07 Phần 07
15- ĐÀO TẠO SỰ THÀNH THẬT
“Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5,33-37)
Cụ Êlêazarô 92 tuổi bị tố cáo là người tin Chúa. Luật Cựu Ước cấm ăn thịt heo. Những người có cảm tình đề nghị cụ chỉ giả vờ ăn thịt heo thôi là sẽ được tha. Thế nhưng cụ nhất quyết không chịu giả vờ. Chuyện tương tự cũng đã xảy ra với Thánh Anrê Kim Thông. Quan Tổng Đốc thương xót tuổi già của ngài nên đã đề nghị: “Ông hãy bỏ đạo đi, cách thầm lén cũng được, rồi trở về gia đình, xưng tội là xong, có thiệt thòi gì đâu?” Thế nhưng ngài đã từ tốn trả lời: “Thạch tín là thuốc độc, uống vào sẽ chết, nhưng cũng có thuốc giải. Tuy vậy, không ai liều mình uống thạch tín bao giờ. Việc chối đạo cũng thế”. Thế là ngài bị kết án lưu đày.
Để giúp cho con cái biết yêu mến sự thật, trước hết trong mọi công việc hằng ngày cha mẹ phải hết sức tôn trọng sự thật. Mọi lời nói và việc làm của cha mẹ đều phải luôn chân thật. Cha mẹ phải luôn luôn nói sự thật với con cái. Đừng bao giờ nói dối chúng, dù chỉ là dối đùa một chút xíu. Phải làm sao để trẻ em thấy có thể hoàn toàn tin lời cha mẹ. Nhờ đó, các em sẽ cởi mở với cha mẹ cách hồn nhiên, sẽ mạnh dạn bày tỏ và bàn hỏi: Các em sẽ sống thành thật và vâng lời.
Cần dạy các em biết thành thật khi làm bài cũng như khi chơi với bạn bè. Chúa Kitô là Sự Thật. Do đó, mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của người môn đệ Ngài phải luôn trong sáng, chân thật.
Cần giúp các em biết luôn sống trong cái nhìn của Chúa. Là những người con tự do của Thiên Chúa, luôn sống trong ánh mắt yêu thương của Ngài, các em sẽ tập cân nhắc phê phán để tự quyết định theo lương tâm của mình, khi nào thấy cần hỏi ý kiến nhà giáo dục trước khi quyết định thì mau mắn hỏi ngay.
Lớn lên trong sự thật, con cái chúng ta sẽ thực sự là những đứa con đầy tự do của Thiên Chúa, không khiếp nhược trước cuộc đời.
16- ĐÀO TẠO SỰ KHIÊM NHƯỜNG
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11,28-30)
Trong thư gửi tín hữu Philipphê, Thánh Phaolô cũng dạy: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,1-3).
Điều thứ nhất trong kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức” là “khiêm nhường chớ kiêu ngạo”, nghĩa là biết nhận mình hèn mọn trước mặt Thiên Chúa, mọi sự đều nhờ bởi ơn Chúa, biết ơn Thiên Chúa và biết ơn mọi người, đồng thời biết chăm chỉ lắng nghe và vâng lời người trên, và biết kính trọng và yêu thương mọi người, trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Noi gương Chúa Kitô, ta chọn phần thấp hèn, bé nhỏ, vì “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23,12). Tránh đừng nói về những thành quả của mình cũng như về những cái hay của gia đình và dòng họ mình. Ham danh là một dạng rất tinh vi của kiêu ngạo. Chạy theo sự khen chê của người đời, ta sẽ dần dần xa Chúa.
“Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình”. Nóng giận chính là không chịu từ bỏ mình, và cũng là còn nô lệ cho sự kiêu ngạo. Người khiêm nhường luôn ôn tồn, nhỏ nhẹ, cử chỉ dịu dàng.
Khiêm nhường còn là biết nhận lỗi, biết chân thành cám ơn và xin lỗi.
Cần nhớ khiêm nhường khác với khiêm tốn. Khiêm tốn là làm ra vẻ nhún nhường bên ngoài, còn đức khiêm nhường Chúa dạy là khiêm nhường trong lòng, là thật lòng nhìn nhận mình chẳng quan trọng gì, chẳng là già cả. Nếu ta có là gì thì đều do ơn Chúa, nên chẳng có lý do nào mà tự mãn, tự hào, chẳng có lý do nào để coi khinh người khác. Chính vì thế, Thánh Nữ Têrêxa Avila định nghĩa rất chính xác: “Khiêm nhường là bước đi trong sự thật”.
17- ĐÀO TẠO LÒNG YÊU MẾN LỜI CHÚA
“Nhờ kết quả của thừa tác vụ giáo dục, qua chứng từ đời sống, cha mẹ là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng cho con cái. Hơn nữa, khi cùng cầu nguyện với chúng, khi cùng với chúng lao mình vào việc đọc Lời Chúa, và khi làm cho chúng sống thân mật trong thân thể Đức Kitô bằng việc khai tâm Kitô giáo, họ trở nên cha mẹ theo nghĩa trọn vẹn, nghĩa là không những họ sinh ra chúng theo sự sống phần xác mà còn theo cả sự sống mà nhờ sự đổi mới của Thần Khí tuôn trào từ thập giá và sự phục sinh của Đức Kitô.” (Tông Huấn Gia Đình, số 39)
Kinh thánh không chỉ đơn thuần là bộ sách do người ta viết ra, nhưng còn là Lời của Thiên Chúa. Chinh vì thế Kinh thánh luôn có giá trị cho mọi người, mọi thời đại. Chính Chúa Thánh Thần đã tác động và soi dẫn cho những người Ngài chọn để họ tùy theo tài năng và cách thế riêng của mình mà viết lên những điều Ngài muốn họ viết ra vì ơn cứu độ chúng ta. Thế nên, Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa nói với con người bằng ngôn ngữ loài người.
Các nghị phụ Công đồng Vaticanô II thiết tha nhắn nhủ mọi Kitô-hữu: “Hãy năng đọc Thánh Kinh”, vì như Thánh Giêrônimô nói, “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”.
Để giúp con em tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh như Công Đồng mong ước, nên liệu cho mỗi em có một quyển Thánh Kinh riêng. Nên chọn những quyển có in những phần dẫn nhập và chú thích vì những phần này sẽ giúp cho ta rất nhiều khi đọc và học hỏi Thánh Kinh.
Hằng ngày nên dành ít phút để đọc Thánh Kinh và đọc theo một lịch trình:
- Hoặc theo niên lịch phụng vụ được ghi trong lịch công giáo (các bài đọc của thánh lễ mỗi ngày).
- Hoặc theo tuần tự các sách trong quyển Thánh Kinh. Khi đọc đến sách nào, nên coi phần dẫn nhập của sách đó trước.
Tận dụng mọi cơ hội để học hỏi thêm về Thánh Kinh: qua lời giảng của linh mục trong thánh lễ, qua các lớp học hỏi về Thánh Kinh, qua đài, qua các sách, báo, phim ảnh về Thánh Kinh hoặc qua các buổi chia sẻ Lời Chúa với nhau.
Mỗi tối Thứ Năm, cả nhà nên cùng nhau tìm hiểu trước đoạn Tin mừng Chúa Nhật sắp tới. Tìm hiểu ý chính và bài học áp dụng, rồi kiểm điểm đời sống dưới ánh sáng đoạn Tin mừng vừa đào sâu. Dành ra ít phút thinh lặng và cầu nguyện để cho Lời Chúa thấm vào lòng. Rồi chọn một câu chính yếu để sống cả tuần.
18- ĐÀO TẠO TINH THẦN HỘI THÁNH
“Việc giáo dục này không những chỉ giúp nhân vị được trưởng thành...nhưng còn nhằm giúp những người rửa tội trong khi họ được hướng dẫn để dần dần hiểu biết mầu nhiệm cứu rỗi, càng ngày càng ý thức hơn về hồng ân đức tin đã nhận lãnh, biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4,23), nhất là qua việc cử hành phụng vụ cũng như được huấn luyện để biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý (Ep 4,22-24), và nhờ vậy, họ đạt tới con người toàn thiện, chín chắn, đạt tới sự sung mãn của Đức Ki-tô (x. Ep 4,13), góp phần làm cho Nhiệm Thể được tăng trưởng.” (Tuyên ngôn về giáo dục Ki-tô giáo, số 2)
Thánh Antôn Nguyễn Đích tử đạo ngày 12-8-1838. Con gái ngài là cô Maria Mến cung khai trước toà điều tra phong chân phước: “Bố tôi tên là Nguyễn Đích, quê ở Chi Long, huyện Nam Sang, tỉnh Nam Định. Ông bà nội tôi vốn có lòng đạo đức, thấy xa nhà thờ có linh mục thì lấy làm tiếc, nên dọn đến làng Kẻ Vĩnh, rồi bố tôi lập gia đình ở đó.”
Về Thánh Tôma Nguyễn Văn Đệ, ta đọc thấy: “Ra đời trong một gia đình công giáo tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình năm 1811, vì lý do sinh kế, anh Tôma Nguyễn Văn Đệ đã theo cha mẹ về xứ Kẻ Mốt (Bắc Ninh) và ở ngay gần nhà thờ. Lớn lên anh theo nghề may và được mọi người yêu chuộng. Anh rất nhiệt tình với việc trong xứ trong họ. Hầu hết cờ quạt và đồ trang hoàng trong nhà thờ và nhà xứ đều nhờ đến bàn tay khéo léo và sáng tạo của anh.” (Thiên hùng sử, tr. 446)
Tinh thần Hội Thánh trước hết là gắn bó với nhà thờ, với trung tâm sinh hoạt của cộng đoàn Dân Chúa và nhiệt tình đóng góp vào sinh hoạt giáo xứ theo khả năng của mình. Tuy nhiên ta cần giúp các cháu có cái nhìn rộng hơn, quan tâm đến Giáo Phận của mình và Giáo Hội Toàn Cầu. Cần giúp các cháu biết đồng cảm với Hội Thánh, qua những tin tức về sinh hoạt Dân Chúa tại giáo xứ, cũng như những nơi khác trong giáo phận, trên đất nước Việt Nam và trên toàn thế giới.
19- ĐÀO TẠO TINH THẦN PHỤNG VỤ
“Như Công Đồng Vaticanô II đã tái xác nhận thật rõ giữa kinh nguyện của Giáo Hội và kinh nguyện của mỗi tín hữu có một tương quan sâu xa và sống động. Bởi vậy, mục đích quan trọng của kinh nguyện trong giáo hội tại gia là bước dẫn nhập tự nhiên cho trẻ em đi vào kinh nguyện phụng vụ của toàn thể Giáo Hội, vừa chuẩn bị chúng đi vào kinh nguyện phụng vụ vừa mở rộng việc kinh nguyện này vào trong lãnh vực của đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Do đó cần phải có sự tham dự của mọi thành phần trong gia đình Kitô hữu vào bí tích Thánh Thể, nhất là ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng, cũng như tham dự vào các bí tích khác, cách riêng là bí tích khai tâm Kitô giáo cho trẻ em.
Để chuẩn bị và kéo dài ngay tại nhà mình việc phụng tự được cử hành ở nhà thờ, ngoài kinh nguyện sáng tối, các gia đình cũng được tha thiết khuyên bảo nên đọc và suy niệm Lời Chúa, chuẩn bị cho các bí tích, tôn sùng và tận hiến cho Trái Tim Chúa Giêsu, sùng kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a với những hình thức khác nhau, cầu nguyện khi ăn cơm và thực hành các việc đạo đức bình dân”. (Tông Huấn Gia Đình, số 61)
Thánh Nữ Anê Lê Thị Thành tử đạo ngày 12-7-1841. Khi con bà là cô Lucia nụ đến thăm trong ngục, bà khuyên: “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước thiên đàng.”
Để giúp con cái yêu thích tham dự thánh lễ, cha mẹ cần tập cho chúng quen đi lễ từ nhỏ, thánh lễ Chúa Nhật, và nếu được, cả thánh lễ ngày thường. Hơn nữa, cần chỉ dạy các cháu biết chuẩn bị thánh lễ Chúa Nhật từ những ngày cuối tuần, từ giặt ủi quần áo, cắt móng tay, cho đến đọc trước bài Tin Mừng Thánh Lễ. Nếu được, vào tối Thứ Năm, cả nhà cùng đọc Tin Mừng Chúa Nhật sau đó và cùng chia sẻ. Cũng cần nhắc nhở về tác phong tham dự thánh lễ. Để giúp các cháu ý thức luật kiêng việc xác ngày Chúa Nhật, cần nhắc nhở mọi người trong nhà thu xếp làm xong mọi việc vào ngày Thứ Bảy để Chúa Nhật có thể nghỉ ngơi. Khi hòan cảnh cho phép, thỉnh thoảng nên tổ chức cho cả nhà đi chơi hoặc đi thăm bà con vào ngày Chúa Nhật.
Hằng tháng, cần nhắc các cháu xưng tội. Nhắc cho các cháu khi bắt đầu một mùa phụng vụ mới và bố trí sinh họat gia đình theo tinh thần mùa phụng vụ, như dọn hang đá, ăn chay kiêng thịt, viếng nhà thờ, viếng nghĩa trang… Mỗi lần có thể được, nên thu xếp để cả nhà cùng tham dự phụng vụ với nhau, và nhiều sáng kiến khác như thế.
Ở số 21, Tông Huấn về Gia Đình còn nhắc ta rằng: “Cách riêng việc tham dự vào bí tích giao hòa và bàn tiệc Mình Thánh Chúa Kitô sẽ đem lại cho gia đình Kitô hữu ơn sủng cần thiết và tinh thần trách nhiệm tương xứng để thắng vượt tất cả mọi chia rẽ, bước tới sự hiệp thông đích thực và trọn vẹn mà Thiên Chúa muốn, và như thế là đáp lại nỗi ước mong nồng nàn của Chúa là “xin cho tất cả được nên một” (Ga 17,21).
20- ĐÀO TẠO TINH THẦN TRUYỀN GIÁO
“Tương lai việc truyền giảng Tin mừng tuỳ thuộc phần lớn nơi Hội thánh tại gia. Sứ mạng tông đồ ấy của gia đình bắt nguồn từ phép rửa tội và đã nhận được nơi bí tích hôn phối một sức đẩy mới để truyền đạt đức tin, để thánh hóa và biến đổi xã hội hiện tại theo ý Thiên Chúa” ((Tông Huấn về Gia Đình, số 52)).
Đầu thập niên 1980, Giáo Hội Công Giáo Nam Triều Tiên đưa ra một chiến dịch truyền giáo, mời gọi mỗi gia đình Công Giáo tìm cách đưa v ề cho Chúa một người. Chiến dịch đã đạt kết quả cao. Năm 2010, dân số Công giáo tại Nam Triều Tiên đã vượt hơn 5,4 triệu người - tức khoảng 11% dân số. Hiện nay tỷ lệ người Công giáo so với dân số Nam Triều Tiên đã cao hơn tỷ lệ người Công giáo so với dân số toàn quốc tại Việt Nam.
Điều gì sẽ xảy ra cho Giáo Hội Việt Nam nếu mỗi năm mỗi gia đình đem lại cho Chúa một tín hữu mới?
Hội thánh đã được Chúa thiết lập làm dụng cụ cứu rỗi nên chỉ ở trong Hội thánh mới có những phương tiện hữu hiệu cho việc cứu rỗi như các bí tích, lời giảng huấn, sự hướng dẫn, chỉ ở trong Hội thánh người ta mới được đón nhận trọn vẹn Chúa Thánh Thần, được kết hợp với Đức Kitô là Đầu và được nên con cái tự do của Thiên Chúa Cha. Hội thánh cho con người cơ hội và giúp con người điều kiện để nắm chắc được sự cứu rỗi. Chính vì thế, mọi phần tử đã gia nhập Hội thánh đều được kêu gọi lưu tâm lo lắng giúp anh chị em mình gia nhập Hội Thánh là Dân Thiên Chúa để được cứu rỗi, được nên thánh.
Có lẽ đa số gia đình công giáo còn tiêu cực trong việc truyền giáo. Nhiều gia đình công giáo sống rất tốt, được bà con người lương ở lối xóm quý mến nể phục, thế nhưng dường như họ ngại nói về Chúa Giêsu, không dám nói hoặc không biết cách nói.
Người công giáo thường ngạc nhiên trước sự nhiệt thành của anh chị em Tin Lành. Không những nhiệt thành, họ còn chăm học hỏi Lời Chúa và học cách truyền giáo rất kỹ lưỡng để có khả năng rao giảng Tin mừng. Đa số các gia đình Tin Lành đều biết cách giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác. Đó là một tấm gương đáng cho người công giáo suy nghĩ. Ước gì mỗi gia đình công giáo cũng là một gia đình truyền giáo, để đáp ứng điều Hội thánh mong đợi.