09 Phần 09
30- CÁC PHƯƠNG TIỆN
TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
Nói đến truyền thông xã hội là nói đến sách vở, báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, internet, là những phát minh tân kỳ của kỹ thuật ngày nay, đang trở thành những lợi khí sắc bén nhất trong việc đem tin tức, hình ảnh, quảng bá tư tưởng và lối sống đến cho mọi người ở khắp nơi trên thế giới, gây nên những hiệu quả tốt xấu trái ngược. Công Đồng Vaticanô II đã dùng một trong 16 văn kiện của mình để hướng dẫn Dân Chúa về vấn đề này. Trong đó, ở số 16-18, chúng ta đọc thấy:
“Để xử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông xã hội, những người xử dụng thuộc những tuổi tác và văn hóa khác nhau cần phải được huấn luyện về lý thuyết và phần thực hành một cách thích hợp và riêng biệt. Để mau đạt tới kết quả, lớp giáo lý cũng phải có phần trình bày và giải thích giáo thuyết và quy luật công giáo về vấn đề này.
Thánh Công Đồng này nhắc lại cho các con cái của Giáo Hội bổn phận phải nâng đỡ và trợ giúp các nhật báo công giáo, các tạp chí, các tổ chức phim ảnh, các đài và các chương trình phát thanh, phát hình công giáo nhằm mục đích chính là để phổ biến và bảo vệ sự thật, và cung cấp nền giáo dục Kitô giáo cho xã hội loài người. Đồng thời Thánh Công Đồng khẩn khoản mời gọi các đoàn thể và cá nhân có nhiều năng lực trong lãnh vực kinh tế và kỹ thuật, hãy tự ý và rộng rãi dùng tài nguyên và kinh nghiệm của mình mà nâng đỡ những phương tiện này khi chúng phục vụ nền văn hóa đích thực và việc tông đồ.
Mọi giáo phận trên thế giới hằng năm phải cử hành một ngày lễ để dạy dỗ các tín hữu về bổn phận của họ đối với vấn đề này, mời gọi họ cầu nguyện nhiều theo ý chỉ này, và xin họ đóng góp cho mục đích này: nghĩa là thành thật hy sinh cho việc phát động, nâng đỡ và cổ võ những tổ chức và sáng kiến của Giáo Hội trong vấn đề này theo nhu cầu của thế giới công giáo.”
Giáo huấn Công Đồng nhắc nhở giáo dân cần phải ý thức về tầm quan trọng của truyền thông xã hội, mời gọi mọi người cổ võ việc xuất bản báo chí lành mạnh và hữu ích, phim ảnh mỹ thuật thuần túy, giúp phổ biến những tin tức, bình luận xác thực, xây dựng: để nâng cao tâm trí, mưu ich cho xã hội và tôn giáo.
Công Đồng cũng nhắc nhở mọi người, nhất là các phụ huynh, cần phải rèn luyện trí phán đoán, phân biệt điều hay, việc dở, hướng dẫn cho các bạn trẻ biết đường lựa chọn. Ngoài việc phải giúp con cái tránh những sách vở, báo chí và phim ảnh đồi trụy đang phổ biến khắp nơi, bậc cha mẹ ngày nay còn cần phải quan tâm hướng dẫn con cái biết sử dụng internet cách hữu ích. Đây là một lãnh vực phức tạp, bậc làm cha mẹ cần trao đổi với các phụ huynh khác để có được những kinh nghiệm thực tế.
GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO
GIA ĐÌNH LÀ HỘI THÁNH NHỎ
“Họ chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng… Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến phục: và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42.47).
Những lời ấy đã trở nên một khuôn mẫu cho mọi cộng đoàn Hội thánh, từ giáo phận, giáo xứ cho đến Hội thánh tại nhà là các gia đình. Một nếp sống Hội thánh trưởng thành với 5 sự chuyên cần:
Một chuyên: chuyên cần giáo lý.
Hai chuyên: vững chí hiệp thông.
Ba chuyên: bền lòng phụng vụ.
Bốn chuyên: vui thú nguyện cầu.
Năm chuyên: cùng nhau làm chứng.
Trước hết, về giáo lý, cần giúp con em sớm tiếp xúc với Lời Chúa. Bổn phận đó trước hết là của gia đình, như lời Đức Giáo Hoàng dạy: “Trong nhiều hoàn cảnh ngày nay, việc dạy giáo lý ở gia đình đã trở nên cần thiết đến mức tuyệt đối” (Tông huấn Gia đình 52đ).
Thứ hai, để xây dựng tình hiệp thông gia đình, mọi người trong nhà cần phải quyết tâm không để bất cứ điều gì làm cho chia lìa nhau, mau mắn giao hòa với nhau, tha thứ cho nhau mỗi khi có điều gì xúc phạm đến nhau. Mỗi người cần cố gắng riêng phần mình và tìm cách để tạo bầu khí chung.
Thứ ba, bền lòng phụng vụ. Mỗi tín hữu và mỗi gia đình cần tranh thủ để tham dự đều đặn các thánh lễ Chúa nhật, và nếu được, cả thánh lễ ngày thường. Những nơi thiếu linh mục, không có thánh lễ, chúng ta cố gắng tham dự các buổi phụng vụ Lời Chúa và rước Mình Thánh Chúa trong các Chúa nhật. Nhớ xưng tội thường xuyên để có thể rước lễ đều đặn. Thật là tốt đẹp nếu cả gia đình thường xuyên cùng đi tham dự thánh lễ với nhau.
Thứ tư, vui thú nguyện cầu: Các gia đình chúng ta ngày nay cũng cần nhớ lời Chúa Giêsu dạy phải cầu nguyện luôn luôn, không được nản chí, phải tỉnh thức mà cầu nguyện (Lc 18,1; Mc 14,38). Cách riêng là giờ kinh chung sáng tối. Để kinh nguyện thấm sâu vào đời sống và để giờ cầu nguyện chung thêm phong phú, mỗi người trong gia đình cần phát huy một đời sống cầu nguyện cá nhân: Thích đọc Lời Chúa riêng, suy gẫm riêng, lần hạt riêng, tập chiêm niệm trong đời sống, tập cầu nguyện đang khi làm việc…
Thứ năm, cùng nhau làm chứng cho Chúa Kitô. Đó là lệnh chính Chúa truyền cho các môn đệ trước khi về trời. Tiếp nối gương các thánh tử đạo, các gia đình công giáo Việt Nam làm chứng bằng đời sống thánh thiện, bằng công việc phục vụ tận tâm và khiêm nhường trong lối xóm, trong các môi trường lao động và bất cứ nơi nào mình được sai đến.
Là Hội Thánh tại gia, nếp sống gia đình công giáo phải là nếp sống 5 chuyên cần, như trong thư chung 1980, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã từng nhắn nhủ: “Gia đình của anh chị em phải trở nên như một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện, một môi trường sống bác ái yêu thương và rèn luyện tinh thần tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa” (số 12c).
Kinh nghiệm mục vụ cho thấy tình yêu thương hiệp nhất của cộng đoàn là một sức hút mãnh liệt lôi cuốn người ngoài đến với Hội Thánh. Vì thế, mọi giáo xứ, giáo họ, mọi gia đình và mọi người trong giáo phận cần cam kết bảo vệ và phát huy sự hiệp nhất.
Một cách cụ thể, tình hiệp nhất cần bắt đầu từ gia đình nhỏ tới gia đình lớn, rồi đến họ hàng và thông gia. Để bảo vệ và xây dựng sự hiệp nhất, cần bắt đầu từ chính mình, theo gương Chúa Kitô, Đấng đã hạ mình đến tận cùng để giao hòa loài người với Thiên Chúa và nối kết mọi người với nhau. Vì ích chung, mỗi người cần biết xóa hẳn mình đi, dẹp bỏ tự ái và sẵn lòng nhường chỗ cho người khác. Sức mạnh để xóa mình cho hiệp nhất chính là Chúa Giêsu Thánh Thể. Mỗi lần rước lễ, ta cần nhắc lại lời cam kết xóa mình cho hiệp nhất.
Tại gia đình, tình hiệp nhất được biểu lộ nơi các bữa ăn và nơi giờ kinh tối. Ước gì mỗi gia đình con cái Chúa thực sự là một góc thiên đường giữa trần gian, nhờ biết tha thứ, yêu thương, đùm bọc nhau và biết nhắc bảo nhau sống thật tốt lành. Tại giáo xứ, tình hiệp nhất lộ rõ nơi mọi sinh hoạt, cách riêng là nơi thánh lễ, nhất là thánh lễ Chúa Nhật. Mọi người cần tích cực góp phần vào những sinh hoạt ấy.
NOI GƯƠNG GIA ĐÌNH NADARÉT
“Nơi gia đình Nadarét, do ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã sống ẩn dật nhiều năm tháng. Bởi vậy, gia đình ấy là nguyên mẫu và là tấm gương cho mọi gia đình Kitô hữu. Và Gia Đình ấy có một không hai trong thế giới, đã trãi qua một cuộc sống âm thầm và lặng lẽ trong một thị trấn nhỏ Palestina; đã bị thử thách do sự nghèo khổ, bắt bớ và lưu đầy; đã tôn vinh Thiên Chúa một cách trổi vượt và tinh khiết, sẽ không quên cứu giúp các gia đình Kitô hữu và cả mọi gia đình trên thế giới, để họ trung thành với các bổn phận hằng ngày của họ, để họ biết cách chịu đựng những âu lo và xáo trộn trong cuộc sống, để họ quảng đại mở lòng ra trước những nhu cầu của người khác, để họ vui vẻ hoàn tất chương trình Thiên Chúa đã định cho họ.
Ước gì thánh Giuse, là “người công chính”, là người công nhân không biết mỏi mệt, là người bảo vệ nguyên vẹn tuyệt đối những gì đã được ủy thác, luôn luôn gìn giữ các gia đình ấy, bênh vực họ, soi sáng cho họ!
Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Giáo Hội, cũng trở nên Mẹ của “Giáo Hội tại gia”! Ước gì nhờ sự trợ giúp từ mẫu của Mẹ, mỗi gia đình Kitô hữu đều có thể thực sự trở nên một “Giáo Hội nhỏ”, trong đó mầu nhiệm của Giáo Hội Đức Kitô được phản ảnh và sống lại! Mẹ là Nữ Tỳ của Chúa, ước gì Mẹ là gương mẫu cho mọi gia đình biết khiêm tốn và quảng đại đón nhận ý của Thiên Chúa! Mẹ là Người Mẹ đau khổ dưới chân thập giá, ước gì Mẹ cũng ở đó để xoa dịu những đau khổ và lau sạch nước mắt của những ai đang ưu phiền vì những khó khăn gia đình họ đang gặp phải!
Và ước gì Chúa Kitô, là Vua vũ trụ, là Vua các gia đình, Đấng đã hiện diện ở Cana, cũng hiện diện trong mỗi tổ ấm Kitô hữu, để thông ban cho nó ánh sáng niềm vui, sự bình an và sức mạnh. Hôm nay là đại lễ kính Vương quyền của Ngài, tôi cầu xin Ngài cho mọi gia đình biết quảng đại đóng góp phần độc đáo của mình, để Vương quốc Ngài được hiển trị trên thế giới, “Vương quốc của sự sống và sự thật, của ơn sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hoà bình”, Vương quốc mà lịch sử đang lần bước tiến về. (Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Gia Đình, số 86)
03- MỘT BẦU KHÍ
HẠNH PHÚC VÀ THÁNH THIỆN
“Chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để giúp cho việc giáo dục toàn diện của con cái họ trong đời sống cá nhân và xã hội được dễ dàng.” (Tuyên Ngôn Giáo Dục Kitô Giáo, số 3)
Giáo dục không phải là dạy học. Người ta không thể chia các đức tính tốt thành một giáo trình giảng huấn, mỗi năm mấy môn, mỗi môn mấy tiết học… Trong việc giáo dục, sẽ không thể xé lẻ ra từng điểm, nhưng phải nhào trộn tất cả thành một bầu khí có khả năng giúp mỗi người trong gia đình triển nở và đạt tới được những điểm ấy.
Bầu khí ấy phải là một bầu khí hạnh phúc và thánh thiện, ở đó mỗi người đều có thể yêu thương và cảm thấy mình được yêu thương, ở đó mỗi người đều thấy mình được tín nhiệm và có thể tín nhiệm người khác, mỗi người đều cảm thấy mình được lớn lên thật sự trong tương quan với mọi người và với Thiên Chúa.
Không cần phải nhiều tiện nghi cũng không cần phải sung túc mới có được bầu khí đó, nhưng cần phải có một cái nhìn rõ rệt đầy xác tín thế nào là hạnh phúc thật. Cần phải tin tưởng vững chắc rằng hạnh phúc chúng ta kiếm tìm trước hết phải là hạnh phúc siêu nhiên: Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có hạnh phúc. Điều chênh lệch thực sự giữa tình trạng hạnh phúc và tình trạng bất hạnh chính là ở chỗ ta có cảm nhận được có Chúa đang ngự trong gia đình hay không.
Khi cải cách dòng Cát Minh, Thánh Nữ Têrêxa có cao vọng biến mỗi cộng đoàn tu sĩ thành một góc thiên đường, nhờ mỗi người đều biết sống yêu thương, khiêm nhường và từ bỏ. Ngày nay, chính Thiên Chúa cũng đang ước mơ thực hiện điều ấy cho mỗi gia đình anh chị em, để ngay giữa thế gian này mỗi gia đình anh chị em đã là một góc thiên đường.
04- PHẨM GIÁ NGƯỜI PHỤ NỮ
Tông Huấn Gia Đình, số 22 và 24 nêu 3 ý lớn:
1. Người phụ nữ có phẩm giá và trách nhiệm bình đẳng với phẩm giá và trách nhiệm của người nam. Thiên Chúa lại bày tỏ phẩm giá của người nữ cách cao cả hết sức có thể khi chính Ngài mặc lấy xác thịt từ Đức Trinh Nữ Ma-ri-a mà Giáo Hội tôn kính như Mẹ Thiên Chúa, gọi Mẹ là E-và mới và giới thiệu Mẹ như là kiểu mẫu của người nữ đã được cứu chuộc.
2. Đáng tiếc là hiện nay trong xã hội vẫn tồn tại một tâm thức sai lạc nhìn con người không phải như một ngôi vị, nhưng như một đồ vật, một món hàng mua bán, để phục vụ cho lợi thú ích kỷ và lạc dục. Nạn nhân đầu tiên của tâm thức ấy là người phụ nữ. Tâm thức ấy gây ra những kết quả thật cay đắng, như sự khinh rẻ người nam và người nữ, tình trạng nô lệ, việc áp bức những người yếu đuối, sách báo phim ảnh khiêu dâm, nạn mãi dâm và mọi thứ kỳ thị gặp phải trong lãnh vực giáo dục, nghề nghiệp và phân phối công việc v.v...
3. Thượng Hội Đồng Gíam Mục về gia đình kêu gọi tất cả mọi người hãy dấn thân hành động để có thể loại bỏ hẳn những kỳ thị ấy, và để nhờ đó mà đạt tới chỗ kính trọng trọn vẹn hình ảnh Thiên Chúa đang chiếu tỏa nơi mọi người chẳng trừ ai.
Áp dụng giáo huấn ấy vào phạm vi gia đình, chúng ta cần biết tri ân đón nhận con cái Thiên Chúa ban, không phân biệt giới tính. Cần dạy các cháu trai ngay từ nhỏ biết tôn trọng nữ giới và dạy con gái ngay từ nhỏ phải biết tự trọng.
Ở đây cũng cần nói riêng về y phục. Y phục không những để che thân và trang hoàng thể xác mà còn để giúp ta giữ nết na trong sạch, xứng đáng con cái Chúa. Nước ta từ xưa đã có những cách ăn mặc kín đáo, nết na, được các nước khen ngợi. Thế nhưng với làn sóng văn minh tiêu thụ, nhiều kiểu ăn mặc lố lăng mất nết đang phá hoại nền phong hoá nước nhà, và nó cũng còn xâm nhập cả vào nơi nghiêm trang thờ phượng. Người công giáo phải cương quyết tránh những cách ăn mặc hở hang, những hàng vải thưa mỏng, những kiểu may bó sát, những kiểu cách khêu gợi, lố lăng và mất nết. Người phụ nữ công giáo cần nhớ lời dạy của thánh Phêrô: “Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thuỳ mị, hiền hoà: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa. Xưa kia, các phụ nữ thánh thiện là những người trông cậy vào Thiên Chúa, cũng đã trang điểm như thế” (1Pr 3,3-5).
Thánh nữ Têrêxa Avila viết về bà mẹ của ngài rằng: “Mẹ tôi cũng là một phụ nữ nhân đức, đoan trang, tiết hạnh và suốt đời mang bệnh. Dù rất nhan sắc, người chẳng bao giờ màng đến điều ấy; và dẫu chết lúc mới ba mươi ba tuổi, người đã trang sức như những bậc cao niên. Mẹ tôi là một phụ nữ rất trầm tĩnh và rất thông minh. Suốt đời, người đã chịu nhiều thử thách cam go và chết một cách thánh thiện.”
Và một phụ nữ như thế sinh ra một người con đại thánh thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
05- NGƯỜI NAM LÀ CHỒNG VÀ LÀ CHA
“Bên trong sự hiệp thông của cộng đồng hôn nhân và gia đình, người nam được mời gọi sống sự tự hiến của mình trong vai trò là chồng và là cha.
Tình vợ chồng đích thực giả thiết và đòi hỏi rằng người chồng phải có sự kính trọng sâu xa đối với phẩm giá của vợ mình, như thánh Ambrôsiô đã viết: “Con không phải là chủ của nàng nhưng là chồng nàng; nàng được trao cho con để làm vợ chứ không phải làm nô lệ ... Hãy đáp lại những quan tâm lo lắng nàng đã dành cho con, và hãy biết ơn tình yêu của nàng”. Người chồng phải sống với vợ mình bằng một “tình bạn trong ngôi vị thật đặc biệt”. Nếu là Kitô hữu, người chồng còn được mời gọi phát triển một thái độ yêu thương mới mẻ, để diễn tả với vợ mình tình bác ái tế nhị và mạnh mẽ mà Chúa Kitô đã có đối với Giáo Hội.
Tình yêu đối với người vợ đã trở thành mẹ, và tình yêu đối với con cái là con đường tự nhiên đưa người nam đến chỗ hiểu biết và thể hiện việc làm cha của mình. Kinh nghiệm cho thấy, sự vắng mặt của người cha gây ra những sự thiếu quân bình tâm lý và tinh thần, cũng như nhiều khó khăn đáng kể khác trong các tương quan gia đình; nhưng ngược lại, cũng sẽ xảy ra như thế nếu sự hiện diện của người cha lại có tính cách áp bức, nhất là ở những nơi còn có hiện tượng mà người ta gọi là "đề cao đàn ông", nghĩa là khi những lợi điểm nam tính được đề cao quá đáng làm giảm giá phụ nữ và cản trở sự phát triển các mối tương quan lành mạnh trong gia đình.
Khi biểu lộ tình cha của Thiên Chúa và sống lại tình cha ấy trên mặt đất này, người nam được mời gọi đứng ra bảo đảm sự phát triển thống nhất của mọi thành phần trong gia đình. Để chu toàn trách vụ này, người cha cần phải quảng đại lãnh lấy trách nhiệm đối với sự sống được thai nghén trong lòng người mẹ, cần phải chú tâm chia sẻ cố gắng giáo dục con cái với vợ mình, công việc ấy sẽ không bao giờ làm chia rẽ gia đình, nhưng làm cho gia đình được vững mạnh trong sự hiệp nhất và ổn định, nên một lời chứng về đời sống Kitô hữu trưởng thành để hướng dẫn con cái vào trong kinh nghiệm sống động về Chúa Kitô và về Giáo Hội một cách hữu hiệu hơn.” (Tông Huấn Gia Đình, số 25)
Phẩm giá người nam là chồng và là cha thật cao cả. Thế nhưng ngày nay, phẩm giá ấy luôn có nguy cơ bị tàn phá vì nạn uống rượu. Tệ nạn say sưa đã tàn phá không biết bao nhiêu gia đình trên thế giới. Tệ nạn ấy đưa đến những tội lỗi khiến Trái Tim Chúa vô cùng đau đớn. Ước gì Anh Em là những người chồng, người cha đã được chịu phép rửa tội, luôn ý thức về phẩm giá cao quý của mình và cương quyết giữ đúng phẩm cách người công giáo. Anh Em hãy can đảm lên, để bảo đảm hạnh phúc cho mình và cho gia đình, để bảo đảm sự nên người của con cái.
06-NHỮNG NGƯỜI GIÀ CẢ
TRONG GIA ĐÌNH
“Có những nền văn hóa biểu lộ một sự kính trọng đặc biệt và một tình yêu thương lớn lao đối với những người cao niên: thay vì bị gạt ra khỏi gia đình hoặc bị coi như một gánh nặng vô ích, người già vẫn được hội nhập vào cuộc sống gia đình, tiếp tục dự phần vào đó một cách tích cực và có trách nhiệm - dù vẫn phải tôn trọng sự độc lập của gia đình mới - và nhất là thi hành một sứ mạng quý báu là trở nên chứng nhân cho quá khứ và nguồn mạch khôn ngoan cho các người trẻ và cho tương lai.
“Ngược lại, có những nền văn hóa khác, nhất là do hậu quả của sự phát triển kỹ nghệ và đô thị một cách vô trật tự, đã đưa và còn tiếp tục đưa những người cao niên vào những hình thức sống ngoài lề không thể chấp nhận được, là nguyên nhân gây ra nhiều đau khổ chua cay cho họ, và làm cho biết bao gia đình bị nghèo nàn đi về mặt tinh thần.
“Hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải khuyến khích mỗi người biết khám phá và coi trọng vai trò của những người già trong cộng đồng dân sự và Giáo Hội, và cách riêng trong gia đình. Trong thực tế, cuộc sống của những người già giúp chúng ta thấy rõ bậc thang các giá trị nhân bản; làm cho người ta thấy sự tiếp nối các thế hệ và chứng tỏ cách tuyệt diệu về sự tùy thuộc lẫn nhau của Dân Thiên Chúa. Ngoài ra, những người cao niên còn có đặc sủng vượt qua những hố phân cách giữa các thế hệ trước khi chúng xuất hiện. Biết bao trẻ em đã gặp được sự thông cảm và tình thương trong đôi mắt, trong những lời nói và những vuốt ve âu yếm của những người già! Và biết bao nhiêu người già vui hưởng những lời được linh ứng trong Kinh Thánh rằng: “Triều thiên của người già là đàn con cháu của họ” (Cn 17,6). (Tông Huấn Gia Đình, số 27)
Truyền thống Việt Nam kính trọng người già không chỉ trong gia đình và gia tộc nhưng cả ngoài làng xóm. Những đổi thay của xã hội đang có nguy cơ làm phai nhạt tâm tình đáng quý này. Phần đông các gia đình vẫn còn rất hiếu kính với người già và chăm sóc chu đáo, nhưng cũng có một số gia đình sao lãng. Chúng ta cần nhắc nhở các cháu biết kính yêu người già trong làng xóm, nhờ đó các cháu sẽ thêm kính yêu các bậc lão thành trong gia đình và gia tộc.