10 Chương 10
07- HƯỞNG ỨNG TIẾNG GỌI HOÁN CẢI
“Trước sự bất chính do tội lỗi gây ra thường ngăn cản gia đình không thể thực sự tự thể hiện chính mình và không thể sử dụng các quyền căn bản của mình, tất cả chúng ta phải chống lại bằng một sự hoán cải trong tinh thần và con tim, bao gồm việc từ bỏ ích kỷ riêng mình để bước theo Chúa Ki-tô thập giá: một sự hoán cải như thế không thể nào không gây một ảnh hưởng hữu ích và có sức canh tân trên chính các cơ cấu xã hội.” (Tông Huấn Gia Đình, số 9)
Để chiến thắng tội lỗi, để không sa đi ngã lại, anh chị em cần tìm ra nguyên nhân tại sao mình vấp phạm, những dịp nào thường khiến mình vấp phạm. Diệt được nguyên nhân, sẽ diệt được hậu quả. Còn nuôi dưỡng nguyên nhân, sớm muộn cũng gặt hậu quả. Nguyên nhân của tội lỗi nằm sâu hơn các dịp tội. Nguyên nhân tội lỗi nằm ở nơi những xu hướng xấu trong lòng ta, mà chúng ta quen gọi là bảy mối tội đầu. Kiêu ngạo, ham của, mê dâm, nóng giận, mê ăn uống, ganh ghét, lười biếng là bảy mối tội đầu. Những mối tội đầu này rất nguy hiểm vì chúng là những căn nguyên đưa đến các tội lỗi khác: Lún sâu vào một mối nào trong các mối tội đầu ấy người ta đều dần dần mất hết nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, và mất hết tin, cậy, mến.
Cần dám nhìn thẳng vào những xu hướng xấu của mình, cần dám thẳng thắn nhận lỗi, cần dám tự tố cáo mình thì mới dứt khoát được.
Muốn chiến thắng tội lỗi, phải xa lánh các dịp tội. Còn lân la với dịp tội, trước sau gì cũng vấp ngã. Một người có quan hệ bất chính với một ai đó thì phải tuyệt đối tránh gặp người ấy. Một người hay bài bạc hoặc nghiện rượu, cần tránh gặp những người bạn dễ đưa mình tới những sai phạm ấy. Để tránh những tư tưởng xấu, cần tránh những câu chuyện thiếu đứng đắn, những sách báo và phim ảnh vô luân hoặc những gì khêu gợi. Phải cẩn thận canh chừng đôi mắt: “Đèn của thân thể tức là mắt. Nếu mắt ngươi đơn thuần, thì toàn thân ngươi sẽ sáng láng” (Mt 6, 22).
Muốn chiến thắng tội lỗi, đừng bào chữa cho những tội trong quá khứ và cần biết dứt khoát với mọi tội trong hiện tại. Những tội trong quá khứ thì đã qua rồi, lắm khi không còn đáng sợ nữa. Chính những tội ta còn ôm ấp trong hiện tại mới đáng sợ.
Sau cùng, muốn chiến thắng tội lỗi, cần biết tạo cho mình một môi trường tốt. Năng xem sách tốt, giao thiệp với những người đứng đăn, chăm chỉ làm việc, siêng năng lãnh nhận các bí tích và nhất là năng chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong Tin mừng, tâm hồn ta sẽ luôn tươi sáng.
Sửa đổi con người mình, quả là gánh nặng hơn mọi gánh nặng. Thế nhưng hãy vững tin đến với Trái Tim Chúa Giêsu. Chính Ngài đã hứa: “Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, tất cả hãy đến với Ta, Ta sẽ cho được nghỉ nơi lại sức” (Mt 11,28). Hãy đến với Chúa Giêsu và trút hết cho Ngài mọi gánh nặng, kể cả gánh nặng tội lỗi, để Ngài ủi an và nâng đỡ.
08- PHÁT HUY BA NHÂN ĐỨC
TIN, CẬY, MẾN
“Cần phải có một sự hoán cải liên lỉ trường kỳ. Sự hoán cải vừa đòi hỏi phải thoát ly từ bên trong khỏi mọi sự dữ và gắn bó với sự lành toàn diện, vừa diễn ra một cách cụ thể như một chương trình luôn đưa người ta đi xa hơn. Như thế có một tiến trình năng động được phát triển, từ từ tiến tới trước, nhờ biết dần dần đem các ơn Thiên Chúa và những đòi hỏi của tình yêu quyết liệt và tuyệt đối của Ngài hội nhập vào trong đời sống bản thân và xã hội của con người.” (Tông Huấn Gia Đình, số 9)
Hoán cải phải gồm 2 động tác mới trọn vẹn: Rời bỏ đường cũ rồi phải bước theo đường mới, dứt khoát với tọi lỗi rồi còn phải gắn bó với Chúa Kitô.
Gắn bó với Chúa Kitô trên đường mới là tin, cậy, mến. Đó là ba nhân đức hướng thần. Những nhân đức này gọi là hướng thần hoặc có tính Thiên Chúa, vì hai lý do, thứ nhất là vì chúng hướng tới Thiên Chúa, thứ hai là vì chúng là ơn Thiên Chúa ban chứ không phải tự sức người mà có được. Về những nhân đức luân lý, chúng ta có thể cùng một mẫu số chung với anh chị em các tôn giáo khác, nhưng ba nhân đức hướng thần là gia sản riêng của Kitô Giáo, không có ở đâu khác. Chính vì thế, chúng ta cần quan tâm phát huy những ơn đặc biệt này của Chúa.
Tin là suy phục chủ quyền của Thiên Chúa trên đời ta, phó thác sinh mạng và tương lai của ta cho Chúa, để cho Ngài làm chủ và điều khiển mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm của ta. Tin là mau mắn và vui vẻ vâng nghe tiếng Chúa trong lòng ta, là luôn đứng về tiếng Chúa trong mỗi giây phút đời ta.
Cậy là nương tựa vào Thiên Chúa mà cố gắng hết sức ta, dù ta rất yếu đuối. Có Chúa là sức mạnh luôn ở với ta (x. Mt 28,20; Ga 16,33) và bênh vực ta (Rm 8,31), dù gặp khó khăn thử thách đến đâu, ta vẫn vững lòng không nao núng. Ta biết Chúa thương ta và sẽ đưa ta tới bờ bến tốt đẹp nhất của đời người. Trông cậy cũng là tin tưởng vào mọi lời Chúa hứa: Ai bỏ mọi sự vì Chúa sẽ được gấp trăm ở đời này và được sự sống hạnh phúc ở đời sau (Mc 10,28-31; 2Tm 2,11-12).
Yêu mến Thiên Chúa là tha thiết tìm kiếm Ngài, tìm kiếm vinh quang Ngài và ý muốn Ngài. Yêu mến Chúa là luôn hướng lòng về Chúa, ước ao kết hợp với Chúa. Yêu mến Chúa là luôn làm đẹp lòng Chúa và mong muốn nên giống Chúa trong mọi sự. Chúa muốn ta yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn ta, và vì yêu mến Chúa thì cũng yêu mọi người anh em như chính mình ta.
Cách đơn giản nhất để thường xuyên sống ba nhân đức hướng thần là luôn nhớ Chúa đang hiện diện, sống như thấy Chúa đang nhìn, và chu toàn bổn phận hiện tại với tình yêu mến.
09- GIA ĐÌNH SỐNG BÁC ÁI
Việc truyền giáo phải đặt nền trên đời sống bác ái, như Đức Phaolô 6 đã viết trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, số 28: “Việc Phúc âm hóa cũng bao hàm sự rao giảng niềm hy vọng vào các lời Chúa hứa; rao giảng tình thương yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và tình yêu thương của chúng ta đối với Thiên Chúa; rao giảng tình thương yêu huynh đệ đối với mọi người, qua khả năng trao tặng, tha thứ, từ bỏ và giúp đỡ anh em; phát xuất từ tình thương yêu của Thiên Chúa, tình thương yêu này là nòng cốt của việc phúc âm hóa.”
Trong Tông huấn về Gia đình, số 44, Đức Gioan Phaolô II nêu rõ tình thương ấy trước hết phải thể hiện ở gia đình: “Trong xã hội chúng ta cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng lớn của lòng hiếu khách, dưới mọi hình thức của nó hoặc chỉ đơn giản là để mở rộng cửa nhà mình. Hơn nữa, mở rộng lòng mình trước những nhu cầu của anh chị em chúng ta, hoặc còn đi đến chỗ dấn thân cụ thể để bảo đảm cho mỗi gia đình có được nơi ăn chốn ở cần thiết như một môi trường tự nhiên để bảo vệ và làm cho gia đình được phát triển. Và trên tất cả, gia đình Kitô hữu được mời gọi lắng nghe lời khuyến dụ của thánh Tông Đồ: “Hãy ân cần cho khách trọ nhà” (Rm 12,13). Do đó, bằng cách noi gương Đức Kitô và chia sẻ tình bác ái của Ngài, họ còn được mời gọi thực hiện việc đón tiếp những anh chị em đang cần đến họ: “Kẻ nào cho một người trong những kẻ bé mọn này uống một bát nước lã mà thôi, vì danh nghĩa là môn đệ của Thầy, thì quả thật, Thầy bảo các con, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42).
Cũng trong Tông huấn về Gia đình, ở số 47, Đức Gioan Phaolô II viết tiếp: “Như thế gia đình Kitô hữu được mời gọi làm chứng cho mọi người thấy sự tận tâm quảng đại và vô vị lợi của mình đối với những vấn đề xã hội, nhờ sự “chọn lựa ưu tiên” đối với những người nghèo và những người sống bên lề xã hội. Chính vì thế, khi bước theo Chúa trong một tình yêu thương đặc biệt đối với tất cả mọi người nghèo, gia đình Kitô hữu phải lưu tâm cách đặc biệt đến những ai đói khát, túng thiếu, già cả, những ai bị đau ốm, nghiện ngập, những người vô gia đình”.
10- NÊN THÁNH TRONG
VIỆC BỔN PHẬN HẰNG NGÀY
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,21-23).
Những người nọ đã làm những điều tốt, đã nói tiên tri, trừ quỷ và làm phép lạ, thế nhưng lại bị Chúa xếp vào hạng làm điều gian ác. Vì sao? Vì đó không phải là những điều Chúa Cha muốn cho họ làm. Họ đã bỏ bê bổn phận để làm theo ý riêng.
Người ta thường có khuynh hướng xem nhẹ việc bổn phận vì nó không đem lại cho họ sự hào hứng sôi nổi. Bổn phận có vẻ là chuyện quá âm thầm, như một cái gì tối thiểu, tiêu cực và thụ động. Thật ra, bổn phận chính là điểm khởi đầu cần thiết để vươn tới vô tận. Bổn phận chẳng khác nào một nén bạc giống nhau đặt vào tay mỗi người, như cái tối thiểu ta phải chu toàn, và nhờ tình yêu khi chu toàn bổn phận, ta sẽ vươn được tới tối đa, khiến một nén sẽ thành hai, thành năm, thành mười (x. Lc 19,11-27). Như thế, mọi danh phận và mọi ơn gọi đều là con đường để ta nên thánh và, hơn nữa, nên những vị thánh lớn.
Trước bổn phận và những thử thách gặp trong cuộc sống, người ta thường có những phản ứng khác nhau: Hoặc tránh né vì sợ gian nan vất vả, hoặc đón nhận cách miễn cưỡng, hoặc vui vẻ đón nhận với lòng biết ơn. Làm vì thích, làm vì sợ hình phạt, làm vì đó là điều tốt và làm vì đó là ý Chúa, đó là những động cơ hành động. Ta cần giúp các em phân biệt các động cơ hành động khác nhau, để dần dần các em tiến tới chỗ làm vì yêu mến Chúa.
Như người buôn ngọc bán hết mọi thứ để mua cho được viên ngọc quý, ta cần biết bỏ hết mọi sự để chu toàn ý Chúa qua các bổn phận. Phải lo xong việc bổn phận chính yếu trước đã. Mau mắn từ bỏ những điều không cần thiết để chu tòan bổn phận. Không bao giờ mải mê điều gì đến quên việc bổn phận. Làm tròn việc bổn phận với cả tấm lòng và có tinh thần trách nhiệm: Phần việc đã được giao, nếu không làm được, phải nhờ người khác làm thay đến nơi đến chốn hoặc phải thưa lại với người đã giao việc.
Chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nhấn mạnh sự hiện diện của Thiên Chúa nơi việc bổn phận thường ngày: “Chúa Giêsu không nhìn xem những việc ta làm lớn chừng nào nhưng Ngài chỉ nhìn xem ta có đặt tình yêu vào đó hay không”.
Tập trung vào việc bổn phận và chu toàn với lòng yêu mến, là con đường nên thánh giản dị và an toàn nhất giữa cuộc sống hằng ngày.
Đó cũng là hướng giáo dục thực tế nhất. Thay vì phải mệt mỏi canh chừng cho bạn trẻ khỏi sa vào cạm bẫy, nhà giáo dục nên nhắm tới một điều đơn giản: Giúp các em quý trọng và yêu mến việc bổn phận.
11- SẮP XẾP VIỆC NHÀ ĐỂ NÊN THÁNH
“Người giáo dân phải làm thế nào để chu toàn nhiệm vụ trần thế trong những hoàn cảnh thường xuyên của cuộc sống mà vẫn không xa lìa sự kết hiệp với Chúa Kitô, nhưng càng thi hành công việc của mình theo ý Thiên Chúa lại càng kết hiệp mật thiết hơn. Bằng cách ấy, người giáo dân sẽ hăng hái và vui vẻ tiến bước trên đường thánh thiện, với sự khôn ngoan và nhẫn nại, cố gắng thắng vượt mọi khó khăn. Từ việc trong nhà đến việc ngoài xã hội đều không xa lìa động lực siêu nhiên của cuộc sống, theo lời Thánh Tông Đồ: "Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha" (Cl 3,17) (Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 4).
Dạy con không gì khác hơn là tập cho con ngay từ nhỏ đã có những thói quen tốt. Muốn vậy, chính cha mẹ phải có những thói quen tốt, khởi đầu là những thói quen về sạch sẽ, ngăn nắp thứ tự và đúng giờ giấc.
Mỗi vật có một chỗ, vật nào chỗ ấy. “Cái gì lấy ở đâu, trả liền vào ở đó”. Hãy quyết tâm thực hiện trật tự trong nhà mình rồi bạn sẽ được bình an và đem lại bình an cho người nhà. Âm thầm chăm lo xếp đặt mỗi vật vào chỗ của nó.
Công việc cũng vậy. Cần sắp đặt cho mỗi việc một giờ và làm đúng giờ của nó. Mỗi việc có một giờ, giờ nào việc nấy. Tập được thói quen ấy, sẽ sống thanh thản.
Không làm ngay việc phải làm là tự khiến mình mắc nợ. Buổi sáng không chịu làm xong, buổi chiều phải trả nợ. Không chịu làm xong việc hôm nay là tự chuốc nợ cho hôm sau. Một học sinh học bài kỹ mỗi ngày, đến mùa thi không bị căng thẳng.
Lắm khi, dù đã hết sức cố gắng, nhưng vì những lý do ngoài ý muốn, vẫn bị ối đọng công việc. Trong trường hợp này, vừa khi có chút giờ rảnh, nên giải quyết ngay việc bị ối đọng, nếu cần thì nhờ hoặc thuê người khác làm giúp cho xong.
Mỗi ngày chịu khó một chút, công việc nhà sẽ suôn sẻ gấp bội. Với người Kitô hữu, đây là một kho tàng có sẵn trong tay để mua sắm vinh quang lớn nhất trong cõi đời đời. Sắp xếp nhà cửa và chu toàn công việc nhà chính là bước đầu để nên thánh giữa đời.
12- QUẢ CẢM THEO CHÚA
GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Rồi Đức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình, nào có ích lợi gì?” (Lc 9,23-26)
Thánh Laurensô Ngôn (1840-1862) bị bắt khi mới 22 tuổi. Người vợ trẻ yêu dấu còn đó, rồi cha mẹ đã bao năm nuôi dạy mình nay đang cần người phụng dưỡng. Đó là nỗi ưu tư của anh trong những ngày bị giam. Thế nhưng cũng như trong những chuyện tích của nhiều vị tuẫn đạo khác tại Việt Nam, sự yểm trợ tinh thần của những người thân quảng đại, nhiều khi lại là yếu tố rất quan trọng. Anh đã trốn về thăm nhà nhưng gia đình khuyến khích anh trở lại nhà giam để trình diện. Chính thân mẫu và người vợ hiền anh thương mến nhất cũng đến hiện diện trong giờ hành quyết để khích lệ anh… Mẩu chuyện ấy cho thấy cần làm sao để mọi người trong gia đình cùng chung một lập trường vác thánh giá theo Chúa. Ngay giữa đời thường, trong mọi chọn lựa lớn nhỏ, ta cần nhớ lời Chúa Giêsu: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì Ta nói cho các con hay: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13,22-24)
Lên đường theo Chúa, ta cần dứt khoát với tội lỗi, dứt khoát làm lành lánh dữ. Đứng trước một điều xấu và một điều tốt, ta quyết bỏ điều xấu và chọn điều tốt. Thế nhưng, trước hai điều đều tốt cả, ta sẽ chọn bên nào? Ta cần có sự bình tâm để chọn như Chúa Giêsu đã chọn. Nhắm tới một tình yêu lớn hơn, ta sẽ dần dần tiến lên trong sự bình tâm, với ba mức độ :
Mức độ 1 là chấp nhận ý Chúa: Giữa 2 thụ tạo (Ví dụ : làm nghề này hay nghề kia, giàu hay nghèo, sống lâu hay chết sớm, nói hay im lặng, vinh hay nhục...), tôi không nhất thiết phải chọn cho được A hay B. Thái độ của tôi là bên nào giúp tôi được gần Chúa hơn, bên nào giúp tôi tôn vinh Danh Chúa hơn, thì tôi chọn bên ấy. Nói cách khác, Chúa muốn tôi chọn bên nào, thì tôi chọn bên ấy. Tôi giữ cho mình được hoàn toàn tự do, không bị thụ tạo chi phối, để đón nhận ý Thiên Chúa.
Mức độ 2 là yêu thích ý Chúa: Giữa hai thụ tạo A và B, nếu tôi biết Chúa muốn B cho tôi (tức là B giúp tôi gần Chúa hơn, làm vinh danh Chúa hơn), tôi quyết vận dụng tự do của tôi để muốn được B. Nếu điều Chúa muốn cũng là điều tôi ưa thích, tôi sẽ đón nhận điều ưa thích như một trách nhiệm , nếu ngược lại, tôi sẽ đón nhận gánh nặng như một điều ưa thích.
Mức độ 3 là khao khát nên giống Chúa: Đi xa hơn nữa, nếu cả A và B đều giúp tôi gần Chúa như nhau, tôn vinh Danh Chúa như nhau, tức là ý Chúa ngang nhau cả đôi đàng, tôi sẽ chọn điều khiến tôi nên giống Chúa Giêsu, Đấng đã chọn nghèo hèn, bị thua thiệt, bị sỉ nhục... Đây là dấu hiệu của một tình yêu đích thật, tình yêu đem lại tự do như lời thánh Âu Tinh: “Cứ yêu mến đi, rồi muốn làm gì thì làm”.
Mỗi tối, anh chị em cần nhìn lại xem mình đã quan tâm quyết định mọi chuyện lớn nhỏ trong ngày theo hướng trên đây chưa. anh chị em cứ thường xuyên chọn lựa như thế, con cái anh chị em sẽ noi gương và trở thành những người luôn quả cảm bước theo Chúa giữa đời thường.
13- GIỜ KINH SÁNG TỐI
“Kinh nguyện gia đình có những đặc tính riêng của nó. Đó là một kinh nguyện chung: vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau, cha mẹ và con cái cùng cầu nguyện với nhau. Sự hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa quả vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông mà các bí tích Rửa Tội và Hôn Phối đã đem lại. Các gia đình Kitô hữu có thể áp dụng được cho mình một cách đặc biệt những lời hứa hiện diện của Đức Giêsu: “Quả thật, Ta bảo các con: nếu dưới đất, hai người trong các con đồng thanh xin về bất cứ việc gì, thì Cha Ta, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho. Vì đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Ta, thì có Ta ở đó, giữa họ” (Mt 18,19-20). (Tông Huấn Gia Đình, số 59)
Trong hạnh thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, ta đọc thấy: Năm 20 tuổi, ông Mỹ kết hôn với cô Maria Mến, con gái Thánh Antôn Nguyễn Đích là ông trùm trong xứ. Cuộc sống gia đình đầm ấm hạnh phúc với tám người con đạo hạnh, khiến dân làng ai cũng mến phục kính nể. Dù đời sống gia đình và xã hội phức tạp, ông luôn sống xứng đáng là một gia trưởng đạo đức gương mẫu. Bà Mỹ kể lại rằng: “Gia đình tôi sống trong hoà thuận yêu thương. Ông Micae chuyên chăm đạo đức, dự lễ hằng ngày. Nếu vợ con hoăc người giúp việc bận rộn không đi lễ được, ông bắt phải đọc kinh chung và nghe sách thiêng liêng để suy niệm. Ông xưng tội nhiều lần trong năm. Mỗi lần ông kỹ lưỡng xét mình từ hai ngày trước. Mùa Chay, ông giữ chay các ngày thứ tư và thứ sáu. Ông không uống rượu, không đánh bạc hay to tiếng với ai bao giờ.”
Cũng như gia đình thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, gia đình anh chị em hãy trung thành với giờ kinh sáng tối.
Giờ kinh sáng là để ca mừng Đức Kitô đã phục sinh đã cứu chuộc ta. Xin Thiên Chúa chúc lành cho ngày sống của ta, cho mọi việc ta sắp làm. Tâm tình của giờ kinh sáng là chúc tụng, hiến dâng và vững tin vào tình thương Thiên Chúa luôn nâng đỡ ta trong cuộc sống.
Nếu có đi lễ sáng, mỗi người chỉ cần đọc riêng kinh dâng ngày và một vài kinh thích đọc, hoặc thinh lặng cầu nguyện dăm phút. Kinh dâng ngày nên đọc khi vừa tỉnh dậy hoặc khi vừa bước xuống khỏi giường. Nếu không đi lễ sáng, cả nhà nên cầu nguyện chung. Việc đọc kinh sáng chung thường khó hơn kinh tối, nhưng nếu cố gắng, ta vẫn có thể làm được phần nào.
Giờ kinh tối là giờ tổng kết sau một ngày sống và để chuẩn bị cho ngày hôm sau: ta cảm tạ những ơn Chúa ban và thống hối mọi lỗi lầm; ta cầu nguyện cho mọi người đã gặp trong ngày và cho Hội Thánh khắp nơi; ta xin Thiên Chúa chúc lành cho mọi việc đã làm trong ngày và cho ta được qua một đêm bình an để sớm mai thức dậy ta lại được dâng lời ca ngợi Chúa. Nên thu xếp cầu nguyện sớm, liền sau bữa ăn tối. Nên ăn tối đúng giờ để đọc kinh đúng giờ.
Mùa Vọng, Giáng sinh, Mùa Chay, Phục sinh, các lễ trọng, các tháng kính Thánh Tâm, tháng kính Đức Mẹ, kính thánh Giu-se, kính nhớ các tín hữu đã qua đời... cần chọn những bài hát thích hợp.
Những dịp đặc biệt, như các ngày kỷ niệm trong gia đình, nên có những giờ kinh đặc biệt.
Trước khi bắt đầu, người xướng kinh nhắc ý cầu nguyện của giờ kinh. Cuối giờ kinh là phân công và lời cuối ngày: Sau giờ kinh, nên nhìn tới những công việc hôm sau và phân công, nhắc nhở. Theo kinh nghiệm thánh Gioan Boscô, cha mẹ nên nói đôi lời tốt đẹp chừng một phút (một câu châm ngôn, hoặc một việc xảy ra trong đời sống, kèm với cách suy nghĩ theo Tin mừng) để mọi người đi ngủ với ý tưởng lành thánh. Lời chia sẻ luôn kết thúc bằng: “Chúc cả nhà ngủ ngon”. Cả nhà chúc lại người chia sẻ ngủ ngon.
14-GIỜ KINH CHO NHỮNG DỊP
ĐẶC BIỆT TRONG GIA ĐÌNH
Kinh nguyện gia đình có nội dung độc đáo là chính cuộc sống gia đình. Qua những cảnh huống khác nhau, cuộc sống này được diễn giải như một ơn gọi từ Thiên Chúa mà đến và được thực hiện như một câu trả lời hiếu thảo cho lời mời gọi của Ngài: những vui mừng và đau khổ, những hy vọng và buồn phiền, những lần sinh con và những ngày sinh nhật, những kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ, những chuyến xa nhà và trở về, những chọn lựa quan trọng và quyết liệt, cái chết của những người thân yêu ... đều là những dấu hiệu về sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong cuộc sống gia đình. Những biến cố ấy cũng phải trở thành những lúc thuận tiện cho lời tạ ơn, khẩn nguyện, cho sự tin tưởng phó thác của gia đình trong bàn tay Cha chung trên trời. Đàng khác, phẩm giá và trách nhiệm của gia đình Kitô hữu, xét như Giáo Hội tại gia, chỉ có thể được sống với sự trợ giúp liên lỉ của Thiên Chúa, và sự trợ giúp này sẽ không bao giờ thiếu nếu người ta biết thành khẩn nguyện xin với lòng tin cậy và khiêm tốn.” (Tông Huấn Gia Đình, số 59)
Mỗi dịp đặc biệt trong gia đình có sinh hoạt riêng của nó và giờ kinh tối cũng hoà theo đó. Cần tránh những chuyện rườm rà. Nên lưu ý nhiều đến những gì dễ gây thêm tình gia đình, giúp mọi người biết nghĩ đến người khác: Dọn nhà cửa sạch sẽ, trật tự, nhắc nhở cầu nguyện cho nhau, làm bó hoa thiêng liêng tặng người được mừng lễ, vv ... Mỗi người và mỗi gia đình nên tìm hiểu kỹ đường lối nên thánh của thánh bổn mạng để noi theo.
Đầu năm nên ghi ngay các ngày lễ gia đình vào cuốn lịch công giáo để dễ nhớ. Một số ngày lễ đời hoặc đạo có tính gia đình, cũng nên ghi vào. Ví dụ: ngày Phụ nữ (8/3), ngày các bà mẹ (Chúa Nhật thứ ba tháng Năm), ngày của những người cha (Chúa Nhật thứ ba tháng Sáu), ngày của ông bà nội ngoại (26/7) ...
Giờ kinh cũng là lúc sống mầu nhiệm các thánh thông công, hiệp thông với những người quá cố trong gia đình và gia tộc. Khi nhớ đến gia tiên tổ phụ, người công giáo không làm một sự thờ phượng bên ngoài sự thờ phượng Thiên Chúa, nhưng là để nhờ đó mà thêm lòng biết ơn và kính mến Thiên Chúa là nguồn mọi tình phụ tử trên trời dưới đất (Ep 3,14). Đàng khác, khi nhớ đến các tổ tiên theo huyết thống, người công giáo cũng nhớ đến các tổ phụ trong đức tin.
Mỗi gia đình nên có một bàn thờ gia tiên đơn sơ. Mà đã có bàn thờ thì nhớ thắp hương, đừng để hương tàn khói lạnh. Ngày tết ngày giỗ nên giữ một cây hương cháy suốt ngày. Tránh những chi tiết trái đức tin và tránh tốn kém không hợp tình hợp lý. Về hình thức, chỉ cốt sao biểu lộ được tấm lòng và giúp các cháu nhỏ học được lòng biết ơn tổ tiên và biết ơn Thiên Chúa Tạo Hoá.
Người Việt Nam có thói quen rất tốt: mỗi khi gia đình có việc buồn vui đều luôn tưởng nhớ gia tiên và biểu lộ tâm tình ấy bằng việc cúng lễ. Lễ gia tiên thường do vị trưởng tộc hoặc người cha trong gia đình chủ lễ. Nếu vị này vắng mặt thì vợ hoặc con trai hoặc con dâu trưởng chủ lễ. Người tín hữu công giáo Việt Nam tiếp nhận truyền thống tốt đẹp ấy với một cái nhìn chính xác, phù hợp với đức tin Kitô-giáo. Hình thức sơ đẳng nhất của lễ gia tiên là mỗi lần ra khỏi nhà và mỗi lần đi đâu về, ta thắp một cây nhang cắm lên bàn thờ và thinh lặng cầu nguyện giây lát.
15- CHIA SẺ VÀ HIỆP THÔNG
TRONG TANG LỄ
Một trong những ý nghĩa lớn của Kitô giáo là tình hiệp thông: người tín hữu được kết hiệp với Thiên Chúa và nhờ đó mà hiệp thông với nhau, giữa những người đang sống trên trần gian cũng như giữa người còn sống và người đã qua đời.
Trước mắt người ngoài công giáo, tình hiệp thông này lộ rõ nơi dịp tang lễ. Nhiều người xúc động khi thấy đông đảo tín hữu đến an ủi gia đình người quá cố, cầu nguyện trong thời gian thi hài còn tại gia đình và ba buổi tối sau khi an táng. Người ta còn cảm kích vì sự mau mắn giúp đỡ và chia sẻ, với tinh thần bác ái vô vụ lợi… Dù không bà con ruột thịt, các tín hữu vẫn quan tâm chăm sóc nhau, yêu thương nhau như con một nhà. Rồi những lúc cộng đoàn không cầu nguyện chung, vẫn có một hai người liên tục âm thầm cầu nguyện bên người quá cố, giúp cho bầu khí thành trầm lắng, linh thiêng, ấm cúng, đầy đức tin và đức trông cậy.
Với tinh thần hiệp thông, khi những gia đình sống lẻ loi ở xa có người đau ốm, giáo xứ cần lưu tâm chăm sóc, và khi họ gặp cảnh tang chế, càng cần hết sức cố gắng viếng thăm an ủi. Cách riêng, với những gia đình neo đơn nghèo khổ, cần quan tâm giúp đỡ cả về vật chất.
Nhiều gia đình người lương khi thân nhân chết vì tai nạn ngoài đường, rất ngại đưa về nhà. Một số giáo xứ đã tạo điều kiện để họ có thể quàn người quá cố tại nhà tang lễ cộng đoàn với những chăm sóc ân cần, đem lại một an ủi lớn cho gia đình nạn nhân. Đó là một cách thể hiện mối thương người thứ bảy về phần xác: thứ bảy chôn xác kẻ chết.
Chính trong tang lễ, người ta được nghe Tin Mừng về sự sống, hiểu ra rằng mục đích cuộc sống là để được hiệp nhất với Thiên Chúa trong hạnh phúc đời đời, và sự chết là cuộc vượt qua cần thiết để tiến vào sự sống đời đời ấy. Nên tìm dịp giải thích cho bà con lương dân hiểu ý nghĩa của việc rảy nước thánh trên thi hài, trên quan tài và trên huyệt. Tất cả là để nhắc lại rằng người quá cố đã được rửa tội, trở nên con cái Thiên Chúa và thân xác họ đã trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần. Việc niệm hương cũng được người Công Giáo thực hiện theo ý nghĩa ấy.
16- BÀN THỜ GIA TIÊN VÀ TÌNH ĐỒNG TỘC
Trong thời gian mò mẫm tìm cách giúp người Việt hiểu đúng giáo lý Đạo Chúa, các nhà truyền giáo gặp nhiều khó khăn trong việc hội nhập văn hóa. Do đó suốt gần 200 năm, Giáo Hội không cho phép tín hữu Việt Nam thực hiện việc thờ cúng tổ tiên theo lối cổ truyền. Việc cấm đoán đã đưa đến thành kiến “theo Đạo là bỏ ông, bỏ bà”, khiến người ta tẩy chay Đạo Chúa. Điều ấy còn trở thành một trong những lý do biện minh cho các cuộc bách hại của nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn và chiến dịch Văn Thân.
Giữa thế kỷ 20, mọi sự đã thay đổi. Từ năm 1965, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã tiếp nhận lại việc thờ cúng tổ tiên theo cung cách Việt Nam. Nhiều gia đình Công Giáo đã lập lại bàn thờ gia tiên. Việc thắp hương cầu nguyện đã thành bình thường và tạo được thiện cảm nơi bà con lương dân.
Tuy nhiên, để xóa sạch hiểu lầm, người Công Giáo phải cố gắng đặc biệt trong lãnh vực này: cả nơi sự hiếu thảo với cha mẹ còn sống lẫn sự thờ kính ông bà tổ tiên.
Về bàn thờ gia tiên, khi có điều kiện, tốt nhất là thực hiện gian thờ, có màn che từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, do cấu trúc nhà ở ngày nay khác xưa, cũng có thể tùy nghi thực hiện với hình thức sáng sủa và giản dị, thấm nhuần màu sắc dân tộc và Kitô giáo. Có thể đặt ngay dưới bàn thờ Chúa, nhưng cần có sự phân biệt rõ ràng, hoặc có thể để ở gian khác. Cần nhớ, một khi đã lập bàn thờ, phải gìn giữ sạch sẽ, tuyệt đối không để bất cứ vật dụng linh tinh nào trên bàn thờ. Phải chăm sóc hương đèn. Hình thức sơ đẳng nhất của lễ gia tiên là mỗi sớm, mỗi tối, mỗi lần đi xa về, ta thắp một cây nhang cắm lên bàn thờ và thinh lặng cầu nguyện một phút. Nếu thiếu ý thức và quan tâm thì thà đừng lập bàn thờ còn tốt hơn là có bàn thờ mà để hương tàn, khói lạnh.
Các ban văn hóa, truyền giáo và gia đình trong giáo xứ cần quan tâm góp ý và hướng dẫn cho các gia đình về việc này.
Đạo Hiếu không dừng lại ở bàn thờ gia tiên và các nghi thức lễ bái mà còn gồm những kinh nghiệm khác có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục nhân bản, cách riêng là giáo dục tình gia đình và gia tộc. Tình gia tộc được khẳng định qua các bản gia phả, qua những ngày giỗ, ngày tết.
Sinh hoạt gia tộc được duy trì nhờ từ đường và ruộng hương hoả, và cũng nhờ đó có những dòng họ giữ được gia phả từ nhiều thế kỷ. Các gia đình công giáo, do gián đoạn sinh hoạt từ đường hơn hai trăm năm, thường ít giữ được gia phả. Nhiều gia tộc ngoài công giáo, dù không gián đoạn việc thờ cúng ông bà nhưng, do chiến tranh, nay cũng bị mai một cả gia phả, từ đường và ruộng hương hoả. Từ ngày đất nước hoà bình và thống nhất, dường như khắp nơi đều rộ lên việc tìm lại nguồn cội, nối lại gia phả. Có cả những sách mẫu hướng dẫn làm gia phả và những sáng kiến làm gia phả điện tử, gia phả trên mạng. Thiết tưởng các gia đình công giáo Việt Nam cũng cần quan tâm đến việc này để có thêm một lợi khí giúp vun trồng tinh thần đạo lý cho các thế hệ mai sau. Nếu không thể tìm lại những nguồn gốc xa xưa thì ít là ghi lại từ những vị tổ mà trong gia đình còn biết được.
Rất nhiều trường hợp, khi tìm về cội nguồn, ta phát hiện quan hệ gần gũi giữa những nhánh đồng tộc Công giáo và ngoài Công giáo. Hai bên sẽ qua lại thăm viếng nhau, cùng hiện diện trong những dịp giỗ đại tộc. Nhờ đó, sẽ sớm xoá tan được thành kiến “theo đạo bỏ ông bỏ bà”, rồi tình thân giữa đôi bên sẽ gia tăng và việc chia sẻ đức tin giữa những người đồng tộc sẽ gặp nhiều thuận lợi.
17- DƯỚI MÁI TỪ ĐƯỜNG CỦA TRĂM HỌ
Sau tết Quý Tỵ 2013 vừa qua tại giáo xứ Song Mỹ thuộc giáo phận Nha Trang, một số bạn trẻ họ Võ đã có sáng kiến xin cha sở một thánh lễ cầu nguyện cho những người cùng họ còn sống và đã qua đời. Với bức tâm thư trang trọng gửi đến mọi gia đình họ Võ trong giáo xứ, đã có trên 100 người đến dự lễ. Sau thánh lễ hơn 50 người đã ở lại gặp nhau tại hội trường giáo xứ. Họ chia sẻ tâm tình thật chan hòa rồi thảo luận sôi nổi và đi đến bốn quyết định: Thứ nhất, đề cử ra một ban liên lạc họ Võ Công giáo của giáo xứ; thứ hai, mỗi lần có người họ Võ trên địa bàn giáo xứ qua đời, sẽ tặng một vòng hoa phúng điếu ghi dòng chữ: "Ban Liên lạc họ Võ Công giáo giáo xứ Song Mỹ thành kính phân ưu"; thứ ba: anh chị em đồng tộc Công giáo sẽ nhắc nhau sống tốt hơn để khỏi phụ lòng bà con đồng tộc ngoài Công giáo; Thứ tư: Từ đây về sau, mỗi năm tới ngày này, đều xin lễ như thế và mỗi gia đình họ Võ Công giáo sẽ mời một gia đình họ Võ người lương đến dự thánh lễ. Có thể lắm người được mời sẽ không đến nhưng nhiều người khác sẽ đến. Họ sẽ hiểu thế nào là gia đình con cái Chúa, sẽ hiểu cách người Công giáo tôn kính và cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.
Điều nhóm anh chị em ấy đã làm, thiết tưởng bất cứ nhóm đồng tộc nào tại mỗi giáo xứ, dù đông người hay ít người, cũng đều có thể làm được. Sau bao năm ly loạn, khi hòa bình lập lại, đa số người mình, lương cũng như giáo, hiện không còn gia phả, không còn từ đường, lắm khi không còn nhớ ngày giỗ của dòng họ mình. Thế nhưng khi ta nhận biết Thiên Chúa là Cha, Ngài đã cho lại chúng ta tất cả và còn hơn thế nhiều. Không còn gia phả, nhưng chúng ta biết rõ mình là anh em con một Cha trên trời. Không còn từ đường nhưng chúng ta lại có chung một nhà Chúa là từ đường của muôn dân, bởi lẽ hai chữ từ đường trong tiếng Hán dịch sang tiếng Việt không gì khác hơn là nhà thờ. Có thể không còn nhớ ngày giỗ của dòng họ nhưng chúng ta có ngày lễ của những vị thánh tử đạo cùng dòng họ. Trong số các thánh tử đạo người Việt, có 28 vị ta không rõ thuộc họ nào; còn 69 vị khác thuộc về 17 dòng họ: họ Bùi (2), họ Đặng (1), họ Đinh (3), họ Đỗ (3), họ Đoàn (3), họ Hà (2), họ Hồ (1), họ Hoàng/Huỳnh (1), họ Lê (7), họ Nguyễn (24), họ Phạm (5), họ Phan (3), họ Tạ (1), họ Tống (1), họ Trần (4), họ Trương (2), họ Vũ/Võ (6).
Mỗi năm trong mái ấm từ đường của trăm họ tại giáo xứ liên tiếp có ngày giỗ Công giáo của họ Lê, họ Nguyễn, họ Phạm, họ Phan, họ Trần, vv… và các bà con đồng tộc người lương cùng đến dự. Rồi tới ngày tế hiệp của họ, họ lại mời các đồng tộc Công giáo và cả vị thủ từ của từ đường trăm họ là cha xứ đến dự. Dòng họ là con đường thật hồn nhiên để ta đến với anh em và đưa anh em đến với Chúa. Ta có những cơ hội tốt nhất để giải thích cho bà con lương dân hiểu giáo lý của Hội Thánh Công giáo về Đạo Hiếu và việc thờ cúng Tổ Tiên để giúp họ nhận biết và thờ phượng Cội Nguồn muôn đời muôn thuở là Cha trên trời.
Với hy vọng ấy, mỗi tín hữu hãy gặp gỡ những người Công giáo cùng dòng họ trong giáo xứ, trao đổi và thảo luận xem sẽ bắt đầu công việc như thế nào. Họ nào loan Tin mừng cho họ nấy: Rủ nhau sống tốt, hẹn nhau trong một thánh lễ truyền thống hằng năm, và mời bà con đồng tộc người lương cùng đến dự.
Dĩ nhiên việc gieo trồng không kém phần vất vả nhưng rồi mùa gặt đến, giọng hân hoan, mặt rạng rỡ, ta sẽ ôm những bó lúa trĩu nặng trên tay mà trở về trong tiếng hát tạ ơn vì những bà con cùng dòng họ với mình và cả nhiều anh chị em khác đã trở nên con cái Chúa.
III. GIA ĐÌNH TRUYỀN GIÁO
.01 - GIÚP BẠN TRẺ HỌC TRUYỀN GIÁO
Then chốt của truyền giáo là hun đúc tâm hồn truyền giáo cho Kitô hữu từ khi còn non trẻ. Hướng tới lễ Chị thánh Têrêxa, bổn mạng các xứ truyền giáo, chúng ta cần tìm cách giúp các bạn trẻ có được tâm tình của Chị Thánh: “Con khát khao được yêu mến Chúa và làm cho Chúa được yêu mến”.
Trách nhiệm này trước hết thuộc về các gia đình Kitô hữu. Các gia đình vẫn được Giáo Hội coi là những chủng viện và đệ tử viện đào tạo tinh thần truyền giáo. Các gia đình còn góp phần đặc thù cho công cuộc truyền giáo bằng cách vun trồng ơn gọi thừa sai cho con cái mình. Sớm hôm hãy thường xuyên nhắc các cháu: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt” (Lc 10,2). Tổng quát hơn, gia đình sẽ “dạy cho con cái ngay từ khi còn thơ ấu biết nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người” (Tông huấn Gia đình, số 54) và mau mắn quảng đại đáp lại.
Khi gây ý thức truyền giáo cho các cháu nhỏ, ta cần tránh biến các cháu thành những người tự tôn, như thể mình là người nắm vững chân lý. Chúng ta cần dạy các cháu khiêm nhường trước ơn Chúa và biết tôn trọng lòng tin của người khác. Các cháu sẽ hy sinh và cố gắng sống tốt không phải “để làm gương” nhưng trước hết là để người khác khỏi hiểu lầm đạo Chúa, và có thể hiểu đúng thế nào là tinh thần của Đạo thánh.
Tiếp sau gia đình là các lớp giáo lý. Chương trình giáo lý theo tuổi hiện áp dụng trong Giáo phận nhà, được biên soạn theo hướng truyền giáo. Giáo lý viên cần khắc sâu cho các em lý tưởng nên thánh, theo gương các vị thánh trẻ, nam giới là những thánh như: Saviô, Giuse Túc, Koska, Phanxicô Martô; nữ giới thì như: Maria Goretti, Laura Vicưnha, Giaxinta và chân phước Antonia Meo mới 6 tuổi. Giữa những hấp lực của xã hội tiêu thụ, các em cần biết thốt lên như thánh Stanislas Koska: “Tôi sinh ra cho những điều cao quý hơn.” Cần dạy cho các em biết sống chứng nhân ở trường ở lớp với cách ăn nói dịu dàng thanh lịch, trung thực khi làm bài, mau mắn giúp đỡ mọi người cách vô vụ lợi và biết quên mình vì ích chung.
02
LOAN BÁO TIN MỪNG
QUA LỄ HÔN PHỐI
Đời Kitô hữu xoay quanh bốn trục: tin, nhận, giữ, cầu – tức là tín lý, bí tích, luân lý và cầu nguyện. Dịp tốt nhất để người lương tiếp cận cả bốn chiều kích ấy là lễ cưới ở nhà thờ. Họ thường khen nghi thức hôn phối trang trọng và giàu ý nghĩa. Vì thế, nên mời các thành viên trong gia đình cũng như bạn hữu ngoài Công giáo tham dự thánh lễ hôn phối. Những lúc nói chuyện trao đổi trước và sau lễ, cũng như ở câu chuyện thân mật cởi mở trong tiệc cưới, nếu được, nên giải thích cho họ những điểm đáng chú ý trong hôn nhân Kitô giáo. Từ đó cũng có thể đi xa hơn để giải thích những thắc mắc về Đạo. Tuy nhiên, cần giữ đúng chừng mực và bầu khí thân tình, không biến câu chuyện thành buổi giảng đạo và nhất là tránh đừng rơi vào chỗ tranh cãi lý thuyết.
Điều đánh động trước mắt người ta chính là nghi lễ. Do đó, cần nhắc nhở cô dâu chú rể đến sớm để lễ nghi được tốt đẹp ngay từ đầu. Cũng nên tin cho vị giảng lễ biết đôi chút về thành phần những người được mời, để ngài dễ chăm sóc cho bài giảng được súc tích, dễ hiểu và có chất lượng.
Đặc tính “một vợ một chồng” và “bất khả phân ly” của hôn nhân Kitô giáo cần được chứng thực bằng đời sống của các gia đình con cái Chúa, một đời sống hạnh phúc và triển nở. Những dịp tổ chức kỷ niệm giáp năm ngày cưới, cách riêng là 25 năm và 50 năm là những dấu chứng rất thuyết phục. Các giáo xứ nên chú ý tổ chức cho các gia đình mừng lễ.
- Có thể tổ chức mỗi năm một lần vào lễ Thánh Gia hay lễ hai thánh Gioakim và Anna,… dành riêng cho những đôi giáp 5, 10, 20, 25, 30, 40 và 50 năm.
- Cũng có thể chọn một ngày nhất định hằng tháng, ví dụ như chiều Thứ Tư hay Thứ Bảy đầu tháng, cho tất cả những đôi mừng kỷ niệm trong tháng ấy. Cách này có cái lợi là mọi gia đình đều có dịp sống lại ơn bí tích hằng năm.
Trong cả hai trường hợp, nên nhắc các gia đình liên hệ, cả cha mẹ và con cái dọn mình xưng tội rước lễ.
.03
GIA ĐÌNH
LÀM TÔNG ĐỒ CHO GIA ĐÌNH
“Các gia đình Kitô hữu có sứ mạng xây dựng Giáo Hội và Nước Chúa trong lịch sử, cho nên cần phải ngoan ngoãn tuân phục Chúa Kitô. Thật vậy, qua hôn nhân đã được nâng lên hàng bí tích, Ngài trao cho các đôi bạn Kitô hữu một sứ mạng tông đồ riêng biệt, đồng thời sai phái họ như những người thợ trong vườn nho của Ngài, và cách đặc biệt, trong lãnh vực gia đình.
Việc tông đồ gia đình còn được triển nở dưới hình thức những công tác bác ái về tinh thần cũng như vật chất đối với các gia đình khác như: đối với những người đau ốm, già cả, tàn tật, mồ côi, góa bụa, những người chồng, những người vợ bị bỏ rơi, những người mẹ độc thân và những người mẹ trong tình huống khó khăn, đang bị cám dỗ loại bỏ đứa con còn trong lòng dạ mình, v.v...” (Tông Huấn Gia Đình, số 71)
Tông Huấn Gia Đình, số 72 còn nhấn mạnh tới các hiệp hội gia đình nhằm phục vụ các gia đình: “Cần phải nhìn nhận và coi trọng các cộng đồng Giáo Hội khác nhau, các nhóm và rất nhiều phong trào đang dấn thân vào mục vụ gia đình theo những cách thế khác biệt và với những danh hiệu và mức độ khác nhau, mỗi tổ chức đều có những đặc điểm, mục tiêu, cách kết nạp và phương pháp riêng. Thượng Hội Đồng Giám Mục đã chính thức nhìn nhận sự đóng góp ích lợi của những hiệp hội có tính cách tu đức, đào tạo hay làm việc tông đồ như thế. Vai trò của những hiệp hội này là làm dấy lên nơi các tín hữu một ý thức bén nhạy về sự liên đới; là tạo điều kiện thuận lợi cho một nếp sống được gợi hứng do Tin Mừng và do đức tin của Giáo Hội; là đào tạo cho lương tâm của mọi người biết theo giá trị Kitô giáo chứ không theo các tiêu chuẩn của ý kiến đám đông; là khuyến khích các công cuộc bác ái đang hướng về việc giúp đỡ lẫn nhau hay hướng về người khác với một tinh thần cởi mở, có sức làm cho các gia đình Kitô hữu trở thành thật sự là nguồn sáng đích thực và là men lành mạnh cho các gia đình khác.”
Tại Việt Nam, hiện nay một số hiệp hội tông đồ gia đình có tầm vóc quốc tế đã hiện diện ở nhiều nơi. Cũng có những hiệp hội mang tầm vóc quốc gia và những nhóm khác ở những quy mô nhỏ hơn. Điều quan trọng là các gia đình trong cùng một giáo xứ hay một giáo họ gặp gỡ nhau để cùng ý thức và cùng tìm kiếm một mô hình thích hợp với địa phương mình.
.04
CÁC GIA ĐÌNH LIÊN KẾT
GIÚP NHAU SỐNG ĐẠO
Tông huấn Gia đình, số 52, viết: “Tương lai việc Phúc âm hóa tùy thuộc phần lớn nơi Hội Thánh tại gia. Sứ mạng tông đồ ấy của gia đình bắt nguồn từ Bí tích Thánh Tẩy và qua Bí tích Hôn phối họ đã nhận được một sức đẩy mới để truyền đạt đức tin, để thánh hóa và biến đổi xã hội hiện tại theo ý định của Thiên Chúa.” Tông huấn cũng nhắc nhở các gia đình có trách nhiệm làm tông đồ lẫn cho nhau.
Qua nhiều thập niên thiếu vắng linh mục, hoàn cảnh tôn giáo của nhiều gia đình hiện còn gặp khó khăn chưa được ổn định. Để xúc tiến việc truyền giáo đối nội, tức là nâng cao phẩm chất Kitô giáo của các gia đình tín hữu, mỗi giáo xứ cần chú ý củng cố tối đa cho những gia đình đã ổn định về mặt tinh thần. Cần động viên để từng gia đình tận hiến cho trái tim Chúa Giêsu và Mẹ Maria, cùng nhau cam kết sống đạo và truyền giáo. Ban truyền giáo giáo xứ và ban mục vụ gia đình sẽ phối hợp để giúp những gia đình đã ổn định trở thành chỗ dựa cho những gia đình khác sớm tiến tới ổn định. Cụ thể là thực hiện sổ gia đình công giáo, giúp hợp thức hóa hôn phối, giúp thanh thiếu niên và nhi đồng hoàn tất việc học giáo lý theo tuổi mình, nhắc nhở nhau đi lễ Chúa Nhật. Cần tạo điều kiện để những gia đình có phẩm chất làm chứng cao, có thể liên kết thành nhóm hạt nhân.
Việc giúp các gia đình làm tông đồ lẫn cho nhau sẽ hữu hiệu hơn khi các gia đình được liên kết thành những nhóm nhỏ liên cư liên địa. Ngoài ra còn có sự góp phần của những phong trào tông đồ gia đình: hội các bà mẹ, legio, huynh đoàn, nhóm chia sẻ Lời Chúa, gia đình cùng theo Chúa, gia đình Khôi Bình, vv... Đặc biệt cần nâng đỡ những gia đình tiền phong, dấn thân đến những vùng chưa có ánh sáng Tin Mừng và hỗ trợ những gia đình lẻ loi.
Giữa lúc cơ cấu gia đình trên thế giới đang gặp khủng hoảng, các gia đình con cái Chúa cần chia sẻ cho nhau kinh nghiệm xây đắp gia đình hạnh phúc, tạo thành một môi trường mới, để nâng đỡ chính mình và để làm chứng cho Đạo Chúa.
.05
GIA ĐÌNH HY SINH VÀ CẦU NGUYỆN CHO TRUYỀN GIÁO
Tháng 5 năm 1984, Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Nam Hàn, nhân dịp mừng kỷ niệm 200 năm lãnh nhận Tin Mừng, và tôn phong 103 Chân phước Tử đạo Đại Hàn lên bậc Hiển Thánh; số người Công Giáo lúc đó khoảng 1 triệu 700 ngàn. Sau chuyến viếng thăm ấy, các Giám mục Nam hàn tung ra chiến dịch truyền giáo: "Mỗi gia đình Công Giáo phải đưa một gia đình ngoài Công Giáo trở lại". Tháng 10 năm 1989, sau 5 năm, Đức Thánh Cha trở lại viếng thăm Nam Hàn một lần nữa nhân dịp Đại hội Thánh Thể quốc tế được tổ chức tại Seoul, số người Công Giáo Nam Hàn đã lên tới hai triệu rưởi. Năm 2000, số linh mục Nam Hàn là 2.891 vị, tăng 10 lần so với năm 1962; số giám mục bản xứ là 23 vị; số người công giáo là 4 triệu 71 ngàn, được chia thành 15 giáo phận và 1.228 giáo xứ. (Theo số liệu đài Chân Lý Á Châu). Hiện nay, tỉ lệ người Công giáo đđang chiếm hơn 11% dân số Nam Hàn. Hội Đồng Giám mục Nam Hànđđang mời gọi mọi thành phần Dân Chúa tích cực hành động cho mục tiêu 20-20, có nghĩa là nỗ lực cầu nguyện, sống và truyền giáo để tới năm 2020, tỉ lệ người Công giáo sẽ lên tới 20% dân số.
Noi gương và chạy đua với anh chị em tại Nam Hàn, mỗi gia đình Công Giáo Việt Nam cũng được mời gọi cam kết hy sinh và cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo.
Mỗi tuần một lần, sau giờ đọc kinh tối sẽ dành thời giờ chia sẻ về truyền giáo, nhắc nhau nỗ lực đổi mới đời sống, vui chịu thiệt thòi và thử thách để cầu nguyện cho lương dân trở lại. Cũng đừng quên nhắc nhau dành dụm, góp phần lo việc truyền giáo.
Nỗ lực giáo dục con em. Ngỏ lời với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tại Rôma ngày 27-6-2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16 nói: “Điều rất đáng mong ước là khi dạy cho con cái biết sống theo lương tâm ngay thẳng, trong sự liêm chính và sự thật, thì mỗi gia đình công giáo trở nên trung tâm các giá trị và đức tính nhân bản, một trường dạy đức tin và đức mến đối với Thiên Chúa. Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người công giáo tốt cũng là người công dân tốt.”
.06
THEO DÕI CHĂM SÓC HẠT NẨY MẦM
Nhiều người vẫn có nghĩ tới việc cầu nguyện cho người ngoại trở lại nhưng không kết quả vì chỉ cầu nguyện cách hờ hững, thiếu nghiêm túc. Từ kinh nghiệm ấy, khi tha thiết hy sinh cầu nguyện cho người khác được ơn đức tin, các gia đình Công Giáo cần có sự chú tâm trìu mến.. Cả nhà cùng nhau hiệp ý cầu nguyện với cả tấm lòng.
Mọi người trong nhà sẽ trao đổi để tập trung cầu nguyện cho một gia đình. Giữa những gia đình thân quen và đã có thiện cảm với Đạo Chúa, gia đình nào xét thấy có nhiều triển vọng hơn, ta sẽ ưu tiên cầu nguyện cho gia đình ấy. Mỗi tối trước khi đọc kinh, cả nhà sẽ nhắc tên gia đình ấy, kể cho nhau những thông tin về gia đình ấy để dâng giờ kinh cầu nguyện cho họ được bình an hạnh phúc và được ơn đức tin. Ai vắng mặt thì khi đọc kinh riêng cũng hiệp chung cùng một ý nguyện ấy. Cũng cần nhắc nhau thêm hy sinh chay tịnh để lời nguyện thêm tha thiết và sớm được Chúa nhậm lời. Theo gương người bạn hỏi mượn bánh (x. Lc 11,5-8) và bà góa nghèo khiếu nại (x. Lc 18,1-7), ta cần cầu nguyện cách kiên tâm, với lòng tin tưởng trông cậy.
Cùng với lời cầu nguyện, ta cần quan tâm hỏi han thăm viếng gia đình ấy, chia vui sẻ buồn và gia tăng tình hiệp thông, đồng cảm. Khi họ đã muốn tiến xa hơn, ta mời họ tham gia những sinh hoạt thích hợp trong giáo xứ: sinh hoạt hiệp thông vui tươi, bác ái hoặc phụng vụ.
Mỗi hạt giống đều có thể gặp đủ những hoàn cảnh thử thách khác nhau như vệ đường, sỏi đá, nắng và gai góc. Nhờ gặp gỡ và chuyện vãn chia sẻ, ta có thể nhận ra những thử thách đang chờ họ và chân thành giúp họ vượt qua.
Đã chọn cầu nguyện cho gia đình nào, ta cần ưu ái chú tâm lo cho gia đình ấy. Sự chú tâm này đòi ta phải cố gắng và hy sinh. Tuy nhiên mọi vất vả sẽ được bù đắp trong niềm vui nhìn thấy những người anh em mình được hưởng ơn cứu rỗi, và hơn nữa, được biết rằng những người anh em ấy đang trở thành men Tin Mừng cho những người khác.
.07
QUA MẸ MARIA, ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU
Một sự kiện khá phổ biến trong những thập niên gần đây là có rất nhiều người ngoài Công giáo đến với Mẹ Maria và nhận được ơn chữa lành phần xác, ơn hòa hợp gia đình, và từ đó ngày càng thêm lòng kính mến Đức Mẹ. Họ thường gắn bó với các trung tâm hành hương kính Đức Mẹ. Chúng ta cần sớm phát hiện những trường hợp ấy và mau mắn giúp đỡ để những tâm hồn ấy và gia đình họ nhờ Mẹ Maria mà được đến với Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế.
Vì họ đã yêu mến Đức Mẹ, ta nên chỉ dẫn cho họ bày tỏ lòng yêu mến ấy bằng việc tôn sùng mà Mẹ rất thích là lần hạt Mân Côi – và rồi từ các sự kiện trong bốn mùa vui, sáng, thương và mừng của chuỗi hạt Mân Côi, ta giúp họ hiểu biết rõ hơn về mầu nhiệm Chúa Kitô và ơn cứu chuộc của Ngài.
Về phần mình, chúng ta cần biết noi gương Đức Mẹ để giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người. Noi gương Mẹ, chúng ta rắc gieo hạt giống Tin Mừng bằng cách sống thật dễ thương với mọi người, để lại trong lòng mọi người một hình ảnh thật đẹp về người Kitô hữu: vui tươi, hiền hòa, quảng đại, khiêm nhường và tận tâm phục vụ.
Noi gương Đức Mẹ ở Cana, chúng ta quan tâm tới nỗi lòng và khó khăn của người khác và giúp họ lắng nghe lời Chúa: “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
Có người tưởng rằng khi loan báo Tin Mừng phải nói những chuyện cao xa. Loan báo Tin Mừng không phải là giảng dạy thần học nhưng là chia sẻ kinh nghiệm sống sự hiện diện của Thiên Chúa và nói chuyện với Thiên Chúa, kinh nghiệm đọc, suy niệm và sống Lời Chúa. Một cách đơn sơ là đưa người ta đến với Đức Mẹ. Khi họ gặp khó khăn, nên khuyến khích họ cầu nguyện với Đức Mẹ. Khi họ được ơn Đức Mẹ, nên khuyến khích họ đáp đền bằng cách yêu mến Chúa Giêsu, con Ngài. Hiểu như thế thì khắp nơi, mọi lúc trong mọi việc, ta đều có thể loan báo Tin Mừng. Hãy tâm sự với Đức Mẹ và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, rồi cứ bắt đầu, và dần dần sẽ biết cách kết hợp việc làm ăn và mọi sinh hoạt khác với việc truyền giáo thật hồn nhiên, nhẹ nhàng.
MỤC LỤC
PHẦN I: MỐI BẬN TÂM HIỆN NAY CỦA HỘI THÁNH VỀ GIA ĐÌNH
I. THÔNG CÁO CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VỀ VIỆC TÔN KÍNH TỔ TIÊN
II. QUYẾT ĐỊNH VỀ LỄ NGHI TÔN KÍNH ÔNG BÀ TỔ TIÊN
III. THƯ CHUNG 2007 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VỀ GIÁO DỤC KITÔ GIÁO: GIÁO DỤC HÔM NAY, XÃ HỘI VÀ GIÁO HỘI NGÀY MAI
IV. THƯ CHUNG 2013 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA: HỘI THÁNH CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM VÀ CÔNG CUỘC TÂN PHÚC ÂM HÓA
V. THƯỢNG HỘI ĐỒNG ĐẶC BIỆT VỀ GIA ĐÌNH
PHẦN II: MỘT SỐ CHỈ DẪN THỰC HÀNH
I. GIA ĐÌNH GIÁO DỤC
01. Giáo dục từ trong bào thai
02. Giáo dục trẻ sơ sinh
03. Giáo dục tuổi vào đời
04. Giáo dục bằng gương sáng
05. Giáo dục theo các giá trị chính yếu của đời người
06. Dạy con cái biết cầu nguyện
07. Dạy con cái hướng tới nhân đức
08. Đào tạo các nhân đức căn bản
09. Đào tạo trí phán đoán
10. Đào tạo đức công bằng
11. Đào tạo tinh thần ích chung
12. Đào tạo tinh thần kỷ luật và từ bỏ
13. Đào tạo tinh thần phục vụ
14. Đào tạo tình bác ái và lòng hiếu khách
15. Đào tạo sự thành thật
16. Đào tạo sự khiêm nhường
17. Đào tạo lòng yêu mến Lời Chúa
18. Đào tạo tinh thần Hội Thánh
19. Đào tạo tinh thần phụng vụ
20. Đào tạo tinh thần truyền giáo
21. Đào tạo tình gia đình
22. Đào tạo tình gia tộc
23. Phát huy truyền thống đạo hiếu
24. Tôn trọng con cái
25. Lo cho con cái học giáo lý
26. Chăm sóc việc học của con cái
27. Gieo mầm ơn gọi
28. Việc chuẩn bị hôn nhân
29. Tủ sách gia đình
30. Các phương tiện truyền thông xã hội
II. GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO
01. Gia đình là Hội Thánh nhỏ
02. Noi gương gia đình Nadarét
03. Một bầu khí hạnh phúc và thánh thiện
04. Phẩm giá người phụ nữ
05. Người nam là chồng và là cha
06. Những người già cả trong gia đình
07. Hưởng ứng tiếng gọi hoán cải
08. Phát huy ba nhân đức tin, cậy, mến
09. Gia đình sống bác ái
10. Nên thánh trong việc bổn phận hằng ngày
11. Sắp xếp việc nhà để nên thánh
12. Quả cảm theo Chúa giữa đời thường
13. Giờ kinh sáng tối
14. Giờ kinh cho những dịp đặc biệt trong gia đình
15. Chia sẻ và hiệp thông trong tang lễ
16. Bàn thờ gia tiên và tình đồng tộc
17. Dưới mái từ đường của trăm họ
III. GIA ĐÌNH TRUYỀN GIÁO
01. Giúp bạn trẻ học truyền giáo
02. Loan báo Tin Mừng qua lễ hôn phối
03. Gia đình làm tông đồ cho gia đình
04. Các gia đình liên kết giúp nhau sống đạo
05. Gia đình hy sinh và cầu nguyện cho truyền giáo
06. Theo dõi chăm sóc hạt nẩy mầm
07. Qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu