Giáo Hoàng Của Mẹ
- T7, 07/12/2024 - 16:10
- Lm Phạm Quốc Hưng
GIÁO HOÀNG CỦA MẸ
Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.
Lời ngỏ: Bài này được đăng trong mục Có Mẹ Trong Đời trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 05/2005, nhân dịp Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II mới qua đời. Nay nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngài đắc cử giáo hoàng 1978-16/10-2020, xin chia sẻ cùng độc giả Thanhlinh.net. HP
Tin Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II qua đời vào lúc 9:37PM tại tư phòng của ngài tại Vatican Thứ Bảy 02/05/2005 đã gây xúc động cho toàn thế giới. Khi nhìn lại cuộc đời đầy huyền nhiệm và thành tích của ngài, người ta không ngần ngại xác nhận ngài là một con người vĩ đại hàng đầu trong lịch sử nhân loại. Sự quý mến, ngưỡng mộ và tiếc thương mọi người dành cho ngài vượt xa tất cả mọi danh nhân, tài tử xưa nay. Người ta ước tính sẽ có khoảng 2 triệu người tham dự tang lễ của ngài, trong đó có khoảng 200 nhà lãnh đạo các quốc gia!
Người ta đã dành cho ngài bao danh hiệu cao quý. Tổng Thống George W. Bush gọi ngài là “quán quân bênh vực tự do” và “tôi tớ trung tín của Thiên Chúa”. Tạp Chí Time gọi ngài là “người bênh vực đức tin”. Mục sư danh tiếng Billy Graham nói: “Ngài sẽ đi vào lịch sử như vị giáo hoàng vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại. Ngài đã là luơng tâm mạnh mẽ của cả thế giới Kitô giáo. Chúng tôi tin rằng thế giới cần ngài vì ngài lên tiếng cho hòa bình, cho người nghèo và người bị bỏ rơi”. Tác giả George Weigel đặt tên cho cuốn tiểu sử thời danh của ngài là Chứng Nhân Hy Vọng.
Cũng vậy, nhìn vào các hoạt động phong phú của ngài, người ta còn gọi ngài là “giáo hoàng lữ hành”, “giáo hoàng của những sự bất ngờ”, “giáo hoàng của Tin Mừng Sự Sống”, “giáo hoàng của giới trẻ” và “giáo hoàng bất khuất”.
Nhưng với khẩu hiệu totus tuus và chữ M trên dấu hiệu giáo hoàng của ngài, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II muốn mọi người biết rằng trước tiên và trên hết ngài thuộc trọn về Mẹ Maria, là “giáo hoàng của Mẹ”, để nhờ Mẹ, với Mẹ, trong Mẹ và vì Mẹ ngài thuộc trọn về Chúa Kitô và chu toàn trọn vẹn sứ mạng là Đại Diện Chúa Kitô nơi trần gian.
Trong cuốn Hồng Ân và Huyền Nhiệm kỷ niệm Kim Khánh Linh Mục, Đức Thánh Cha cho thấy lòng sùng kính Đức Mẹ đã in sâu vào cuộc đời ngài ngay từ thời thơ ấu như sau:
“Tự nhiên, khi bàn về nguồn gốc ơn gọi linh mục của tôi, tôi không thể bỏ qua chiều kích Thánh Mẫu. Tôi đã học biết truyền thống tôn sùng Đức Mẹ từ gia đình và xứ đạo của tôi tại Wadowice. Tôi còn nhớ, trong nhà thờ xứ đạo, có một bên dành để tôn kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Vào buổi sáng, các học sinh trung học đến viếng Đức Mẹ trước giờ học. Chiều đến, sau giờ học, nhiều học sinh đến đó cầu nguyện với Mẹ Đồng Trinh...Tôi cũng nhận được Áo Đức Bà Núi Camêlô và tôi nghĩ lúc đó mới lên mười tuổi và tôi còn đeo tới ngày nay...Lòng sùng kính Mẹ Maria của tôi đã được hình thành ngay từ những năm thơ ấu, rồi niên thiếu và qua những năm trung học.
“Khi lớn lên ở Cracow, tại Debniki, tôi tham gia nhóm Chuỗi Mân Côi sống trong giáo xứ của các cha Dòng Salêsiêng. Ở đó, người ta sùng kính Đức Mẹ dưới danh hiệu Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Tại Debniki, khi ơn gọi linh mục tôi được triển nở nhờ ảnh hưởng của Jan Tyranowski, tôi nhớ là mình đã có sự thay đổi trong sự hiểu biết về lòng tôn sùng Đức Mẹ. Tôi đã xác tín rằng Mẹ Maria dẫn chúng ta đến Chúa Kitô, nhưng vào giai đoạn này, tôi còn nhận ra rằng Chúa Kitô dẫn chúng ta tới Mẹ Ngài. Rồi có một dạo, tôi bắt đầu nghi vấn về lòng sùng kính Đức Mẹ khi nghĩ rằng nếu tôn sùng Mẹ mãnh liệt quá chắc hẳn sẽ hại đến sự ưu tiên tôn thờ Chúa Kitô. Chính lúc đó, tôi được giúp đỡ nhiều nhờ cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria của Thánh Luy Maria Grignion Môngphô. Ở đây, tôi tìm được câu trả lời. Phải, Mẹ Maria dẫn chúng ta đến gần Chúa Kitô hơn; Mẹ dẫn chúng ta tới Chúa miễn là chúng ta sống mầu nhiệm của ngài trong Chúa Kitô...
“Đây là nguồn gốc của khẩu hiệu totus tuus. Câu nói này là của Thánh Luy Maria Grignion Môngphô. Đó là lời nguyện vắn tắt từ kinh dâng mình cho Đức Mẹ đầy đủ hơn như sau: Totus Tuus ego sum et omnia mea Tua sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi cor Tuum, Maria (Tất cả con đây là của Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ. Con nhận lãnh Mẹ trong tất cả mọi sự của con. Xin Mẹ cho con muợn trái tim Mẹ, lạy Mẹ Maria). Và vì thế, nhờ Thánh Luy, tôi bắt đầu khám phá ra kho tàng phong phú của việc sùng kính Mẹ Maria trong một nhãn quan mới”.
Chính lòng sùng kính Đức Mẹ sâu đậm này đã đem lại can đảm cho Đức Gioan-Phaolô II giúp ngài chấp nhận sứ vụ lãnh đạo Giáo Hội khi đắc cử giáo hoàng ngày 16/10/1978. Điều này được nhìn thấy nơi câu trả lời của ngài lúc ấy: “Trong sự tuân phục đức tin đối với Chúa Kitô, với sự phó thác nơi Mẹ Chúa Kitô và Hội Thánh, và ý thức những khó khăn lớn lao, tôi chấp nhận”.
Ngài còn bày tỏ sự trân quý lòng lòng sùng kính Đức Mẹ khi nói với mọi người: “Hành trang duy nhất tôi mang từ quê hương Balan là lòng sùng kính Đức Mẹ”. Và ngài đã trung thành bày lòng sùng kính Đức Mẹ trong mọi nơi, mọi lúc. Dường như, trong mọi văn kiện, mọi bài giảng, ngài luôn kết thúc bằng những lời nguyện dâng lên Đức Mẹ hay một ít lời hướng người ta về Đức Mẹ, để cổ võ lòng tôn sùng Đức Mẹ như phương thế cần thiết và tuyệt hảo để sống trọn niềm tin vào Chúa Kitô.
Ngài nói: “Nhân loại cần Mẹ Maria! Nơi Mẹ chúng ta tìm được con đường bước vào Trái Tim của Con Mẹ, chỗ duy nhất nơi mà sự trăn trở của ta tìm được bình an, nơi mà những thương đau của ta tìm được an ủi, nơi mà những ý nguyện sống một đời trung tín với các giá trị Tin Mừng của ta tìm được sức mạnh và bền đỗ. Hãy cầu nguyện thiết tha với Mẹ Maria Rất Thánh! Hãy ý thức Mẹ ở bên chúng con và hãy tận hiến bản thân cho Mẹ, suốt ngày hãy năng canh tân tình mến và cậy trông đối với Mẹ để Mẹ đồng hành với các con trong công việc hàng ngày” (12/05/1991).
Món quà ngài thường tặng cho những ai đến với ngài là chuỗi hạt Mân Côi.
Ngày 29/10/1978, chỉ vài ngày sau lễ đăng quang, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã chia sẻ với mọi người: “Kinh Mân Côi là kinh nguyện yêu quý nhất của tôi. Nó là một kinh nguyện tuyệt diệu! Tuyệt diệu trong sự đơn sơ và phong phú của nó!” Và ngài đã nhiều lần mời gọi mọi người lần hạt Mân Côi. Ngày 12/05/1991, ngài nói: “Nó (Kinh Mân Côi) là cuộc gặp gỡ Đức Mẹ mỗi ngày mà Cha không bao giờ bỏ qua. Nếu các con muốn gần trái tim Đức Giáo Hoàng một lúc, Cha đề nghị giờ Mân Côi, khi Cha nhớ đến tất cả các con trong Mẹ Maria, và Cha cũng rất vui nếu được các con nhớ đến Cha trong Mẹ như thế!”.
Để bắt đầu bước vào năm thứ 25 của triều giáo hoàng của ngài, Đức Gioan-Phaolô II đã ban hành Tông Thư Phép Lần Hạt Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria vào ngày 16/10/2002, trong đó ngài công bố Năm Mân Côi đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội từ tháng 10/2002-10/2003 và đặt thêm 5 mầu nhiệm ánh quang: Chúa Giêsu chịu Phép Rửa; Chúa tỏ mình tại tiệc cứơi Cana; Chúa rao giảng Tin Mừng và kêu gọi hối cải; Chúa biến hình trên núi và Chúa lập Phép Thánh Thể. Nhờ vậy, Kinh Mân Côi được phong phú hoá hơn nhờ được gia tăng hương vị Lời Chúa.
Vào ngày 13/05/1981, kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu ở Fatima, Đức Thánh Cha bị mưu sát tại Công Trường Thánh Phêrô nhưng chỉ bị thương và thoát chết. Khi ngài bị bắn, người ta nghe thấy ngài kêu “Maria, Mẹ con ơi!” Năm sau, đúng ngày 13/05/1982, ngài đến Fatima tạ ơn Đức Mẹ đã cứu ngài thoát chết và gắn viên đạn đã bắn vào ngài nơi triều thiên Mẹ để nhìn nhận sự can thiệp của Mẹ. Ngài nói: “Với tôi, ngày 13 tháng 5 sẽ mãi mãi nhắc nhớ sự che chở từ mẫu của Đức Mẹ và món nợ tri ân mà những biến cố gần đây càng làm gia tăng, nhưng tôi tiếp tục nói với Mẹ Maria và vì Mẹ Maria: Hãy tạ ơn Chúa ...vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”
Trong dịp phong chân phước cho hai vị thụ khải tại Fatima là Phanxicô và Giaxinta ngày 13/05/2000, Đức Thánh Cha đã cho công bố phần thứ ba của bí mật Fatima. Trong đó, Chị Lucia thấy thị kiến một giám mục áo trắng bị bắn gục. Người ta hiểu vị giám mục áo trắng đó là chính Đức Gioan-Phaolô II. Điều này càng tô đậm sự huyền nhiệm của cuộc đời ngài cũng như sự quan tâm đặc biệt Mẹ Thiên Chúa dành cho ngài.
Lạ lùng thay, Chị Lucia và Đức Gioan-Phaolô II qua đời chỉ cách nhau một vài tuần lễ. Chị Lucia qua đời ngày 13/02/2005. Đức Gioan-Phaolô II qua đời vào ngày 02/04/2005, Thứ Bảy Đầu Tháng, ngày biệt kính Khíêt Tâm Mẹ.
Khi nhìn thấy hình xác Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II với Chuỗi Mân Côi trên tay cùng với cây gậy chủ chăn có hình Tượng Chịu Nạn, người ta sẽ nhận ra rằng ngài đã sống trọn vẹn hình ảnh lý tưởng của một tôi trung, con thảo và chiến sĩ tận hiến đích thực của Mẹ Maria đã được Thánh Luy Maria Grignion Môngphô mô tả trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria như sau:
“Tông đồ của thời đại cuối cùng này phải là những chiến sĩ đích thực của Mẹ Maria. Họ là những môn đệ Chúa Giêsu, bám sát lối sống khó nghèo và khiêm nhượng của Chúa. Như Chúa, họ không sợ đời, và đầy lòng mến. Họ nói ngay, nói thực, theo đường lối Chúa đúng theo Phúc Âm, bất chấp lời suy luận của đời. Họ không sợ ai, không dua nịnh ai, dù ai đó có uy quyền đến đâu, vì ai đó cũng chỉ là người phàm. Nơi miệng họ được ngọn kiếm hai lưỡi là Lời Chúa, vai họ vác lá cờ đẫm máu là gian nan khổ giá; tay mặt cầm Ảnh Chuộc Tội, tay trái cầm tràng hạt, ngực ghi hai tên cực trọng Giêsu và Maria, toàn thân sáng chói hai đức khiêm nhường và khắc khổ của Chúa Kitô. Chúa muốn Đức Mẹ huấn luyện họ để họ đem lại vinh quang Chúa, chinh phục các linh hồn cho Chúa.”
Lòng sùng kính Đức Mẹ đích thực chính là bí quyết nên thánh của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II.
Xin Chúa và Mẹ giúp mọi tín hữu chúng con khi chiêm ngắm đời sống đầy hoa trái thánh thiện của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, biết noi gương ngài tận tình sùng kính Mẹ Maria, để nhờ Mẹ, với Mẹ, trong Mẹ và vì Mẹ, chúng con sẽ được nên giống ngài, sống như những chứng nhân đích thực của Tin Mừng Sự Sống và những sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa và những chiến sĩ tận hiến của Mẹ Maria trong thế giới hôm nay. Amen.
(April 5-6, 2005, những ngày thương tiếc sự ra đi của Vị Cha Chung)