Thả con tép, bắt tôm hùm
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 26 QN
Thả con tép, bắt tôm hùm (Lm. Dương Trung Tín)
“Thà cụt một tay, cụt một chân, chột một mắt mà vào cõi sống, còn hơn có đủ hai tay, hai chân, hai mắt mà phải vào hỏa ngục”(Mc 9,43,45,47).
Ta phải hiểu câu nói này của Đức Giê-su thế nào? Có phải Chúa bảo ta, nếu tay, chân và mắt làm cớ cho ta sa ngã, thì hãy chặt, hãy móc nó đi chăng? Nếu vậy, thì trên thiên đàng toàn là những “thương phế binh” không, vì chúng ta, ai cũng là người yếu đuối và tội lỗi, ít lắm thì cũng một lần tay, chân hay mắt làm cho ta sa ngã trong đời.
Nói cho công bằng, thì không phải tay, chân hay mắt ta làm cho ta sa ngã, mà chính cái tâm; chính cái đầu của ta làm cho ta sa ngã chứ không phải tay, chân hay mắt. Vì chúng chỉ là “tay sai” của ta, bảo gì chúng làm nấy thôi. Ta mà không muốn làm thì tự cái tay nó có làm được không? Ta mà không muốn đi đến đó, thì tự cái chân nó có đi được đến đó không? Ta mà không muốn nhìn, ta nhắm mắt lại thì con mắt có tự mở ra mà nhìn được không?
Phân tích như thế để chúng ta thấy rằng, ý Chúa không muốn ta hiểu theo nghĩa đen, đi chặt tay, chặt chân và móc mắt. Tôi nghĩ rằng, phần chính nằm ở vế thứ hai, đó là: Thà cụt một tay, cụt một chân, chột một mắt mà vào cõi sống, còn hơn có đủ hai tay, hai chân, hai mắt mà phải vào hỏa ngục. Nói chính xác là ở chữ THÀ......CÒN HƠN.
Có thể nói đây là một lối so sánh và chọn lựa, chứ không phải là chặt hay móc. Nghĩa là, một là ta có đầy đủ hai chân, hai tay, hai mắt mà phải vào hỏa ngục; hai là mất một tay, một chân, một mắt mà được lên thiên đàng, đàng nào tốt hơn, ta hãy so sánh; tùy ta lựa và chọn. Ta sẽ chọn cái nào? Còn Chúa, Chúa chọn “thà mất một tay, một chân, một mắt mà được lên thiên đàng”, vẫn hơn.
Chúng ta sẽ tìm hiểu xem tại sao Chúa lại chọn như vậy. Ta sẽ xem thiên đàng và hỏa ngục là thế nào?
Theo sách Giáo Lý Công Giáo thì : “Ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời; tùy theo đời sống của mình trong tương quan với Đức Ki-tô, linh hồn hoặc phải trải qua một cuột thanh luyện hoặc được hưởng phúc trên trời hoặc sa địa ngục vĩnh viễn”(x. GLCG, số 1022).
Quả thật, đây là nền tảng; là mấu chốt cho vấn đề chúng ta đang bàn. Nếu không có phán xét; không có thưởng phạt đời sau thì chẳng có gì phải bàn. Chết là hết. Có người cho rằng chết là hết. Thế nhưng đó chỉ là một sự lấp liếm; một sự đánh lận con đen, để lừa dối lương tâm mình thôi. Vì nếu chết là hết, thì những hy sinh, những việc làm tốt của mình thì sao? những thiệt thòi mình chịu; những oan ức của mình thì ai sẽ minh oan cho mình đây, chẳng lẽ mọi sự đều đổ sống đổ biển hết sao và như vậy cuộc sống của ta ở trên trần gian đâu có ý nghĩa gì. Cố gắng để làm chi và chịu khó để làm gì?
Quả thật, lúc đó, chúng ta không cần sao kê gì cả, vì các thiên thần đã ghi chép tất cả và Thiên Chúa biết hết mọi sự, ta khỏi cãi, khỏi cần biện hộ chi cả. Thiên Chúa sẽ phán xét từng người đúng tội, đúng công; có bằng chứng hăn hoi; thấu tình đạt lý làm cho chúng ta phải tâm phục khẩu phục.
Vâng, chết vẫn chưa hết. “Chết chỉ là kết thúc cuộc lữ hành trần thế; kết thúc thời gian Thiên Chúa gia ân và thương xót để con người sống cuộc đời trần thế theo ý Chúa và quyết định số phận tối hậu của mình. Khi chấm dứt “cuộc đời trần thế duy nhất này”, chúng ta sẽ không trở lại với những cuộc sống trần thế khác. “Con người chỉ chết một lần, không “đầu thai” sau khi chết”(x. GLCG, số 1013).
Thiên đàng là gì? “Thiên đàng là cuộc sống viên mãn vì được hiệp thông trong sự sống và tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi; với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a; với các Thiên Thần và các thánh. Thiên đàng là mục đích tối hậu và là sự hiện thực các nguyện vọng sâu xa nhất của con người; là tình trạng hạnh phúc tuyệt hảo và chung cuộc”(x. GLCG, số 1024).
“Lên thiên đàng” là “được ở với Đức Ki-tô”. Những người được tuyển chọn “sống trong Người nhưng vẫn giữ hay nói đúng hơn là tìm được căn tính đích thực của mình, danh xưng riêng của mình”(x. GLCG, số 1025). Đây sẽ là câu trả lời cho những ai cho rằng, chết rồi thì chẳng ai biết ai; chẳng ai có tên gì cả. Có nghĩa là dù linh hồn ta có về trời hay vào luyện ngục hay hỏa ngục đi nữa thì linh hồn của ai là của người đó, không lẫn lộn; cũng không hóa ra hư vô. Mình vẫn là mình cách trọn vẹn; cách đầy đủ về căn tính và danh xưng.
Ở trần thế này, “Chúng ta không đủ khả năng hiểu biết và trình bày mầu nhiệm hiệp thông vinh phúc với Thiên Chúa và với tất cả những người ở trong Đức Ki-tô. Khi nói về mầu nhiệm này, Kinh Thánh dùng những hình ảnh như sự sống, ánh sáng, bình an, tiệc cưới, rượu mới trong Nước Trời, Nhà Cha, Thành Giê-ru-sa-lem thiên quốc, thiên đàng”(x. GLCG, số 1027).
Theo thánh Phao-lô thì thiên đàng là “điều mắt chẳng hề thấy; tai chẳng hề nghe và lòng người không hề nghĩ tới. Đó là điều Thiên Chúa dọn sẵn cho những ai yêu mến Người”(x. 1Cor2,9). Có thể nói Thiên đàng là nơi tuyệt hảo, nhưng tuyệt hảo thế nào thì con người chúng ta không thể tưởng tượng được. Thế mới thú vị và tuyệt vời chứ. Chúng ta cứ xem những hình ảnh “như sự sống, ánh sáng, bình an, tiệc cưới, rượu mới trong Nước Trời, Nhà Cha, Thành Giê-ru-sa-lem thiên quốc, thiên đàng” thì chúng ta có thể mường tượng được thiên đàng là thế nào. Ta có muốn lên thiên đàng không !!!
Hỏa ngục là gì? “Hỏa ngục chính là tình trạng con người dứt khoát tự loại trừ khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và chư thánh”(x. GLCG, số 1033). Hình ảnh Chúa Giê-su thường nói về hỏa ngục như là “lửa không hề tắt”(x. Mt 5,22); “lò lửa”(x. Mt13,41-42); “lửa đời đời”(x. Mt 25,41); “nơi tối tăm, ở đó sẽ khóc lóc và nghiến răng”(x. Mt22,13); “chốn cực hình muôn kiếp”(x.Mt 25,31).
Nói tóm, hỏa ngục chính là nơi khốn khổ, khốn cực gấp trăm ngàn lần khổ cực ta chịu trên trần gian này. Điều này được biểu hiện qua hình ảnh của lửa, của tối tăm, của khóc lóc, của nghiến răng. Ai trong chúng ta cũng biết sức nóng của lửa là như thế nào. Ở trong lửa không hề tắt, mà mình cũng không bị thiêu rụi, cứ như ở trên lò than nóng như vậy thì cực khổ biết chừng nào. Thịt nướng, mực nướng, bê thui thì ngon, chứ ta mà bị nướng, bị thui kiểu đó thì tiêu đời rồi; không ngon, không sướng chút nào hết.
Ở những nơi tối tăm, đen thủi đen thui là ghê rợn thế nào. Như người đi trên biển cả, ban ngày thì bị nắng thiêu đốt; cổ thì rát bỏng, có nước đấy nhưng mặn chát không uống được; bên đêm thì lạnh thấu xương; lại còn mênh mông một màu đen thăm thẳm. Cứ như thế mà đời đời kiếp kiếp thì khiếp quá đi chứ! Đó là hình ảnh của hỏa ngục đấy.
“Chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm được sự sống và hạnh phúc hằng khao khát, nên cực hình chính của hỏa ngục là đời đời bị tách khỏi Thiên Chúa”(x. GLCG, số 1035). Bị đời đời tách khỏi Thiên Chúa thì đời đời ta khốn khổ. Đời đời ở bên Chúa thì đời đời ta hạnh phúc.
“Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục” hết(x.GLCG, số 1037). Lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục là do ta quyết định.
Qua những phân tích trên, chúng ta mới thấy Lời Chúa nói và cách Chúa chọn thật chí lý. Đúng là “Thà cụt một tay, cụt một chân, chột một mắt mà vào thiên đàng, còn hơn có đủ hai tay, hai chân, hai mắt mà phải vào hỏa ngục”. Điều này chúng ta có thể hiểu và chấp nhận khi nói: “Thà nghèo mà hạnh phúc còn hơn giàu có mà mỗi người mỗi nơi; mỗi người mỗi niêu”.
Dầu vậy, nhiều người hiểu điều đó nhưng không chấp nhận, họ vẫn thích giàu có hơn là nghèo. Hay nói cách khác, họ “thà có đầy đủ hai tay, hai chân, hai mắt mà vào hỏa ngục, vẫn hơn, là mất một tay, mất một chân; mất một mắt mà vào thiên đàng”. Họ nghĩ giờ có tiền có của, xài sướng cái đã; hạnh phúc tính sau. Đối với họ, có tiền, có của là hạnh phúc. Cũng thế, họ nói, đời này sung sướng cái đã, đời sau tính sau. Kết quả, hạnh phúc không có mà đời sau tính sau thì xuống hỏa ngục rồi.
Sướng được mấy 100 năm mà khổ đời đời và khổ 100 năm mà sướng đời đời thì ta sẽ chọn cái nào đây?
Vậy chúng ta phải khôn ngoan và sáng suốt để lựa và chọn điều gì tốt nhất cho mình. Nếu ta chọn thiên đàng, ta sẽ bị thiệt thòi đôi chút, chứ không phải bị khổ mãi, khổ hoài ở đời này đâu; có nhiều lắm là một nửa thôi. Dầu vậy ta vẫn còn lời chán. Có khác chi “một vốn bốn lời” đâu. Có khác chi “thả con tép mà bắt con tôm”. Con tôm này không phải là tôm thường mà là tôm hùm đấy. Thả con tép mà bắt được con tôm hùm thì ai mà chẳng thả phải không bạn. “Thà cụt một tay, cụt một chân, chột một mắt mà vào thiên đàng, còn hơn có đủ hai tay, hai chân, hai mắt mà phải vào hỏa ngục” chính là “thả con tép mà bắt tôm hùm” đấy.