Ngôn sứ trong đời thường
- T7, 07/12/2024 - 05:31
- Lm Phạm Quốc Hưng
Chúa Nhật XIV Thường Niên
Ngôn sứ trong đời thường
Khi suy về sự khác biệt vô cùng giữa Đấng Tạo Hóa và các thụ tạo, đại triết gia Hy lạp Aristotle đã tuyên bố: “Không có tình thân giữa Thiên Chúa và con người”. Khác với quan niệm coi Thiên Chúa như một Sức Mạnh vô song nhưng lại vô cảm đối với con người như trên của Aristotle, cả Do thái giáo và Kitô giáo đều tin nhận là Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Người-nghĩa là có khả năng yêu thương nhờ có trí khôn và lòng muốn- cốt để họ có thể bước vào liên hệ yêu thương với Thiên Chúa và nhờ đó tìm được hạnh phúc vô cùng.
Mỗi liên hệ yêu thương đều đòi hỏi có sự hiệp thông, trao đổi. Vì vậy, Thiên Chúa luôn ngỏ lời với nhân loại cách chung cũng như từng người nói riêng. Người nói qua sự hiện hữu của vạn vật, các biến cố, ơn soi sáng bên trong, tiếng lương tâm và đặc biệt qua những người được chọn để truyền thông sứ điệp của Người là các ngôn sứ, hay còn gọi là các tiên tri.
Chủ đề ngôn sứ là một chủ đề lớn trong toàn bộ Thánh Kinh. Các ngôn sứ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để chuyển tải sứ điệp của Người cho Dân Chúa hay cho những người Thiên Chúa sai đến. Họ được gọi là môi miệng của Thiên Chúa để ban Lời Chúa cho Dân Chúa, nhằm giúp họ nhận biết và thi hành ý Chúa. Các ngôn sứ cũng thường nhắc nhở cho dân chúng về nội dung đức tin truyền thống của các tổ phụ: Thiên Chúa là ai, đã yêu thương tuyển chọn họ thế nào, đã thực hiện bao kỳ công để giải phóng họ khỏi cảnh nô lệ bên Aicập, đã lập giao ước với họ; cũng như bổn phận của họ là phải trung thành với giao ước ấy qua việc tuân giữ Lề Luật Chúa đã truyền để được sống an bình hạnh phúc.
Giá trị của các ngôn sứ không tùy thuộc vào kết quả của hoạt động của họ, nhưng tùy thuộc vào sự trung thành của họ trong việc truyền thông Lời Chúa cho dân chúng. Một khi lòng dân không còn khao khát Lời Chúa và chạy theo các tà thần, các ngôn sứ thường bị bách hại một cách thảm thương. Đó là lý do không mấy ai muốn làm ngôn sứ! Sức mạnh và điểm dựa duy nhất của ngôn sứ là sự hiện diện của Chúa ở với họ. “Ta sẽ ở với ngươi” là lời hứa của Thiên Chúa dành cho mọi ngôn sứ.
Khi bước vào đời sống công khai rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, với các phép lạ kỳ diệu và những lời giảng dạy đầy khôn ngoan, Chúa Giêsu đã được nhiều người nhìn nhận như một ngôn sứ. Người ta nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Người, say mê lắng nghe lời Người, khen ngợi và ngưỡng mộ Người. Nhưng trong Tin Mừng hôm nay khi Chúa Giêsu về lại Narazeth, nơi Người đã từng sống suốt quãng đời ẩn dật, thì chính những người đồng hương của Người lại không muốn chấp nhận Người, không tin Người, dù chính họ cũng được nghe lời giảng dạy cao siêu của Người. Chính vì sự cứng lòng tin của họ, “Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân” (Mc 6:5). Buồn hơn, cũng chính vì cứng lòng tin của họ đã khiến Chúa Giêsu rời bỏ họ để “rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy” (Mc 6:6).
Trước thái độ cứng lòng tin của những người đồng hương, Chúa Giêsu đã nói với họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình” (Mc 6:4). Nhận xét tinh tế này của Chúa Giêsu cũng được gặp thấy nơi mấy câu thành ngữ “thân quá hóa nhờn”, “bụt nhà không thiêng” hay “gần Chùa gọi bụt bằng anh” của dân Việt chúng ta.
Chính vì sự quá thân quen của dân làng Narazeth đối với Chúa Giêsu trong suốt mấy mươi năm Người sống ẩn dật gần họ đã khiến họ không tin nhận Người. Kết quả của sự cứng lòng tin ấy là họ không được đón nhận những điều kỳ diệu do Người thực hiện và không được Người lưu lại trao ban Lời hằng sống.
Đây cũng là thảm trạng đang xảy ra cho phần lớn các tín hữu Công giáo chúng ta, nhất là những người “đạo gốc” hay cả trong giới tu sĩ linh mục! Được sinh ra và lớn lên trong gia đình Công giáo, chúng ta đã bao lần tham dự Thánh lễ, bao lần lãnh nhận Bí Tích hòa giải, bao lần tham dự các nghi thức Rửa Tội, Hôn Phối, Xức Dầu hay an táng, bao lần nghe giảng Lời Chúa.
Nhưng vì thiếu đức tin sống động, vì thiếu ý thức về thực tại thần thiêng, bị cuốn hút vào các đam mê trần thế và nhất là vì quá quen thuộc đến nỗi không còn trân quý các phương tiện ban ơn thánh hóa, chúng ta đã lãnh nhận các bí tích cách chiếu lệ vì thói quen; đọc kinh cách uể oải; không thích nghe nói hay nghe giảng về Chúa; không ham học hỏi giáo lý hay Thánh Kinh. Kết quả là chúng ta không cảm nếm và thưởng thức được sự kỳ diệu của ân huệ Thiên Chúa dành cho những người biết trân quý và tha thiết sống lòng tin. Sau bao năm sống trong lòng Hội Thánh, đời sống chúng ta vẫn tầm thường không khác gì những người ngoại đạo và nhiều khi còn tệ hơn họ nữa!
Trong bài đọc một hôm nay, khi sai ngôn sứ Êzekiel đến với dân Do thái, Thiên Chúa nói: “và chúng sẽ biết rằng giữa chúng có một vị tiên tri” (Ez 2:5). Ngày nay, trong từng nhà thờ Công giáo khi truyền cho các linh mục cử hành Thánh Lễ và ban cho chúng ta Chúa Giêsu Thánh Thể, Thiên Chúa cũng nói với mọi tín hữu chúng ta: “và chúng sẽ biết rằng giữa chúng có một Vị Thiên Chúa toàn năng và đầy lòng thương xót”.
Dân làng Nazareth không tin nhận Chúa Giêsu tuy đáng buồn, nhưng với những người Công giáo không tin nhận Chúa Giêsu hiện diện thực sự nơi Bí Tích Thánh Thể còn đáng buồn hơn bội phần!
Chúa Giêsu yêu đời thường. Chúa Giêsu yêu đời sống bình dị, lao nhọc, ẩn dật ở Nhà Nazareth bên Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Vì vậy, Chúa đã sống 30 năm nơi Nazareth và chỉ dành 3 năm để công khai rao giảng Tin Mừng! Cũng vậy, Chúa chọn Cha Đồng Trinh Giuse là một người thợ mộc bình dị, chọn Mẹ Vô Nhiễm Maria là một thôn nữ khiêm hạ, chọn quê hương Nazareth là một làng dung dị đến nỗi Nathanaan đã phải thốt lên rằng: “Từ Nazareth có cái gì hay được?” (Ga 1:46). Rồi từ khi lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu chọn ở lại giữa chúng ta, ẩn thân dưới hình Bánh Thánh, trong Nhà Tạm vắng lặng cho đến tận thế.
Đó chính là sự chọn lựa của Chúa Giêsu, của Thiên Chúa. Đó cũng là đường lối của nền tu đức chân chính ngàn đời của Hội Thánh Công Giáo, được diễn tả qua đời sống và tinh thần của Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Làm những việc tầm thường nhưng với lòng tin yêu phi thường”. Thật vậy, từ chút nước được dùng trong Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được trở thành nghĩa tử Thiên Chúa. Trong Thánh Lễ, từ chút bánh chút rượu, Chúa ban cho chúng ta chính Mình Người trong Bí Tích Thánh Thể. Từ một bàn tay giơ lên cùng với lời tha tội của một linh mục cũng là phàm nhân tội lỗi như chúng ta nơi Tòa Giải Tội, Thiên Chúa đã tẩy sạch mọi nhơ uế của linh hồn chúng ta và làm cho linh hồn chúng ta được hồi sinh dù đã từng bị chết vì tội trọng.
Chúng ta sẽ lạc hướng khi chúng ta chạy theo những sự hào nhoáng, ồn ào, ngoạn mục, mới lạ hợp thời trang mà thế gian mời mọc!
Dĩ nhiên, có những lúc Chúa vẫn làm một số phép lạ cả thể và ban những ơn ngoại thường để giúp một số người có được đức tin , gia tăng lòng tin hay tìm lại lòng tin. Nhưng đường lối Chúa thích dùng và thường dùng hơn cả vẫn là với những con người, những sự vật, những biến cố và cả những ngôn sứ của đời thường.
Những lời Chúa nói với chúng ta qua những ngôn sứ trong đời thường có thể gặp thấy như sau: Lời người cha ân cần dặn con trai: “Đi học xa nhà con nhớ đọc kinh tối sớm và liệu đi Lễ Chúa Nhật mỗi tuần nghe con”. Lời người mẹ lo lắng khuyên bảo con gái: “Con đừng đi chơi khuya quá, và đừng chiều bạn trai để làm chuyện ấy nghe con”. Lời người vợ khuyên chồng:
“Anh đừng coi phim bậy nữa nghe anh, có tội đấy”. Lời linh mục kêu gọi trên tòa giảng: “Anh chị em có bổn phận đóng góp tài chánh để điều hành giáo xứ”; hay “Xin anh chị em rộng tay giúp các người khốn khó chỗ nọ chỗ kia”; hoặc “anh chị em đừng gian lận trợ cấp của chính phủ hay trả lương hẹp hòi với người làm công, vì như thế là lỗi đức công bằng; dù có xưng tội vẫn phải đền trả không đời này thì đời sau”. Lời một người nói với bạn cùng cộng đoàn: “Cuối tuần này có tĩnh tâm cộng đoàn, anh ráng thu xếp để tham dự nghe!” hay “Mình phải cầu nguyện, ăn chay và dự Lễ nhiều hơn để cầu nguyện cho việc phò sự sống chống phá thai”. Lời một giáo dân góp ý với cha xứ: “Con nghĩ Cha đừng đi lại thường xuyên với bà X mới ly dị nhiều quá, người ta dị nghị đó!”
Chúng ta có tin nhận đó là Lời Chúa dành cho chúng ta không? Chúng ta có tin nhận những người nói với chúng ta những điều ấy là ngôn sứ trong đời thường Chúa sai đến để giúp chúng ta nhận biết và thực thi ý Người không? Hơn nữa, chúng ta có tin rằng chính chúng ta qua việc lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta cũng được Chúa gọi và chọn để làm những ngôn sứ trong đời thường, để chuyển tải Lời Chúa cho những người xung quanh không? Dù chúng ta có yếu hèn và vẫn còn nhiều yếu đuối tội lỗi, Chúa vẫn có thể giúp chúng ta hoán cải nhờ những ngôn sứ trong đời thường quanh ta; đồng thời, Chúa vẫn thương yêu mời gọi chúng ta trở thành ngôn sứ trong đời thường cho Người. Đó chính là điều Chúa đã quả quyết với Thánh Phaolô trong bài đọc hai hôm nay: “Ơn Ta đã đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối” (2Cor. 12:9).
Lạy Mẹ Maria là Nữ Vương Các Thánh Tiên Tri! Xin Mẹ ban cho con một lòng tin sống động để con biết đón nhận Lời Chúa và ý Chúa nơi những người Chúa gửi đến trong cuộc đời con, để giúp con sống theo đường lối Chúa. Xin Mẹ cũng giúp con trở nên một ngôn sứ đích thực để chuyển thông Lời Chúa cho mọi người xung quang bằng đời sống cầu nguyện, hy sinh và bác ái. Amen.
Lm Phạm Quốc Hưng