Nhảy đến nội dung

Hoa trái Thánh Thần

CN Lễ Hiện Xuống                     

Hoa trái Thánh Thần

   “Khi đến ngày Lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu một nơi. Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy những xuất hiện những hình lưỡi giống như lửa tản ra đậu trên mỗi người. Và ai nấy đều được đầy tràn ơn Thánh Thần”(Cv 2,1-4a).

    “Lễ Ngũ Tuần” là một trong 7 Lễ long trọng của người Do-thái. 7 ngày lễ long trọng là Ngày Sa-bát; Lễ Vượt Qua; lễ Dâng bó lúa đầu mùa; Lễ Ngũ Tuần; Ngày đầu tháng bảy; Ngày Xá Tội và Lễ Lều(x. Lv 23,1-44).

   Lễ Ngũ Tuần là ngày sau ngày Lễ Dâng bó lúa đầu mùa 50 ngày. Trong ngày lễ này, dân phải tiến dâng một lễ phẩm mới, đó là đem 2 chiếc bánh làm bằng 9 lít tinh bột và trộn men mà nướng. Thêm vào đó, dân còn phải dâng 7 con chiên toàn vẹn, một tuổi; một con bò tơ; hai con cừu đực làm lễ toàn thiêu dâng Đức Chúa, cùng với lễ phẩm và lễ tưới rượu kèm theo. Đó là lễ hỏa tế, là hương thơm làm vui lòng Đức Chúa. Ngoài ra, dân còn phải lấy một con dê đực làm lễ đền tội và hai con chiên một tuổi làm lễ kỳ an. Tư Tế sẽ làm nghi thức tiến dâng Đức Chúa hai con chiên cùng với bánh đầu mùa(x. Lv 23,17-20).

    “Việc Chúa Thánh Thần tỏ hiện, được ban tặng và thông truyền như là Ngôi Vị Thiên Chúa vào ngày lễ Ngũ Tuần, hoàn tất cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô: Từ nguồn sung mãn của Người, Chúa Ki-tô ban tràn đầy Thánh Thần cho mọi tín hữu”(x, GLCG, số 731).

   Đức Giê-su Ki-tô là Con Chiên vẹn toàn vô tì tích; qua cuộc Vượt Qua, trở thành của lễ đền tội cho muôn dân; là của lễ, là hương thơm làm vui lòng Thiên Chúa. Sau 50 ngày từ khi Đức Ki-tô sống lại, một ân sủng mới được ban cho con người là Thánh Thần.

    Thánh Thần chính là Hồng Ân của Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu” và Tình Yêu là hồng ân tuyệt diệu chứa đựng tất cả những ơn khác. Tình yêu này Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”(x. GLCG, số 733).

   Thánh Phao-lô nói : “Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa” (x. 1Cor 2,11). “Thánh Thần mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa; biết Đức Ki-tô là Ngôi Lời hằng sống, nhưng Thánh Thần lại không nói về mình. Thánh Thần đã dùng các Ngôn sứ mà phán dạy, để giúp cho người ta nghe được Lời của Chúa Cha. Nhưng còn chính Người, chúng ta lại không nghe tiếng Người. Chúng ta chỉ nhận biết Người qua việc Người mặc khải và chuẩn bị tâm hồn chúng ta đón nhận Ngôi Lời bằng đức tin”(x. GLCG, số 687).

    “Trong Hội Thánh, chúng ta nhận biết Thánh Thần. Chúng ta nhận biết Thánh Thần nơi Thánh Kinh được Người Linh ứng; nơi Thánh truyền, mà các giáo phụ là những chứng nhân cho mọi thời đại; nơi Huấn Quyền được Người trợ lực; nơi Phụng vụ các bí tích, mà qua lời nói và biểu tượng, Thánh Thần giúp chúng ta hiệp thông với Đức Ki-tô; nơi kinh nguyện, lúc Người chuyển cầu cho chúng ta; nơi các đặc sủng và thừa tác vụ xây dựng Hội Thánh; nơi các dấu chỉ của đời sống tông đồ và thừa sai; nơi chứng từ của các thánh, Thánh Thần biểu lộ sự thánh thiện của Người và tiếp tục công trình cứu độ”(x.GLCG, số 688). Nhất là nơi Hội Thánh, Thân Mình mầu nhiệm của Chúa Ki-tô, nói được nhiều thứ tiếng.(Trích trong Bđ 2, Kinh Sách Thứ 7, CN tuần VII PS; của một tác giả Châu Phi, thế kỷ thứ VI)

     Những biểu tượng của Thánh Thần, đó là Nước; Dầu; Lửa; Áng mây và ánh sáng; Ấn tín; Bàn tay; Ngón tay và Chim bồ câu.(x. GLCG, số 694-701).

   Về danh xưng Chúa Thánh Thần. “Thánh Thần” là danh xưng của Đấng chúng ta tôn thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Hội Thánh đã nhận danh xưng này từ Chúa Giê-su và tuyên xưng trong bí tích rửa tội: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân Danh Chúa Chúa, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”(x.Mt 28,19).

    Thuật ngữ “Thần” dịch từ Ru-ah của tiếng Do-thái, nghĩa là hơi thở, không khí, gió. Đức Giê-su dùng hình ảnh khả giác GIÓ để gợi ý cho ông Ni-cô-đê-mô về sự mới mẻ siêu việt của Đấng là HƠI THỞ của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần(x. Ga3,5-8). Đàng khác, từ “Thần” và “Thánh” là những thuộc tính thần thiêng chung cho Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhưng khi nối kết hai từ này lại với nhau, Thánh Kinh, Phụng Vụ và ngôn ngữ thần học muốn chỉ Ngôi Vị khôn tả của Chúa Thánh Thần mà không lẫn lộn với cách sử dụng khác về các từ “thần và thánh”(x.GLCG, số 691).

   Chính Đức Giê-su gọi Chúa Thánh Thần là Thần Khí Sự Thật : “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”(x.Ga16,13).

  “Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, Con người là một hữu thể vừa thể xác vừa tinh thần”(x. GLCG, số 632). Nghĩa là con người của chúng ta có hai phần thân xác và linh hồn. Thế nhưng có người thắc mắc, tại sao thánh Phao-lô lại nói: “Nguyện xin Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí (tinh thần), tâm hồn và thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn không gì đáng trách trong ngày Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta quang lâm”(x. 1Tx 5,23).

    Nói thế chẳng khác nào nói con người chúng ta có 3 phần là tinh thần, Tâm hồn (linh hồn) và thân xác. Giáo hội giải thích: “Thuật ngữ “tinh thần” muốn nói là con người ngay từ khi được tạo dựng đã được Thiên Chúa qui hướng về cùng đích siêu nhiên”(x. GLCG, số 367). Như vậy, theo giáo lý công giáo, con người chúng ta chỉ có hai phần thôi.

    Theo tôi, nếu chúng ta sắp xếp lại thứ tự, thì sẽ dễ hiểu hơn. Tức là “Thân xác, tinh thần và tâm hồn”. Và chúng ta tách từ “tinh thần” ra làm hai là “Tinh” và “Thần”. “Tinh” sẽ thuộc về “thân xác” và “Thần” sẽ thuộc về “tâm hồn”. Cái tinh túy của thân xác là gì nếu không phải là cái “TRÍ”, tức là phần lý trí, ý chí của con người chúng ta. Còn “Thần” thuộc về tâm hồn, về linh hồn thì dễ hiểu rồi. Nên có cách dịch khác là “Thần trí, thân xác và tâm hồn”(Kinh Thánh trọn bộ Cựu ước và Tân Ước, nhà x/b Thành Phố Hồ Chí Minh, năm 1999).

   Thánh Phao-lô nói : “Chính Thần Khí chứng thực cho Thần Trí của chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa”(x. Rm8,16). Nghĩa là Chúa Thánh Thần nói với Thần trí của ta chứ đâu có nói với thân xác ta, vì thân xác ta có biết gì đâu mà nói. Nếu nói với cái tay, cái chân hay cái bụng của ta, thì cũng như nói với khúc cây vậy thôi.

   Như vậy Chúa Thánh Thần đến, Người sẽ soi sáng cho tâm trí hiểu Lời Chúa và dẫn chúng ta đến sự thật. Sự thật sẽ giải phóng chúng ta; sự thật sẽ giải thoát chúng ta và chúng ta sẽ được cứu độ; được sống bình an và hạnh phúc ngay ở đời này. Khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức, chúng ta lãnh nhận 7 ơn Chúa Thánh Thần. Đó là ơn khôn ngoan và thông hiểu; ơn lo liệu và sức mạnh; ơn suy biết và đạo đức; ơn kính sợ Chúa.

       “Nhờ quyền năng của Thánh Thần, con cái Thiên Chúa có thể làm những việc tốt lành. Đấng đã tháp chúng ta vào Cây Nho thật, sẽ giúp chúng ta trổ sinh “hoa quả của Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, quảng đại, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hòa, tiết độ”. (x. GLCG, số 736)

    Vậy nhờ hồng ân Thánh Thần; nhờ 7 ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta, những người con cái Chúa, hãy luôn luôn làm những việc tốt lành; biết dùng tiếng nói và đời sống của mình mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa; biết trổ sinh “Hoa trái Thánh Thần” là bác ái, hoan lạc, bình an, quảng đại, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hòa và tiết độ.

      Có thế, “Nhờ hiệp thông với Thánh Thần, chúng ta trở nên người của Thánh Thần; được đưa trở lại Địa đàng; được dẫn vào Nước Trời và tình nghĩa tử; được ban cho lòng tin tưởng để gọi Thiên Chúa là Cha, để thông phần vào ân sủng của Đức Ki-tô, để được gọi là con cái sự sáng và dự phần vào vinh quang đời đời”(Thánh Ba-xi-li-ô).

 Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: