nhìn ấy không phải là một sự từ chối yêu thương nhưng đúng hơn là một sự đau khổ, buồn phiền, trách móc và mời gọi. Cái nhìn ấy sẽ giúp đứa bé nhận ra sự trách móc của Thiên Chúa, khi phải xa “nụ cười” của Ngài.
8. Đời sống tôn giáo và giáo lý: Trên đây đã là một sự đào tạo tôn giáo, nhưng vẫn còn ở mức độ của giáo dục nhân bản. Ta còn cần đề cập rõ hơn: Trước hết, quan trọng nhất là gương sáng: Cách sống của người lớn, cách xếp đặt mọi sự trong nhà, thái độ của cha mẹ khi cầu nguyện, khi phản ứng trước những chuyện thường ngày. Tiếp đến là một sự khai tâm gọi là “sữa đức tin”: Giới thiệu cho các cháu biết Thiên Chúa ngay từ khi tập nói, và tập cho các cháu hướng về Thiên Chúa qua những cử chỉ đơn giản nhất (vòng tay, cúi đầu) và những lời nguyện bập bẹ: Con ạ Chúa, cám ơn Chúa cho con ăn cơm, cám ơn Chúa cho con đi ngủ, con cám ơn Chúa con sẽ ngoan hơn...
[1] Theo tài liệu của cha Joseph Colomb trong “Le service de l' Evangile”
.03
GIÁO DỤC TUỔI VÀO ĐỜI
“Trước hết các đôi bạn Kitô hữu làm việc tông đồ trong chính gia đình mình, bằng một đời sống đúng theo luật Chúa dưới mọi khía cạnh, bằng việc đào tạo về mặt giáo lý Kitô giáo cho con cái, giúp chúng trưởng thành trong đức tin, giáo dục đức khiết tịnh, chuẩn bị cho chúng vào đời, săn sóc để chúng tránh những nguy hiểm về ý thức hệ và luân lý mà chúng đang bị đe dọa. Bên cạnh, giúp chúng hội nhập vào cộng đồng Giáo Hội và cộng đồng dân sự cách tiệm tiến và có tinh thần trách nhiệm; giúp đỡ và góp ý cho chúng trong khi chọn lựa ơn gọi.” (Tông Huấn Gia Đình, số 71)
Việc giáo dục các cháu 13, 14 tuổi trở lên thật khó. Khi con cái còn bé tí xiú, chúng cần cha mẹ bảo trợ và âu yếm. Nhưng sẽ tới một thời gian sớm hơn ta tưởng chúng đi tìm con người riêng trong cách xử sự và cả trong vấn đề đạo giáo nữa. Thời kỳ ấy sẽ làm cho cả cha mẹ lẫn con cái phải khổ tâm. Bậc cha mẹ sẽ biết xóa mình đi trước nhân cách của đứa con đang lớn lên, và tìm cách giúp con cái đáp lại tiếng gọi của Chúa theo cách của nó, chứ không rập theo cách của cha mẹ. Bậc cha mẹ nhớ rằng, dù không nói ra, đứa con sẽ rất khâm phục cha mẹ, nếu họ sống đức tin với lòng xác tín, mà không cưỡng ép chúng làm những việc đạo đức như họ. Ước gì các gia đình Kitô giáo có được một bầu khí vừa che chở vừa cởi mở, trong đó, con cái cảm thấy được tôn trọng và nhìn thấy nơi cha mẹ những tấm gương sáng về lòng tốt, lòng chung thủy, tình thân mật, lòng biết ơn, tinh thần trách nhiệm và cần cù làm việc, tất cả phản ánh một đức tin sâu xa. Việc giáo dục ở tuổi này sẽ đỡ khó khăn hơn nếu ta đã giúp cho các cháu biết cởi mở, tin cậy phụ huynh. Cần nhẫn nại, dành thời giờ cho các cháu, trở thành người bạn của con mình.
Cần để ý xem con cái làm bạn với những ai. Cần ngăn cản các cháu chơi với bạn xấu. Ngược lại, khuyến khích và tạo điều kiện cho chúng chơi với bạn tốt. Thánh nữ Têrêxa Avila khi kể lại thời choai choai của mình, đã viết: “Nếu tôi phải khuyên các bậc làm cha mẹ, tôi sẽ nài xin họ hết sức lưu ý tới bạn bè của con cái trong lứa tuổi này. Đi lại với những bạn bè xấu có thể đem lại những hậu quả thật đáng tiếc, vì tự bản chất, chúng ta dễ bắt chước điều xấu hơn là điều tốt. Trường hợp tôi cũng thế. Tôi có người chị lớn tuổi hơn nhiều, dẫu chị rất đoan trang và nhân đức, tôi đã chẳng học đòi chị được điều gì. Trái lại, tôi bắt chước hết mọi cái xấu nơi một người chị họ thường lui tới nhà tôi. Lối chuyện vãn của chị rất lẳng lơ đến nỗi mẹ tôi, vì thấy chị có thể gây hại cho tôi, đã cố gắng hết sức để ngăn chị khỏi đến nhà tôi, nhưng mẹ tôi đành bất lực, vì chị có rất nhiều lý do để tới.”
Kinh nghiệm của Thánh Gioan Boscô là đừng la mắng trước đám đông nhưng nói riêng thật nhỏ nhẹ. Ngài cũng còn dạy: “Yêu thương bạn trẻ thôi chưa đủ, còn phải làm sao để bạn trẻ cảm nhận được rằng chúng ta yêu thương họ.”
Cần giúp các cháu biết phát huy tinh thần trách nhiệm, biết tự lo tổ chức cuộc sống, biết tự sắp xếp các công việc của mình và tự nguyện làm, không đợi nhắc bảo. Nhắc các cháu biết xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng khi bắt đầu mỗi ngày cũng như trước mỗi việc làm và lời nói, biết gắn bó yêu mến Chúa Giêsu và quyết bước theo con đường Ngài, biết dành ưu tiên cho việc bổn phận, biết làm việc theo thời khoá biểu và điều hoà các bổn phận khác nhau theo thứ tự ưu tiên. Nói chung, nếu các cháu biết chăm lo bổn phận thì sẽ tránh được nhiều cạm bẫy ở đời và có thể sớm trưởng thành.
.04
GIÁO DỤC BẰNG GƯƠNG SÁNG
“Vì là người truyền sự sống cho con cái, cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót sẽ khó lòng bổ khuyết được. Thật vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để giúp cho việc giáo dục toàn diện của con cái họ trong đời sống cá nhân và xã hội được dễ dàng. Do đó, gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà không một đoàn thể nào khác có thể vượt qua được”. (Tuyên ngôn về việc Giáo dục Kitô giáo, số 3)
Không gì gây tác dụng giáo dục hoặc phản giáo dục sâu đậm cho bằng những mẫu gương, gương tốt hoặc gương xấu, mà trước hết và quan trọng nhất chính là mẫu gương của cha mẹ.
Anh chị em muốn con mình sẽ ra sao thì ngay từ hôm nay anh chị em hãy sống như thế đi. Những lời khuyên răn và dọa nạt sẽ chẳng ích gì nếu các cháu thấy nhà giáo dục không sống những điều họ dạy. Nhiều lắm cũng chỉ đủ sức ngăn cản chúng làm những điều ấy khi có mặt cha mẹ mà thôi.
Nếu anh chị em muốn con mình sẽ có tinh thần trách nhiệm, ngay từ hôm nay anh chị em hãy làm việc siêng năng chăm chỉ. Muốn cho con luôn thành thật, anh chị em đừng bao giờ nói dối, dù chỉ là dối đùa. Muốn con mình biết cư xử tế nhị, ngay hôm nay anh chị em hãy biết tỏ ra kính trọng mọi người, kính trọng nhau và kính trọng chính mình.
Tự thắng mình, chỉnh đốn lại con người của mình, thật là khó. Đôi khi ta dễ có cám dỗ nghĩ rằng mình đã lớn rồi, muộn rồi, làm sao sửa đổi được nữa! Không đâu, vẫn còn kịp nếu ta bắt đầu từ hôm nay, ngay từ lúc này. Vì yêu mến những đứa con sẽ sinh ra, vì yêu mến bạn mình, vì yêu mến chính mình và vì yêu mến Thiên Chúa, anh chị em hãy bắt đầu thực hiện cho con cái một cái mẫu để chúng bắt chước.
Anh chị em cũng đừng quên chọn cho con cháu những người bạn tốt. Hãy kể cho các cháu nghe, hãy giúp các cháu thán phục những tấm gương tốt, nếu có dịp, hãy cho các cháu được tiếp xúc với những con người ấy. Rất nhiều danh nhân trong sách vở cũng là những người bạn và gương mẫu, nhất là những vị thánh. Nhiều người hình như sợ rằng nếu con mình nên thánh thì sẽ bị mất nó… Nhiều người có cái suy nghĩ sai lầm rằng: các thánh là những vị xa vời, con mình là gì mà dám vươn tới. Không đâu, mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh và đều được Chúa ban đầy đủ ơn để nên thánh.
Có những vị thánh mà gia đình anh chị em không thể không biết đến, như các vị bổn mạng, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, thánh Giuse, Đức Mẹ Maria. Và nhất là Đấng Thánh, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người. Chính Ngài mời gọi chúng ta bắt chước Ngài: “Hãy học với Ta” (Mt 11,29); “Như Ta đã yêu thương các con, các con cũng hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34); “Ta đã nêu gương cho các con, ngõ hầu như Ta đã làm cho các con thế nào, các con cũng làm như vậy” (Ga 13,15).
Sau cùng, xin mời anh chị em lắng nghe lời nhắn nhủ của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Vì cha mẹ đã sinh ra con cái nên quyền và bổn phận giáo dục là một điều nằm trong yếu tính của họ; vì tương quan giữa họ với con cái là một tình yêu thương không thể thay thế được, nên quyền và bổn phận giáo dục của họ có tính cách độc đáo và cơ bản so với bổn phận giáo dục của những người khác, đó cũng là một cái gì không thể thay thế và không thể chuyển nhượng được, cho nên cũng không thể khoán trắng cho người khác hay bị người khác cưỡng đoạt” (Tông huấn Gia đình 36).
.05
GIÁO DỤC THEO
CÁC GIÁ TRỊ CHÍNH YẾU
CỦA ĐỜI NGƯỜI
“Dù phải đương đầu với những khó khăn, mà ngày nay lại thường là những khó khăn to lớn trong trách nhiệm giáo dục con cái, bậc cha mẹ cần phải tin tưởng và can đảm giáo dục con cái họ theo những giá trị chính yếu của đời người. Trẻ em phải lớn lên trong một sự tự do chân chính trước các của cải vật chất, biết chọn một nếp sống giản dị và khắc khổ, vì xác tín mạnh mẽ rằng: “giá trị của con người là do cái mình là, hơn là do cái mình có” (Tông Huấn Gia Đình, số 37)
Làn sóng văn minh tiêu thụ tràn vào Việt Nam ngày càng nhanh. Điều đáng sợ cho cộng đoàn Dân Chúa lúc này không phải là sự cấm cách bắt bớ nhưng chính là sức hút của xã hội tục hoá. Để sống theo Tin Mừng, người tín hữu phải lội ngược dòng đời. Ngay cả đối với những tín hữu trưởng thành, tỉnh táo sáng suốt để nhận rõ và can đảm thực hiện đúng ý Chúa đã là chuyện rất khó, huống nữa là bạn trẻ!
Văn minh tiêu thụ không chỉ ảnh hưởng trên con em chúng ta mà ngay cả trên chính bản thân mỗi người chúng ta, khiến tinh thần Tin Mừng nơi chúng ta có thể phai nhạt lúc nào không hay. Cần có tinh thần đức tin sâu xa, ta mới có thể xác tín chiều sâu của 8 mối phúc thật.
Những điều chân phúc trong Tin mừng sở dĩ là hạnh phúc chính là vì nó tạo điều kiện cho con người đón nhận Thiên Chúa. Sống các mối phúc chính là đặt mình vào tình trạng có thể cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa, hay đúng hơn, có thể kết hợp với Thiên Chúa.
Không phải chỉ trong nhà thờ, nhưng ngay trong gia đình, Thiên Chúa làm người đang ở với chúng ta. Nước Trời đang ở giữa chúng ta, chỉ cần chúng ta biết mở rộng vòng tay đón nhận. Nghèo khó, phiền sầu, đói khát sự công chính, giữ lòng trong sạch… chính là sẵn lòng buông bỏ tất cả để có được Chúa làm gia nghiệp. Điều quan trọng là sự sẵn lòng. Cái chúng ta tìm kiếm không phải là cái nghèo nhưng là sự tự do của một tấm lòng không ham mê của cải. Nếu sống trong cảnh nghèo xác xơ mà lòng nặng trĩu sự ham mê của cải thì vẫn chưa sẵn sàng để đón nhận Nước Thiên Chúa. Chính vì thế mà thánh Mátthêu đã nhấn mạnh tới sự sẵn sàng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó!”
Hạnh phúc Nước Trời là ở chỗ chúng ta được thuộc về Thiên Chúa. Điều làm cho người Kitô hữu khác với những người khác là, ngay trong những hoàn cảnh đen tối nhất, họ vẫn được tràn ngập hạnh phúc. Đó là điều vẫn đang xảy ra hôm nay trong cuộc sống hằng ngày. Biết bao gia đình Kitô hữu hôm nay đang sống tám mối phúc thật như thế… Trước mắt thế gian, chọn bước theo Chúa Giêsu trên con đường Ngài quả là điên rồ, ngu xuẩn, nhưng đối với những người được cứu chuộc thì đó lại là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa (1Cr 1,18-25).
Chúng ta cần giúp các em xác tín mình được gọi sống với Thiên Chúa, giúp các em khao khát trở nên người con tự do, biết làm chủ bản thân và biết dùng mọi sự theo ý Cha trên trời. Muốn vậy, đừng sợ gieo cho các em ý tưởng nên thánh và nên thánh lớn ngay giữa đời thường. Quý phụ huynh cũng đừng sợ một cách sai lầm rằng nếu các em theo đường tâm linh là mình mất con! Thành quả lớn nhất của giáo dục là đào tạo được con cái thành những vị thánh.
.06
DẠY CON CÁI BIẾT CẦU NGUYỆN
“Trên căn bản phẩm giá và sứ mạng của họ, các cha mẹ Kitô hữu có bổn phận đặc biệt phải giáo dục cho con cái họ biết cầu nguyện, phải đưa chúng tới chỗ dần dần khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa và đối thoại riêng với Ngài: “Nhất là gia đình Kitô hữu đã nhận được những ân sủng, và đòi hỏi phong phú của bí tích Hôn Phối, nên ở đó ngay từ nhỏ, trẻ em phải được dạy dỗ để nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân, theo như đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội” (Tông Huấn Gia Đình, số 60).
Gương sống cụ thể, chứng tá sống động của cha mẹ, là yếu tố căn bản và không thể thay thế được trong việc giáo dục cầu nguyện: chỉ khi nào cha mẹ cùng cầu nguyện với con cái, chu toàn chức vụ tư tế vương giả của họ, họ mới vào sâu được trong lòng con cái và để lại đó những dấu vết mà các biến cố cuộc sống về sau sẽ không thể xóa nhòa được. Chúng ta hãy nghe lại lời kêu gọi mà Đức Phao-lô VI đã ngỏ lời với cha mẹ: “Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho các con nhỏ của mình những lời kinh của người Kitô hữu không? Chị em có cộng tác với các linh mục để chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các bí tích của thời niên thiếu: xưng tội, rước lễ, thêm sức không? Nếu chúng đau ốm, chị em có tập cho chúng quen nghĩ tới những sự đau khổ của Đức Kitô, quen kêu cầu sự giúp đỡ của Đức Mẹ Đồng Trinh và các thánh không? Chị em có lần hạt chung với chúng ở gia đình không? Còn anh em hỡi những người cha, anh em có biết cầu nguyện chung với con cái, với cộng đồng gia đình, ít là thỉnh thoảng không? Gương sống của anh em qua sự ngay thẳng trong tư tưởng và hành động, được hỗ trợ bằng ít nhiều kinh nguyện chung, quả là một bài học sống, một hành vi thờ phượng đáng tuyên dương. Như thế anh em đang đem bình an vào trong tổ ấm gia đình anh em: “Bình an cho nhà này”. Đừng quên rằng làm như thế là anh em đang xây dựng Giáo Hội!”.
Để đào tạo tâm tình cầu nguyện, để giúp các cháu nhớ có Thiên Chúa hiện diện trong gia đình, mỗi nhà đều nên có một bàn thờ sáng sủa, trình bày đơn giản để diễn tả đức tin thật chính xác. Bàn thờ tổ tiên có thể đặt ngay dưới bàn thờ Chúa, nhưng cần có sự phân biệt rõ ràng, hoặc có thể để ở gian khác, nên trình bày đơn giản, sáng sủa.
Bàn thờ cần giữ sạch sẽ, tuyệt đối không để những vật dụng lặt vặt. Nên lau bàn thờ mỗi chiều thứ bảy hoặc sáng Chúa nhật.
Điều cần thiết khi cầu nguyện là nhớ rằng Thiên Chúa đang hiện diện. Ta ở đó để nghe Chúa nói và nói với Chúa. Muốn dễ nhớ sự hiện diện của Thiên Chúa, khi cầu nguyện nên ăn mặc nghiêm chỉnh, thu dọn đồ đạc trong phòng và trên bàn cho ngăn nắp.
Để khỏi rơi vào thói quen đọc kinh máy móc, cần tránh kiểu đọc đều đều. Nên đọc chậm, ngắt câu rành rẽ, nghỉ lâu hơn. Nếu được, nên dùng cung nói thay vì cung đọc.
Buổi tối, cần thu xếp cầu nguyện thật sớm để tiện cho mọi người, nhất là để trẻ em có thể tỉnh táo. Tốt nhất là dăm phút sau khi ăn tối xong. Sáng cũng như tối, giờ cầu nguyện cần được đặt lên hàng đầu, trước khi làm mọi việc khác, để nếu cần xén bớt vài việc thì sẽ hy sinh những việc khác chứ không bỏ mất giờ kinh.