Biến đổi con tim
- T7, 07/12/2024 - 16:31
- Lm Phạm Quốc Hưng
BIẾN ĐỔI CON TIM
Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.
Lần cuối dân chúng gặp gỡ Chúa Giêsu trước khi Người hoàn tất sứ mạng cứu thế Chúa Cha đã trao phó là lúc Chúa Giêsu hấp hối trên thánh giá. Đây là lúc Trái Tim Cực Thánh của Người bị lưỡi đòng đâm thâu để tuôn ra những giọt máu cuối cùng làm thành suối nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Đây cũng là cơ hội cuối cùng cho người trần gặp gỡ và nhìn nhận Đấng Cứu Thế đang thi thố đến cùng tình yêu của Người dành cho nhân loại.
Có đủ hạng người hiện diện ở Đồi Canvê chứng kiến cảnh Chúa Cứu Thế đang hấp hối trong đau thương tức tưởi. Nhưng chỉ có một ít tâm hồn nhận biết và yêu mến Người. Phần đông không nhận ra Người là Con Thiên Chúa nên đã xúc phạm đến Người.
Vì sao người ta không nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu?
Làm sao để nhận biết Người?
Đó là vấn đề con tim!
Phải có tâm hồn am hợp với Chúa Giêsu để có thể nhận biết, mến yêu và kết hợp với Người. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” là thế!
Phúc Âm Luca 23: 33-49 thuật lại khung cảnh Chúa Giêsu hấp hối trên thánh giá như sau:
33. Khi đến nơi gọi là “Cái Sọ”, thì người ta đã đóng đinh Ngài nơi ấy, và hai tên gian phi kia, một tên bên hữu, một tên bên tả.
34. Bấy giờ Đức Giêsu nói: “Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”.
Còn họ thì chia áo xống của Ngài thành từng phần mà bắt thăm.
35. Dân thì đứng nhìn, còn các đầu mục thì nhạo báng mà rằng: “Nó đã cứu những ai khác, thì nó hãy cứu lấy mình! nếu nó là Đấng Kitô của Thiên Chúa, Đấng đã được chọn!” 36. Cả lính tráng cũng chế giễu Ngài, 37. mà rằng: “Nếu mày là Vua dân Dothái, thì hãy cứu lấy mình!” 38. Phía trên Ngài, có tấm biển: Tên này là Vua dân Dothái.
39. Một người trong các kẻ gian phi bị treo đó mắng nhiếc Ngài: “Phải chăng mày là Kitô? Hãy cứu lấy mình và chúng ta với!” 40. Nhưng tên kia lên tiếng mắng bảo nó: “Mày không kính sợ Thiên Chúa sao, ngay lúc mày cũng mắc cùng một án? 41. Phần ta, thật là phải lẽ, ta chuốc lấy đáng tội đã làm; nhưng ông này, ông không làm điều gì trái!” 42. Và hắn nói: “Lạy Đức Giêsu, xin nhớ đến tôi, khi Ngài đến trong Nước của Ngài!” 43. Và Ngài đã nói với hắn: “Qủa thật, Ta bảo ngươi: hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng làm một với Ta!”
44. Khi đã đến lối giờ thứ sáu, thì xảy ra có tối tăm trên toàn cõi đất, cho đến giờ thứ chín, 45. trong khi mặt trời khuất bóng. Màn đền thờ bị xé ngay chính giữa. 46. Kêu lớn tiếng, Đức Giêsu nói: “Lạy Cha, Con ký thác hồn Con trong tay Cha”. Nói đoạn, Ngài tắt thở.
47. Viên bách quản thấy sự xảy ra, thì tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Hẳn thật, ông này là người công chính!” 48. Tất cả đoàn lũ dân chúng tuôn đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy tất cả các sự xảy ra, thì đều đấm ngực lui về.
49. Đứng tự đàng xa, có tất cả những kẻ quen biết ngài, cùng những phụ nữ đã đi theo Ngài từ Galilê; các bà đã chứng kiến các điều ấy.
Những tâm hồn không nhận biết và yêu mến Chúa
Những người không nhận biết và tin yêu Chúa Giêsu là những người có tâm hồn ngược hẳn với tâm hồn của Người. Mắt lòng của họ đã bị đui chột mù lòa nên không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế , là Vua Tình Yêu, là Chúa của lòng họ. Suy gẫm bối cảnh đồi Canvê chiều Thứ Sáu Tuần Thánh và nhìn lại suốt cuộc đời Chúa Giêsu, người ta nhận ra những loại người không nhận biết Chúa Cứu Thế, không tin yêu Người mà còn xúc phạm đến Người như sau:
1. nhẫn tâm: “Những người qua lại mắng nhiếc Ngài…” (Mt 27:39). Loại người này chẳng những không biết cảm thương nỗi đau của tha nhân mà còn tàn nhẫn gây thêm đau khổ cho người hoạn nạn.
2. ác tâm: “…các thượng tế cùng với ký lục và hàng niên trưởng chế giễu Ngài…” (Mt 27: 41). Đây là những con người vì tự ái kiêu ngạo và ghen tương sẵn sàng làm hại người khác để thỏa mãn các tham vọng của mình.
3. dã tâm: “Cả lính tráng cũng chế giễu Ngài…” (Lc 23:36). Loại người này tìm vui thú trong việc hành hạ kẻ khác. Họ là những kẻ “lòng lang dạ thú”.
4, tiểu tâm: “Một trong những kẻ gian phi bị treo đó mắng nhiếc Ngài…” (Lc 23:39). Loại người này dù ngay cả khi đang ở trong cảnh đau khổ vẫn không biết cảm thương người cùng cảnh ngộ mà chỉ nghĩ đến mình mà thôi.
5. vô tâm: “Xưa có một người nhà giàu, ăn mặc những gấm tía, và hàng mịn; ngày ngày yến tiệc linh đình, lại có một người ăn mày, tên là Lazarô, người ta vứt bỏ bên cổng nhà ông, mình đầy lở lói…” (Lc 16:19-20). Loại người này có thái độ lãnh đạm dửng dưng truớc nỗi khổ đau túng cực của kẻ khác. Họ là những người không biết xót thương. Và vì vậy, họ đã mất cơ hội yêu mến và phục vụ chính Chúa Cứu Thế: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, những gì các ngươi đã không làm cho một người nào trong các kẻ hèn mọn nhất này, là các ngươi đã không làm cho chính mình Ta” (Mt 25:45).
6. tà tâm: Đây là những tâm hồn gian tà, bất chính, đam mê. Hêrôđê Cha đã lo sợ bị mất quyền bình nên âm mưu giết Chúa Hài Đồng nhưng lại nói với ba nhà đạo sĩ rằng “Các ông hãy đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi; và khi đã tìm thấy, thì hãy báo lại cho trẫm, để trẫm cũng đi yết bái Ngài” (Mt 2:8). Hay như Hêrôđê Con vì đam mê nhục dục đã loạn luân với chị dâu và giết Thánh Gioan tiền Hô (Mt 14:3-12).
7. nhị tâm: Giuđa Iscariốt tiêu biểu cho loại người này. Dù được Chúa gọi và chọn làm tông đồ và giao cho chức thủ quỹ của Nhóm Mười Hai, Giuđa đã tiếp xúc riêng với các thượng tế là kẻ thù của Người và tìm dịp để nộp Người cho họ (Mt 26:14-16).
8. kiêu tâm: Là những kẻ kiêu hãnh về chính mình, cậy tài, cậy đức, cậy công, tự thờ mình, tự đặt mình trên thiên hạ và coi khinh kẻ khác. Hình ảnh người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện là tiêu biểu của hạng người này (Lc 18:9-14).
9. mãn tâm: Là những con người tìm sự thỏa mãn trong tiền tài, danh vọng, thú vui trần gian mà quên lãng Thiên Chúa và hạnh phúc đời đời. Người phú nông dự định xây kho lúa mới để tích trữ của cải là điển hình cho loại người này (Lc 12:16-21).
Những tâm hồn nhận biết và yêu mến Chúa
Những người nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và bước vào mối tình
thâm giao với Người là những người có “tâm tư như đã có nơi Đức Kitô Giêsu” (Phil 2:5). Họ là những người sau:
1. từ tâm: Là những người biết “chạnh lòng thương” trước những đau khổ của tha nhân và ra tay cứu giúp xoa dịu những nỗi đau của họ. Người Samaritanô nhân lành trong dụ ngôn của Chúa Giêsu là tiêu biểu cho loại người này (Lc 10:29-37). Với họ, Chúa Giêsu nói: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất này của Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta” (Mt 25:40). Và “Phúc cho những kẻ biết xót thương, vì họ sẽ được thương xót” (Mt 5:7).
2.thành tâm: Người trộm chịu đóng đanh bên hữu Chúa Giêsu đã thành thực nhìn nhận đau khổ anh đang phải chịu là xứng hợp với tội lỗi của anh và bày tỏ lòng tin vào Chúa Giêsu (Lc 23:40-42).
3. quảng tâm: Đây là những người có tâm hồn quảng đại như các môn đệ tiên
khởi đã “bỏ cả chài lưới…bỏ đã đò cả cha mà đi theo Ngài” (Mt 4: 20,22). Họ cũng là những người học gương Chúa Giêsu để rộng rãi chia sẻ các phúc lộc cho tha nhân và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến mình.
4.nhiệt tâm: Maria em Bà Martha có thể được coi như tiêu biểu cho loại người
này: “vừa nghe nói, Maria vội vàng chỗi dậy mà đi gặp Ngài” (Jn 11:29). Sốt sắng nhiệt thành là đặc tính của tâm hồn những người đang yêu. Chúa Giêsu cũng bày tỏ tình yêu của Người đối với Chúa Cha qua sự nhiệt thành của Người trong việc xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ: “Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa sẽ nghiến cả mình tôi” (Jn 2:17; Tv 69:10). Họ còn là những người luôn khao khát sự trọn lành nên Chúa sẽ làm thỏa mãn nỗi khao khát của lòng họ: “Phúc cho những kẻ đói khát công chính, vì họ sẽ được no đầy” (Mt 5:6).
5. thiện tâm: Là những tâm hồn thiện chí, không có thành kiến khi giao tiếp với người khác, biết tìm kiếm, nhìn nhận và ngợi khen những gì là chân, thiện, mỹ nơi tha nhân. Tiêu biểu cho loại người này là ba nhà đạo sĩ đến gặp Chúa Hài Đồng ở Bêlem và viên bách quản chứng kiến hiện tượng trời đất trở thành tối đen khi Chúa Giêsu sinh thì nên đã nhận biết Người là Con Thiên Chúa (Mt 27:54).
6. đơn tâm: Là những người có tâm hồn đơn sơ và trong sạch. Họ không khao khát, mong mỏi hay kiếm tìm điều gì khác hơn là chính Chúa, nên Chúa sẽ tỏ mình cho họ: “Phúc cho những tinh sạch trong lòng, vì họ sẽ thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8).
7. kiên tâm: Là những con người trung kiên, trung thành, nhẫn nại trong việc phụng sự Chúa và chờ giờ Chúa đến. Ông già Simêon và Bà Anna là gương mẫu cho loại người này. Chúa Giêsu hứa: “Những kẻ nào kiên nhẫn đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu” (Mt 24:13).
8. úy tâm: Là những người có “lòng kính sợ Chúa”. Họ thà chết chẳng thà phạm tội mất lòng Chúa vì họ luôn ý thức về sự hiện diện đầy uy linh và tình thương của Chúa trong cuộc đời họ. Nhờ vậy, họ đã được trở thành đối tượng đón nhận lòng thương xót Chúa: “Và lòng nhân nghĩa của Người suốt đời nọ đến đời kia trên những kẻ kính sợ Người” (Lc 1:50).
9. ấu tâm: Là những ngườì biết trở nên thơ bé để sống trong sự tin yêu, phó thác vào sự quan phòng đầy quyền năng và khôn ngoan của Chúa. Đây là điều Chúa Giêsu muốn thấy nơi những môn đệ Người: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không vào được Nước Trời” (Mt 18:3).
10. Hối tâm: Là những người khiêm nhường nhận biết tội mình và có lòng thống hối nài xin Chúa thương xót thứ tha. Thánh Vương Đavít xác nhận: “Lễ tế cho Thiên Chúa: tâm thần bầm tím, tấm lòng bầm tím và nghiền tán, lạy Thiên Chúa, Người sẽ chẳng khinh” (Tv 51:19). Người thu thuế cầu nguyện thưa với Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin khấng thương tôi là đứa tội lỗi” trong đền thờ là hình ảnh của những người này (Lc 18:13).
11. tri tâm: Là tâm hồn khao khát và nỗ lực tìm hiểu và thực hành thánh ý và lề luật của Chúa, nhận biết mọi sự là ơn Chúa và tận tâm đáp đền ơn Chúa. Thánh Vịnh gia diễn tả điều này như sau: “Lòng dạ ngay chính, tôi sẽ tạ ơn Người, bởi được học biết các phán quyết công minh của Người” (Tv 119:7).
12. toàn tâm: Là tâm hồn biết quy hướng mọi sự về Chúa và đặt Chúa là tất cả trong mọi sự. Họ luôn ghi lòng tạc dạ giới răn trọng nhất của Chúa: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết trí khôn ngươi và hết cả sức lực ngươi” (Mc 12:30).
Tất cả những đặc tính của một tâm hồn am hợp với Thiên Chúa được diễn tả trên đây đều được tìm thấy nơi Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ Maria.
Lời nguyện xin cho được tâm hồn thơ bé
Lạy Thánh Nữ Maria là Mẹ Chúa Trời.
Xin Mẹ giữ cho con tâm hồn thơ bé
Như suối kia tinh khiết trong ngần.
Xin Mẹ cho con tấm lòng đơn bạch
Không ủ ê nhấm nháp ưu phiền.
Một trái tim luôn sẵn sàng cống hiến
Và dịu dàng luôn biết cảm thông.
Một trái tim quảng đại trung thành,
Không quên sót một ơn lành đã nhận,
Không để lòng thù hận một ai.
Xin Mẹ cho con quả tim khiêm tốn dịu hiền,
Biết yêu người mà không đòi đáp lại,
Vui vẻ xóa mình trước mặt Con Chí Ai
Trong tâm hồn bất cứ một ai.
Một trái tim cao cả không gì đánh bại,
Không bao giờ khép lại trước một nỗi vong ân,
Không nản bước chùn chân vì thờ ơ lãnh đạm.
Một trái tim dằn vặt vì vinh quang của Chúa,
Mang vết thương bởi lòng mến yêu Người
Cho tới lúc được lên Trời mới khỏi mà thôi.
(Theo Cha Leonce de Grand-Maison—bản dịch của Cha Nguyễn Công Đoan, SJ).