Nhảy đến nội dung

Chúng ta là thừa tác viên của ơn cứu rỗi

CN 10 QN Lễ Mình và Máu Đức Ki-tô  

Chúng ta là thừa tác viên của ơn cứu rỗi

   Đức Giê-su cầm lấy Bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói : “Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”(Mc 14,22).

   Điều Đức Giê-su nói đây, Giáo Hội vẫn luôn ghi nhớ và thực hiện trong mỗi thánh lễ. “Thánh Lễ vừa là lễ tưởng niệm hy tế để lưu truyền muôn đời hy tế thập giá; vừa là bàn tiệc thánh để thông hiệp Mình và Máu Chúa. Hai ý nghĩa này đi đôi với nhau và không thể tách rời. Nhưng cử hành hy tế Thánh Thể hướng đến việc các tín hữu kết hợp với Chúa Ki-tô nhờ rước lễ. Rước lễ là đón nhận chính Chúa Ki-tô, Đấng đã tự hiến vì chúng ta” (x. GLCG, số 1382).

   “Bàn Thờ là nơi qui tụ cộng đoàn tín hữu để cử hành bí tích Thánh Thể. Bàn Thờ trình bày hai khía cạnh của cùng một mầu nhiệm: Bàn Thờ hy tế và Bàn Tiệc của Chúa. Bàn Thờ là biểu tượng của chính Chúa Ki-tô đang hiện hiện giữa cộng đoàn tín hữu. Người hiện diện như hy lễ dâng lên để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa và như của ăn thiêng liêng nuôi sống chúng ta”(x. GLCG, số 1383).

   Bởi đó chúng ta mới hiểu tại sao Linh Mục lại chào Bàn Thờ và hôn Bàn Thờ. Chào Bàn Thờ và hôn Bàn Thờ là chào Chúa Ki-tô và hôn Chúa Ki-tô. Và khi người tín hữu cúi chào khi lên đọc Sách Thánh, dù không để Nhà Chầu, người tín hữu cúi chào đó là cúi chào Bàn Thờ; cúi chào Chúa Ki-tô chứ không phải cúi chào Linh mục hay Giám mục. Vì “Bàn Thờ là biểu tượng của chính Chúa Ki-tô đang hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu”.

   Trong thánh lễ, khi được truyền phép, “Chúa Ki-tô hiện diện dưới mỗi hình Bánh hình Rượu, vì thế rước lễ dưới hình bánh mà thôi vẫn đem lại cho ta trọn vẹn hiệu quả ân sủng của bí tích Thánh Thể”(x. GLCG, số 1390). Do đó, khi rước lễ, người tín hữu chỉ rước Mình Thánh thôi, thì cũng rước trọn vẹn Chúa Ki-tô.

     Chúng ta thắc mắc tại sao Chúa lại lập ra bí tích Thánh Thể, rồi khi chúng ta rước lễ thì chỉ rước một Tấm Bánh nhỏ xíu, no bụng thế nào được?

   “Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thân xác thế nào, việc rước lễ cũng đem lại sự sống kỳ diệu cho đời sống thiêng liêng như vậy. Khi các tín hữu rước lấy Mình của Đấng Phục Sinh, “Mình đã được sống động nhờ Thánh Thần và làm cho người ta được sống”, đời sống ân sủng đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy được giữ gìn, phát triển và canh tân. Để đời sống ân sủng tăng triển, người ki-tô hữu phải được bí tích Thánh Thể là Bánh dành cho kẻ lữ hành trần thế dưỡng nuôi cho đến giờ lâm tử. Lúc ấy họ sẽ đón nhận như của Ăn Đàng”(x. GLCG, số 1392).

    Con người chúng ta có hai phần: phần xác và phần hồn. Phần xác của chúng ta muốn sống và làm việc, chúng ta phải ăn một ngày 3 bữa. Không ăn chúng ta sẽ chết. Cũng vậy, nếu phần hồn chúng ta không ăn thì hồn của chúng ta cũng sẽ “chết”. Cái “chết” của phần hồn có nghĩa là yếu nhược, ốm o, gầy mòn, không có sức mà lên trời được đâu. Cho nên chúng ta phải cho phần hồn của chúng ta ăn nữa. Thức ăn của phần hồn là Lời Chúa; là ân sủng và nhất là Thánh Thể.

    Chúng ta thử nghĩ xem, người rước Mình Thánh Chúa hằng ngày và người một tuần; một tháng hay một năm hoặc 10 năm một lần thì linh hồn của người nào sẽ mạnh khỏe hơn? Chắc chắn là người rước Chúa mỗi ngày sẽ mạnh khỏe hơn rồi. Còn những người kia, linh hồn của họ ốm o, gầy mòn, yếu nhược thế nào thì chúng ta có thể biết được. Do vậy, muốn cho linh hồn của mình luôn mạnh khỏe, chúng ta phải siêng năng tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ cho sốt sắng.

   Như đã hứa, ngày Chúa Nhật đầu tháng, tôi sẽ chia sẽ về Tông Thư “Bằng trái tim người Cha” trong Năm Thánh Giu-se, của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô; hôm nay tôi chia sẻ về số 3, có tựa đề là “Một người cha vâng lời”.

   Như chúng ta biết, Thân Mình, tức là Mình Thánh chúng ta rước trong mỗi thánh lễ đó, đã được Thánh Cả Giu-se, nhờ sự vâng phục của Người; Người đãgìn giữ, chăm sóc và dạy dỗ từ lúc Đức Ma-ri-a thụ thai cho đến những năm Đức Giê-su sống ẩn dật ở Na-gia-rét, khoảng 33 năm 9 tháng. Đức Thánh Cha viết: Tất cả những điều này cho thấy rõ “Thánh Giu-se đã được Thiên Chúa kêu gọi để phục vụ trực tiếp Con Người và sứ mệnh của Chúa Giê-su qua việc thực thi thiên chức làm cha của Ngài” và bằng cách này, “vào lúc viên mãn của thời gian, Ngài đã cộng tác vào mầu nhiệm cứu độ vĩ đại và thực sự là một thừa tác viên của ơn cứu rỗi”.

     Như Đức Thánh Cha viết, Thánh Cả Giu-se là “một người cha vâng lời”, Ngài đã vâng lời Thiên Chúa qua những giấc mơ, để đón nhận Đức Ma-ri-a về nhà; để đón nhận Con Thiên Chúa nhập thể làm người và bảo vệ Người mọi nơi, mọi lúc. Bởi đó, Thánh Cả Giu-se “thực sự là một thừa tác viên của ơn cứu rỗi”. Như Linh mục là thừa tác viên của bí tích Thánh Thể thế nào, thì Thánh Cả Giu-se là thừa tác viên của ơn cứu rỗi như vậy.

   Nói cách khác, nhờ thừa tác vụ Tư Tế của Linh Mục, bí tích Thánh Thể còn tiếp diễn trong Giáo Hội thế nào, thì nhờ thừa tác vụ LÀM CHA của Thánh Cả Giu-se, mà ơn cứu rỗi vẫn còn ban cho mọi người chúng ta như vậy.

   Mỗi người tín hữu công giáo chúng ta đã được rửa tội, cũng được kêu mời trở nên thừa tác viên của ơn cứu rỗi. Chúng ta hãy tích cực tham vào thừa tác vụ này của Thánh Cả Giu-se.

   Trước hết, khi tham dự thánh lễ chúng ta hãy tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta tin sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong bí tích Thánh Thể không bằng giác quan, nhưng bởi thế giá của Thiên Chúa(x. GLCG, số 1381). Tức là chúng ta tin vào Lời Chúa Giê-su nói “Đây là Mình Thầy” mà Linh Mục lặp lại khi truyền phép. Rồi chúng ta rước lấy, để linh hồn của chúng ta được khỏe mạnh. Sau là cùng nhau xây dựng Giáo Hội là Thân Mình mầu nhiệm của Chúa Ki-tô. Đó là thừa tác vụ của mỗi người chúng ta. Chúng ta đem ơn cứu rỗi đến cho chính mình cũng như đem ơn cứu rỗi đến cho người khác.

  Nhờ thừa tác vụ Tư Tế của Linh Mục, bí tích Thánh Thể còn tiếp diễn trong Giáo Hội thế nào, thì nhờ thừa tác vụ LÀM CHA, LÀM MẸ, LÀM CON, LÀM BÁC SĨ, LÀM GIÁO VIÊN, LÀM CÔNG NHÂN, LÀM NÔNG DÂN, LÀM GIÁO LÝ VIÊN, LÀM LINH MỤC, LÀM TU SĨ, VV .... của CHÚNG TA, mà ơn cứu rỗi vẫn còn ban cho mọi người  chúng ta phục vụ như vậy.

 Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: