Nhảy đến nội dung

Trở nên Con Chúa là Quyền lợi và Nghĩa vụ

Lễ Giáng Sinh 2022

Trở Nên Con Chúa là Quyền lợi và Nghĩa vụ

  “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1,14a).

   “Ngôi Lời là Thiên Chúa”(Ga1,1). Ngôi Lời chính là Đức Giê-su Ki-tô: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người; vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người; Người là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật”. Quả thế, “Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê; còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có”(Ga 1, 14b và 17).

   Đức Giê-su Ki-tô là Ngôi Lời Thiên Chúa, ngày hôm nay đã sinh ra vì con người chúng ta. Theo sách Giáo lý thì : “Đức Giê-su được sinh hạ khiêm tốn trong chuồng súc vật, thuộc một gia đình nghèo. Các mục đồng chất phác là những chứng nhân đầu tiên của biến cố. Chính trong cảnh nghèo hèn này mà vinh quang Thiên Chúa được biểu lộ. Hội Thánh không ngừng hoan hỉ hát mừng vinh quang đêm ấy như sau:

    Hôm nay Đức Trinh Nữ hạ sinh Đấng hằng hữu.

   Thế gian dâng tặng hang đá cho Đấng vô biên.

   Thiên Thần và mục đồng ca tụng.

   Đạo Sĩ tiến bước theo ánh sao.

   Bởi Người sinh ra cho chúng con,

   Lạy Chúa Hài Nhi, Chúa Trời Hằng Hữu”(x. GLCG, số 525).

  Quả vậy, con người chúng ta đã “thấy vinh quang của Người. Vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người. Người là Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật”(x.Ga 1,14b). Và “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”(x,Ga1,16). Theo tôi, ơn cao trọng nhất mà con người chúng ta lãnh nhận, đó là ơn làm con

Chúa: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào Danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa”. Họ được sinh ra lần thứ hai, “Không phải do khí huyết; cũng chẳng do ước muốn của nhục thể hoặc do ước muốn (tính dục) của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa”(x. Ga 1, 12,13).

   Mầu nhiệm Giáng Sinh sẽ được thực hiện khi Đức Ki-tô“thành hình” nơi mỗi người chúng ta. Có nghĩa là chúng ta trở nên nhỏ bé như Đức Giê-su sinh ra nơi máng cỏ: “Trở nên trẻ nhỏ, trong tương quan với Thiên Chúa là điều kiện để vào Nước Trời. Muốn được thế, chúng ta cần phải trở nên bé mọn; hơn nữa, còn phải sinh ra từ trên cao; do chính Thiên Chúa sinh ra, để trở nên con cái Thiên Chúa. Mầu nhiệm Giáng Sinh sẽ được thực hiện nơi chúng ta khi Đức Ki-tô “thành hình” nơi chúng ta. Giáng Sinh là mầu nhiệm của việc trao đổi kỳ diệu này:

   Ôi việc trao đổi diệu kỳ! Đấng sáng tạo loài người, đã đoái thương sinh làm con, một Trinh Nữ; đảm nhận một thể xác và linh hồn và đã ban cho chúng ta thiên tính của Người khi làm người mà không cần đến sự can thiệp của con người” (x.GLCG, số 526). Sự trao đổi này có nghĩa là Thiên Chúa đảm nhận thể xác và linh hồn của con người; còn con người chúng ta thì lãnh nhận thiên tính của Thiên Chúa.

    “Thưở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các Ngôn Sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”(x.Dt 1,1-2). “Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, Lời duy nhất, hoàn hảo và dứt khoát của Chúa Cha. Nơi Người Thiên Chúa phán dạy mọi sự và không có Lời nào khác ngoài Lời đó”(x.GLCG, số 65).

   “Để mặc khải chính mình cho loài người, Thiên Chúa đã đoái thương dùng ngôn ngữ loài người mà nói với họ. Lời của Thiên Chúa, diễn đạt bằng ngôn ngữ nhân loại, trở nên giống tiếng nói loài người; cũng như xưa Ngôi Lời của Cha hằng hữu đã trở nên giống như con người khi mặc lấy xác phàm yếu đuối của chúng ta”(x. GLCG, số 101). Quả thật “Qua tất cả các Lời ở trong Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói có Một Lời là Ngôi Lời duy nhất; trong Người, Thiên Chúa nói hết về mình cho nhân loại”(x. GLCG, số 102).

   Thánh Gio-an đã “Thiên Chúa hóa” Ngôi Lời. Nghĩa là coi Ngôi Lời như là một vị Thiên Chúa. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”(x. Ga 1,1). Tức là khi Thiên Chúa có là Ngôi Lời có. “Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa”, nói đúng hơn là Ngôi Lời ở trong Thiên Chúa. Và nói thẳng ra là “Ngôi Lời là Thiên Chúa”. “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành”(x. Ga 1, 3). Thiên Chúa sáng tạo vạn vật bằng Lời của Ngài. Cứ Thiên Chúa phán là có. Thiên Chúa phán: Phải có ánh sáng, là có ánh sáng; phải có một cái vòm, là có vòm; phải có tinh tú, là có tinh tú; phải có cây cỏ và động vật thì có như vậy....(x. St 1, 1-31).

   Theo thánh Hi-pô-ly-tô thì, những gì Thiên Chúa “nghĩ, Thiên Chúa muốn; Ngài phán là thế giới được tạo thành. Ngay lập tức, thế giới hiện hữu như Người muốn và Người đã làm cho chúng nên hoàn hảo theo ý muốn của Người, Và khi Người muốn và theo cách thế Người muốn, Người đã bày tỏ Lời của Người, vào thời gian do chính Người ấn định, chính nhờ Lời đó mà muôn vật được tạo thành”.

   “Ngôi Lời là Ánh Sáng thật”(x.Ga1,9). Ánh Sáng cũng có nghĩa là sự sống : “Sự sống là ánh sáng cho nhân loại”(x. Ga1, 3). Chính Đức Giê-su cũng đã nói: “ Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”(x. Ga 14,6).

   “Ngôi Lời đã trở nên người phàm”(x. Ga1, 14). Ngôi Lời đã làm người như chúng ta. Con người đó đã sinh ra, đã chịu chết; đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa trên thiên đàng.

   Thánh I-rê-nê còn nói mạnh hơn nữa: “Thiên Chúa làm người, để con người làm Chúa”. Đó là ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh. Theo tôi, “Ngôi Lời đã làm (con) người và cư ngụ giữa chúng ta”, thì “chúng ta cũng được làm “Con Chúa” và cư ngụ trên thiên đàng”.

  Vậy chúng ta hãy sống mầu nhiệm Giáng Sinh trong cuộc đời của mình. Mầu nhiệm đó chính là Thiên Chúa đã làm “Con Người”, thì con người chúng ta cũng phải trở nên “Con Chúa”. Đó là quyền và nghĩa vụ của mỗi người chúng ta.

 Lm Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: