06 Phần 06
07
DẠY CON CÁI HƯỚNG TỚI NHÂN ĐỨC
“Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.” (Gl 5,16t.22t.25)
Trong ngôn ngữ của con cái Chúa và trong ơn Chúa, ta gọi là các nhân đức. Theo ngôn ngữ đời, ta có thể nói nôm na là những thói quen tốt;
Kinh nghiệm cho ta thấy việc giáo dục cốt ở chỗ giúp con em có được những thói quen tốt lành, về nhân bản cũng như về tâm linh. Thói quen ngủ sớm dậy sớm, thói quen dâng ngày ban sáng, dâng mình ban tối, tạ ơn trước và sau bữa ăn; thói quen làm tròn bổn phận; thói quen xin phép cha mẹ, cởi mở bày tỏ với cha mẹ, mau mắn vâng lời, tỏ lòng biết ơn, nhận lỗi và xin lỗi; thói quen ngăn nắp thứ tự… Nhìn vào các gia đình họ hàng và bạn hữu cũng như chính gia đình mình, ta sẽ thấy ngay việc giáo dục của mỗi gia đình thành công nhiều hay ít là tuỳ ở chỗ tập được cho con em nhiều hay ít thói quen tốt. Dĩ nhiên, cha mẹ không thể dạy cho con cái những thói quen mà chính mình không có… Do đó, muốn bảo đảm kết quả giáo dục cho con em, chính phụ huynh phải kiểm điểm lại những thói quen hằng ngày của mình, những thói quen nho nhỏ, từ bên ngoài, nơi lời nói và cử chỉ… những thói quen ấy tốt hay xấu?
Anh chị em đã quá rõ về tầm quan trọng của những thói quen tốt trong việc giáo dục thiếu niên nhi đồng. Đây chính là chỗ mà cha ông ta nói: Uốn cây từ thuở còn non, dạy con từ thuở con còn trong nôi.
Cần theo dõi vở chép bài của các cháu để giúp các cháu biết trình bày sáng sủa, rõ ràng, sạch đẹp. Giúp các cháu tập viết đủ nét, liền nét, thuận nét, đều nét và trọn nét; biết viết các dấu giọng rõ ràng và đúng quy cách. Đây là những chi tiết hết sức nhỏ nhưng có tác dụng rất lớn trong việc hình thành nhân cách và cách ứng xử của các cháu.
Đang khi học cách chu toàn bổn phận, các em sẽ gặt hái nhiều thói quen tốt. Các nhà giáo dục vẫn nói: “Bạn càng tập được nhiều thói quen tốt càng hay, nếu không, những thói quen xấu sẽ làm hỏng đời bạn”.
.08
ĐÀO TẠO CÁC NHÂN ĐỨC CĂN BẢN
“Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót sẽ khó lòng bổ khuyết được. Thật vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để giúp cho việc giáo dục toàn diện của con cái họ trong đời sống cá nhân và xã hội được dễ dàng. Do đó gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà không một đoàn thể nào khác có thể vượt qua được” ( Tuyên ngôn về giáo dục Ki-tô giáo, số 3)
.
Đạo lý Á Đông nhấn mạnh năm nhân đức căn bản là: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhân là lòng yêu người, nghĩa là lòng biết ơn, lễ là biết kính trọng người khác, trí là biết sáng suốt cân nhắc, tín là biết giữ lời hứa.
Đạo lý phương Tây nhấn mạnh bốn nhân đức căn bản là: Khôn ngoan, dũng cảm, công bình và tiết độ. Khôn ngoan là biết sáng suốt cân nhắc, dũng cảm là biết cương quyết bước trên đường lành, công bình là biết tôn trọng của cải và quyền lợi của người khác, tiết độ là biết giữ đúng chừng mực.
Hai cụm nhân đức căn bản theo phương Đông và phương Tây đều rất ưu việt nhưng thiếu chiều sâu Kitô giáo vì không tạo được sự liên tục giữa tự nhiên và siêu nhiên. Chìa khoá mở được sự hài hoà giữa luân lý tự nhiên và sự thánh thiện Kitô giáo là ba nhân đức căn bản rút từ bài giảng trên núi, được nữ thánh Tiến Sĩ Têrêxa Avila trình bày trong quyển Đường Hoàn Thiện: Khiêm nhường, từ bỏ và yêu thương, vừa tương ứng với ba nhân đức hướng thần (Tin, Cậy, Mến), vừa tương ứng với ba lời khuyên Tin Mừng (Vâng phục, Nghèo khó, Khiết tịnh).
Các nhân đức căn bản rất quan trọng, vì chúng gói ghém các nhân đức tự nhiên khác và giúp vươn tới ba nhân đức hướng thần là tin, cậy và kính mến.
Khiêm nhường là biết sống đơn sơ bé nhỏ. Nhân đức này đặt nền móng cho lòng yêu người và giúp nhận biết Thiên Chúa để thờ kính mến yêu.
Từ bỏ là biết thoát khỏi các thụ tạo để hướng về Thiên Chúa. Nhân đức này giúp ta dễ thoát khỏi những ràng buộc của thụ tạo để gắn bó với Thiên Chúa và trông cậy nơi Ngài.
Yêu thương là biết nghĩ đến mọi người. Nhân đức này giúp ta đem lại hạnh phúc cho nhau và mở rộng lòng ta kính mến Thiên Chúa.
Muốn hướng tới hoàn thiện, ta cần sống các nhân đức căn bản theo Tin Mừng cho đến cùng, tức là theo đuổi tinh thần vâng phục, nghèo khó và khiết tịnh.
.09
ĐÀO TẠO TRÍ PHÁN ĐOÁN
“Vì thế, từ ngày chúng tôi nghe biết như vậy, chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho. Như vậy, anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn. Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả” (Cl 1,9-11).
Trong giáo dục, ta cần giúp các cháu biết cân nhắc để nhận rõ ý Chúa trước thực tế hằng ngày và quảng đại đáp lại.
Thứ nhất là tập xem xét để chú tâm chu toàn bổn phận hiện tại. Trước mọi việc bổn phận lớn nhỏ, ta đều tha thiết xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, cân nhắc xem phải làm thế nào để đạt kết quả tốt nhất, rồi làm ngay với trọn lòng yêu mến.
Thứ hai là trước các vấn đề cuộc sống, trước những cảm hứng muốn làm điều này hay điều khác, dĩ nhiên là những điều tốt, làm sao để dò tìm và nhận rõ được ý Chúa. Đây là một kinh nghiệm khá tế nhị nhưng không phải là quá khó. Trước hết, khi đã có lòng khao khát muốn biết ý Chúa, ta cần giữ cho mình một lương tâm ngay thẳng và một tấm lòng trong sạch, nếu còn vướng mắc tội lỗi thì phải thực lòng ăn năn. Tiếp đến ta chú tâm xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, rồi cân nhắc xem xét kỹ để biết phải làm gì và làm một cách quảng đại. Kinh nghiệm này gọi là phương pháp xem – xét - làm.
Bước thứ nhất là xem, tức là quan sát, nhìn kỹ xem hoàn cảnh thực tế đang đòi hỏi điều gì, đâu là những thuận lợi và những khó khăn. Việc này phải rất chính xác, đủ các khía cạnh cần thiết. Nếu ta chỉ tuyển một số sự kiện theo ý ta muốn và gạt hẳn một số sự kiện không thuận lợi cho kết luận, kết luận của ta sẽ không trung thực.
Bước thứ hai là xét, tức là phân tích tìm lý do sâu xa của các sự kiện trên và dựa theo tinh thần Tin Mừng để lượng giá phê phán và tiến đến một kết luận. Sự phê phán này cần hết sức vô tư. Thường ta dễ bị thiên lệch vì những quyến luyến lệch lạc và những định kiến có sẵn, khiến cho việc nhận định bị mất sáng suốt. Do đó cần tỉnh táo lọai trừ mọi định kiến và quyến luyến lệch lạc.
Trước những tình thế khó khăn của cuộc sống, ta cần bình tĩnh xét xem hướng đi của ý Chúa trong hoàn cảnh mới, không vội phản kháng cũng không tìm cách uốn nắn hoàn cảnh cho hợp với ý ta.
Muốn nhận rõ ý Chúa, ta cần để cho lòng lắng xuống trong “yêu thương, khiêm nhường và từ bỏ.” Cần can đảm cậy trông vào Chúa. Đôi khi ta ngập ngừng không dám bắt tay vào việc, nhưng bắt đầu làm thì rồi sẽ thấy ánh sáng dần dần lộ rõ. Đừng vội nghĩ rằng ánh sáng vừa nhận được là tất cả ánh sáng. Cần biết vui lòng với những giới hạn. Không đòi những điều kiện tối ưu, cũng không vẽ vời những kế họach vượt quá quyền hạn và khả năng mình.
Bước thứ ba là làm, tức là bắt tay vào việc thật đúng lúc, đúng cách, với cả tấm lòng. Cứ quảng đại đáp lại theo điều Chúa gợi ý trong giây phút hiện tại. Ta chưa thấy rõ tương lai nên cần biết phó thác cho Chúa. Cứ bước đi trong bình an và chờ để xem Chúa đang muốn dắt đi đâu. Hành trình Chúa dắt ta đi là hành trình của kinh nghiệm, theo kiểu quy nạp. Thoạt đầu mọi chuyện có vẻ chẳng liên hệ gì với nhau, nhưng rồi cuối cùng sẽ thấy tất cả ăn khớp với nhau cách kỳ diệu.
10
ĐÀO TẠO ĐỨC CÔNG BẰNG
“Trong một xã hội đã bị lung lay và phân hóa do những căng thẳng và xung khắc vì sự đối đầu khốc liệt giữa các chủ nghĩa cá nhân và ích kỷ đủ loại, trẻ em cần phải có được ý thức về sự công bằng đích thực, vì chỉ có sự công bằng ấy mới đưa đến sự kính trọng phẩm giá ngôi vị của từng người. Hơn thế nữa, chúng ta phải có ý thức về tình yêu đích thực, tình yêu dệt bằng mối quan tâm chân thành và việc phục vụ vô vị lợi đối với kẻ khác, và đặc biệt là đối với những người nghèo nhất và những người cần được giúp đỡ nhất.” (Tông Huấn Gia Đình, số 37)
Thánh Phanxicô Trần Văn Trung tử đạo ngày 10-6-1858. Khi bị giam, nhớ ra còn thiếu nợ một vài người, ngài lo lắng sợ các chủ nợ bắt các con mình ở đợ để trừ nợ, vừa cực khổ lại có thể quên cả đạo nghĩa nữa, vì thế ngài căn dặn vợ rất kỹ lưỡng, những đồ đạc nào trong nhà phải bán đi để thanh toán nợ nần thật chu đáo. (Thiên hùng sử, tr. 308)
Ngày nay, ý thức công bằng ở ngòai xã hội ngày càng xuống thấp, lắm lúc dường như người ta chẳng còn biết gì đến công bằng. Giữa tình huống ấy, các gia đình Kitô hữu phải quan tâm dạy con cái ý thức công bằng từ trong những chuyện nhỏ, trong việc làm bài cũng như khi chơi đùa với bạn hữu. Chính bậc cha mẹ cũng cần thường xuyên kiểm tra lại ý thức công bằng của mình, bởi vì công bằng là nền tảng của bác ái, như Tông Huấn về Gia Đình có dạy:
“Một nhiệm vụ khác của gia đình là huấn luyện con người đến với tình yêu và thực hành tình yêu trong mọi tương quan với người khác, nhờ vậy gia đình sẽ không tự khép kín, nhưng mở rộng ra với cộng đoàn, được đánh động nhờ ý thức về công bằng và nhờ sự quan tâm đối với người khác, cũng nhờ bổn phận của trách nhiệm riêng đối với toàn thể xã hội”. (Tông huấn Gia đình 64)
Cần hết sức tránh đừng để rơi vào nợ nần. Nếu mắc nợ, cố gắng trả càng sớm càng tốt. Nên tập thái độ này từ trong chuyện thường ngày: Lấy cái gì ở đâu, dùng xong, trả liền vào ở đó. Mượn vật gì của ai, dùng xong, trả lại liền. Thói quen giải quyết dứt điểm công việc mỗi ngày cũng giúp dẫn đến thói quen giúp sớm thoát nợ nần tiền bạc: Vừa có tiền trả nợ là trả ngay, không chần chừ. Có đến đâu trả đến đó, cuối năm sẽ thấy nhẹ nhàng. Chuyện đời sau cũng giống chuyện đời này: Ai không để mình nợ công việc, sẽ không nợ tiền bạc. Ai không để mình nợ đời này, sẽ không nợ đời sau.
11 - ĐÀO TẠO TINH THẦN ÍCH CHUNG
“Mọi thành phần trong gia đình, mỗi người theo ơn riêng của mình, đều có ân sủng và trách nhiệm để ngày này sang ngày khác tiếp tục xây dựng sự hiệp thông giữa các ngôi vị, bằng cách biến gia đình thành một “trường học đào tạo cho nhân tính được hoàn hảo và phong phú hơn”. Chỉ có một tinh thần hy sinh cao cả mới giúp gìn giữ được, và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau, và hòa giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình.” (Tông Huấn Gia Đình, số 21)
Thánh Anrê Kim Thông chu toàn nhiệm vụ của mình với tinh thần hăng say, với lòng đạo đức sốt sắng và lòng bác ái hoàn hảo. Ngài được Đức Cha Cuénot đặt làm Trùm Cả toàn tỉnh Bình định. Làng cũng chọn ngài lo việc xét xử, hòa giải mọi người trong xóm làng. Vất Vả nhưng vì ích chung, ngài vui vẻ đảm nhận. Điểm đặc biệt trong đời sống của ngài là lòng nhiệt thành với các vị thừa sai, nhất là đối với Đức Cha Cuénot. Trong những năm tháng dài, dù hiểm nguy đến tính mạng, ngài đã bố trí cho Đức Cha trốn lánh, tá túc ngay trong nhà mình, đón tiếp các linh mục, các thầy giảng đến thăm Đức Cha, phục dịch các ngài, phí tổn khá nhiều. Sự nhiệt tâm này dù làm cho đời sống kinh tế gia đình nhiều lúc trở nên eo hẹp, ngài cũng chẳng nề hà. Điều làm cho Cụ quan tâm nhất là bảo đảm an toàn cho Đức Cha và các linh mục. Do đó khi được các quan đòi lên tỉnh bất cứ vì lý do gì, ngài vội đi ngay, đối đáp, trao đổi sao cho ít thiệt hại nhất, và khi ra về vẫn giữ sự liên lạc xã giao với họ.
Một điểm quan trọng trong việc giáo dục gia đình công giáo ngày nay là đào tạo tinh thần ích chung. Hoàn cảnh xã hội ngày càng dễ khiến người ta thành ích kỷ. Bậc cha mẹ công giáo cần dạy con cái biết quên mình, hy sinh vì ích chung. Trước mặt người đời, đây có vẻ là điều dại dột, nhưng người Kitô hữu xác tín vào những lời tuyên phúc của Chúa, cần luôn phát huy tinh thần sẵn sàng chịu thiệt vì ích chung. Cha mẹ sẽ đào tạo tinh thần này cho con cái trước hết là qua những bổn phận hằng ngày được giao cho chúng. Cần dạy các cháu biết vui vẻ chu toàn, dành ưu tiên cho lợi ích chung của gia đình, sẵn lòng gạt bỏ những thú vui chơi để chu toàn bổn phận. Tiếp đến, cha mẹ cần nêu gương cho con cái trong việc hy sinh vì ích chung của Xã Hội và Giáo Hội, và nhắc bảo con cái theo hướng ấy.
12- ĐÀO TẠO TINH THẦN KỶ LUẬT
VÀ TỪ BỎ
“Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần” (Lc 9,23-25).
Trong giáo dục, ta cần giúp các cháu biết từ bỏ để sống theo tinh thần kỷ luật. Nói đơn sơ là biết bỏ ý riêng và mau mắn vâng lời.
Kỷ luật đầu tiên là những kỷ luật về sạch sẽ, ngăn nắp, thứ tự, đúng giờ.
Trước hết và trên hết, để các cháu thấm nhuần tinh thần từ bỏ, chính bậc cha mẹ cần nêu gương. Cần biết can đảm dứt bỏ những điều không tốt. Ngay cả trong những điều tốt, cũng cần biết dừng lại ở mức độ thực sự cần thiết, từ ý nghĩ, lời nói, việc làm đến sự sở hữu. Những gì vượt quá mức độ cần thiết, những cái thừa, ta cần tìm cách loại bỏ dần.
Văn minh tiêu thụ tạo ra rất nhiều nhu cầu giả. Càng biết từ chối những nhu cầu giả, ta càng thanh thóat hạnh phúc. Cần biết tự chủ, có chừng mực trong các thứ giải trí. Cần có tinh thần khó nghèo và siêu thoát trong việc sử dụng các tiện nghi vật chất: Chỉ dùng ở mức hết sức cần thiết, không lạm dụng.
Tập can đảm từ bỏ những điều không cần thiết, khởi sự từ những thứ linh tinh chẳng bao giờ dùng tới. Trong nhà có lắm đồ vật thừa choán mất chỗ của những đồ dùng cần thiết, gây mất trật tự, che lấp mất những cái cần thiết, khiến khi cần ta không tìm ra. Hãy can đảm gom những đồ vật dư thừa, cho người bán ve chai, hoặc đốt bỏ.
Những câu nói thừa, vừa làm vừa nói linh tinh, khiến ta thành lải nhải, người khác hết muốn nghe. Những cử chỉ thừa khiến người khác có cảm tưởng ta thiếu thành thật. Những việc thừa khiến người khác bực mình. Việc thừa là việc của người khác, việc của lúc khác. Việc thừa cũng còn là những âu lo vô ích đủ thứ. Mỗi tối cần nhìn lại xem trong ngày có những lời nói và cử chỉ nào dư thừa, không cần thiết. Vất bỏ những đồ vật thừa, ta sẽ có nhiều chỗ cho những vật dụng cần thiết được ngăn nắp. Dẹp bỏ những lời thừa và việc thừa, ta sẽ có rất nhiều nghị lực và thời giờ để làm những việc cần làm.
Ta chỉ có thể dứt bỏ, khi biết dứt bỏ ngay lúc này, tại đây, nơi những điều trước mắt.
Cũng cần nhớ rằng sự dứt bỏ quan trọng nhất là dứt bỏ ý riêng. Lắm khi, ta bị lạc vào chủ quan và theo đuổi ý riêng thay vì ý Chúa. Cần nhớ rằng trước mắt Chúa, vâng lời quý hơn của lễ. Chính đức tin, đức cậy và đức mến sẽ giúp ta đạt được sự từ bỏ tận cõi lòng, sự thanh thoát và không màng.
13- ĐÀO TẠO TINH THẦN PHỤC VỤ
“Gia đình Kitô hữu được sinh động và được hướng dẫn bằng luật mới của Thần Khí và trong sự hiệp thông mật thiết với Giáo Hội là dân tộc vương đế, được mời gọi sống việc “phục vụ” của mình vì tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Như Đức Kitô thực thi vương quyền của Người bằng cách hiến thân phục vụ con người, thì người Kitô hữu cũng tìm được ý nghĩa đích thực của việc tham dự vào vương quyền của Chúa mình bằng cách chia sẻ tinh thần và thái độ phục vụ đối với con người.” (Tông Huấn Gia Đình, số 63)
Khi cậu bé Saviô xin Thánh Don Bosco dạy con đường nên thánh, ngài trả lời:
Con đường nên thánh trẻ
Lấy vui vẻ làm đầu
Bổn phận nhớ chuyên sâu
Thực hành câu giúp ích.
Khi nhắc các cháu học hành, ta sẽ không nói phải học để kiếm sống nhưng cần nhấn mạnh học là để có thể phục vụ hữu hiệu hơn.
Ta phải tập cho các cháu biết phục vụ ngay trong bầu khí gia đình. Các cháu cần biết chu toàn phần việc đã được giao để giúp cả nhà. Hơn thế nữa, vì yêu thương cha mẹ và anh chị em, cháu còn mau mắn làm những việc mình thấy cần làm, dù chưa ai nhắc bảo. Ta cũng cần dạy con cái biết lo cho phần rỗi của kẻ khác, biết mau mắn phục vụ khi trong xóm có tang chế hay có người gặp tai nạn rủi ro.
Cần dạy cho các cháu biết tiếp khách. Sau mỗi lần có khách, nên chỉ vẽ giúp các cháu rút kinh nghiệm. Nói chung là luyện phản xạ kính trọng người khác. Tốt dành cho khách, sạch nhường cho bạn. Luôn quan tâm tới nhu cầu người khác và mau mắn giúp đỡ. Biết nhường đường cho người khác khi sử dụng các phương tiện giao thông. Đó là những thói quen giúp các cháu ngày càng trở thành người có tư cách.
Ở số 37, Tông Huấn Gia Đình viết: “Gia đình là trường học đầu tiên, trường học căn bản về đời sống xã hội; như một cộng đồng yêu thương, gia đình nhận ra rằng tự hiến mình là qui luật hướng dẫn gia đình và làm cho gia đình tăng trưởng. Sự hiến mình đang làm cho tương quan giữa đôi bạn với nhau được sinh động, chính là kiểu mẫu và nguyên tắc cho sự hiến mình cần có giữa anh chị em trong nhà và giữa những thế hệ khác nhau đang cùng sống trong gia đình. Sự hiệp thông và chia sẻ được thể hiện mỗi ngày tại gia đình, trong những lúc vui mừng cũng như khó khăn, chính là khoa sư phạm cụ thể nhất và hữu hiệu nhất để làm cho trẻ em có thể hội nhập một cách tích cực, có trách nhiệm và phong phú vào trong khung cảnh lớn hơn của xã hội.”
đôi khi ta cảm thấy bất lực và khổ tâm vì, dù ta không muốn, ta đang thông truyền cho con cái tính ích kỷ của ta. Nhưng ta sẽ cố gắng hơn, chắc chắn ta cũng thông ban cho chúng lòng tốt, nhờ vào sự thông cảm, tính kiên nhẫn và tinh thần sẵn sàng phục vụ của ta đối với con cái cũng như đối với mọi người.
14- ĐÀO TẠO TÌNH BÁC ÁI
VÀ LÒNG HIẾU KHÁCH
“Được lệnh truyền mới của tình yêu sinh động và nâng đỡ, gia đình Kitô hữu tiếp đón, kính trọng, phục vụ mọi người, luôn luôn nhìn mọi người trong phẩm giá của họ như những ngôi vị và như con cái Thiên Chúa” (Tông Huấn Gia Đình, số 64).
Việc đó phải được phát triển trong phạm vi rộng lớn của cộng đồng giáo xứ: nhờ đó, qua lòng bác ái của gia đình, Giáo Hội có thể mang một khuôn mặt thân thiện hơn, giúp mọi người tìm được ở đó một bầu khí huynh đệ và gia đình.
Lòng bác ái còn phải vượt quá vòng huynh đệ giữa những người cùng một đức tin, bởi vì “mọi người đều là anh em tôi”. Nơi mỗi người, nhất là người nghèo túng, yếu đuối, đau khổ và bị đối xử cách bất công, lòng bác ái biết nhận ra khuôn mặt của Đức Kitô và một người anh em cần phải yêu mến và phục vụ.
Trong hạnh tích Thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm (1780-1859), ta đọc thấy: “Khi bị bắt, cụ án Khảm đã gần 80 tuổi, vừa là tiên chỉ trong làng, vừa là hội viên dòng ba, kiêm chức trùm họ trong giáo xứ. Mọi người đều công nhận cụ là người đạo đức, giàu lòng bác ái và nhiệt tình trong các trách vụ. Các vị thừa sai, kể cả các giám mục cũng biết tiếng và từng đến trọ tại nhà cụ trong những ngày khó khăn. Trong giáo xứ, cụ cộng tác đắc lực với cha xứ trong việc điều hành tổ chức họ đạo. Với xóm làng, cụ là một mẫu người đức độ, quan tâm đến nhu cầu của mọi người, cả xác lẫn hồn, sẵn sàng chia sẻ của cải cho người nghèo khó và khích lệ mọi người can đảm trước cơn bách hại. Gia phả con cháu cụ ghi rằng: “Gia nhân phải kiếm kẻ khó vào ngồi chung thì cụ mới ăn cơm.” (Thiên hùng sử, tr. 29)
Bản giúp trí nhớ giản dị cho việc đào tạo đức bác ái là kinh Thương người có mười bốn mối:
Thương xác bảy mối :
Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn.
Thứ hai : Cho kẻ khát uống.
Thứ ba : Cho kẻ rách rưới ăn mặc.
Thứ bốn : Thăm kẻ đau ốm cùng kẻ tù tội.
Thứ năm: Cho khách trọ nhà.
Thứ sáu : Chuộc kẻ làm tôi.
Thứ bảy : Chôn xác kẻ chết.
Thương linh hồn bảy mối :
Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người.
Thứ hai : Mở dạy kẻ mê muội.
Thứ ba : An ủi kẻ âu lo.
Thứ bốn : Răn bảo kẻ có tội
Thứ năm: Tha thứ cho kẻ khinh ghét ta.
Thứ sáu : Nhịn kẻ mất lòng ta.
Thứ bảy : Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.